Chẩn đoán, điều trị và cách phòng ngừa hội chứng Stevens-Johnson

Để chẩn đoán xác định, một mẫu da nhỏ có thể được lấy ra (sinh thiết) để để kiểm tra mô bệnh học trong phòng thí nghiệm.
Nguyễn Thị Thắm
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thắm.28/04/2021

Ở bài viết trước, chúng ta đã biết Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) và hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN) là những phản ứng có hại nặng trên da, mà nguyên nhân chủ yếu là do thuốc và những điều này thường liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao.

Thế chẩn đoán, các phương pháp điều trị của hội chứng Stevens Jonson như thế nào? Và có cách nào để bạn và gia đình phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này không? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Bài viết được dịch và biên tập bởi Bác Sĩ Đan Thanh, đánh giá và duyệt nội dung bởi TH.S Công Nghệ Sinh Học Nguyễn Thị Thắm. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chẩn đoán hội chứng Stevens-Johnson

Hội chứng Stevens-Johnson nên được chẩn đoán bởi bác sĩ da liễu.

Chẩn đoán thường dựa trên sự kết hợp của các yếu tố sau:

  • Tiền sử dùng thuốc trước khi bắt đầu các triệu chứng khoảng 14 ngày, nhưng nếu tiếp xúc lại với thuốc đã dùng trước đó có thể dẫn đến khởi phát các triệu chứng sớm hơn - trong khoảng 48 giờ.
  • Sốt khởi phát cấp tính.
  • Phát ban gây đau, tiến triển nhanh chóng.
  • Các nốt ban đỏ, lan tỏa tiến triển thành mụn nước.
  • Viêm niêm mạc miệng, mắt hoặc bộ phận sinh dục với những vết ăn mòn niêm mạc gây đau.
  • Hoại tử và bong tróc lớp biểu bì ở các mức độ khác nhau.

Để chẩn đoán xác định, một mẫu da nhỏ có thể được lấy ra (sinh thiết) để để kiểm tra mô bệnh học trong phòng thí nghiệm.

Ngoài ra, còn nhiều xét nghiệm khác có thể cần thực hiện tùy theo tình trạng của mỗi người bệnh, như:

  • Công thức máu, xét nghiệm sinh hóa, tốc độ lắng máu và CRP.
  • Cấy vi khuẩn và nấm từ tổn thương niêm mạc. Do nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn và nhiễm trùng huyết cao ở những bệnh nhân này, nên cấy lặp lại trong suốt giai đoạn cấp tính của bệnh.
  • Ở trẻ em, xét nghiệm xem có nhiễm M. pneumoniae trong giai đoạn đầu và ba tuần sau đó.
  • Chụp X quang phổi, do nguy cơ cao bị viêm phổi và viêm phổi kẽ.

Chẩn đoán, điều trị và cách phòng ngừa hội chứng Stevens-Johnson

(Nguồn: stevensjohnsonsyndromescotland.com)

Điều trị hội chứng Stevens-Johnson

Nếu nghi ngờ có hội chứng Stevens-Johnson, người bệnh sẽ được chuyển ngay đến bệnh viện để điều trị. Thời gian nằm viện trung bình khoảng 2-4 tuần. Nếu không điều trị, các triệu chứng có thể trở nên rất nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.

Các trường hợp hội chứng Stevens-Johnson nặng cần được điều trị tại đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc đơn vị bỏng.

Bước đầu tiên trong điều trị là ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào có thể gây ra hội chứng Stevens-Johnson. Việc xác định loại thuốc gây bệnh là rất cần thiết vì việc ngừng thuốc sớm có thể cải thiện tiên lượng của bệnh nhân. Ngoài ra, việc xác định loại thuốc gây bệnh là điều tối quan trọng để ngăn ngừa tái mắc bệnh lại sau này.

Nhưng đôi khi có thể khó xác định loại thuốc nào gây ra, vì vậy có thể khuyến cáo dừng tất cả các loại thuốc không cần thiết.

  • Điều trị để giảm các triệu chứng khi người bệnh nằm viện có thể bao gồm: 
  • Thuốc giảm đau mạnh - giúp làm dịu cơn đau của vùng da tổn thương
  • Thay thế điện giải bị mất bằng dịch truyền tĩnh mạch
  • Corticosteroid uống hoặc thoa tại chỗ để kiểm soát tình trạng viêm da
  • Kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng
  • Thuốc nhỏ mắt giảm các triệu chứng liên quan đến mắt
  • Trong một số trường hợp, có thể phải cần điều trị với immoglobulin truyền tĩnh mạch, cyclosporin, steroid hoặc ghép màng ối (cho mắt)
  • Gạc ẩm, mát được giữ trên da - da chết có thể được loại bỏ nhẹ nhàng và băng vô trùng lên vùng bị thương
  • Thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm đơn giản (không mùi) cho da
  • Dùng thức ăn có hàm lượng calo cao, có thể thu nhận chất lỏng và dinh dưỡng qua một ống dẫn qua mũi vào dạ dày của người bệnh (ống thông mũi dạ dày), để thúc đẩy quá trình chữa bệnh
  • Nước súc miệng có chứa chất gây tê hoặc chất khử trùng - làm tê miệng tạm thời và giúp bệnh nhân nuốt dễ dàng hơn
  • Lưu ý điều trị phải tuân theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa

Một khi nguyên nhân của hội chứng Stevens-Johnson đã được nhận diện và điều trị thành, phản ứng trên da sẽ giảm dần và cuối cùng dừng lại. Da mới có thể bắt đầu mọc lại sau vài tuần.

Nhưng khoảng thời gian cần thiết để hồi phục sau hội chứng Stevens-Johnson sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng và đôi khi có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng để hồi phục hoàn toàn. Thông thường bệnh nhân sẽ cảm thấy người mệt mỏi, uể oải và thiếu năng lượng trong vài tuần sau khi xuất viện.

Nếu nguyên nhân là do tác dụng phụ của thuốc, điều quan trọng là cần tránh dùng lại thuốc đó và có thể là kể cả các loại thuốc cùng nhóm trong suốt phần đời còn lại.

Các biến chứng của hội chứng Stevens-Johnson

Trong những trường hợp nặng với da bong tróc nhiều, các biến chứng cấp tính bao gồm mất nước và rối loạn điện giải, sốc giảm thể tích do suy thận, nhiễm khuẩn huyết, kháng insulin, tình trạng tăng chuyển hóa và rối loạn chức năng đa cơ quan. 

SJS dẫn đến tử vong ở 10% bệnh nhân và 30% ở người bị TEN - phần lớn là do nhiễm trùng huyết, hội chứng suy hô hấp cấp và suy đa cơ quan.

Ngoài những biến chứng nặng và đe dọa tính mạng trên, hội chứng Stevens-Johnson còn có thể gây ra một số biến chứng khác, bao gồm:

  • Những thay đổi ở da: vùng da đó có thể không đều màu; đôi khi có thể để lại dấu vết sẹo, kèm khô và ngứa.
  • Nhiễm trùng da thứ phát (viêm mô tế bào) - có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn, như nhiễm khuẩn máu (nhiễm trùng huyết)
  • Viêm các cơ quan: viêm phổi, viêm cơ tim, viêm thận hoặc viêm gan, và thực quản cũng có thể bị hẹp và có sẹo thực quản
  • Mắt: trong trường hợp nhẹ, có thể gây kích ứng, sưng và khô mắt, sợ ánh sáng hoặc trong trường hợp nặng có thể dẫn đến loét giác mạc, viêm màng bồ đào và có thể bị mù.
  • Các vấn đề với cơ quan sinh dục, như hẹp âm đạo (âm đạo thu hẹp do tích tụ mô sẹo) và sẹo ở dương vật, đi tiểu khó khăn. 
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Mất hoặc biến dạng móng
  • Rụng tóc

Phòng ngừa hội chứng Stevens-Johnson

Nếu bạn đã từng bị SJS do tác dụng bất lợi của thuốc, hãy:

  • Báo cho nhân viên y tế mỗi lần khám bệnh 
  • Biết tên loại thuốc gây ra chứng SJS của bạn 
  • Tránh dùng nó hoặc bất kỳ loại thuốc nào giống như nó

Bên cạnh đó, bạn sẽ được tư vấn các triệu chứng và dấu hiệu nhận diện sớm bệnh để điều trị càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, thường không có cách nào để biết bạn sẽ phản ứng như thế nào với một số loại thuốc - ngay cả những loại thuốc mà bác sĩ kê đơn. Nếu bạn là người gốc Trung Quốc, Đông Nam Á hoặc Ấn Độ, bạn có thể nên thử nghiệm di truyền trước khi dùng các loại thuốc được biết là có nguy cơ gây ra hội chứng Stevens-Johnson, như carbamazepine và allopurinol, …

Xét nghiệm sẽ giúp xác định xem bạn có mang các gen đột biến (HLA B1502, HLA B1508) có liên quan đến SJS khi dùng những loại thuốc này hay không.

Nguồn tham khảo:

  • https://www.uptodate.com/contents/stevens-johnson-syndrome-and-toxic-epidermal-necrolysis-pathogenesis-clinical-manifestations-and-diagnosis
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17656-stevens-johnson-syndrome  
  • https://www.nhs.uk/conditions/stevens-johnson-syndrome/
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3