Điều trị và phòng ngừa cúm A cho trẻ như thế nào?

Cúm A là một loại bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, đặc biệt là trẻ em.
Bùi Thanh Nhân
Tác giả bài viết: Bùi Thanh Nhân.08/04/2021

Cúm A là một loại bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, hiểu biết về điều trị và phòng ngừa cúm A là cần thiết cho mỗi bậc cha mẹ có con nhỏ. Bài viết được dịch và biên tập bởi Bác Sĩ Minh Hiếu, đánh giá và duyệt nội dung bởi TH.S Công Nghệ Sinh Học Thanh Nhân. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Làm gì khi trẻ mắc cúm A?

Điều trị cúm A phụ thuộc vào triệu chứng, tuổi và tình trạng sức khỏe chung của con bạn. Nó cũng ảnh hưởng bởi mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Mục tiêu của điều trị là ngăn ngừa và làm giảm triệu chứng.

● Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đầy đủuống nhiều nước, có thể chia nhỏ bữa ăn thành nhiều cữ, đủ chất dinh dưỡng.

● Nếu trẻ bị sốt, hãy mặc quần áo nhẹ và giữ nhiệt độ phòng khoảng 20⁰C.

● Điều trị có thể bao gồm các thuốc:

Acetaminophen: Sử dụng khi trẻ sốt trên 38,5⁰C giúp hạ sốt và giảm đau nhức cơ thể. Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể sử dụng Ibuprofen. Nên dùng thuốc cách nhau mỗi 4-6 giờ, liều lượng theo khuyến cáo trên nhãn hướng dẫn sử dụng hoặc theo đơn bác sĩ cho đến khi thân nhiệt của trẻ giảm xuống. Không sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ bị cúm vì có thể dẫn đến tổn thương não và gan (hội chứng Reye).

Thuốc ho: Không nên cho trẻ dưới 6 tuổi uống thuốc ho và thuốc cảm mà không có sự kê đơn của bác sĩ.

Thuốc kháng vi rút: Giúp giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian bệnh. Thuốc kháng vi rút có thể đặc hiệu cho một số loại vi rút, tuy nhiên những thuốc hiện tại không điều trị đặc hiệu cho vi rút cúm nên những thuốc này không chữa được bệnh cúm. Nên bắt đầu trong 2 ngày sau khi khởi phát triệu chứng. Thuốc thường được sử dụng ở bệnh nhân nặng hoặc tiên lượng nặng và cần được chỉ định bởi bác sĩ.

● Thuốc kháng sinh không có hiệu quả để chống lại bệnh do vi rút. Thay vào đó, điều trị nên tập trung vào việc giúp giảm bớt các triệu chứng của con bạn cho đến khi bệnh qua khỏi. 

● Ho giúp làm sạch chất nhầy trong đường hô hấp. Nhiều sản phẩm trị ho chứa thuốc để làm dịu cơn ho. Thông thường chúng bao gồm dextromethorphan và/hoặc diphenhydramine. Hầu hết các nghiên cứu về thuốc này thực hiện ở người lớn. Một số ít thực hiện ở trẻ em cho thấy không có ích lợi.

● Súc miệng bằng nước ấm có thể làm dịu cơn đau họng. Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể ngậm kẹo cứng an toàn mà không bị sặc nên có thể sử dụng kẹo ngậm có chứa mật ong, thảo mộc hoặc pectin. Trẻ nhỏ không nên sử dụng viên ngậm cho chứa các loại thuốc làm tê cổ họng (như dyclonine, benzocaine, hexylresorcinol, menthol và phenol) vì có thể khiến trẻ khó nuốt. 

Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về nguy cơ, lợi ích và các tác dụng phụ có thể có của thuốc.

Điều trị và phòng ngừa cúm A cho trẻ như thế nào?

Nguồn ảnh: https://atune.com.au/7-nutrients-to-blow-the-flu-away 

2. Biến chứng do cúm A gây ra có nặng không?

Hầu hết những người khỏe mạnh đều bình phục sau bệnh cúm A mà không gặp bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Sốt và đau nhức cơ thường chỉ kéo dài từ 2-4 ngày, nhưng ho và mệt mỏi có thể tiếp tục kéo dài từ 1-2 tuần hoặc hơn.

Ở trẻ nhỏ, nhiễm cúm A có thể gây ra bệnh lý hô hấp (nhiễm trùng cổ họng và dây thanh âm gây khàn tiếng, ho khan, thở mệt), viêm phổi (nhiễm trùng các đường dẫn khí nhỏ gây khò khè, khó thở).

Cúm A có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn gây viêm tai giữa, viêm phổi, viêm xoang.

Bệnh cúm A thường có triệu chứng nặng hơn ở trẻ dưới 2 tuổi và trẻ mắc một số bệnh mạn tính như tim, phổi hoặc các vấn đề thần kinh do sức đề kháng của những trẻ này thường kém hơn.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh cúm có thể ảnh hưởng đến não hoặc tim.

3. Khi nào con bạn cần chăm sóc y tế?

Riêng đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, bố mẹ gọi ngay cho bác sĩ hoặc đưa trẻ tới phòng cấp cứu khi con bạn có biểu hiện:

  • Khó thở
  • Không ăn hoặc nôn ói
  • Sốt với nhiệt độ đo trực tràng 38.5⁰C trở lên

Trong những trường hợp khác, hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc đưa trẻ tới phòng cấp cứu khi con bạn có dấu hiệu sau:

  • Thở gấp hoặc dường như đang cố gắng thở.
  • Đau ngực hoặc ho ra đờm có máu
  • Ho dữ dội, có thể sặc hoặc nôn mửa.
  • Uống rất ít nước và không đi tiểu ít nhất 6 giờ một lần ban ngày, nôn trong hơn 4 giờ hoặc tiêu chảy nặng
  • Buồn ngủ nhiều hơn bình thường, không muốn bú hoặc chơi, quấy khóc ngay cả khi được dỗ dành.
  • Triệu chứng không cải thiện sau 5 ngày, hoặc đang ổn định thì sốt tăng lên hoặc có biểu hiện triệu chứng mới hoặc trẻ bị cúm có bệnh lí mạn tính nặng.

Mang trẻ đi cấp cứu ngay lập tức nếu có biểu hiện:

  • Khó thở nghiêm trọng hoặc môi tái.
  • Khập khiễng hoặc không di chuyển.
  • Khó thức dậy hoặc không đáp ứng khi lay gọi.
  • Cổ cứng.
  • Lơ mơ, lú lẫn.
  • Co giật.

4. Phòng ngừa cúm A cho con bạn như thế nào?

 Điều trị và phòng ngừa cúm A cho trẻ như thế nào?

Nguồn ảnh: https://www.parents.com/baby/health/are-flu-shots-safe-for-babies/ 

Cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm là sử dụng vaccine cúm hàng năm. Vaccine cúm được sử dụng dưới dạng tiêm chích hoặc xịt mũi. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC cho biết dữ liệu từ ba mùa cúm 2013-2016 cho thấy thuốc xịt không hiệu quả bằng thuốc tiêm, đặc biệt là đối với cúm A H1N1. Do đó, thuốc xịt mũi không được khuyến cáo cho cúm mùa 2017-2018.

Do các chủng cúm thay đổi hàng năm nên các nhà phát triển vaccine sẽ dựa trên công thức của họ để dự đoán chủng nào sẽ xuất hiện trong năm tới. Và sau 2 năm gián đoạn, CDC đã một lần nữa đưa vaccine cúm dạng xịt mũi vào các khuyến cáo sử dụng vaccine hàng năm. Hiện nay, hiệu quả về việc sử dụng vaccine dạng chích hay xịt mũi vẫn còn tranh cãi. Một số tổ chức cho rằng thuốc dạng xịt mũi hiệu quả hơn, nhưng một số khác như Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ APP thì nghiêng về vaccine dạng chích.

Mỗi năm, một loại vắc xin mới được cung cấp trước khi bắt đầu mùa cúm. Bắt đầu chích ngừa cúm cho trẻ từ 6-8 tháng tuổi trở lên càng sớm càng tốt. Sau mũi đầu tiên cần tiêm mũi thứ hai sau đó 1 tháng, và nên tiêm nhắc lại hàng năm.

Chủng ngừa được khuyến cáo cho tất cả các trẻ em, đặc biệt là những trẻ mắc bất cứ bệnh lý nào sau đây:

  • Bệnh lý tim, phổi lâu dài.
  • Rối loạn nội tiết như đái tháo đường.
  • Bệnh lý gan, thận.
  • Suy yếu hệ thống miễn dịch như HIV/AIDS hoặc sử dụng các thuốc steroid lây dài.
  • Bệnh lý huyết học như hồng cầu hình liềm. 

Bố mẹ cũng nên chủ động tiêm phòng cho những trẻ có:

  • Một thành viên trong gia đình bị bệnh mãn tính.
  • Có sử dụng aspirin như một biện pháp lâu dài.
  • Cha mẹ hoặc người chăm sóc có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm

Vắc xin có một số tác dụng phụ có thể giống như các triệu chứng của cúm nhẹ, nhưng vắc xin không gây ra bệnh cúm. Các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc chủng ngừa cúm bao gồm:

  • Đau nhức cánh tay nơi tiêm thuốc.
  • Các triệu chứng ngắn hạn như: nhức đầu nhẹ, sốt nhẹ trong khoảng 1 ngày sau khi tiêm.
  • Trong một số trường hợp hiếm hoi, phản ứng dị ứng ở trẻ bị dị ứng nặng với trứng gà. Nên thông báo trẻ bị dị ứng trứng gà nếu có để được cung cấp thuốc chủng ngừa tránh gây dị ứng.

Ngoài chủng ngừa cúm, các bậc phụ huynh có thể áp dụng các biện pháp khác để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cúm cho con:

  • Hạn chế cho con tiếp xúc với những người nhiễm cúm, nếu có thể được.
  • Cho con bạn rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ít nhất 20 giây hoặc dung dịch rửa tay nhanh chứa cồn.

Và bạn có thể giúp ngăn ngừa con mình lây bệnh cho người khác bằng cách: 

  • Hạn chế cho con nhiễm cúm tiếp xúc với trẻ khác hoặc người xung quanh để giảm lây nhiễm vi rút, nếu có thể được.
  • Cho trẻ che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi. Sử dụng khăn giấy để che hoặc ho, hắt hơi vào cánh tay.
  • Rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ.
  • Làm sạch các bề mặt khác trong nhà mà người khác có thể chạm vào.

Nguồn tham khảo

  1. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/influenza/influenza-flu-in-children 
  2. https://www.cdc.gov/flu/about/index.html 
  3. https://www.caringforkids.cps.ca/handouts/health-conditions-and-treatments/influenza_in_children 
  4. https://www.health.com/condition/cold-flu-sinus/flu-vaccine-nasal-spray 
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3