Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) là gì? Triệu chứng và nguyên nhân

Nếu mắc hội chứng WPW, tim của bạn đôi lúc đột ngột đập nhanh lên, sau đó chậm lại hoặc dừng đột ngột.
Nguyễn Thị Thắm
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thắm. Bác sĩ tham vấn: ThS.BS Nguyễn Ngô Thanh Phương26/04/2021

Bài viết được dịch và biên tập bởi Bác Sĩ Đan Thanh, đánh giá và duyệt nội dung bởi TH.S Công Nghệ Sinh Học Nguyễn Thị Thắm. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hội chứng Wolff-Parkinson-White là gì?

Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) là tình trạng có thêm một đường dẫn truyền điện trong tim dẫn đến cơn nhịp tim nhanh (tachycardia) và là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các vấn đề về nhịp tim nhanh ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. 

Mặc dù bất thường trong tim này xuất hiện ngay từ khi trẻ mới sinh (bẩm sinh), nhưng các triệu chứng có thể không biểu hiện ra cho đến giai đoạn sau của cuộc đời. Nhiều trường hợp được chẩn đoán ở những người trẻ khỏe mạnh. Sau đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm về rối loạn kỳ lạ này nhé!

Hội chứng WPW có nghiêm trọng không?

Dù là một vấn đề tim, nhưng may mắn là hội chứng WPW thường không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Nhiều bệnh nhân sẽ không có triệu chứng gì hoặc chỉ thỉnh thoảng biểu hiện những đợt tim đập nhanh nhẹ. Khi được điều trị, hội chứng này có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Tuy nhiên, hội chứng WPW đôi khi có thể đe dọa tính mạng người bệnh, đặc biệt nếu nó xảy ra đồng thời với một loại rối loạn nhịp tim không đều gọi là rung nhĩ. Nhưng tình trạng này thường rất hiếm.

Triệu chứng của hội chứng WPW

Nếu mắc hội chứng WPW, tim của bạn đôi lúc đột ngột đập nhanh lên, sau đó chậm lại hoặc dừng đột ngột. Nhịp tim nhanh này được gọi là nhịp tim nhanh trên thất (Supraventricular tachycardia - SVT).

Trong cơn nhịp nhanh tim đó, bạn có thể có các triệu chứng như:

  • Tim đập thình thịch, hồi hộp
  • Cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt
  • Cảm thấy hụt hơi, tức ngực
  • Vã mồ hôi
  • Tâm trạng lo lắng, hoảng sợ
  • Ngất xỉu

Tần suất và thời gian mỗi cơn nhịp nhanh xảy ra khác nhau ở mỗi người. Một số bệnh nhân có thể bị các cơn này hàng ngày, trong khi người khác có thể chỉ xảy ra một vài lần trong năm.

Đôi khi người bệnh không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào và chỉ có thể được phát hiện tình cờ qua kiểm tra điện tâm đồ (ECG) vì một tình trạng khác.

Hơn nữa, cơn rối loạn nhịp này thường xảy ra ngẫu nhiên và không xác định rõ được yếu tố nào gây ra, đôi khi chúng có thể được kích hoạt do tập thể dục gắng sức, uống nhiều rượu bia hoặc caffeine.

Khi nào thì bạn cần đến khám bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu tim của bạn tiếp tục đập nhanh mà không về lại tốc độ bình thường. Cụ thể, nếu có các triệu chứng sau:

  • Nhịp tim không trở lại bình thường trong vài phút
  • Đau ngực kéo dài hơn 15 phút - có thể kèm đau ở cánh tay, lưng hoặc hàm
  • Đau ngực và các triệu chứng khác như cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, khó thở hoặc vã mồ hôi
  • Một người mắc WPW ngất xỉu và chưa tỉnh lại

Nếu đã được chẩn đoán mắc hội chứng WPW và đang gặp phải một cơn rối loạn nhịp, trước hết bạn hãy thử thực hiện các kỹ thuật đã được hướng dẫn hoặc dùng bất kỳ loại thuốc nào đã được kê toa. Sau đó đến phòng cấp cứu gần nhất nếu các biện pháp trên không kiểm soát được cơn rối loạn nhịp trong vòng vài phút.

Bên cạnh đó, cần trao đổi với chuyên gia y tế về việc có nên kiểm tra sự di truyền bệnh này trong các thành viên trong gia đình bạn hay không.

Nguyên nhân gây ra hội chứng WPW?

Khi tim đập, các cơ tim sẽ co lại để đẩy máu ra ngoài và đi khắp cơ thể. Sau đó, các cơ sẽ thư giãn, giúp tim được bơm đầy máu trở lại. Những sự kiện trên được điều khiển bởi các tín hiệu dẫn truyền điện trong tim. 

Thông thường, các tín hiệu điện đi theo một con đường nhất định trong tim giúp tim đập nhịp nhàng và đều đặn.

Hội chứng WPW làm xuất hiện thêm một dẫn truyền điện trong tim, cho phép các tín hiệu điện bắc cầu qua khỏi tuyến đường thông thường. Điều này làm các tín hiệu điện truyền đi và vòng trở lại theo một vòng lặp, gây ra các cơn rối loạn nhịp nhanh của tim.

Người ta vẫn chưa biết chính xác tại sao điều này lại xảy ra. Một số báo cáo đã phát hiện là WPW có tính di truyền trong gia đình.

Chẩn đoán hội chứng WPW

Hội chứng WPW có thể được chẩn đoán từ đo điện tâm đồ (electrocardiogram - ECG) và nên được điều trị bởi bác sĩ tim mạch.

Điện tâm đồ gồm các điện cực nhỏ được dán vào tay, chân, ngực và được kết nối bằng dây với máy điện tâm đồ. Máy sẽ ghi lại ghi lại nhịp tim và hoạt động điện tim của bạn.

Đôi khi để chẩn đoán xác định, bạn có thể được yêu cầu đeo một máy ghi điện tâm đồ nhỏ cầm tay để có thể ghi lại nhịp tim của bạn trong một vài ngày (Holter 24h).

Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) là gì? Triệu chứng và nguyên nhân

(Nguồn: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17643-wolff-parkinson-white-syndrome-wpw)

Điều trị hội chứng WPW

Trong nhiều trường hợp, các cơn hoạt động tim bất thường do hội chứng WPW là vô hại, không kéo dài và tự khỏi mà không cần điều trị gì.

Do đó, bạn có thể không cần điều trị nếu các triệu chứng nhẹ hoặc thỉnh thoảng mới xảy ra. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng tim mạch của mình.

Các phương pháp cho hội chứng WPW gồm điều trị để ngừng các cơn nhịp nhanh khi chúng đang xảy ra hoặc ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp xảy ra trong tương lai.

Dừng một cơn nhịp nhanh đang diễn ra

Thao tác phế vị: kích thích thần kinh làm chậm các tín hiệu điện trong tim của bạn. Thao tác Valsalva là một ví dụ (giữ mũi, ngậm miệng và thở ra mạnh như đang gắng sức để đi vệ sinh).

Thuốc - có thể tiêm adenosine tại bệnh viện nếu thao tác phế vị không có tác dụng. Nó có thể chặn các tín hiệu điện bất thường trong tim.

Sốc điện (Cardioversion) - liệu pháp giúp nhịp tim trở lại bình thường khi các phương pháp điều trị nội không hiệu quả.

Ngăn chặn các cơn nhịp tim nhanh trong tương lai

Thay đổi lối sống – tránh yếu tố làm kích hoạt cơn nhịp nhanh như tập thể dục gắng sức hoặc uống rượu.

● Thuốc chống loạn nhịp tim như procainamide hoặc amiodarone, có thể được sử dụng để kiểm soát hoặc ngăn ngừa nhịp tim nhanh.

● Đốt điện (catheter ablation): thủ thuật này thường được sử dụng ngày nay để phá hủy đường dẫn truyền phụ trong tim. Phương pháp này có thể chữa khỏi bệnh này ở hầu hết trường hợp. Tỷ lệ thành công dao động từ 85% - 95% tùy thuộc vào vị trí và số lượng đường dẫn truyền phụ.

● Phẫu thuật tim hở để đốt hoặc đóng băng đường dẫn truyền phụ cũng có thể giúp chữa khỏi vĩnh viễn hội chứng WPW. Trong hầu hết các trường hợp, thủ thuật này chỉ được thực hiện kèm theo nếu bạn cần phẫu thuật tim vì những lý do khác.

Hình thức nặng nhất của nhịp tim nhanh là rung thất (Ventricular fibrillation - VF), có thể nhanh chóng dẫn đến sốc hoặc tử vong. Đôi khi nó có thể xảy ra ở những người bị WPW, đặc biệt nếu có rung nhĩ đi kèm (Atrial fibrillation - AF). Loại nhịp tim nhanh này cần được điều trị khẩn cấp và cần tiến hành thủ thuật sốc điện.

Nguồn tham khảo:

  • https://www.nhs.uk/conditions/wolff-parkinson-white-syndrome/
  • https://medlineplus.gov/ency/article/000151.htm
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3