Các kỹ sư công nghệ như TS. Cao Anh Tuấn có nhiều lợi thế trong việc mang văn hóa Thung lũng Silicon về Việt Nam, song cũng gặp không ít "cú sốc" và cả khó khăn trong thời Covid-19.
Từ bỏ công việc đáng mơ ước tại Google có thể là một sự mạo hiểm. Nhưng có lẽ không phải là điều đáng tiếc so với những gì TS. Cao Anh Tuấn cùng cộng sự của mình làm được sau mười năm phát triển công nghệ giải mã gene bằng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Đương nhiên, không có thành công nào là dễ dàng...
Công nghệ và nguồn vốn là chưa đủ
Với đam mê nghiên cứu và phát triển công nghệ giải mã gene, TS. Cao Anh Tuấn đã cùng năm cộng sự tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ quyết định sáng lập công ty Genetica.
Năm 2018, Genetica có mặt ở Việt Nam với khát vọng mang hệ gene của người Việt nói riêng và người châu Á nói chung vào bản đồ gene thế giới, cũng như thành lập một trung tâm giải mã gene hàng đầu châu Á tại Việt Nam.
Nhớ lại thời điểm “khởi động”, TS. Cao Anh Tuấn cho biết, anh từng suy nghĩ rất đơn giản rằng đã có công nghệ và nguồn vốn mang về Việt Nam thì công ty có thể dễ dàng trở thành thương hiệu hàng đầu.
Tuy nhiên, khi về Việt Nam và tiếp cận một số thị trường tại Đông Nam Á, anh mới nhận ra chỉ có công nghệ và nguồn vốn công nghệ thôi là chưa đủ.
Còn rất nhiều vấn đề nan giản khác anh phải giải quyết như phát triển đội ngũ, thành lập phòng lab, tạo mạng lưới hoạt động... Sau 4,5 năm phát triển công ty, anh càng thấy rõ hơn công nghệ và nguồn vốn mới chỉ đóng góp một phần cho những thành quả đạt được hiện nay.
Trong đó, xây việc dựng một đội ngũ chuyên nghiệp, trong bối cảnh khả năng về công nghệ IT của người Việt ngày càng tốt, vẫn là một bài toán lớn cần tháo gỡ.
Cao Anh Tuấn chia sẻ: “Văn hóa Thung lũng Silicon có thể là sự chuyên nghiệp trong cách làm và khả năng nắm bắt nhanh vấn đề cần tập trung giải quyết trong khởi nghiệp. Đây chính là lợi thế của những người từ Thung lũng Silicon khi về Việt Nam làm việc.
Tuy nhiên, những “cú sốc” văn hóa cũng đã ảnh hưởng đến Genetica trong những năm đầu tiên về Việt Nam. Ngoài ra, quá trình xây dựng niềm tin về sản phẩm “Made in Vietnam” dựa trên công nghệ Mỹ cũng không phải là điều dễ dàng với nhiều khách hàng”.
Khi được hỏi về kinh nghiệm thành công sau hơn mười năm phát triển Genetica, TS. Cao Anh Tuấn cho rằng, yếu tố quan trọng nhất cũng là điều mà anh học được nhiều nhất là khâu xây dựng đội ngũ.
Anh thấy mình may mắn vì đã tìm được một đội ngũ có thể làm việc cùng nhau tới 16 tiếng/ngày, thậm chí cả ngày nghỉ cuối tuần, để những nghiên cứu giải mã gene của họ không bị tụt lại phía sau. Đó cũng là một đội ngũ luôn đồng hành với anh vượt qua những thời điểm khó khăn nhất và sát cánh cả trong bối cảnh Covid-19 để làm nên thành tựu mới trong nghiên cứu.
Đặc biệt, vào những thời điểm thử thách, những lời khuyên có ích từ những bậc tiền bối thành công tại Việt Nam hay kinh nghiệm từ những người bạn trong cộng đồng công nghệ đã giúp anh có được niềm tin và vững vàng trên con đường của mình.
Cho đến nay, dịch vụ Genetica của TS. Cao Anh Tuấn đã hiện diện ở Mỹ, Singapore và Việt Nam. Các bằng sáng chế của công ty đã được đăng ký và có thể triển khai hoạt động ở hàng chục quốc gia. Đội ngũ của Genetica đã sẵn sàng khi dịch bệnh chững lại có thể tiến xa hơn ở thị trường Đông Nam Á và New Zealand.
Cơ hội trong đại dịch
Đáng chú ý, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Genetica đã phát triển được công cụ giúp chẩn đoán những bộ gene có nguy cơ dễ mắc Covid-19 hơn và mức độ rủi ro biến chứng nặng. Có thể nói, trong khi thế giới đang chạy đua phát triển và tiêm chủng vaccine Covid-19, thì việc giải mã gene tìm hiểu nguy cơ di truyền nhiễm virus đã mở hướng đi lâu dài hơn trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm.
TS. Cao Anh Tuấn cho biết, ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đội ngũ nghiên cứu của anh đã thảo luận việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning) để tìm giải pháp chống virus corona.
Từ đây, sản phẩm G-CoVi (Gene Coughing Virus) của Genetica ra đời nhằm cung cấp thông tin nguy cơ nhiễm virus qua thông số gene mỗi người.
Cũng theo anh, việc nhận biết các yếu tố di truyền có thể giúp bác sĩ nhanh chóng xác định nhóm đối tượng cần ưu tiên tiêm chủng, đồng thời giúp những người sở hữu gene có khả năng nhiễm virus cao chủ động phòng ngừa và tạo tiền đề nghiên cứu các virus sốt xuất huyết, cúm A...
Anh chia sẻ: “Khi Covid-19 xuất hiện, chúng tôi đã nghĩ rằng thế giới đã trải qua nhiều đại dịch và chúng ta học được nhiều điều từ những người không hề bị nhiễm bệnh? Vậy nên, Genetica giúp cho con người hiểu được hệ số gene của mình sẽ nhiễm bệnh thế nào, khả năng phải dùng máy thở khi nhập viện là bao nhiêu phần trăm?”
Những chỉ số này còn giúp ích cho việc giãn cách xã hội để có chính sách hợp lý cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Thông tin gene còn cung cấp thêm dữ liệu cho các bác sĩ trong quá trình điều trị, đưa ra phác đồ và các loại thuốc đặc trị phù hợp nhất.
Không chỉ phục vụ cho cuộc chiến chống Covid-19, Genetica có thể phân tích giải mã gene dành cho người châu Á để hỗ trợ việc lập kế hoạch nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, cá nhân hóa kế hoạch dinh dưỡng, tập luyện cũng như phòng ngừa những căn bệnh tiềm ẩn, trong đó có 18 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam và châu Á.
Công ty của TS. Cao Anh Tuấn hiện triển khai dự án kết hợp với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhằm đánh giá nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 dựa trên các đặc điểm di truyền của người Việt Nam.
Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt sẽ công bố rộng rãi, góp phần vào ngân hàng dữ liệu gen lớn của thế giới.
Các báo đưa tin: