Sức khỏe hệ sinh sản của nam và nữ là gì?

Sức khỏe hệ sinh sản đảm bảo mọi người có một đời sống tình dục hạnh phúc và an toàn, mang khả năng sinh sản và được quyền chủ động quyết định thời gian và số lần mang thai. Hãy tìm hiểu sức khỏe hệ sinh sản cùng Genetica nhé.
Huỳnh Lê Kim Ngân
Tác giả bài viết: Huỳnh Lê Kim Ngân.25/04/2022

Sức khỏe hệ sinh sản đảm bảo mọi người có một đời sống tình dục hạnh phúc và an toàn, mang khả năng sinh sản và được quyền chủ động quyết định thời gian và số lần mang thai. Sức khỏe sinh sản của nam và nữ là những khía cạnh quan trọng của hệ thống sinh sản về mặt tổng thể vì cả hai đều tham gia vào quá trình tạo ra một sinh linh mới. Vậy thì sức khỏe hệ sinh sản là gì, hãy tìm hiểu cùng Genetica nhé.

1, Sức khỏe hệ sinh sản là gì?

Theo WHO, sức khỏe hệ sinh sản là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh, hài hòa về thể chất, tinh thần và xã hội ở mọi khía cạnh liên quan đến hệ thống, chức năng và quá trình sinh sản trong suốt các giai đoạn của cuộc đời, chứ không đơn thuần chỉ là không có bệnh tật hoặc ốm đau. Sức khỏe sinh sản bao gồm:

  • Sức khỏe thể chất: cơ thể khỏe mạnh, các cơ quan sinh dục nam, nữ không bị tổn thương và đảm bảo cho việc thực hiện chức năng tình dục và sinh sản.
  • Sức khỏe tinh thần: cá nhân cảm thấy thoải mái với chính mình về sức khỏe sinh sản và tình dục, biết thừa nhận những nhược điểm, không tự ti, sống đoàn kết với mọi người.
  • Sức khỏe xã hội: đảm bảo sự an toàn cho xã hội, có mối quan hệ tốt với cộng đồng.

Sức khỏe hệ sinh sản của nam và nữ là gì?

2, Khám sức khỏe hệ sinh sản là khám những gì?

Các cặp đôi nên khám sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn hoặc có kế hoạch sinh con khoảng từ 3 đến 6 tháng. 

Đầu tiên, bạn sẽ khám sức khỏe tổng thể trước vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cũng như quá trình sinh sản.

Khám sức khỏe tổng thể bao gồm: 

  • Kiểm tra các chỉ số chung như cân nặng, chiều cao, thị lực, huyết áp, nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm bụng…
  • Kiểm tra hai bạn có bị mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục không.
  • Kiểm tra hai bạn từng có tiền sử bị bệnh nào không, có trải qua phẫu thuật hay môi trường làm việc có thường tiếp xúc với chất độc hại không.
  • Kiểm tra hai bạn có mắc bệnh truyền nhiễm như cúm, viêm não, thủy đậu, sốt xuất huyết, bệnh sởi, rubella…
  • Một số xét nghiệm thường làm như kiểm tra đường huyết, viêm gan siêu vi B, tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm HIV, điện tâm đồ, chức năng thận, chức năng gan…

Khám sức khỏe sinh sản bao gồm:

Đối với nam giới:

  • Khám bộ phận sinh dục (dương vật, hai tinh hoàn) và kiểm tra biểu hiện của sự phát triển tính dục như khả năng cương cứng, xuất tinh… Điều này nhằm đánh giá khả năng quan hệ tình dục và sinh sản của nam giới.
  • Siêu âm tinh hoàn vì đây là bộ phận quan trọng trong việc sản xuất tinh dịch. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường thì cần có biện pháp điều trị kịp thời.
  • Để đánh giá chất lượng tinh dịch, tiên lượng khả năng sinh sản, thụ thai tự nhiên, nam giới sẽ làm các xét nghiệm như tinh dịch đồ, FSH (Follicular stimulating hormone), LH (Luteinizing hormone Testosterone).

Đối với nữ giới:

  • Khám bộ phận sinh dục để kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường hay viêm nhiễm nào không để điều trị kịp thời trước khi kết hôn.
  • Siêu âm buồng trứng, tử cung để kiểm tra các bệnh nguy hiểm mà nữ giới thường gặp như tắc vòi trứng, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang…
  • Siêu âm tuyến vú hai bên để tầm soát ung thư vú, giúp quá trình điều trị diễn ra sớm hơn nếu phát hiện bệnh, tăng khả năng khỏi bệnh cao hơn.

Ngoài ra, nếu trong gia đình hai bạn có tiền sử bệnh liên quan đến thần kinh (như tâm thần, chậm phát triển thần kinh), dị tật, bệnh di truyền thì nên làm thêm sàng lọc gen di truyền.

Điều này nhằm mục đích kiểm tra mã gen và bộ nhiễm sắc thể để xem mình có mang gen di truyền không, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi và có biện pháp can thiệp sớm nhất có thể.

3, Những lưu ý trước khi đi khám sức khỏe hệ sinh sản

  1. Mang đầy đủ giấy tờ cần thiết như chứng minh thư (căn cước công dân), bảo hiểm để quá trình khám bệnh không phải mất nhiều thời gian.
  2. Vì sẽ có xét nghiệm máu nên bạn cần nhịn ăn 10 tiếng trước thời điểm lấy máu.
  3. Bạn nên uống nhiều nước rồi nhịn đi tiểu 1 tiếng trước khi siêu âm bụng.
  4. Với nữ giới, bạn không nên đi khám khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt hay đặt thuốc âm đạo. Hãy đến bệnh viện trước hoặc sau khi hành kinh ít nhất 5 ngày.
  5. Không mặc quần bó quá chật hay váy liền thân mà hãy chọn trang phục thoải mái cho việc khám.
  6. Kiêng quan hệ tình dục cũng như không uống các chất kích thích, đồ uống có cồn như bia rượu hoặc đồ uống có ga trước khi đi khám.
  7. Nếu bạn bị tiểu đường thì không được dùng thuốc hoặc insulin vào buổi sáng đi khám.
  8. Nếu bạn bị bệnh tim, cao huyết áp thì vẫn dùng thuốc bình thường.

4, Tầm quan trọng của sức khỏe hệ sinh sản

Sức khỏe hệ sinh sản cũng quan trọng như sức khỏe tâm lý và những nhu cầu thiết yếu khác về thể chất. Khi sức khỏe sinh sản được chăm sóc tốt, các giai đoạn sinh sản có thể diễn ra an toàn, và kết quả cuối cùng là tạo ra một thế hệ mới hoàn toàn khỏe mạnh.

Dưới đây là 6 lợi ích khi chúng ta hiểu và biết cách chăm sóc sức khỏe hệ sinh sản:

  1. Giúp ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HPV, HIV, sùi mào gà…
  2. Nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên ở lứa tuổi dậy thì vì đây là giai đoạn diễn ra những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, mở đường cho sự phát triển của hệ thống sinh sản.
  3. Trang bị kiến thức về sức khỏe tình dục, quan hệ tình dục và giới, đồng thời nâng cao trách nhiệm của nam giới trong hoạt động tình dục và sinh sản.
  4. Hiểu đầy đủ các biện pháp tránh thai cũng như những mặt lợi, hại của chúng để thực hiện tình dục an toàn và không tham gia vào các hoạt động có hại như nạo, phá thai không an toàn.
  5. Hiểu về các vấn đề trong sinh sản như vô sinh, khó thụ thai, mang thai và chăm sóc sau sinh của mẹ và bé.
  6. Giúp mẹ và bé tránh khỏi các bệnh truyền nhiễm, bé sinh ra được khỏe mạnh, không bị khuyết tật hoặc tử vong.

5, Chăm sóc sức khỏe hệ sinh sản khác nhau ở nam và nữ thế nào?

Chăm sóc sức khỏe sinh sản ở nam

Hệ thống sinh sản của nam giới bao gồm dương vật, tinh hoàn, bìu, mào tinh hoàn, tuyến tiền liệt, ống dẫn tinh và túi tinh. Nam giới cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ để có hệ sinh sản khỏe mạnh, đồng thời nên áp dụng phương pháp quan hệ tình dục an toàn.

Điều này sẽ giúp bạn tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs) như chlamydia, mụn rộp, giang mai, bệnh lậu, sùi mào gà, HPV, HIV… Mụn nước và vết loét cũng có thể được hình thành xung quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn như các triệu chứng của STIs. Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần.

Sức khỏe hệ sinh sản của nam và nữ là gì?

Chăm sóc sức khỏe sinh sản ở nữ

Hệ thống sinh sản của nữ giới bao gồm buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng, âm đạo, âm hộ, tuyến vú và vú. Tất cả cơ quan này đều đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất và vận chuyển giao tử, đồng thời sản xuất cả hormone sinh dục (như testosterone và estrogen).

Nữ giới sẽ trải qua những giai đoạn khác nhau liên quan đến đời sống tình dục và sức khỏe sinh sản như kinh nguyệt, mãn kinh, tránh thai, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, các vấn đề sức khỏe mạn tính như PCOS (hội chứng buồng trứng đa nang) hoặc PCOD (rối loạn buồng trứng đa nang). 

Ngoài việc vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nữ giới cần khám sức khỏe định kỳ để chẩn đoán sớm và có biện pháp phòng ngừa, chăm sóc kịp thời, giúp điều trị và phục hồi sức khỏe nhanh chóng nếu mắc một loạt các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ như u xơ tử cung, HIV/AIDS, hội chứng buồng trứng đa nang, STIs, ung thư phụ khoa, lạc nội mạc tử cung…

Sức khỏe hệ sinh sản của nam và nữ là gì?

5, Các phương pháp duy trì sức khỏe hệ sinh sản

  1. Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng với thực phẩm giàu chất xơ và ít chất béo.
  2. Uống nhiều nước mỗi ngày vì nước giúp thải độc tố ra ngoài. Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khuyến nghị nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày.
  3. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tất cả tế bào sinh sản hoạt động tốt.
  4. Duy trì cân nặng hợp lý để không gây căng thẳng cho cơ quan sinh sản. Bạn có thể tính chỉ số BMI để xác định tình trạng cơ thể hiện tại có đang bình thường, thừa cân hay suy dinh dưỡng không, từ đó xây dựng kế hoạch ăn uống hợp lý để giữ mức cân nặng lý tưởng.
  5. Ngủ đủ giấc để đảm bảo thể chất và tinh thần khỏe mạnh, góp phần giúp hệ thống sinh sản khỏe mạnh hơn.
  6. Hạn chế thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích.
  7. Cân bằng cảm xúc, giảm thiểu căng thẳng bằng các hoạt động như thiền hoặc yoga.
  8. Khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần và đến khám bác sĩ ngay khi gặp triệu chứng bất thường ở vùng kín (như ngứa ngáy, ra máu bất thường, đau dai dẳng khi quan hệ, đi tiểu ra máu…).

Sức khỏe hệ sinh sản của nam và nữ là gì?

Hiện nay, không phải ai cũng được cung cấp kiến thức về sức khỏe hệ sinh sản để chăm sóc đúng cách và kỹ lưỡng. Điều này đã dẫn đến những tình trạng như quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn; mang thai sớm ngoài ý muốn; mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh phụ khoa… Vì vậy, mỗi người cần nhận thức tầm quan trọng và sớm quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe hệ sinh sản, cũng như chủ động tìm hiểu kiến thức về tình dục và giới.

Nguồn tham khảo: Why is Reproductive Health Necessary? - Importance and Important FAQs (vedantu.com)

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3