Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy là gì?
Phương pháp ăn dặm BLW ngày càng được nhiều mẹ lựa chọn để áp dụng cho bé ăn dặm. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Genetica tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp ăn dặm này, đồng thời giải đáp những câu hỏi liên quan như làm thế nào để bắt đầu cho bé ăn dặm BLW, những loại thực phẩm tốt nhất để khởi đầu là gì?
1, Ăn dặm BLW là phương pháp gì? Khi nào nên bắt đầu ăn dặm BLW?
Phương pháp ăn dặm BLW (Baby Led Weaning) có thể hiểu là ăn dặm bé tự chỉ huy. Các bé ăn dặm theo cách này được tự quyết định mình sẽ ăn gì, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào trong khi ba mẹ chỉ là người cung cấp đồ ăn và ăn cùng con. Bé sẽ tự chọn và ăn thức ăn mình muốn với lượng bé muốn.
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), dấu hiệu cho thấy một em bé đã sẵn sàng ăn dặm tự chỉ huy: bé có thể ngồi vững với rất ít sự hỗ trợ từ cha mẹ. Bé có thể giữ đầu thẳng và di chuyển thức ăn trong miệng thay vì đẩy đồ ăn ra ngoài. Bé có dấu hiệu thích thú với thức ăn, chẳng hạn như quan sát cha mẹ ăn, với lấy thức ăn khi bạn đang ăn, con đói nhanh và đòi ăn liên tục hơn…
Nhìn chung, thời gian thích hợp để trẻ bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy thường là lúc bé được khoảng 6 tháng tuổi – độ tuổi trẻ bắt đầu tập ăn dặm. Tốt nhất, cha mẹ nên chuẩn bị cho bé ghế ăn dặm để con có thể ngồi thẳng lưng và kiểm soát được cánh tay, bàn tay của mình. Cùng với đó, thức ăn cung cấp cần ở dạng miếng dày cỡ ngón tay, mềm và có thể bóp giữa các ngón tay để bé dễ dàng cầm mà ít có nguy cơ bị hóc.
2, Lợi ích của ăn dặm BLW cho bé
Phương pháp BLW mang đến rất nhiều lợi ích cho con. Từ việc bé phải tự dùng bàn tay và ngón tay để cầm nắm, đưa thức ăn lên miệng đã giúp con rèn luyện khả năng phối hợp giữa tay và mắt, kỹ năng nhai cũng như sự khéo léo…
Hơn nữa, phương pháp ăn dặm bé chỉ huy mang đến cho trẻ cơ hội khám phá hương vị, kết cấu, mùi thơm và màu sắc của nhiều loại thực phẩm. Điều này giúp con kích thích vị giác, phát triển sở thích ăn uống đa dạng và lành mạnh về lâu dài, tránh được tình trạng kén ăn.
Ăn dặm tự chỉ huy cũng giúp trẻ học được cách tự điều chỉnh lượng thức ăn đưa vào cơ thể, con sẽ ngừng ăn khi cảm thấy no. Nhờ vậy tránh được nguy cơ béo phì khi bị mẹ ép ăn.
Ngoài ra, một số lợi ích khác của BLW có thể kể đến như:
- Ăn theo BLW giúp con hạn chế tình trạng dị ứng thực phẩm
- Con sẽ được tự do khám phá và thể hiện sở thích ăn uống của mình
- Mẹ không cần mất nhiều thời gian xay, trộn, làm nhuyễn thức ăn
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, phương pháp ăn dặm tự chỉ huy cũng không tránh khỏi một vài nhược điểm. Với phương pháp này, con có thể bày bừa lộn xộn, bóp nát thức ăn, thậm chí, sau khi ăn, cả người con sẽ lấm lem, thức ăn rơi vãi xung quanh không chỉ trên ghế ăn dặm. Nhiều cha mẹ cũng băn khoăn khi cho con theo phương pháp này là bởi trẻ có thể bị mắc nghẹn khi nuốt miếng to hoặc không ăn đủ so với nhu cầu của cơ thể, đặc biệt là chất sắt. Vì vậy, nếu muốn bé theo BLW, mẹ cần kiên nhẫn và chấp nhận vượt qua những điều này nhé!
3, Nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm BLW
Trên thực tế, nhiều mẹ cảm thấy bối rối khi bắt đầu cho con ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy. Dưới đây là một vài nguyên tắc mà mẹ nên tuân theo để giúp con ăn dặm an toàn và hiệu quả:
Bắt đầu với từng loại thức ăn riêng lẻ
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên các mẹ hãy bắt đầu với những thực phẩm riêng lẻ để có thể dễ dàng xác định con bị dị ứng với loại thực phẩm nào.
Giới thiệu các loại thức ăn mềm
Thức ăn cho trẻ mới tập ăn phải mềm và dễ đánh tan bằng lực ấn nhẹ nhàng giữa ngón cái và ngón trỏ.
Cung cấp thức ăn có hình dạng và kích thước phù hợp
Để giúp con dễ dàng cầm nắm và đưa lên miệng, mẹ cần chuẩn bị thức ăn theo hình dạng và kích thước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.
- Với trẻ từ 6 - 7 tháng tuổi: Thức ăn nên được cắt thành các dải dài, mỏng, hình đồng xu. Bởi vì trẻ giai đoạn 6 tháng tuổi thường chưa biết cách cầm nắm bằng ngón tay, chúng sẽ dùng cả lòng bàn tay để nắm thức ăn.
- Với trẻ 8 - 9 tháng tuổi: Mẹ có thể cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ, vừa miếng. Lúc này kỹ năng cầm nắm của con đã tốt hơn.
Chuẩn bị thức ăn phù hợp với độ tuổi
Chuẩn bị thức ăn phù hợp với độ tuổi giúp con ăn ngon và tiêu hóa khỏe. Sau khi đã thử và dung nạp được với các loại thực phẩm riêng lẻ, mẹ có thể chế biến các món ăn hỗn hợp để giới thiệu cho bé.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bé nên ăn những loại thực phẩm giàu calo và chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, protein và chất béo lành mạnh. Lưu ý mẹ không nên giới thiệu cho bé dưới 1 tuổi những loại thức ăn chứa muối hoặc đường vì chúng không tốt cho cơ thể con.
Cho trẻ ăn đa dạng, nhiều loại thức ăn
Mẹ nên giới thiệu đa dạng các loại thực phẩm cho bé để giúp con phát triển khẩu vị và phòng tránh kén ăn. Hãy phục vụ cho con các loại thực phẩm có màu sắc khác nhau (cà chua nướng, đậu xanh hấp và khoai lang) với các kích thước và kết cấu khác nhau (bơ mịn, dưa hấu ngon ngọt và thậm chí cả mì ống nấu chín mềm).
4, Những món ăn khởi đầu theo phương pháp BLW
Mẹ phân vân bắt đầu theo BLW thì nên chuẩn bị những món ăn gì cho con? Sau đây là một vài gợi ý để mẹ tham khảo.
Rau củ
- Bông cải xanh hấp
- Củ cải cắt thanh dài hấp
- Cà rốt hấp mềm để thanh dài
- Bí ngòi hoặc bí đỏ cắt thanh dài hấp
- Khoai lang/khoai tây hấp hoặc nướng
- Cà chua cắt lát mỏng
Trái cây
Đối với trẻ 6 tháng tuổi, con chưa thể nhai được nên những loại quả cứng - chẳng hạn như táo - sẽ khiến con bị hóc nếu ăn trực tiếp, do đó mẹ nên hấp chín hoặc nghiền nhuyễn cho con.
Những loại quả mềm, mịn mà bé có thể ăn trực tiếp như:
- Quả bơ chín cắt thành từng lát
- Chuối cắt lát
- Dâu tây cắt lát mỏng
- Cam, quýt bỏ hạt và màng dai
- Quả việt quất cắt đôi
Protein
- Gà luộc xé sợi, mẹ nên lựa chọn thịt đùi hoặc thịt ức bỏ da
- Trứng luộc chín hẳn
- Cá hồi hấp hoặc nướng (bỏ da và xương)
- Pho mai cottage, mozzarella hoặc cheddar
- Sữa chua Hy Lạp
Tinh bột
- Ngũ cốc nguyên hạt cho trẻ ăn dặm
- Bánh mì nướng ngũ cốc nguyên hạt
- Bột yến mạch nướng
- Mì ống làm từ lúa mì, nấu chín mềm
Ngoài ra, các loại thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn sẽ không được khuyến khích, bởi chúng chứa nhiều chất phụ gia và chất béo chuyển hóa không lành mạnh trong khi hàm lượng dinh dưỡng thấp.
5, Ăn dặm BLW có sợ hóc không?
Ăn dặm BLW có sợ hóc không là băn khoăn của hầu hết các bậc cha mẹ khi tìm hiểu về phương pháp ăn dặm khoa học này. Tuy nhiên, hóc và ọe là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Phản xạ ọe thực chất là một phản xạ hữu ích của cơ thể trước những đồ ăn có kích thước và khối lượng không phù hợp, giúp cho thức ăn đó không thể tiến sâu vào đường thở và không gây hóc. Phản xạ ọe là cách để bé học kỹ năng xử lý thức ăn thô an toàn và khéo léo hơn. Sau vài lần ọe, bé sẽ dần dần biết cách không nuốt thức ăn quá to và điều chỉnh được lượng ăn để không bị nghẹn vì ăn quá nhiều.
Chính bởi vậy, BLW là một phương pháp ăn dặm an toàn nếu cha mẹ tuân thủ các nguyên tắc như chế biến đồ ăn đúng cách, luôn để mắt đến con trong khi ăn, ngồi ghế ăn có đai an toàn, biết cách sơ cứu nếu con hóc…
6, Phân biệt phản xạ ọe và bị hóc
Đọc đến đây có thể cha mẹ vẫn còn lo lắng không biết ọe và hóc khác nhau như thế nào để có những xử trí kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết giúp phân biệt phản xạ ọe và hóc nghẹn.
- Nôn ọe là phản xạ tự nhiên, có lợi để đẩy thức ăn ra ngoài, không gây hóc. Khi ọe, bé đỏ mặt, ho, đẩy lưỡi ra phía trước, có thể chảy nước mắt - đây là những dấu hiệu cho thấy bé đang tự giải quyết vấn đề. Lưu ý khi con ọe, cha mẹ không nên can thiệp mà để con tự xử lý và ọe miếng thức ăn đó ra vì con đang học kỹ năng. Khi ọe xong, bé sẽ tiếp tục ăn ngay sau đó. Tần suất ọe sẽ giảm dần sau mỗi bữa ăn.
- Hóc nghẹn là tình trạng xảy ra khi thức ăn hoặc dị vật chèn vào đường thở. Hoàn toàn khác với nôn ọe, bé bị hóc nghẹn sẽ không thể ho, khóc hay phát ra tiếng động. Và do thiếu oxy, trẻ sẽ tím tái. Lúc này cha mẹ cần sơ cứu ngay lập tức.
7, Làm thế nào để đảm bảo an toàn khi ăn BLW?
Ăn dặm bé tự chỉ huy - BLW là phương pháp ăn dặm được ngày càng nhiều cha mẹ lựa chọn áp dụng. Để đảm bảo an toàn cho bé khi ăn BLW, cha mẹ nên chú ý một số nguyên tắc sau đây.
Học cách sơ cứu phòng khi bé bị hóc
Khi thấy bé có dấu hiệu bị hóc thức ăn hoặc dị vật, cha mẹ cần sơ cứu ngay lập tức bằng cách cho bé nằm sấp trên cánh tay của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để đầu và cổ bé khỏi bị tụt, đầu trẻ phải thấp hơn ngực. Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa hai xương bả vai của trẻ.
Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở được thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Cho trẻ nằm ngửa trên cánh tay của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất, lưu ý đầu trẻ phải thấp hơn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn 5 lần vào vùng thượng vị theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp. Nếu dị vật vẫn chưa thoát ra ngoài thì tiếp tục lặp lại động tác cho đến khi xe cấp cứu tới.
Tránh các loại thực phẩm có nguy cơ gây hóc khi bé mới tập ăn BLW
Các nhóm thức ăn có nguy cơ gây hóc cao bao gồm:
- Các loại hạt và đậu
- Bỏng ngô
- Nho nguyên quả, cherry nguyên quả, cà chua bi, quả việt quất, mâm xôi…
- Táo chưa gọt vỏ, trái cây có hạt
- Các loại thực phẩm có hình đồng xu…
Luôn để mắt đến con trong khi ăn dặm BLW
Cha mẹ nên tạo một không gian yên tĩnh để con tập trung, hạn chế nguy cơ bị hóc. Lưu ý không bao giờ để bé ngồi ăn một mình. Cha mẹ nên ngồi ăn cùng con để bé có thể quan sát và học cách người lớn nhai, nuốt thức ăn.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo bé ngồi ở tư thế thoải mái trên ghế ăn dặm, có đai an toàn. Chiều cao phù hợp của bàn để khay thức ăn là ở ngay giữa ngực và rốn của bé.
Theo dõi phản ứng dị ứng
Một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng, do đó cha mẹ không nên chủ quan khi giới thiệu những món ăn mới cho bé, đặc biệt là khi trong gia đình có tiền sử dị ứng.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên cha mẹ hãy bắt đầu với những thực phẩm riêng lẻ để có thể dễ dàng xác định con bị dị ứng với loại thực phẩm nào. Nếu không thấy dấu hiệu bất thường, mẹ có thể tăng dần lượng thức ăn ở những bữa sau. Ngược lại, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ dị ứng thực phẩm, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho trẻ.
8, Những điều cha mẹ không nên làm khi cho bé ăn dặm BLW
Trong giai đoạn ăn dặm, việc bé ăn được bao nhiêu không quá quan trọng, thay vào đó cha mẹ nên tạo môi trường để con tận hưởng niềm vui thích thú khi ăn uống.
- Không hối thúc, la mắng, ép bé ăn những gì con không muốn. Việc này sẽ khiến trẻ mất hứng thú với thức ăn, thậm chí là sợ.
- Không bày trò để dỗ con ăn.
- Không cứng nhắc để bé ngồi đủ 30 phút nếu con có dấu hiệu muốn dừng bữa.
- Không tập cho bé ăn dặm khi bé đang quấy khóc hoặc buồn ngủ.
Trên đây là những thông tin cơ bản và đầy đủ về phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy - BLW. Thông qua hai bài viết này, hy vọng cha mẹ đã có thêm những kiến thức, kinh nghiệm để cho con ăn dặm BLW đúng cách và an toàn. Chúc ba mẹ và bé sẽ có những giờ ăn dặm vui vẻ, hào hứng để mỗi bữa ăn không phải là trận chiến.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.babycenter.com/baby/solids-finger-foods/gagging-in-babies_9197
- https://solidstart.ie/choking-and-baby-led-weaning-some-simple-ways-to-stay-safe/