Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là gì? Dấu hiệu và biểu hiện bố mẹ nên biết

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Trẻ gặp khó khăn trong việc nghe hiểu, giao tiếp, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc của bản thân.
Mai Khanh
Tác giả bài viết: Mai Khanh. Bác sĩ tham vấn: BS.CKII Thái Thị Thanh Thủy15/03/2021

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Trẻ gặp khó khăn trong việc nghe hiểu, giao tiếp, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc của bản thân. Nhiều ba mẹ nghĩ, trẻ bị rối loạn ngôn ngữ là do tiếp xúc sớm với công nghệ hoặc biết nhiều ngôn ngữ khác nhau. Liệu suy nghĩ đó có đúng không, và rối loạn ngôn ngữ thật sự là gì, hãy tìm hiểu cùng Genetica nhé.

1, Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là gì?

Ngay từ khi sinh ra, trẻ em đã sẵn sàng để học một ngôn ngữ mới, và trẻ sẽ học một hay nhiều ngôn ngữ mà gia đình hay môi trường xung quanh đang sử dụng. Quá trình học cần một khoảng thời gian nhất định và mỗi trẻ thường có tốc độ cũng như các cột mốc phát triển ngôn ngữ khác nhau.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là gì? Dấu hiệu và biểu hiện bố mẹ nên biết

Thông thường, trong quá trình phát triển, trẻ có thể gặp khó khăn với một số âm tiết, từ ngữ hoặc cấu trúc câu. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em đều thành thạo ngôn ngữ vào khoảng 5 tuổi. Trong trường hợp bị rối loạn ngôn ngữ, trẻ sẽ bị: 

  • Rối loạn tiếp thu ngôn ngữ: trẻ khó hiểu những từ chúng nghe và đọc, do mất thính giác hoặc không hiểu nghĩa của từ. 
  • Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt: trẻ gặp khó khăn khi nói chuyện với người khác, không biết cách bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc.

Chứng rối loạn ngôn ngữ thường được phát hiện trong độ tuổi từ 3 - 5. Trẻ thường mắc hai chứng rối loạn cùng lúc.

2, Nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân. Nhìn chung, rối loạn ngôn ngữ của trẻ thường liên quan đến một vấn đề sức khỏe hoặc khuyết tật, chẳng hạn như:

  • Rối loạn não bộ (VD: hội chứng tự kỷ)
  • Một chấn thương não hoặc khối u não
  • Dị tật bẩm sinh (VD: hội chứng Down, hội chứng gãy nhiễm sắc thể X, bại não)
  • Các vấn đề xảy tra trong thai kỳ hoặc khi sinh (VD: trẻ thiếu dinh dưỡng, hội chứng rượu bào thai, sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân)
  • Rối loạn ngôn ngữ đôi khi là do tiền sử gia đình.
  • Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân không được xác định.

Đặc biệt, việc trẻ em học và biết nhiều ngôn ngữ không gây rối loạn ngôn ngữ. Tuy nhiên, một đứa trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ có những vấn đề giống nhau ở tất cả các ngôn ngữ.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là gì? Dấu hiệu và biểu hiện bố mẹ nên biết

Nguyên nhân rối loạn phát âm (rối loạn phát âm là việc lặp lại một âm thanh, từ hoặc cụm từ, phổ biến nhất là nói lắp): 

  • Bất thường về gen di truyền
  • Căng thẳng cảm xúc
  • Chấn thương hay nhiễm trùng não
  • Thay đổi về cấu trúc hoặc hình dạng của các cơ và xương được sử dụng để tạo ra âm thanh lời nói (hở hàm ếch và các vấn đề về răng)
  • Tổn thương các bộ phận của não hoặc các dây thần kinh kiểm soát cách các cơ hoạt động cùng nhau để tạo ra lời nói (như bại não)
  • Mất thính giác

Nguyên nhân rối loạn giọng nói (rối loạn giọng nói là do các vấn đề khi không khí đi từ phổi, qua dây thanh âm, sau đó qua cổ họng, mũi, miệng và môi):

  • Trào ngược dạ dày (GERD)
  • Ung thư vòm họng
  • Hở hàm ếch hoặc các vấn đề về vòm miệng
  • Các tình trạng gây tổn thương dây thần kinh nối với các cơ thuộc dây thanh âm
  • Màng hoặc khe hở thanh quản (một dị tật bẩm sinh trong đó một lớp mô mỏng nằm chắn giữa các dây thanh âm)
  • Phát triển không phải ung thư (polyp, nốt, u nang, u hạt, u nhú hoặc loét) trên dây thanh âm
  • Lạm dụng dây thanh âm do la hét, liên tục hắng giọng hoặc hát
  • Mất thính giác

3, Ba mẹ có thể giúp đỡ trẻ học ngôn ngữ như thế nào?

Bố mẹ và người thân là những người thầy cô quan trọng nhất trong những năm đầu đời của trẻ, bởi lẽ trẻ em sẽ học ngôn ngữ bằng cách lắng nghe người khác nói chuyện và sau đó là tập luyện. Thậm chí các em bé cũng biết chú ý và phản ứng với âm thanh xung quanh.

Kỹ năng ngôn ngữ và xử lý não bộ của trẻ tiến bộ dần nếu chúng được nghe nhiều từ khác nhau. Hằng ngày và cả khi đang chơi với con, bố mẹ có thể giúp con học ngôn ngữ bằng nhiều cách như:

  • Phản ứng lại những âm thanh, cử chỉ, tiếng bi bô đầu tiên của em bé
  • Lặp lại lời bé nói rồi nói thêm vào
  • Nói về những thứ bé đang thấy
  • Hỏi bé và lắng nghe câu trả lời của bé
  • Đọc sách cho bé nghe
  • Kể chuyện cho bé
  • Hát ru, hát vè, đọc ca dao… cho con

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là gì? Dấu hiệu và biểu hiện bố mẹ nên biết

4, Các triệu chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em

Rối loạn tiếp thu ngôn ngữ: Chứng rối loạn tiếp thu ngôn ngữ khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu từ ngữ. Trẻ thấy khó nắm bắt được ý nghĩa của những từ được nghe từ người khác hoặc nhìn thấy trong sách báo, trên bảng hiệu.

Hội chứng này có thể ảnh hưởng đến việc học của trẻ, nên ba mẹ nên đưa trẻ đi điều trị càng sớm càng tốt. Một đứa trẻ bị rối loạn tiếp thu ngôn ngữ có thể gặp khó khăn trong việc:

  • Hiểu những gì mọi người xung quanh nói
  • Hiểu được hành động, cử chỉ của mọi người xung quanh
  • Hiểu được khái niệm và ý tưởng mà trẻ được nghe từ người khác
  • Hiểu được những gì trẻ đọc
  • Học từ mới
  • Trả lời câu hỏi từ người khác
  • Làm theo hướng dẫn 
  • Xác định được đối tượng 

Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt: Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt gặp khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ. Trẻ có thể hiểu những gì người khác nói nhưng không biết cách bày tỏ cảm xúc và nói những gì mình nghĩ.

Rối loạn này có thể ảnh hưởng đến cả ngôn ngữ viết và nói. Những đứa trẻ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu vẫn gặp khó khăn khi thể hiện bản thân. Một đứa trẻ bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt có thể gặp khó khăn trong việc:

  • Sử dụng từ ngữ một cách chính xác
  • Bày tỏ suy nghĩ và ý tưởng
  • Kể chuyện
  • Sử dụng cử chỉ
  • Đặt câu hỏi
  • Hát hoặc đọc thơ
  • Nói tên các sự vật
  • Rối loạn phát âm và lời nói

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là gì? Dấu hiệu và biểu hiện bố mẹ nên biết

5, Làm thế nào để chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ ở một đứa trẻ?

Nếu một đứa trẻ có vấn đề về phát triển ngôn ngữ hoặc lời nói, hãy đến gặp chuyên gia về ngôn ngữ trị liệu để có đánh giá chuẩn xác.

Bước đầu tiên là tìm hiểu xem trẻ có thể bị khiếm thính hay không. Dấu hiệu của tình trạng này có thể khó được nhận thấy, đặc biệt nếu trẻ chỉ bị mất thính lực ở một bên tai hoặc bị mất thính lực một phần, có nghĩa là trẻ có thể nghe thấy một số âm thanh nhưng không nghe thấy những âm thanh khác.

Chuyên gia ngôn ngữ trị liệu sẽ cẩn thận đánh giá nhằm xác định xem đứa trẻ có thể đang mắc phải loại tình trạng nào, ngôn ngữ hay lời nói. Nhìn chung, việc học nhiều ngôn ngữ không gây ra rối loạn ngôn ngữ, nhưng trẻ có thể không theo đúng các mốc phát triển giống như những trẻ chỉ học một ngôn ngữ.

Việc phát triển khả năng hiểu và nói bằng hai ngôn ngữ phụ thuộc vào mức độ thực hành của trẻ khi sử dụng cả hai ngôn ngữ và hình thức thực hành. Nếu một đứa trẻ đang học nhiều hơn một ngôn ngữ gặp khó khăn trong việc phát triển ngôn ngữ, trẻ có thể sẽ cần sự đánh giá cẩn thận bởi một chuyên gia hiểu rõ sự phát triển của các kỹ năng trong nhiều ngôn ngữ.

6, Điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em như thế nào?

Các trẻ có gặp vấn đề về ngôn ngữ thường cần thêm sự trợ giúp và hướng dẫn đặc biệt. Các nhà ngôn ngữ trị liệu có thể làm việc trực tiếp với đứa trẻ đó cùng với cha mẹ, người thân, giáo viên của trẻ.

Bác sĩ sẽ giúp trẻ học cách thư giãn và thích giao tiếp thông quan các hoạt động vui chơi. Các nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ lời nói đề xuất một số cách họ có thể làm với con bạn: 

  • Sử dụng đồ chơi, sách, đồ vật hoặc tranh ảnh để giúp bé phát triển ngôn ngữ. 
  • Cho con thực hiện một số hoạt động liên quan đến thủ công. 
  • Cho trẻ hỏi và trả lời câu hỏi. 

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là gì? Dấu hiệu và biểu hiện bố mẹ nên biết

Trẻ có thể bị rối loạn ngôn ngữ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu phát hiện con bị rối loạn ngôn ngữ, hãy đưa trẻ đi điều trị càng sớm càng tốt để giúp ích cho quá trình phát triển của trẻ sau này.

Hy vọng bài viết trên mang lại thông tin bổ ích cho các bậc cha mẹ đang có con bị rối loạn ngôn ngữ, cũng như những cặp đôi sắp làm cha mẹ.

Nguồn tham khảo:

  • Tổng hợp từ Language and Speech Disorders in Children (Cục Y Tế Dự phòng Mỹ), Speech Disorder - children (MedlinePlus, US National Library of Medicine)
  • http://www.soytehoabinh.gov.vn/Details/id/10385/Roi-loan-giong-noi
  • https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=language-disorders-in-children-160-238
  • https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/expressive-language-disorder
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3