TOP 10 siêu thực phẩm cho trẻ từ 6 tháng tuổi
Nên bắt đầu cho bé ăn dặm với những loại thực phẩm nào? Bởi lẽ dinh dưỡng đầu đời đóng vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện và hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, đa dạng trong tương lai. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về 10 loại “siêu thực phẩm” cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
1, Siêu thực phẩm là gì?
Trước hết, “siêu thực phẩm” được hiểu là những loại thực phẩm cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của con. Chẳng hạn như các vitamin, khoáng chất thiết yếu, canxi, sắt, chất béo, chất đạm, tinh bột, chất xơ… Chính bởi vậy, cha mẹ nên giới thiệu và cung cấp những loại thực phẩm này trong các bữa ăn dặm của con khi bé được 6 tháng tuổi.
2, 10 siêu thực phẩm cho trẻ từ 6 tháng tuổi
Tùy vào từng giai đoạn, cha mẹ có thể chế biến những loại thực phẩm này theo nhiều cách khác nhau mà chúng tôi gợi ý bên dưới.
Trái bơ
Quả bơ là một trong những loại thức ăn đầu tiên tốt nhất cho bé, cung cấp nguồn chất béo lành mạnh thúc đẩy sự phát triển của não bộ. Không những thế, bơ chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất như vitamin C, E, K, vitamin B, magie, kẽm, mangan…
Hầu hết trẻ nhỏ đều thích bơ. Mẹ nên lựa chọn những quả bơ chín, xay nhuyễn để phục vụ cho bé khi mới tập ăn dặm. Đối với trẻ lớn hơn, khoảng 9 tháng tuổi, mẹ có thể cắt bơ thành miếng vừa ăn để con tự cầm và khám phá.
Đậu lăng
Không phải ngẫu nhiên mà đậu lăng được xếp vào danh sách siêu thực phẩm dành cho trẻ nhỏ. Đó là bởi vì những lợi ích tốt mà nguyên liệu này mang lại.
Đậu lăng rất giàu vitamin B, bao gồm folate để hỗ trợ hệ thần kinh, cũng như protein để cung cấp năng lượng cho cơ bắp và chất xơ để nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột.
Đặc biệt, đậu lăng chứa nhiều sắt và kẽm, hai chất dinh dưỡng thiết yếu giúp con khỏe mạnh và phát triển tốt. Khoảng 6 tháng tuổi, tất cả trẻ đều cần bổ sung sắt và kẽm vì lượng dự trữ trở nên cạn kiệt một cách tự nhiên.
Khi giới thiệu đậu lăng cho bé, mẹ chọn đậu lăng đỏ hơn là đậu lăng xanh hoặc nâu vì nó có vị thơm dịu, hấp dẫn và dễ chín mềm hơn các loại đậu khác.
Khoai lang
Khoai lang là nguồn cung cấp kali dồi dào, giống như quả chuối. Hầu hết trẻ đều thích khoai lang bởi vị ngọt tự nhiên và kết cấu mềm mịn. Đặc biệt, các loại rau củ có màu sắc nổi bật, rực rỡ như màu vàng của khoai lang thường chứa nhiều beta-carotene, vitamin C và khoáng chất.
Trong khoai lang cũng chứa nhiều vitamin A giúp tăng cường thị lực cho bé. Ngoài cách chế biến riêng, mẹ có thể kết hợp khoai lang cùng thịt băm, thịt gà để làm mới món ăn, kích thích trẻ khám phá.
Bông cải xanh
Bông cải xanh chứa nhiều chất xơ, canxi và hàm lượng lớn chất chống oxy hóa. Bên cạnh đó, thực phẩm này cũng cung cấp các vitamin A, C, K, B6, folate và khoáng chất bao gồm sắt và kẽm tương tự như đậu lăng.
Tuy nhiên, việc luộc chín bông cải xanh trong nước làm giảm một nửa hàm lượng vitamin C có trong nó, vì vậy tốt nhất mẹ nên hấp để lưu giữ hàm lượng dinh dưỡng cao nhất.
Mẹ có thể kết hợp bông cải xanh cùng nhiều loại rau củ khác, ví dụ như súp lơ trắng, rau bina, đậu lăng… tạo thành nồi súp “siêu thực phẩm” vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng cho bé.
Quả việt quất
Việt quất chứa nhiều chất chống oxy hóa và flavonoid, rất tốt cho em bé. Chúng cũng chứa nhiều chất xơ, vitamin C, vitamin K, mangan và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác.
Mẹ có thể nghiền việt quất cùng các loại trái cây khác để làm thành món sinh tố cho bé. Hoặc kết hợp ăn cùng sữa chua, làm bánh xốp, bánh kếp… Ngoài ra, khi các kỹ năng nhai, nuốt của con đã phát triển tốt, mẹ có thể bổ đôi quả việt quất và cho con thưởng thức trực tiếp.
Quinoa
Quinoa hay còn gọi là hạt diêm mạch, là một loại siêu ngũ cốc cho trẻ từ 8 tháng tuổi. Đây là nguồn nguồn cung cấp dồi dào chất xơ, vitamin và khoáng chất như sắt, kẽm, photpho, magie, các chất chống oxy hóa… Trên thực tế, hàm lượng một chất chống oxy hóa cụ thể là quercetin trong quinoa còn cao hơn so với trong quả nam việt quất - vốn được biết đến là loại trái cây giàu chất oxy hóa nhất. Nhờ vậy, quinoa có tác dụng chống viêm, chống virus và chống ung thư.
Để thêm vào chế độ ăn dặm của bé, mẹ có thể nấu cháo quinoa cùng thịt gà, khoai tây, khoai lang, đậu Hà Lan, cần tây, rau bina, cà rốt…
Hoặc các món bánh ăn dặm từ quinoa cũng rất hấp dẫn và không tốn quá nhiều công sức để chuẩn bị và chế biến. Ví dụ như món bánh quinoa bông cải xanh, bánh quinoa táo…
Lưu ý khi làm chế biến quinoa, mẹ cần rửa sạch trước khi nấu bởi hợp chất saponin ở lớp vỏ bên ngoài quinoa thường có vị đắng và khó tiêu hóa.
Sữa chua
Sữa chua là một món ăn thú vị mang đến canxi, protein, kali, vitamin và nhiều khoáng chất khác nhau cho cơ thể. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể ăn sữa chua nguyên chất, không thêm đường và hương vị nhân tạo. Với thành phần là đạm, protein, cùng các vi chất, sữa chua không chỉ tăng cường sức đề kháng mà còn hỗ trợ bé phát triển trí não.
Hơn nữa, sữa chua bổ sung lợi khuẩn Lactobacillus hay Bifidobacterium, vừa giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, vừa cân bằng vi sinh đường ruột. Đây sẽ là đồ ăn nhẹ lý tưởng để bổ sung cho bé, nhất là vào các bữa ăn phụ.
Phô mai
Phô mai rất giàu dinh dưỡng và được hầu hết các bé yêu thích. Bước đầu để giới thiệu phô mai cho con, mẹ nên lựa chọn phô mai cheddar vì nó có hương vị ngọt nhẹ, dễ dàng bào thành các miếng nhỏ và có thể thêm vào bất kỳ món ăn nào.
Phô mai không chỉ cung cấp protein mà nó còn chứa hàm lượng lớn canxi và vitamin B2 lành mạnh, giúp chuyển hóa protein, chất béo và carbohydrate thành năng lượng.
Các loại thịt đỏ và gia cầm
Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, thịt bao gồm thịt đỏ và thịt gia cầm là nguồn cung cấp protein tuyệt vời cùng các chất dinh dưỡng tốt cho trẻ như sắt và kẽm.
Ngoài ra, vitamin D cũng có rất nhiều trong các loại thịt đỏ. Khi giới thiệu các loại thịt cho bé, mẹ cần đảm bảo thịt được băm nhỏ, xay nhuyễn và nấu chín mềm.
Cá hồi
Với thành phần chứa DHA, omega 3, vitamin B, D, protein cùng nhiều dưỡng chất khác, cá hồi là “siêu thực phẩm” bổ dưỡng, mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho bé. Cụ thể, cá hồi tốt cho sự phát triển trí não, thị giác và sự phát triển tổng thể của trẻ.
Mẹ có thể cho bé ăn cá xay nhuyễn từ 7 tháng tuổi với tần suất 1-2 lần/ tuần. Một vài ý tưởng món ăn dặm ngon miệng, dễ làm có thể kể đến như cá hồi sốt cam, cháo cá hồi đậu Hà Lan, chả cá hồi…
Trên đây là 10 loại thực phẩm tốt nhất cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Từ những loại thực phẩm này, mẹ có thể chế biến các món ăn khác nhau để kích thích vị giác, giúp con ăn ngon miệng và thích thú hơn.
Nguồn tham khảo:
- https://www.parents.com/recipes/a-superfood-list-for-babies-and-toddlers/
- https://www.easybabymeals.com/10-superfoods-for-babies/
- https://pickyeaterblog.com/the-top-10-baby-superfoods-and-recipe-ideas/