7 loại thực phẩm nên tránh cho trẻ dưới 12 tháng tuổi
Ngoài những “siêu thực phẩm” mang lại nhiều lợi ích cho trẻ từ 6 tháng tuổi và trẻ mới biết đi, cha mẹ cũng cần lưu ý các loại thực phẩm nên tránh, chưa phù hợp với độ tuổi của con. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ tìm hiểu về 7 loại thực phẩm mà trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên ăn. Cùng với đó, Genetica mang đến cho bạn danh sách những loại thực phẩm dễ gây hóc nghẹn để cha mẹ lưu ý hơn trong quá trình ăn dặm của con.
1. Mật ong
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không được ăn mật ong bởi nó có chứa các bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum. Mặc dù vô hại đối với người lớn nhưng những bào tử này có thể gây ra tình trạng ngộ độc hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở trẻ dưới 1 tuổi. Các biểu hiện ngộ độc có thể bao gồm giảm bú, táo bón, hôn mê và thậm chí là viêm phổi, mất nước. Vì vậy cha mẹ hãy loại bỏ mật ong ra khỏi thực đơn của bé cho đến khi con được 1 tuổi.
2. Sữa bò
Sữa bò chứa hàm lượng protein và khoáng chất cao nên trẻ dưới 12 tháng tuổi không thể tiêu hóa dễ dàng như khi tiêu hóa sữa mẹ hoặc sữa công thức. Hơn nữa, với lượng khoáng chất có trong sữa bò có thể không tốt cho thận của em bé.
Sau 12 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ đã sẵn sàng hấp thụ sữa bò và đây là thời điểm lý tưởng để bắt đầu cho trẻ uống sữa bò.
3. Thực phẩm chưa tiệt trùng
Một số loại phô mai, nước trái cây, sữa chưa tiệt trùng không phù hợp với trẻ dưới 3 tuổi. Ví dụ, các loại pho mát brie, camembert, roquefort… được làm từ sữa chưa tiệt trùng có thể bị nhiễm vi khuẩn listeria monocytogenes gây nguy hiểm nghiêm trọng cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Nhiều cha mẹ tin rằng chỉ cần nấu hoặc đun sôi những thực phẩm như vậy là trẻ có thể ăn được. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có bất kỳ nghiên cứu hay bằng chứng nào có thể chứng minh việc nấu các loại pho mát khác nhau trong bao lâu để đảm bảo an toàn cho trẻ. Hơn nữa, nấu pho mát chưa tiệt trùng trong thời gian quá ngắn hoặc ở nhiệt độ quá thấp thực sự có thể khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn hơn là tiêu diệt chúng. Vì vậy, tốt nhất nên tránh cho trẻ ăn những loại thực phẩm chưa tiệt trùng.
4. Thực phẩm chế biến sẵn
Hầu hết các loại thực phẩm chế biến sẵn đều chứa nhiều muối, chất điều vị, bảo quản để giữ thực phẩm được lâu hơn, trong khi đó hàm lượng dinh dưỡng lại thấp. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên tiêu thụ nhiều hơn 1.200 mg muối mỗi ngày.
5. Cá có hàm lượng thủy ngân cao
Các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá thu, cá ngòi, cá ngừ tươi… có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh của trẻ nhỏ. Vì vậy, mẹ nên chọn các loại cá an toàn hơn, chẳng hạn như cá hồi, cá bơn, cá rô phi, cá hù, cá tuyết, tôm và sò điệp.
6. Ngũ cốc tinh chế
Về dinh dưỡng, không phải tất cả các loại carbs đều tốt như nhau. Carbs tinh chế đã bị loại bỏ hầu hết chất dinh dưỡng bao gồm chất xơ, vitamin và khoáng chất. Vì vậy, mẹ nên lựa chọn các loại thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ và giúp ổn định lượng đường trong máu như bánh mì từ ngũ cốc lên men hoặc ngũ cốc nảy mầm, mì ống, yến mạch, quinoa…
Ngay cả nướng các loại bánh ăn dặm cho bé tại nhà, mẹ nên tìm những loại bột ngũ cốc nguyên hạt. Bắt đầu thói quen sớm sẽ giúp con bạn hình thành thói quen ăn uống lành mạnh sau này. Đừng quên cắt nhỏ bánh mì, mì ống, bánh pancake và bánh waffle (bánh quế) trước khi phục vụ cho bé.
7. Đường
Đường không nên là một phần trong chế độ ăn của trẻ nhỏ vì nó có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn và làm phá vỡ chế độ ăn của bé. Việc cho bé làm quen với đường từ sớm có thể khiến trẻ không muốn bú sữa mẹ do sở thích về hương vị. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên trì hoãn việc đưa đường vào chế độ ăn của bé. Khi trẻ được một tuổi, bạn có thể bắt đầu với các loại đường tự nhiên như mật ong rồi chuyển dần sang đường bột, nhưng nên cho ăn vừa phải để tránh trẻ béo phì.
Ngoài ra, các loại nước hoa quả (kể cả không thêm đường) và đồ uống có đường cũng không được khuyến khích cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Khi trẻ uống nhiều những thức uống này, trẻ sẽ không nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết. Và mặc dù nước ép trái cây có vẻ tốt cho sức khỏe, nhưng nó có nhiều calo và đường hơn trái cây tươi và có thể góp phần làm tăng cân và sâu răng. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo không dùng nước ép trái cây cho trẻ dưới 12 tháng tuổi và chỉ 120ml mỗi ngày cho trẻ mới biết đi từ 1 đến 3 tuổi.
8. Những loại thực phẩm dễ gây nghẹt thở ở trẻ dưới 12 tháng tuổi
Những loại thực phẩm có hình dạng nhỏ hoặc kết cấu đặc dính như đậu Hà Lan, các loại quả mọng, các loại hạt, đậu phộng nguyên hạt, rau củ nguyên miếng hoặc trái cây có thịt chắc, bơ đậu phộng,… có thể gây hóc, nghẹn trong quá trình ăn dặm nếu cha mẹ không chế biến đúng cách. Đa số những loại thực phẩm này nên được giới thiệu cho trẻ khi con đã có kỹ năng nhai, nuốt thức ăn tốt hơn. Ngoài ra, mẹ vẫn cần chú ý cắt và chế biến thức ăn sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.
Chẳng hạn như bơ đậu phộng có kết cấu đặc dính, khiến bé khó nuốt, mẹ có thể khắc phục bằng cách phết một lớp bơ mỏng lên mặt bánh mì hoặc bánh quy giòn để giúp con ăn dễ dàng hơn.
Ngoài ra, đối với các loại thực phẩm có hình khối lớn, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo cha mẹ nên cắt nhỏ thực phẩm thành những miếng nhỏ khoảng 1cm. Ví dụ như cắt nhỏ các loại trái cây như nho, việt quất, cà chua bi và dâu tây.
Một số loại rau củ như cà rốt, cần tây và bông cải xanh sau khi nấu chín mềm cũng cần được cắt hạt lựu nhỏ trước khi cho trẻ ăn để đảm bảo an toàn.
Vừa rồi cha mẹ đã tìm hiểu về những loại thực phẩm không nên đưa vào thực đơn ăn uống của trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Bên cạnh đó là những lưu ý giúp bé ăn dặm an toàn khi làm quen với một số loại thực phẩm dễ gây hóc nghẹn. Hi vọng những thông tin trên đây có thể giúp ích phần nào cho cha mẹ trên hành trình nuôi con.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.whattoexpect.com/first-year/baby-feeding/foods-babies-shouldnt-eat
- https://www.babycenter.com/baby/solids-finger-foods/foods-that-can-be-unsafe-for-your-baby_9195
- https://parenting.firstcry.com/articles/10-foods-babies-should-avoid-eating/