Trẻ ăn dặm bị táo bón phải làm sao?

Táo bón là tình trạng thường gặp ở rất nhiều trẻ trong giai đoạn ăn dặm và là vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ quan tâm lo lắng. Chúng ta cần hiểu rõ vấn đề này để có giải pháp đúng cho trẻ và giảm bớt những căng thẳng không đáng có cho cha mẹ.
Duyên Nguyễn
Tác giả bài viết: Duyên Nguyễn. Bác sĩ tham vấn: BS.CKII Thái Thị Thanh Thủy02/02/2021

Táo bón là tình trạng thường gặp ở rất nhiều trẻ trong giai đoạn ăn dặm và là vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ quan tâm lo lắng. Chúng ta cần hiểu rõ vấn đề này để có giải pháp đúng cho trẻ và giảm bớt những căng thẳng không đáng có cho cha mẹ. Cùng Genetica tìm hiểu qua bài viết này.

1, Táo bón là gì?

Thông thường trẻ trong độ tuổi ăn dặm từ 5 tháng đi tiêu (đi ngoài) 1- 2 lần mỗi ngày, phân màu vàng, sền sệt như bơ đậu phộng. Khi số lần đi ngoài giảm, dưới 3 lần/tuần, phân trở nên rắn hơn bình thường hoặc vón cục thì được coi là táo bón.

2, Hậu quả của táo bón ở trẻ ăn dặm:

Táo bón gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho trẻ như:

  • Táo bón kéo dài dẫn đến phân bị ứ đọng trong đường tiêu hóa, khiến trẻ đầy bụng, chướng bụng gây khó chịu, chậm hấp thu các đồ ăn mới. Thậm chí dẫn tới chán ăn, sợ ăn, ám ảnh với việc ăn uống và đi ngoài. Trẻ khó chịu, quấy khóc, ngủ không ngon, ảnh hưởng tới sự phát triển, gây lo lắng cho cha mẹ và người chăm sóc.
  • Các chất cặn bã bị ứ đọng có thể gây viêm hậu môn trực tràng, rò hậu môn, xuất huyết đại tràng, tắc ruột.
  • Táo bón kéo dài gây giãn, tạo thành các túi thừa đại tràng, lâu ngày có thể dẫn tới thủng ruột

Nếu cha mẹ và người lớn xử lý không đúng cách như thường xuyên thụt tháo, cho trẻ uống thuốc đi ngoài thì sẽ làm giảm phản xạ đi ngoài, tạo thói quen khiến trẻ không tự chủ động đi ngoài nữa.

3, Các triệu chứng của táo bón ở trẻ ăn dặm

  • Trẻ đi ngoài dưới 3 lần/tuần
  • Trẻ phải rặn gắng sức,căng thẳng hoặc bị đau khi đi ngoài
  • Phân vón cục, cứng, rắn, khô, có máu trên bề mặt
  • Chướng bụng, đau bụng
  • Trẻ khó chịu, quấy khóc, không chịu ăn

Trẻ ăn dặm bị táo bón phải làm sao?

4, Những nguyên nhân khiến trẻ ăn dặm bị táo bón:

Vào giai đoạn ăn dặm (5-6 tháng tuổi), ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức, trẻ còn tập ăn thêm các thức ăn khác để đáp ứng cho nhu cầu tăng cao của cơ thể về sự phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ. Lúc này bé sẽ học các cắn, nhai, nhận diện mùi vị của thức ăn, tiếp xúc với các loại thực phẩm mới lạ.

Do đó hệ tiêu hóa của trẻ có thể gặp phải một số vấn đề như đầy bụng, ăn khó tiêu, tiêu chảy, biếng ăn, táo bón…Mỗi trẻ có hệ tiêu hóa khác nhau, phù hợp với các loại thức ăn khác nhau. Do đó nguyên nhân gây táo bón có thể khác nhau tùy từng trẻ.

Một số nguyên nhân thường gặp:

  • Ăn không đủ trái cây và rau giàu chất xơ hoặc chất lỏng, nước trong chế độ ăn uống của trẻ. Một trong những thời điểm phổ biến khiến trẻ bị táo bón là khi chúng chuyển từ chế độ ăn toàn chất lỏng sang chế độ ăn bao gồm thức ăn đặc.
  • Chế biến không phù hợp: quá loãng hoặc quá đặc, mùi vị không hợp với sở thích của trẻ, pha sữa công thức với tỷ lệ không đúng, 
  • Trẻ ít vận động
  • Nhu động ruột chậm
  • Trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng
  • Thay đổi thời tiết: nóng hoặc lạnh
  • Trẻ bị căng thẳng như phải chịu nhiều tiếng ồn từ xung quanh, có gì đó khiến trẻ sợ hãi, ảnh hưởng đến chức năng ruột
  • Thay đổi đột ngột thói quen do đi du lịch, chuyển nhà mới...
  • Bệnh lý về đường tiêu hóa (đại tràng, ruột non, trực tràng…), đại tràng giãn rộng, bệnh lý của hệ thần kinh như bại não, hội chứng suy giáp
  • Một số loại thuốc có thể làm trẻ bị táo bón như: thuốc giảm đau, bổ sung quá nhiều sắt cho trẻ...

Trẻ ăn dặm bị táo bón phải làm sao?

5, Trẻ ăn dặm bị táo bón phải làm sao?

  • Khi trẻ bị táo bón, trước tiên chúng ta cần xem lại chế độ ăn bé và của cả mẹ (đối với những trẻ còn bú mẹ)
  • Cho bé ăn thêm chất xơ, uống đủ nước.
  • Thay đổi phong phú các loại thức ăn, cách chế biến để tìm ra sở thích khẩu vị của bé.
  • Massage vùng bụng cho bé: dùng các đầu ngón tay massage cho trẻ theo chiều kim đồng hồ, có thể bật nhạc kèm theo để tạo sự thoải mái, thư giãn cho bé.
  • Chơi cùng bé, cho bé vận động nhiều.
  • Tập cho bé thói quen ăn uống và đi ngoài đúng giờ.
  • Khi thời tiết thay đổi quá nóng bạn có thể bật quạt mát hoặc khi thời tiết lạnh hãy dùng lò sưởi, giữ ấm cho trẻ, giữ cho khu vệ sinh sạch sẽ, ấm áp để trẻ vẫn thấy thoải mái khi đi ngoài.
  • Cho bé đi khám chuyên khoa tiêu hóa và dinh dưỡng để không bỏ sót các vấn đề sức khỏe khác (lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột thừa…), đặc biệt là khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, trướng bụng, nôn ói bỏ ăn, táo bón kéo dài…
  • Người mẹ đang cho con bú cũng rất cần chú ý đế chế độ ăn: tăng cường chất xơ, hạn chế các loại đồ ăn nhanh, không tự ý dùng bất kì loại thuốc nào, kể cả thực phẩm chức năng vì có nhiều thuốc có tác dụng phụ gây táo bón, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Nguồn tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/constipation-in-children/symptoms-causes/syc-20354242

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3