Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) bằng thuốc cần lưu ý gì?
Khi một đứa trẻ được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), cha mẹ có rất nhiều câu hỏi. Liệu pháp ADHD tốt nhất là gì? Tôi có nên cho con tôi uống thuốc không? Những tác dụng và bất lợi của thuốc điều trị ADHD là gì? Để giải đáp những câu hỏi trên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé! Bài viết được dịch và biên tập bởi Bác Sĩ Đan Thanh, đánh giá và duyệt nội dung bởi Bác Sĩ Mỹ Hạnh. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Như chúng ta đã biết, nếu ADHD không được chữa trị, sẽ rất khó để trẻ có thể thành công. ADHD có thể khiến cho người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân, hành vi chống đối, trầm cảm, học tập kém, mâu thuẫn gia đình, … (Xem thêm về Trẻ ADHD không được điều trị sẽ như thế nào tại đây).
Điều trị có thể làm thuyên giảm đáng kể triệu chứng của ADHD, thậm chí trẻ có thể đạt được thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Do đó, nếu bạn hoặc con bạn đã được chẩn đoán mắc ADHD, bạn cần thảo luận với bác sĩ để tìm ra giải pháp tốt nhất và thích hợp nhất cho con.
Người điều trị cho trẻ mắc ADHD?
Việc điều trị thường được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, hạn như bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần, và có thể được theo dõi bởi bác sĩ đa khoa.
Có những phương pháp nào giúp điều trị trẻ ADHD hiện nay và đâu là phương pháp tốt nhất?
Các phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho trẻ ADHD bao gồm thuốc, liệu pháp hành vi, can thiệp tâm lý, tư vấn và giáo dục. Những phương pháp điều trị này giúp làm giảm triệu chứng của trẻ tăng động giảm chú ý, nhưng không đồng nghĩa giúp chữa khỏi bệnh.
Ngoài ra, bạn cần biết không có một phương pháp cụ thể nào là tốt nhất với mọi trẻ em ADHD. Điều trị cá nhân hóa dựa vào đặc điểm riêng biệt và đáp ứng của từng trẻ, và đôi khi chúng ta cần mất một thời gian để xác định liệu phương pháp trị liệu nào phù hợp nhất.
Những loại thuốc nào được cấp phép để điều trị ADHD?
Có 5 loại thuốc được cấp phép để điều trị ADHD: methylphenidate, dexamfetamine, lisdexamfetamine, atomoxetine, guanfacine.
Những loại thuốc này có thể giúp người bệnh ADHD tập trung tốt hơn, giảm bốc đồng, bình tĩnh, từ đó có thể học hỏi và thực hành kỹ năng mới.
Một số loại cần được uống mỗi ngày, một số loại chỉ uống trong ngày trẻ đi học. Thỉnh thoảng bác sĩ có thể cho trẻ tạm ngưng điều trị để đánh giá xem liệu thuốc có còn cần thiết hay không.
Thuốc thường được kê với liều lượng nhỏ lúc đầu, sau đó có thể tăng dần lên.
Thời gian điều trị được quyết định bởi chuyên gia, nhưng đa số việc điều trị được tiếp tục miễn là có tác dụng.
1. Methylphenidate
Methylphenidate là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị ADHD. Nó thuộc nhóm thuốc gọi là chất kích thích, giúp tăng cường hoạt động của não, đặc biệt là ở những khu vực đóng vai trò kiểm soát sự chú ý và hành vi.
Chỉ định cho người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em trên 5 tuổi bị ADHD.
Thuốc có thể được dùng dưới dạng viên nén giải phóng tức thời (liều nhỏ uống 2 - 3 lần một ngày) hoặc viên nén giải phóng thay đổi (uống một lần mỗi ngày vào buổi sáng).
2. Lisdexamfetamine
Lisdexamfetamine là một loại thuốc có cơ chế hoạt động tương tự như methylphenidate.
Chỉ định cho thanh thiếu niên và trẻ em trên 5 tuổi bị ADHD nếu đã điều trị với methylphenidate ít nhất 6 tuần mà không thuyên giảm. Người trưởng thành có thể được chỉ định dùng lisdexamfetamine là lựa chọn đầu tiên thay vì methylphenidate.
Lisdexamfetamine có dạng viên nang, uống 1 lần / ngày.
3. Dexamfetamine
Dexamfetamine tương tự như hai loại thuốc trên. Có thể chỉ định cho người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em trên 5 tuổi bị ADHD.
Dexamfetamine thường được dùng dưới dạng viên nén, uống một hoặc hai lần một ngày, mặc dù cũng có dạng dung dịch uống.
Do cùng nhóm thuốc, nên các tác dụng phụ thường gặp của methylphenidate, lisdexamfetamine và dexamfetamine bao gồm:
- Giảm sự thèm ăn
- Tâm trạng lâng lâng
- Kích động và gây hấn
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Bệnh tiêu chảy
- Buồn nôn và ói mửa
- Hành vi gây hấn
4. Atomoxetine
Atomoxetine có cơ chế hoạt động khác với các loại thuốc trên.
Đó là một chất ức chế tái hấp thu noradrenaline có chọn lọc (selective noradrenaline reuptake inhibitor - SNRI), tức là nó làm tăng lượng noradrenaline trong não. Hóa chất này đảm nhiệm trao đổi thông tin giữa các tế bào não và tăng noradrenaline giúp hỗ trợ sự tập trung và kiểm soát hành vi.
Atomoxetine được chỉ định cho người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em trên 5 tuổi nếu không thể sử dụng methylphenidate hoặc lisdexamfetamine.
Atomoxetine có dạng viên nang, thường được uống một hoặc hai lần một ngày.
Các tác dụng phụ thường gặp của atomoxetine bao gồm:
- Tăng huyết áp và nhịp tim nhẹ
- Buồn nôn và ói mửa
- Đau dạ dày
- Khó ngủ
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Dễ cáu gắt
Ngoài ra, atomoxetine có một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn cần lưu ý, bao gồm ý nghĩ tự tử và tổn thương gan.
Do đó, nếu người bệnh bắt đầu cảm thấy chán nản hoặc có ý muốn tự tử khi dùng thuốc này, hãy thông báo ngay với bác sĩ.
5. Guanfacine
Guanfacine hoạt động trên một phần của não để cải thiện sự chú ý và làm giảm huyết áp.
Thuốc này được chỉ định cho thanh thiếu niên và trẻ em trên 5 tuổi nếu không thể sử dụng methylphenidate hoặc lisdexamfetamine. Người lớn bị ADHD không nên dùng guanfacine.
Guanfacine thường được dùng dưới dạng viên nén mỗi ngày một lần, vào buổi sáng hoặc buổi tối.
Các tác dụng phụ thường gặp của Guanfacine bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Đau bụng
- Khô miệng
Trên đây là 5 loại thuốc được cấp phép để kê toa điều trị ADHD. Thuốc đôi khi có tác dụng phụ, nhưng thường sẽ xảy ra sớm trong quá trình điều trị và ở mức độ nhẹ, không kéo dài. Bạn cần đưa trẻ đi tái khám đúng hẹn để theo dõi hiệu quả điều trị và đánh giá tác dụng phụ. Bên cạnh đó, cần lưu ý về dùng thuốc trị ADHD quá liều vì vấn đề này tương đối phổ biến và đang tăng vọt trong những năm gần đây.
Một điều quan trọng cần ghi nhớ, dù phần lớn thuốc là một phương pháp điều trị phù hợp với tất cả bệnh nhân ADHD nhưng thuốc không là phương pháp duy nhất. Ngoài dùng thuốc, vẫn có các liệu pháp không dùng thuốc giúp ích trong việc điều trị ADHD ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn như liệu pháp hành vi, giáo dục của phụ huynh, huấn luyện kỹ năng xã hội, liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioural therapy - CBT), hỗ trợ từ giáo viên ở trường học, … Các nghiên cứu cho thấy điều trị lâu dài thuốc và liệu pháp hành vi đem lại hiệu quả tốt hơn nhiều, nâng cao kỹ năng xã hội so với việc chỉ điều trị thuốc đơn thuần.
Dịch vụ giải mã gen G-ADHD:
Tìm hiểu nguy cơ rối loạn tăng động giảm chú ý di truyền tại: http://bit.ly/G-ADHD
Liên hệ ngay hotline: 1900 599 927 để được tư vấn chính xác nhất.
Nguồn tham khảo:
- https://www.nhs.uk/conditions/attention-deficit-hyperactivity-disorder-adhd/treatment/
- https://www.webmd.com/add-adhd/childhood-adhd/adhd-children
- https://www.helpguide.org/articles/add-adhd/attention-deficit-disorder-adhd-in-children.htm
Tham khảo Thêm: