Các giai đoạn của Ung thư phổi và phương pháp điều trị
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính nguy hiểm và phổ biến hàng đầu tại Việt Nam. Bệnh nhân mắc ung thư phổi có thể sống thêm bao nhiêu năm? Bạn sẽ được điều trị như thế nào nếu chẳng may mắc phải căn bệnh nặng nề này? Liệu các bài thuốc dân gian có hiệu quả với ung thư phổi không? Cùng tìm hiểu với Genetica nhé!
1, Các giai đoạn của ung thư phổi
Biết mình ở giai đoạn bệnh nào là mong muốn của tất cả bệnh nhân ung thư. Bởi lẽ giai đoạn càng sớm, tiên lượng càng tốt, khả năng chữa khỏi càng cao và thời gian sống thêm càng dài. Với ung thư phổi, giai đoạn bệnh được phân loại như sau:
- Giai đoạn I: khối u có kích thước < 3 cm, chỉ ở trong nhu mô một bên phổi, chưa ảnh hưởng tới màng phổi, đường dẫn khí, hạch bạch huyết.
- Giai đoạn II: khối u to 3 – 5 cm, có thể xâm lấn màng phổi, đường dẫn khí và các hạch bạch huyết lân cận.
- Giai đoạn III: khối u > 5 cm, xâm lấn rộng hơn hoặc có nhiều khối u trong cùng một bên phổi.
- Giai đoạn IV: khối u di căn sang phổi đối diện hoặc các cơ quan khác như tim, gan, xương, não…
Nguồn: https://www.saintjohnscancer.org/thoracic/conditions/lung-cancer/
2, Phương pháp điều trị ung thư phổi
Ung thư phổi được điều trị theo nhiều phương thức khác nhau, phụ thuộc vào loại ung thư (ung thư phổi không tế bào nhỏ hay tế bào nhỏ) và giai đoạn bệnh (sớm hay muộn). Bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ thường được điều trị bằng phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, liệu pháp đích. Trong khi đó, ung thư phổi tế bào nhỏ lại nhạy cảm với xạ trị và hóa chất.
Cụ thể, các phương pháp điều trị có vai trò như sau:
- Phẫu thuật: bác sĩ sẽ cắt bỏ khối u, các tổn thương xâm lấn và các bộ phận di căn. Phương pháp này thường được áp dụng với những khối u nhỏ, khu trú và ở vị trí thuận lợi.
- Hóa trị: các hóa chất dạng uống và tiêm truyền sẽ tiêu diệt tế bào ung thư ở khắp cơ thể. Nếu khối u của bạn đã lan tràn nhiều vị trí, điều trị hóa chất là biện pháp cần thiết.
- Xạ trị: sử dụng các tia bức xạ năng lượng cao để ngăn chặn khối u ác tính phát triển và di căn.
- Liệu pháp đích: đây là phương pháp điều trị mới, có hiệu quả tốt với cơ chế là tìm kiếm chính xác tế bào ung thư rồi tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, chỉ có một số bệnh nhân có gen đặc hiệu mới được chỉ định phương pháp này.
- Liệu pháp miễn dịch: thêm một phương pháp điều trị tiên tiến cho bệnh nhân ung thư phổi. Liệu pháp này thúc đẩy các tế bào miễn dịch trong cơ thể nhận diện tế bào ung thư, sau đó tiêu diệt chúng.
Nguồn: Shutterstock
Chữa ung thư phổi bằng lá đu đủ hoặc thuốc nam có được không?
Nhiều người truyền tai nhau rằng uống nước sắc từ lá đu đủ khô hoặc sử dụng thuốc nam có tác dụng đẩy lùi ung thư. Tuy nhiên, quan điểm này không chính xác. Muốn kìm hãm sự tăng sinh và phát tán của khối u, bạn cần sử dụng những loại thuốc cực mạnh và đặc hiệu. Lá đu đủ có chứa papain, một loại enzym có tác dụng phân cắt protein nhưng hoạt tính này không đủ mạnh để tiêu diệt tế bào ác tính.
Bên cạnh đó, một loại thuốc muốn được sản xuất và bày bán trên thị trường cần trải qua 3 bước: thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, trên động vật và con người với thời gian theo dõi tối thiểu là 5 năm. Hiện nay, lá đu đủ mới chỉ được thử nghiệm trên động vật. Tính hiệu quả và an toàn của bài thuốc dân gian này chưa được chứng minh trên cơ thể người.
Vậy vì sao một số bệnh nhân điều trị theo phác đồ của bệnh viện không khỏi mà sử dụng thuốc nam, thuốc bắc lại đỡ? Phương pháp điều trị ung thư cần thời gian để phát huy tác dụng. Thời điểm bạn uống thuốc nam, thuốc bắc mới là lúc phác đồ điều trị của bác sĩ bộc lộ hiệu quả rõ rệt. Điều này khiến bạn lầm tưởng rằng bài thuốc dân gian hiệu nghiệm. Chỉ khi khối u phát triển nặng nề hơn, bạn mới ngỡ ngàng phát hiện ra sự thật nhưng lúc này đã quá muộn rồi.
Nguồn: Freepik
3, Tiên lượng của ung thư phổi
Tiên lượng của ung thư phổi tương đối xấu. Tỷ lệ sống thêm 5 năm ở bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ là 25%. Tức là cứ 100 người mắc bệnh thì 75 người sẽ tử vong trong vòng 5 năm tính từ lúc phát hiện bệnh. Tiên lượng của ung thư phổi tế bào nhỏ còn thấp hơn thế, với tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ 7%.
Ung thư phổi giai đoạn càng muộn, tiên lượng càng xấu. Nếu bạn phát hiện bệnh khi khối u còn ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể là 63% với ung thư không tế bào nhỏ và 27% với ung thư tế bào nhỏ. Ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn II và III, tỷ lệ sống thêm 5 năm giảm dần, chỉ còn 16 – 35%. Khi khối u đã di căn xa, tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ còn dưới 10%.
Như vậy, phát hiện sớm và điều trị đúng cách là biện pháp quan trọng để cứu bạn thoát khỏi ung thư phổi. Hãy đi khám ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường. Hãy tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ. Đừng tự biến mình hay người thân trở thành đối tượng thí nghiệm cho những bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc và cơ sở khoa học, bạn nhé!