Thực đơn cho bé tập ăn cơm ngon miệng đủ dinh dưỡng
Khi nào bé có thể ăn cơm và ngồi ăn cùng cả nhà là câu hỏi được nhiều cha mẹ đặc biệt quan tâm. Tập cho bé ăn cơm thế nào để giúp con ăn ngon miệng, đủ dinh dưỡng? Cùng Genetica tìm hiểu thực đơn cho bé tập ăn cơm qua bài viết dưới đây nhé!
1, Khi nào trẻ có thể ăn được cơm?
Ngoài 10 tháng tuổi, nghĩa là từ tháng thứ 11, các kỹ năng nhai nuốt, cầm nắm của trẻ đã phát triển tốt hơn rất nhiều. Lúc này nhiều em bé không còn thích ăn cháo và có dấu hiệu hứng thú với đồ ăn của người lớn. Đây là thời điểm thích hợp để cha mẹ tập cho bé hòa nhập với bữa ăn gia đình và tập ăn cơm.
Để cho bé tập ăn cơm, mẹ có thể nấu cơm thật mềm hay có thể gọi là cơm nát. Ngoài ra, có thể cho thêm một chút nghệ để cơm có màu vàng óng đẹp mắt.
2, Cách tập cho bé ăn cơm ngon miệng và dễ dàng
Việc chuyển đổi dần dần sang ăn cơm và hòa nhập vào bữa ăn gia đình có ý nghĩa lớn cho trẻ để có thể chuyển sang dinh dưỡng cho trẻ ở độ tuổi biết đi sau đó. Tập cho bé ăn cơm như thế nào để con ăn vui vẻ, hợp tác và hình thành thói quen ăn uống lành mạnh về sau là điều khiến nhiều cha mẹ băn khoăn. Dưới đây là một vài bí quyết giúp bé làm quen với việc ăn cơm để bạn có thể tham khảo:
- Cho bé làm quen với cơm bằng cách chuyển đổi dần dần từ ăn cháo sang ăn cơm. Chẳng hạn như trước đây 2-3 bữa chính của con là cháo/bột thì giờ đây mẹ có thể cho con ăn 1-2 bữa cháo và 1 bữa là ăn cơm. Điều này giúp bé có thời gian làm quen và hấp thu tốt những thức ăn thô.
- Trong giai đoạn đầu, mẹ nên nấu cơm nhão một chút để con dễ nhai nuốt hơn và không bị khó tiêu. Khi trẻ lớn hơn và quen dần với việc nhai nuốt cơm, mẹ có thể tăng dần lượng cơm cho bé qua các bữa.
- Thực phẩm ăn kèm như thịt cá, rau củ… cần được nấu chín mềm, hầm hoặc ninh nhừ và nghiền nhỏ để ăn chung với cơm. Các món ăn kèm nước sốt, ví dụ như cá hồi sốt cam, tôm sốt chanh leo, thịt bò sốt nấm…, thường rất thân thiện với trẻ nhỏ. Cùng với đó, cha mẹ cần luôn quan sát, chú ý đến khả năng nhai nuốt của bé để tránh tình trạng con bị nghẹn khi ăn thức ăn thô.
- Đầu tư chén đĩa, muỗng có hình bắt mắt để thu hút sự chú ý của bé, giúp con hứng thú hơn trong bữa ăn.
Điều quan trọng cuối cùng là mẹ nên kiên nhẫn khi tập cho bé ăn cơm. Không phải lúc nào trẻ cũng hợp tác và dễ chịu trong bữa ăn. Tuy nhiên, việc cha mẹ quát mắng, ép ăn sẽ khiến trẻ có ác cảm, thậm chí sợ ăn. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn và thử nhiều cách giới thiệu, chế biến, trang trí món ăn hấp dẫn hơn để thu hút trẻ khi có dấu hiệu chán ăn.
3, Gợi ý thực đơn cho bé tập ăn cơm với những món ăn cơ bản và đầy đủ dinh dưỡng
Để giúp cha mẹ không cần băn khoăn xem hôm nay nấu món cơm gì ngon cho con, Genetica sẽ gợi ý thêm cách nấu một số món ăn cơ bản, giàu dinh dưỡng.
Công thức cơm nát cùng bí đỏ và tôm
Tôm rất giàu sắt và canxi trong khi bí đỏ là nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời. Do đó, món cơm tán nhuyễn kết hợp cùng tôm và bí đỏ sẽ là món ăn vô cùng dinh dưỡng để giúp bé làm quen với cơm.
Nguyên liệu:
- 1 miếng bí đỏ
- 3 con tôm
- 1 thìa cà phê dầu ăn dành cho trẻ nhỏ
- 1 miếng bơ lạt nhỏ
Các bước thực hiện:
- Nấu cơm như bình thường rồi nghiền nát một chút.
- Bí đỏ rửa sạch, thái miếng vuông cho vào nồi nước sôi nấu đến khi chín mềm hoặc bạn cũng có thể hấp bí để giữ trọn hương vị.
- Tôm rửa sạch, bóc vỏ và băm nhuyễn.
- Cho bơ lạt và dầu ăn vào chảo, đun lửa nhỏ đến khi bơ tan hết.
- Tiếp theo cho tôm vào chảo xào cho tôm săn lại.
- Cuối cùng, cho tôm và bí đã nấu mềm và nghiền nát vào bát để bé ăn cùng với cơm.
Hướng dẫn nấu cơm thịt viên sốt đậu Hà Lan
Chả lá lốt mềm, dễ ăn, ngon miệng và là món ăn rất thân thiện với trẻ nhỏ. Khi kết hợp cùng nước sốt từ đậu Hà Lan, món ăn càng tăng cường thêm dinh dưỡng.
Đậu Hà Lan là nguồn cung cấp sắt và bổ sung đạm thực vật tuyệt vời. Đậu đỗ cũng vậy. Cách làm món này khá đơn giản, chỉ cần chuẩn bị và chế biến trong khoảng 30 phút là có thể hoàn thành. Nguyên liệu gồm có:
- Thịt lợn/ thịt bò xay 300g
- Lá lốt
- Đậu đỗ 400g
- Đậu Hà Lan 70g
- Sữa dừa 20ml (nước cốt dừa - không bắt buộc)
- Bơ 10g
- Cơm
Hướng dẫn:
- Thịt ướp với một chút gia vị cho vừa ăn. Lá lốt rửa sạch để ráo khô. Sau đó lần lượt cuộn từng miếng chả.
- Rán chả cùng một chút dầu. Trong lúc này, cho đậu đỗ vào om cùng cho chín.
- Để làm phần sốt đậu Hà Lan, cho bơ vào đun chảy, tiếp theo cho đậu Hà Lan vào xào cùng trong 2 phút. Sau đó đổ sữa dừa (nước cốt dừa) vào đun lửa vừa trong 5-7 phút cho chín.
- Thêm gia vị vừa ăn. Tắt bếp. Dùng máy xay cầm tay xay nhỏ sẽ được hỗn hợp sốt sánh mịn.
- Cuối cùng, lấy cơm ra đĩa và sắp lần lượt chả lá lốt, đậu đỗ và nước sốt Hà Lan xung quanh sao cho bắt mắt.
Cách nấu cơm cà ri bò hầm cho bé 11 tháng tuổi
Cà ri gà đã quá quen thuộc rồi, mẹ có thể đổi sang món cơm cà ri bò hầm giàu dinh dưỡng, ngon và lạ miệng.
Nguyên liệu:
- Thịt bò 300g
- 2 củ khoai tây, 1 củ cà rốt và 1 củ hành tây
- 4-5 tép tỏi
- 1 gói dashi (không bắt buộc)
Cách nấu:
- Thịt bò cắt miếng nhỏ dễ ăn.
- Khoai tây, cà rốt cắt hạt lựu lớn. Hành tây, tỏi cắt nhỏ.
- Phi hành tỏi thơm vàng cạnh rồi cho bò vào xào.
- Bò chín cho các rau củ còn lại vào, thêm nước sâm sấp đậy nắp nấu thêm 20 phút cho bò mềm, có thể thêm ít bột nghệ và bột cà ri cho thơm, không thêm cũng được vì viên cà ri nhật đã đầy đủ vừa ăn.
- Sau khi bò mềm cho 1/4 viên cà ri Nhật vào.
- Nấu thêm 5 phút lửa nhỏ cho cà ri sắc lại, nêm thêm dashi nếu thích vị hơi ngọt và đậm đà.
Món ăn đã hoàn thành. Bạn chỉ cần lấy cơm và cà ri bò hầm ra đĩa cho bé. Ngoài ra mẹ có thể làm mới món ăn này khi kết hợp cà ri bò cùng mì udon cũng rất ngon và dễ ăn.
Như vậy, thực đơn tập cho bé ăn cơm có thể được chuẩn bị theo nhiều cách với nhiều nguyên liệu khác nhau để bữa ăn của con phong phú hơn. Trong quá trình cho bé tập ăn cơm, cha mẹ cần ngồi ăn cùng con và quan sát tránh trường hợp bé có thể bị hóc nghẹn.