Ung thư cổ tử cung: Dấu hiệu, triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh là gì?
Năm 2020, một bài báo về ung thư cổ tử cung được đăng trên Lancet – tạp chí khoa học hàng đầu thế giới đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nghiên cứu này tiến hành ở 185 quốc gia trên toàn thế giới và kết luận rằng ung thư cổ tử cung vẫn là bệnh lý ác tính phổ biến thứ 4 ở nữ giới cho dù vaccine phòng chống HPV đã ra đời cách đây nhiều năm.
Ung thư cổ tử cung là gì mà nguy hiểm như vậy? Dấu hiệu nào để nhận biết sớm bệnh lý ác tính này? Phương pháp điều trị thế nào và tỷ lệ khỏi bệnh có cao không? Đọc bài viết này để được giải đáp thắc mắc, bạn nhé!
1, Ung thư cổ tử cung là gì?
Khoan hãy nói về ung thư cổ tử cung, trước tiên, bạn cần phân biệt được khái niệm tiền ung thư và ung thư. Sở dĩ điều này cần thiết vì tình trạng tiền ung thư cổ tử cung rất phổ biến. Chắc chắn bạn đã từng hoặc sẽ nghe thấy những thuật ngữ khó hiểu và dễ gây hoang mang như tiền ung thư, CIN hay SIL hay khi đi khám phụ khoa. Để Genetica giải thích rõ hơn cho bạn.
CIN (cervical intraepithelial neoplasia – tân sinh nội mô cổ tử cung) hay SIL (squamous intraepithelial lesion – tổn thương biểu mô vảy cổ tử cung) được gọi chung là tổn thương tiền ung thư. Tình trạng này có nghĩa là bạn chưa mắc ung thư nhưng nếu không theo dõi và xử lý kịp thời thì những tổn thương đó sẽ phát triển thành khối u trong tương lai.
Bác sĩ ung thư phụ khoa Stephanie Angela King của Fox Chase – Trung tâm ung thư hàng đầu của Mỹ cho biết: “Hàng năm, chúng tôi phát hiện hơn 1 triệu kết quả Pap test bất thường, trong đó có 100.000 ca có tổn thương tiền ung thư nghiêm trọng. Nhưng chỉ có 10.000 trường hợp chuyển biến thành ung thư”.
CIN và SIL được phân loại thành các mức độ khác nhau. Trong đó, CIN và SIL càng cao, tổn thương càng nặng và nguy cơ tiến triển thành ung thư càng lớn.
- CIN1 hoặc SIL mức độ thấp: là tình trạng một vài tế bào biểu mô bề mặt cổ tử cung bị biến đổi nhẹ.
- CIN2, CIN3 tương ứng với SIL mức độ cao: tức là nhiều lớp tế bào biểu mô cổ tử cung bị biến đổi trung bình đến nặng.
Virus gây u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân gây ra tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung. Bạn có thể phát hiện những tổn thương này khi đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm phiến đồ âm đạo Pap test. Sau đó, dựa vào mức độ tổn thương nặng hay nhẹ, độ tuổi và mong muốn sinh con của bạn, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm: theo dõi và tái khám định kỳ, đốt điện, cắt bỏ hoặc áp lạnh…
2, Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là tình trạng khối u hình thành tại vị trí hẹp, dài và bên dưới tử cung. Khác với tổn thương tiền ung thư tương đối lành tính và thường không có triệu chứng, ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính. Tức là khối u đã hình thành trong cơ thể bạn và sẽ xuất hiện những triệu chứng bất thường.
Ở giai đoạn đầu, bạn có thể phát hiện được dấu hiệu:
- Chảy máu âm đạo bất thường: ví dụ chảy máu sau khi quan hệ tình dục, sau khi đã mãn kinh, chảy máu đột ngột giữa các kỳ kinh…
- Tiết dịch bất thường từ âm đạo
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau âm ỉ vùng xương chậu
Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể xuất hiện triệu chứng sưng phù chân, tiểu buốt, khó tiểu, nước tiểu có máu hoặc thay đổi thói quen đại tiện. Sụt cân bất thường và mệt mỏi kéo dài cũng là dấu hiệu của bệnh lý ác tính.
Những triệu chứng sớm của ung thư cổ tử cung thường mơ hồ, thoáng qua và bị dễ nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác. Tuy nhiên, bạn không được chủ quan mà nên đi khám càng sớm càng tốt, đặc biệt nếu bạn ngoài 40 tuổi hoặc đã phát hiện tổn thương tiền ung thư trước đó.
3, Nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung bắt đầu khi các tế bào khỏe mạnh trong cổ tử cung phát triển những thay đổi (đột biến) trong DNA của chúng. DNA của tế bào chứa các chỉ dẫn cho tế bào biết phải làm gì.
Các tế bào khỏe mạnh phát triển và nhân lên theo một tốc độ và sẽ chết vào một thời điểm nhất định. Các đột biến làm cho các tế bào phát triển, nhân lên ngoài tầm kiểm soát và không chết đi. Các tế bào bất thường tích tụ tạo thành một khối (khối u). Tế bào ung thư xâm lấn các mô lân cận và có thể vỡ ra khỏi khối u để lây lan (di căn) đến những nơi khác trong cơ thể.
Không rõ nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung, nhưng chắc chắn rằng virus HPV đóng một vai trò nào đó. Ngoài ra, yếu tố môi trường, lối sống cũng góp phần gây ra ung thư cổ tử cung.
4, Các loại ung thư cổ tử cung
Xác định loại ung thư cổ tử cung sớm giúp bác sĩ tiên lượng và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời. Có hai loại ung thư cổ tử cung:
Ung thư biểu mô tế bào vảy: loại ung thư cổ tử cung này bắt đầu từ các tế bào mỏng, phẳng (tế bào vảy) lót phần ngoài của cổ tử cung, phóng xạ vào âm đạo. Hầu hết ung thư cổ tử cung là ung thư biểu mô tế bào vảy.
Ung thư biểu mô tuyến: Loại ung thư cổ tử cung này bắt đầu từ các tế bào tuyến hình cột nằm trong ống cổ tử cung.
Đôi khi, cả hai loại tế bào này đều có liên quan đến ung thư cổ tử cung. Rất hiếm khi ung thư xảy ra ở các tế bào khác trong cổ tử cung.
5, Các yếu tố nguy cơ gây ra ung thư cổ tử cung
- Nhiều bạn tình: số lượng bạn tình của bạn càng nhiều thì cơ hội nhiễm HPV của bạn càng lớn.
- Hoạt động tình dục sớm. Quan hệ tình dục sớm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
- Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác (STIs): chlamydia, lậu, giang mai và HIV / AIDS - làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: bạn có nhiều khả năng bị ung thư cổ tử cung nếu hệ thống miễn dịch của bạn bị suy yếu và bị nhiễm HPV.
- Hút thuốc lá: hút thuốc có liên quan đến ung thư cổ tử cung tế bào vảy.
6, Cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung
- Để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung, bạn nên:
- Tìm hiểu về vắc xin ngừa HPV. Tiêm vắc xin để ngăn ngừa nhiễm HPV có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV.
- Làm xét nghiệm Pap (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) định kỳ. Xét nghiệm Pap có thể phát hiện các tình trạng tiền ung thư của cổ tử cung để được theo dõi hoặc điều trị để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung kịp thời.
- Hoạt động tình dục an toàn: ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục bằng cách sử dụng bao cao su, hạn chế số lượng bạn tình.
- Bỏ thuốc lá
7, Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung
Các biện pháp điều trị ung thư cổ tử cung hiện nay bao gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị đích và liệu pháp miễn dịch. Bạn có thể được điều trị bằng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.
Lựa chọn phương pháp điều trị nào phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, mong muốn sinh con và tình trạng sức khỏe của bạn. Hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ để quyết định phương pháp điều trị hiệu quả và phù hợp với bạn nhất nhé!
8, Ung thư cổ tử cung có chữa được không?
Ung thư cổ tử cung tiên lượng có tốt không? Nếu phát hiện sớm thì có chữa được không? Khi phát hiện muộn thì sống thêm được bao nhiêu năm nữa? Đó là những câu hỏi thường trực của rất nhiều bệnh nhân ung thư, thậm chí cả những phụ nữ có tổn thương tiền ung thư nghiêm trọng.
Để đánh giá tiên lượng của một bệnh lý ung thư, các nhà khoa học thường sử dụng chỉ số “tỷ lệ sống sót sau 5 năm”. Tỷ lệ này đo lường phần trăm bệnh nhân sống sót và tử vong do khối u ác tính trong vòng 5 năm kể từ lúc được chẩn đoán. Tỷ lệ này càng cao, khả năng chữa khỏi và phục hồi của bệnh nhân ung thư càng tốt.
Đối với ung thư cổ tử cung nói riêng và hầu hết các bệnh lý ác tính nói chung, tỷ lệ sống sót phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, loại tế bào ung thư và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm rất cao 92%.
Đây là những trường hợp tế bào ác tính khu trú ở tử cung và cổ tử cung, chưa lan tràn ra ngoài. Khi khối u đã ảnh hưởng tới các tế bào bạch huyết xung quanh, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bạn giảm còn 58%. Còn nếu khối u đã di chuyển tới nhiều cơ quan trong cơ thể, tiên lượng của bạn rất xấu, chỉ có 17% khả năng sống trong vòng 5 năm tới.
Ung thư cổ tử cung gây ra 311.000 cái chết ở phụ nữ trên khắp thế giới hàng năm. Hiểu rõ về bệnh lý nguy hiểm này không chỉ giúp bạn phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để nâng cao kết quả điều trị, mà còn biết cách phòng tránh tối đa bằng việc tiêm vaccine HPV và khám sàng lọc định kỳ.