7 Chế độ ăn kiêng cải thiện triệu chứng của IBS
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một chứng rối loạn được đặc trưng bởi những thay đổi về quá trình đi tiêu của bạn. Một số người gặp tình trạng tiêu chảy, trong khi những người khác bị táo bón hoặc cả hai. IBS có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hằng ngày của bạn. Chính vì thế, việc điều trị y tế là rất quan trọng trong IBS, nhưng bạn có biết rằng một số chế độ ăn kiêng nhất định có thể cải thiện các triệu chứng của IBS không?
Hãy cùng Genetica khám phá các chế độ ăn kiêng phổ biến nhất hiện có để giảm các triệu chứng khó chịu và hướng tới một cuộc sống lành mạnh nhé!
1. Chế độ ăn giàu chất xơ
Một chế độ ăn giàu chất xơ sẽ giúp cải thiện triệu chứng táo bón của bạn. Như vậy ăn bao nhiêu chất xơ một ngày là đủ? Theo khuyến cáo, người lớn nên ăn khoảng 20-35 gam chất xơ mỗi ngày (tương đương 300g yến mạch hay 1 kg bông cải,...). Mặc dù điều này có vẻ đơn giản nhưng theo ước tính, hầu hết mọi người chỉ ăn từ 5-14 gam chất xơ mỗi ngày.
Có nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc,.... Chất xơ trong các loại thực phẩm này được chia làm 2 loại: chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan.
Thông thường bạn có thể ăn loại nào cũng được, tuy nhiên nếu bạn bị đầy hơi do ăn nhiều chất xơ, bạn nên ăn chất xơ hòa tan có trong trái cây và rau quả thay vì ngũ cốc. Chất xơ hòa tan sẽ tan trong nước tạo thành một loại gel, do đó nó không làm tăng khối lượng phân hay chuyển hoá sinh hơi như chất xơ không hoà tan. Các nguồn chất xơ không hòa tan phổ biến bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, cà chua, nho khô, bông cải xanh và bắp cải.
2. Chế độ ăn ít chất xơ
Mặc dù chất xơ có thể giúp ích cho một số người bị táo bón do IBS, nhưng việc tăng lượng chất xơ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng nếu bạn thường xuyên bị đầy hơi và tiêu chảy.
Trong tình huống này, như đã đề cập ở trên, bạn có thể áp dụng một chế độ ăn ít chất xơ và nếu được nên sử dụng các nguồn chất xơ hòa tan có trong các sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn như táo, quả mọng, cà rốt và bột yến mạch.
Nếu được bác sĩ cho phép, bạn cũng có thể cân nhắc dùng thuốc chống tiêu chảy 30 phút trước khi ăn chất xơ để giảm tác dụng. Phương pháp này đặc biệt hữu ích khi ăn ở nhà hàng và khi đang di chuyển. Tuy nhiên, bạn không nên tạo thói quen này.
3. Chế độ ăn không có gluten
Gluten là một loại protein được tìm thấy trong các sản phẩm ngũ cốc như bánh mì và mì ống (pasta). Protein này có thể làm tổn thương ruột ở những người không dung nạp gluten.
Một số người nhạy cảm hoặc không dung nạp gluten cũng gặp phải triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, do đó trong những trường hợp như vậy, chế độ ăn không có gluten có thể làm giảm các triệu chứng đường tiêu hóa.
Loại bỏ lúa mạch, lúa mạch đen và lúa mì khỏi chế độ ăn uống của bạn để xem các vấn đề về đường tiêu hóa có được cải thiện hay không. Nếu bạn vẫn muốn sử dụng các loại thực phẩm này (bánh mì, pasta,..), hãy tìm loại nào không chứa gluten trong các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe.
4. Chế độ ăn kiêng
Bạn cũng có thể áp dụng chế độ ăn kiêng tập trung vào việc tránh một số loại thực phẩm trong một thời gian dài để xem liệu các triệu chứng của IBS có cải thiện hay không. Tổ chức Quốc tế về Rối loạn Tiêu hóa Chức năng (IFFGD) khuyến nghị loại bỏ bốn thủ phạm phổ biến sau:
- Cà phê
- Sô cô la
- Chất xơ không hòa tan
- Quả hạch
Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc loại bỏ bất kỳ thực phẩm nào bạn thấy nghi ngờ. Cụ thể, bạn nên ghi ra một danh sách các thực phẩm mà bạn cho là có liên quan đến triệu chứng của IBS, sau đó áp dụng chế độ ăn kiêng loại bỏ một loại thực phẩm trong danh sách trên trong 12 tuần. Theo dõi tiến triển các triệu chứng của IBS và chuyển sang thực phẩm tiếp theo trong danh sách sau 12 tuần theo dõi.
5. Chế độ ăn uống ít chất béo
Chúng ta đều biết, việc tiêu thụ lâu dài thực phẩm giàu chất béo là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như béo phì. Tuy nhiên ít ai biết rằng, chất béo cũng có thể là thủ phạm làm các triệu chứng của IBS trở nên trầm trọng hơn.
Thực phẩm giàu chất béo thường ít chất xơ, do đó có thể làm nặng thêm tình trạng táo bón liên quan đến IBS. Theo nghiên cứu, thức ăn giàu chất béo đặc biệt không tốt cho những người bị IBS thể hỗn hợp (đặc trưng bởi sự kết hợp của táo bón và tiêu chảy). Thực hiện một chế độ ăn ít chất béo sẽ tốt cho tim của bạn và có thể cải thiện các triệu chứng khó chịu ở ruột.
Thay vì ăn thức ăn chiên rán và mỡ động vật, hãy tập trung vào thịt nạc, trái cây, rau, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa ít béo.
6. Chế độ ăn uống FODMAP thấp
FODMAP (viết tắt từ “Fermentable Oligo-, Di-, Mono-saccharides and Polyols”, tạm dịch: các loại saccharide và cồn có thể lên men) là những carbohydrate khó tiêu hóa trong ruột do đó những người bị IBS có thể bị đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy sau khi ăn những thực phẩm này. Do đó, việc tạm thời hạn chế hoặc hạn chế ăn những thực phẩm FODMAP cao trong sáu đến tám tuần có thể cải thiện các triệu chứng IBS của bạn.
Điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả carbohydrate đều là FODMAP. Để có kết quả tốt nhất, bạn phải loại bỏ các loại thực phẩm phù hợp. Thực phẩm nên tránh bao gồm:
- Đường lactose (sữa, kem, pho mát, sữa chua)
- Một số loại trái cây (đào, dưa hấu, lê, xoài, táo, mận,…)
- Cây họ đậu
- Xi-rô ngô nhiều đường fructose
- Bánh mì làm từ lúa mì, ngũ cốc và mì ống
- Hạt điều và hạt dẻ cười
- Một số loại rau nhất định (atisô, măng tây, bông cải xanh, hành tây, cải bruxen, súp lơ, nấm)
Hãy nhớ rằng mặc dù chế độ ăn kiêng này loại bỏ một số trái cây, các loại hạt, rau và sữa, nhưng nó không loại bỏ tất cả các loại thực phẩm khỏi các danh mục này. Nếu bạn uống sữa, hãy chọn sữa không có lactose hoặc các loại sữa thay thế khác như gạo hoặc sữa đậu nành.
Việc loại bỏ các thực phẩm FODMAP cao khỏi chế độ ăn có thể làm cho bữa ăn của bạn trở nên nghèo nàn, thiếu dinh dưỡng, do đó hãy nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu chế độ ăn kiêng này.
7. Chế độ ăn uống tốt nhất của bạn
Việc áp dụng một chế độ ăn kiêng thế nào là tùy vào cơ địa mỗi người. Không có một công thức chung nào cho tất cả. Cần lưu ý rằng, ăn uống sai cách có thể làm các triệu chứng của bạn trở nên trầm trọng hơn. Do đó bạn nên thảo luận với bác sĩ của bạn hoặc một chuyên gia dinh dưỡng trước khi quyết định áp dụng bất kỳ chế độ ăn nào.
Nguồn: https://www.healthline.com/health/ibs-diet