Viêm phổi ở trẻ nhỏ: Điều trị dễ hay khó?

Việc điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ sẽ phụ thuộc vào việc bệnh do vi khuẩn hay vi rút gây ra. Nhiều trẻ em có thể được chăm sóc tại nhà, nhưng một số trẻ có thể phải điều trị tại bệnh viện.
Nguyễn Thị Thắm
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thắm. Bác sĩ tham vấn: BS.CKII Đặng Thị Kim Huyên, ThS.BS Trần Thị Thu Loan24/03/2021

Việc điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ sẽ phụ thuộc vào việc bệnh do vi khuẩn hay vi rút gây ra. Nhiều trẻ em có thể được chăm sóc tại nhà, nhưng một số trẻ có thể phải điều trị tại bệnh viện.

1, Bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ là gì?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, khi virus và vi khuẩn tấn công cơ quan này và tạo ra những ổ nhiễm trùng. Vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, và một số loại virus khác.

Viêm phổi bao gồm viêm phế quản phổi, viêm phổi mô kẽ, viêm phổi thuỳ. Đây đều là các tình trạng viêm đường hô hấp và nhu mô phổi, khi đó một số loại vi khuẩn và virus phát triển tạo ra mủ và chất nhầy trong phế nang, làm cho oxy không tới được hệ tuần hoàn. Điều này liên quan mật thiết đến các triệu chứng điển hình của viêm phổi.

Theo thống kê của WHO (Tổ chức Y tế thế giới), viêm phổi đã gây ra tử vong cho gần 750.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu vào năm 2019. Tại Việt Nam hằng năm có đến ⅓ số trẻ em tử vong do viêm phổi. Viêm phổi là bệnh có thể lây nhiễm, tuy nhiên có thể phòng tránh bằng một vài biện pháp.

2, Nguyên nhân dẫn đến viêm phổi ở trẻ nhỏ

Các lứa tuổi khác nhau thường gặp phải các tác nhân gây bệnh khác nhau. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi, các nguyên nhân phổ biến thường là do viêm phổi thể do vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất,...

Trẻ trên 5 tuổi thường gặp viêm phổi do các loại vi khuẩn không điển hình như: Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumoniae, phế cầu, các loại siêu vi hô hấp.

Trẻ dưới 5 tuổi thường gặp viêm phổi do vi khuẩn: phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu pyogenes, HiB. HiB trước đây là một tác nhân quan trọng gây ra viêm phổi ở trẻ, nhưng sau này do có chương trình tiêm ngừa nên tác nhân này hiện không đáng kể.

Trẻ dưới 2 tháng tuổi thì ngoài các vi khuẩn như của trẻ dưới 5 tuổi còn có thể gặp một số vi khuẩn đường ruột như: E.Coli, Proteus,... do mẹ truyền qua.

3, Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em

Phát hiện dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em và điều trị sớm có thể giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng và tử vong ở trẻ. Nếu bố mẹ bắt gặp ở bé những dấu hiệu sau, hãy nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

  • Ho vừa đến nặng, thường là ho nặng tiếng.
  • Thở nhanh liên tục (khác với biểu hiện thở nhanh nhất thời khi trẻ bị sốt cao). Trẻ được coi là thở nhanh nếu thở trên 60 lần/phút (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi), trên 50 lần/phút (đối với trẻ từ 2 tháng- 1 tuổi) hoặc trên 40 lần/phút (với trẻ trên 1 tuổi). Bố mẹ có thể đếm nhịp thở khi trẻ đang nằm yên và không hoạt động gắng sức. Dùng đồng hồ có kim giây để đếm trong vòng 1 phút.
  • Thở gắng sức: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (vị trí phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực. Thở nhanh và thở gắng sức là phản ứng bù trừ nhưng cơ thể trẻ không thể cố gắng mãi. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm lại rồi ngưng thở.
  • Sốt vừa đến sốt cao nhưng đôi khi không có ở trẻ có hệ miễn dịch yếu
  • Đau ngực trong lúc ho và cả giữa các cơn ho.
  • Nôn không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho.
  • Tím tái quanh môi và ở mặt do trẻ bị thiếu oxy.
  • Thở rít, mặc dù thở rít thường là biểu hiện của nhiễm virus nhiều hơn nhưng đôi khi đây cũng là biểu hiện của viêm phổi.

4, Viêm phổi ở trẻ – có phải lúc nào cũng cần nhập viện?

Bác sĩ sẽ đánh giá xem trẻ có cần được chăm sóc tại bệnh viện hay không dựa trên các triệu chứng và các yếu tố khác, bao gồm cả độ tuổi của trẻ (như trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi nếu bị viêm phổi sẽ có nguy cơ nhập viện cao hơn).

Bác sĩ sẽ cân nhắc cho trẻ nhập viện nếu trẻ có các dấu hiệu sau:  

  • Khó thở
  • Có dấu hiệu mất nước do không thể ăn hoặc uống
  • Không thể dùng kháng sinh bằng đường miệng
  • Nồng độ oxy trong máu thấp
  • Bệnh không thuyên giảm dù đã dùng kháng sinh trước đó (VD: còn sốt sau 2 ngày sử dụng kháng sinh)
  • Có tiền sử bệnh tim, phổi hoặc suy giảm miễn dịch trước đó

Khi nhập viện, trẻ có thể được truyền thuốc kháng sinh. Nếu cần, bác sĩ có thể cung cấp oxy để giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Nếu trẻ bị mất nước, trẻ cũng có thể được truyền dịch bổ sung để giúp hỗ trợ tình trạng hô hấp tốt hơn.

Viêm phổi ở trẻ nhỏ: Điều trị dễ hay khó?

5, Trẻ có cần sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổi?

Việc khi nào nên sử dụng thuốc kháng sinh phụ thuộc vào viêm phổi là do vi khuẩn hay vi rút. 

Nếu con bạn có khả năng bị viêm phổi do vi khuẩn, trẻ sẽ được cho uống thuốc viên hoặc dung dịch kháng sinh để chống lại vi khuẩn. Triệu chứng thường sẽ cải thiện rất nhiều trong vòng 48 giờ đầu tiên - nhưng cũng có thể trẻ sẽ tiếp tục ho lâu hơn. Điều quan trọng là phải điều trị kháng sinh đủ ngày theo chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi con bé trông có vẻ khá hơn. Nếu bệnh viêm phổi của con bạn là do vi rút thì thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng. 

Dưới đây là một số dấu hiệu giúp phân biệt 2 nhóm này:

Viêm phổi ở trẻ nhỏ: Điều trị dễ hay khó?

Tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt được viêm phổi là do vi khuẩn hay vi rút. Để an toàn, bác sĩ có thể quyết định cho con bạn dùng thuốc kháng sinh nếu họ không thể chắc chắn về nguyên nhân.

6, Trẻ bị viêm phổi có thể được chăm sóc tại nhà?

Nhiều trẻ mắc bệnh viêm phổi có thể được chăm sóc tại nhà nhưng bố mẹ vẫn cần tham khảo ý kiến và được sự cho phép của bác sĩ để bảo đảm an toàn cho bé. Trong quá trình chăm sóc cho trẻ, bố mẹ cần chú ý:

  • Để trẻ được nghỉ ngơi nhiều.
  • Trẻ có thể không muốn ăn nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng trẻ luôn uống đủ nước. Cố gắng cho bé uống một lượng nước nhỏ thường xuyên mỗi ngày. (Nếu trẻ vẫn còn mặc tã, bố mẹ có thể kiểm tra bé đã bú đủ hay chưa bằng cách ước lượng độ ướt của tả)
  • Nếu con bạn bị đau ngực hoặc đau bụng, bạn có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen dành cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.
  • Lưu ý: Thuốc ho không giúp chữa được bệnh viêm phổi.
  • Không hút thuốc xung quanh con bạn hoặc để chúng hít phải khói thuốc của người khác. 
  • Đừng cố gắng hạ sốt cho con bạn bằng cách dùng vải ướt lau người bé.

Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn thêm thông tin về cách tốt nhất để chăm sóc con bạn tại nhà. Nếu các triệu chứng của con bạn trở nên tồi tệ hơn, hãy quay lại gặp bác sĩ của bạn.

Một số trẻ sẽ khỏi bệnh viêm phổi sau 10 ngày, nhưng có đến một nửa số trẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn. Hầu hết trẻ sẽ khỏi bệnh sau 3-4 tuần.


7, Làm cách nào để ngăn ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ?

Viêm phổi là một bệnh lý thường gặp ở trẻ, bạn có thể làm một số điều sau để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cho bé yêu của mình.

Tiêm phòng vắc-xin:

Viêm phổi ở trẻ nhỏ: Điều trị dễ hay khó?

  • Nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm phổi, nhưng nguyên nhân phổ biến của viêm phổi do vi khuẩn là vi khuẩn ‘Streptococcus pneumoniae’. Vắc xin phế cầu khuẩn (PCV) là vắc xin bảo vệ trẻ em chống lại bệnh viêm phổi do vi khuẩn này gây ra. Con bạn nên được chủng ngừa loại vắc-xin này tại các trung tâm tiêm phòng. Liều đầu tiên có thể được tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.
  • Trẻ cũng nên được chủng ngừa cúm hàng năm từ 2 tuổi cho đến 10 tuổi trở lên. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ trẻ bị viêm phổi như một biến chứng của bệnh cúm.
  • Hãy nhớ lịch tiêm chủng của trẻ và tiêm nhắc lại (nếu cần) theo lịch tiêm chủng.

Tránh nhiễm trùng

  • Dạy trẻ cách sử dụng khăn giấy và rửa tay sau khi ho và hắt hơi.

Không hút thuốc hoặc để người khác hút thuốc xung quanh con bạn.

  • Điều này làm cho trẻ có nhiều khả năng bị nhiễm trùng và làm cho các triệu chứng của trẻ trở nên tồi tệ hơn.

Hy vọng qua những thông tin trên, các bậc phụ huynh sẽ có thêm những thông tin hữu ích để chăm sóc các bé nhỏ tốt nhất.

Nguồn:

  • https://www.blf.org.uk/support-for-you/pneumonia-in-children/treatment
  • https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/pneumonia

Tham khảo Thêm:

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3