5 lời khuyên chăm sóc sức khỏe hệ sinh sản cho phụ nữ
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 90% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh sản mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Số ca mắc mỗi năm có xu hướng tăng từ 15% đến 27%. Những căn bệnh này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hệ sinh sản ở nữ giới. Vậy chúng ta cần làm gì để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh? Hãy tìm hiểu cùng Genetica nhé.
1. Đi khám phụ khoa định kỳ và tiêm ngừa
Khám phụ khoa là một cách hữu hiệu để theo dõi và phát hiện kịp thời các vấn đề bất thường trong sức khỏe hệ sinh sản ở nữ giới. Nhưng nhiều chị em còn mang tâm lý e dè, chủ quan, chờ đến khi có biểu hiện rõ ràng như ngứa ngáy, ra khí hư bất thường thì mới đi thăm khám. Trong khi có nhiều căn bệnh tiến triển âm thầm, cho đến khi nặng hơn thì mới xuất hiện biến chứng, lúc này dù bạn nhận điều trị thì cũng đã muộn.
Vì vậy, mỗi chị em phụ nữ cần tạo thói quen đi khám phụ khoa định kỳ từ 3 đến 6 tháng một lần hoặc ít nhất là 1 năm một lần. Các mốc thời gian quan trọng mà chị em cần đi khám là:
- Trong độ tuổi sinh sản (trên 20 tuổi).
- Đã quan hệ tình dục.
- Xuất hiện triệu chứng bất thường ở vùng kín như chảy máu âm đạo bất thường, ngứa ngáy, đau rát, ra khí hư hoặc dịch âm đạo bất thường đi kèm mùi hôi thối khó chịu.
- Đau dữ dội và kéo dài khi quan hệ tình dục.
- Có kế hoạch mang thai.
- Sàng lọc trước hôn nhân.
Bạn nên đi khám phụ khoa sau khi sạch kinh từ 3 đến 5 ngày. Trước khi đi khám, bạn cần tránh quan hệ tình dục, không sử dụng các dung dịch vệ sinh mà chỉ vệ sinh vùng kín bằng nước sạch.
Ngoài ra, bạn cũng nên đi tiêm ngừa các loại vaccine như viêm gan B, HPV, giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus gây ung thư cổ tử cung, mụn cóc sinh dục và các bệnh nguy hiểm khác.
Độ tuổi tiêm ngừa HPV đem lại hiệu quả tốt nhất là từ 9 đến 26 tuổi, bất kể là có quan hệ tình dục hay chưa. Sau 26 tuổi, bạn vẫn có thể tiêm ngừa HPV nhưng hiệu quả không còn cao.
2. Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe sinh sản
Thực phẩm là yếu tố quan trọng để duy trì sức khỏe hệ sinh sản. Theo kết quả của một nghiên cứu được công bố trên trang web của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia (NCBI), các hàm lượng dinh dưỡng sau đây sẽ cải thiện sức khỏe sinh sản của phụ nữ, bao gồm khả năng sinh sản:
- Axit béo omega-3 và omega-6
- Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI ≤ 55)
- Chế độ ăn uống ít carbohydrate
- Protein thực vật
- Chất chống oxy hóa
Bạn nên tìm những thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng trên để xây dựng chế độ ăn uống tốt cho hệ sinh sản.
Rượu và thuốc lá cũng ảnh hưởng đến sức khỏe hệ sinh sản của nữ giới. Thực tế, những phụ nữ có thói quen uống rượu và hút thuốc đều mang nguy cơ cao bị ung thư hệ thống sinh sản và giảm khả năng sinh sản. Đối với phụ nữ mang thai, hút thuốc lá còn khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
Vì vậy, bạn cần tránh hai thói quen có hại trên để giữ gìn sức khỏe hệ sinh sản.
3. Có hoạt động tình dục an toàn
Quan hệ tình dục bừa bãi, thiếu an toàn sẽ khiến bạn gặp nhiều rủi ro về sức khỏe hệ sinh sản hơn. Rủi ro thường thấy nhất là mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh tình dục.
Điều đầu tiên bạn cần làm là hạn chế số lượng bạn tình. Bạn càng quan hệ với nhiều người, nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs) và một số bệnh ung thư đường sinh sản càng cao. Bạn nên nhớ một số bệnh tình dục như HPV hay herpes không thể chữa khỏi hoàn toàn một khi mắc bệnh và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của bạn.
HIV cũng là một căn bệnh khác mà bạn có thể mắc phải nếu quan hệ bừa bãi. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên ở trong mối quan hệ 1:1. Mỗi lần quan hệ, bạn cần sử dụng bao cao su. Vì trong số tất cả biện pháp tránh thai, bao cao su là một biện pháp vừa có thể tránh thai vừa ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
4. Tập thể dục thường xuyên
Ít ai biết rằng thừa cân – béo phì cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng khó mang thai. Chúng làm mất cân bằng nội tiết tố, khiến cho việc tiết hormone trở nên dư thừa, cụ thể là estrogen.
Vì hormone này không chỉ được sản xuất trong buồng trứng mà còn ở các tế bào mỡ. Khi estrogen trở nên dư thừa, nồng độ estrogen cao sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình phóng noãn và rụng trứng, khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn.
Chưa kể, thừa cân và béo phì còn góp phần vào sự phát triển của bệnh hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) – một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nữ giới.
Vì vậy, để duy trì cân nặng hợp lý, ngoài xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, bạn cần tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội…
5. Vệ sinh vùng kín đúng cách
Không ít chị em vẫn giữ thói quen thụt rửa khi vệ sinh vùng kín. Đây là thói quen có hại mà bạn cần dừng ngay bây giờ. Vì nó sẽ làm mất tính cân bằng độ pH âm đạo, tạo điều kiện để đẩy vi khuẩn vào cơ quan sinh sản sâu hơn, gây ra viêm nhiễm vùng kín.
Tiếp theo, bạn nên tránh dùng những sản phẩm dung dịch vệ sinh vùng kín có mùi thơm vì chúng thường chứa hóa chất độc hại làm kích ứng vùng da nhạy cảm hoặc mất cân bằng độ pH, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Vậy bạn cần vệ sinh vùng kín đúng cách như thế nào?
- Rửa nhẹ nhàng phần bên ngoài vùng kín (âm hộ) chứ không thụt rửa sâu vào âm đạo.
- Rửa bằng nước sạch là đủ vì “cô bé” có thể tự làm sạch bằng dịch tiết âm đạo.
- Nếu bạn muốn dùng thêm dung dịch vệ sinh, hãy đọc kỹ thành phần trong sản phẩm hoặc hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để chọn loại sản phẩm phù hợp với bản thân. Không nên nghe theo ý kiến của người khác vì cơ địa mỗi người đều khác nhau, có người dị ứng với thành phần này trong khi người khác thì không.
- Mặc loại quần lót cotton thoáng mát, tránh mặc quần bó sát.
Trên đây là 5 lời khuyên chăm sóc sức khỏe hệ sinh sản cho nữ giới, giúp bạn tránh được nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa hoặc bệnh lây qua đường tình dục. Ngoài ra, bạn hãy nhớ loại bỏ các thói quen gây hại để không chỉ duy trì sức khỏe sinh sản bình thường mà còn cải thiện cả sức khỏe toàn diện.
Nguồn tham khảo: 5 Tips For Women To Keep Their Reproductive Health Concerns At Bay - Providence Medical