Dị ứng thời tiết là gì? Nguyên Nhân, triệu chứng và cách phòng tránh
Bài viết được dịch và biên tập bởi Thắm Nguyễn và được tham vấn y khoa từ ThS.BS. Trần Thị Kim Thu, chuyên khoa nội tổng quát & hô hấp tại Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Dị ứng thời tiết là gì?
Dị ứng thời tiết là phản ứng của hệ thống miễn dịch với những thay đổi của nhiệt độ như nóng - lạnh, độ ẩm làm ảnh hưởng đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc hoặc việc thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí.
Người bị dị ứng thời tiết có thể có các biểu hiện như da mẩn đỏ, ngứa, nổi mề đay, và có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Một số biểu hiện khác khi dị ứng thời tiết như các vấn đề hô hấp, mũi họng… làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh.
Dị ứng thời tiết có thể gặp ở trẻ em và cả người lớn. Đặc biệt với những người có cơ địa “nhạy cảm” hoặc cha và mẹ có tiền sử dị ứng (dị ứng thời tiết, mề đay, viêm mũi dị ứng…) Dị ứng thời tiết có thể tự thuyên giảm, hoặc hết sau 24 giờ đến 6 tuần (cấp tính), nhưng cũng có khả năng tiến triển hơn 6 tuần (mãn tính).
Xem ngay: Dị ứng hải sản là gì?
Biểu hiện của dị ứng thời tiết?
Dị ứng thời tiết có những triệu chứng khá dễ nhận biết như mẩn đỏ, ngứa, nổi mề đay. Tùy thuộc vào sức khỏe, sức đề kháng và mức độ dị ứng của người bệnh, mỗi đợt dị ứng sẽ có thời gian bùng phát nhất định.
Biểu hiện của dị ứng thời tiết có thể bao gồm những biểu hiện sau:
Phát ban: Khi gặp phải tình trạng dị ứng thời tiết, trên da sẽ xuất hiện những mẩn đỏ ở chân, tay, lưng đôi khi cả ở mặt. Việc phát ban làm người bệnh có thể cảm thấy ngứa và gãi, hành động gãi sẽ làm lan rộng mẩn đỏ trên bề mặt da hơn nữa.
Viêm mũi dị ứng: Thường có những biểu hiện như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa ngáy vùng mũi, mắt...
Nổi mề đay cấp tính: Biểu hiện có thể là nổi mẩn đỏ và ngứa, vết mẩn đỏ sẽ lan rộng khắp cơ thể khi bị chà xát như hoạt động gãi, đặc biệt là biểu hiện nóng rát vùng da tổn thương, lưỡi và vòm họng có dấu hiệu sưng. Người bệnh có thể rơi vào trạng thái khó thở, tụt huyết áp nhanh, sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong.
Chàm bội nhiễm: Là tình trạng da xuất hiện mụn nước, ngứa ngáy, chảy dịch ở vùng da tổn thương. Đôi khi bệnh nhân cũng gặp một số triệu chứng như: sưng hạch bạch huyết, đau mỏi người, sốt cao không dứt, cần đến các cơ sở y tế để được kịp thời thăm khám và điều trị.
Khò khè, ho hoặc khó thở: Thường biểu hiện khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là các giai đoạn giao mùa. Đối với những biểu hiện này, người bệnh cần được chẩn đoán hen phế quản để điều trị cũng như kiểm soát bệnh ổn định tránh tình trạng nặng với những thay đổi của thời tiết.
Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết?
Nguyên nhân của những biểu hiện dị ứng thời tiết là do rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể. Từ đó sẽ xuất hiện các phản ứng dị ứng, sản sinh ra hàng loạt các kháng thể, chất hóa học trong cơ thể nhằm chống lại các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài, gây hại tới cơ thể. Cơ chế sản sinh histamine cũng là hoạt động quan trọng trong hệ miễn dịch cũng gây ảnh hưởng nhất định đến tình trạng dị ứng.
Bên cạnh đó những yếu tố thuận lợi sau cũng góp phần tăng dị ứng thời tiết:
- Cơ địa dị ứng
- Yếu tố di truyền
- Hệ miễn dịch suy giảm
- Điều kiện thời tiết
Ngoài ra, nguy cơ bị dị ứng thời tiết còn có thể tăng lên khi có những yếu tố sau: Trẻ em thường dễ dị ứng thời tiết hơn. Người bệnh có sẵn các bệnh lý dị ứng (hen suyễn, viêm mũi dị ứng,…). Rối loạn nội tiết, Căng thẳng thần kinh. Dùng thuốc và thức ăn dễ gây dị ứng vào giai đoạn chuyển mùa
Các phương pháp phòng ngừa và điều trị dị ứng thời tiết?
Phương pháp phòng ngừa:
- Phấn hoa trong không khí vào các thời điểm giao mùa có thể là nguyên nhân gây dị ứng thời tiết. Người bệnh cần chắc chắn việc đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời hoặc những nơi có thể sẽ có nhiều phấn hoa.
- Đảm bảo không khí trong lành trong gia đình bạn, nên sử dụng thiết bị lọc không khí để đảm bảo sức khỏe giảm tình trạng dị ứng.
- Giữ ấm cơ thể và dưỡng ẩm da thường xuyên trong mùa lạnh. Khi thời tiết nóng bức, để giảm dị ứng thời tiết, cần mặc quần áo thoáng mát, giữ vệ sinh cơ thể hạn chế việc tăng thân nhiệt cũng như việc bài tiết mồ hôi.
- Tăng sức đề kháng bằng việc bổ sung vitamin B1, B6, B12, C, ăn nhiều trái cây, rau củ, uống nhiều nước để điều hòa cơ thể. Bệnh nhân cũng được khuyên nên tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng...
Trong trường hợp dị ứng thời tiết biểu hiện triệu chứng nặng, gây ngứa nhiều hoặc kéo dài trong nhiều tuần, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ và có thể được điều trị dị ứng thời tiết bằng các loại thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc kháng thụ thể H2, doxepin, Prednisolone, Corticoid…
Nguồn:
- How Weather Affects Allergies, Asthma, Migraines, Joint Pain, and More (webmd.com)
- How Weather Affects Allergies (webmd.com)
- Can you be allergic to the weather?: Premier Allergy and Asthma: Allergy and Asthma Specialists (premierallergyohio.com)