Yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng tránh ung thư buồng trứng
Rất có thể bạn đang mắc ung thư buồng trứng mà không hề nhận ra. Lý do là bởi triệu chứng ở giai đoạn sớm của căn bệnh này thường mơ hồ, dễ bỏ sót. Tin tốt là bạn hoàn toàn có thể xác định yếu tố nguy cơ của bản thân để nâng cao cảnh giác và phát hiện sớm dấu hiệu bất thường, từ đó đi khám kịp thời. Cùng Genetica tìm hiểu nhé!
1, Bạn có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng không?
Nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: tuổi, gen di truyền, lối sống và tác động của môi trường. Càng có nhiều yếu tố, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng của bạn càng tăng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chắc chắn bạn sẽ mắc ung thư trong tương lai. Các yếu tố này có vai trò cảnh báo để bạn chú ý các dấu hiệu bất thường trên cơ thể và khám sức khỏe định kỳ.
Tuổi cao: Ung thư buồng trứng phổ biến ở phụ nữ mãn kinh. Nguy cơ ung thư buồng trứng tăng mạnh sau tuổi 45 và cao nhất ở phụ nữ 75 – 79 tuổi.
Người thân mắc ung thư: Nếu bạn có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư buồng trứng, nguy cơ bạn phải đối diện với căn bệnh này cao gấp 3 lần những phụ nữ bình thường khác. Mặt khác, tiền sử mắc ung thư vú và đại trực tràng trong gia đình cũng gia tăng nguy cơ ung thư buồng trứng của bạn.
Các nhà khoa học đã khám phá ra nhiều đột biến gen dẫn đến bệnh lý ung thư của các thành viên trong gia đình. Có khoảng 25% bệnh nhân ung thư buồng trứng mang gen di truyền này.
Bạn từng mắc ung thư trước đây: Bạn có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn nếu đã từng mắc ung thư vú hoặc đại trực tràng trong quá khứ. Tình trạng này cũng liên quan đến các đột biến gen gây hội chứng ung thư gia đình. Ngoài ra, nếu bạn có tiền sử xạ trị, nguy cơ xuất hiện ung thư buồng trứng sau này cũng tăng lên.
Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý ác tính, trong đó có ung thư buồng trứng. Phụ nữ có chỉ số khối (BMI) trên 30 có nguy cơ ung thư buồng trứng cao hơn. Thừa cân, béo phì cũng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sống sót và phục hồi của bệnh nhân ung thư.
Hút thuốc lá: Hút thuốc lá dù trực tiếp hay thụ động thì vẫn gia tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Thời gian tiếp xúc với khói thuốc càng lâu, khả năng mắc ung thư càng cao.
2, Các yếu tố hạn chế nguy cơ mắc ung thư buồng trứng
Bên cạnh nhiều yếu tố gia tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng, các yếu tố giúp dưới đây sẽ bảo vệ bạn.
Mang thai và cho con bú: Sở dĩ mang thai và cho con bú có thể bảo vệ bạn khỏi ung thư buồng trứng vì trong thai kỳ và thời gian cho con bú, buồng trứng sẽ tạm ngưng hoạt động, tức là không có hiện tượng rụng trứng. Sau mỗi lần rụng trứng, buồng trứng sẽ bị tổn thương. Vì vậy, số lần rụng trứng càng ít, nguy cơ ung thư buồng trứng càng thấp.
Cụ thể, nguy cơ ung thư giảm 40% sau lần sinh đẻ đầu tiên và giảm 80% ở những phụ nữ có thai trên 5 lần. Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu cũng góp phần giảm 32% nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Yếu tố này cũng có tác dụng bảo vệ đối tượng mang gen đột biến và có tiền sử gia đình liên quan đến ung thư.
Uống thuốc tránh thai kết hợp: Thuốc tránh thai hàng ngày có thành phần estrogen và progestin cũng ức chế hiện tượng rụng trứng, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Phụ nữ uống thuốc tránh thai hàng ngày liên tục từ 5 năm trở lên sẽ giảm được 50% nguy cơ. Sự bảo vệ này vẫn duy trì nhiều năm sau khi ngừng thuốc.
Tuy nhiên, sử dụng thuốc tránh thai dưới 6 tháng không có tác dụng bảo vệ. Mặt khác, thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú cũng như kèm theo một số tác dụng không mong muốn. Do đó, bạn nên cân nhắc và thảo luận thật kỹ cùng bác sĩ trước khi sử dụng.
►► Xem Ngay: Tiểu đường là bệnh gì? Gồm những loại nào?
Cắt bỏ buồng trứng và tử cung: Một nghiên cứu trên hơn 800.000 phụ nữ Úc chứng minh cắt bỏ tử cung có thể giảm thiểu nguy cơ buồng trứng trên đối tượng lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng đồng thuận rằng cắt bỏ buồng trứng và tử cung là biện pháp có giá trị ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng. Chẳng hạn, phụ nữ có gen đột biến nếu cắt bỏ buồng trứng thì nguy cơ ung thư giảm được 85 – 95%.
Phòng tránh ung thư buồng trứng: Ung thư là bệnh lý không kiêng dè bất kỳ ai. Cho dù bạn không có hay có rất nhiều yếu tố nguy cơ, ung thư buồng trứng vẫn có thể bất ngờ ghé thăm bạn.
Không có biện pháp tối ưu nào giúp bạn phòng tránh ung thư nói chung và ung thư buồng trứng nói riêng. Điều bạn có thể làm là nhận biết, giảm thiểu yếu tố nguy cơ và tăng cường yếu tố bảo vệ.
Nếu gia đình bạn có nhiều người thân mắc ung thư vú, buồng trứng, đại trực tràng, hãy cân nhắc xét nghiệm gen để xác định các hội chứng ung thư gia đình, từ đó đánh giá chính xác nguy cơ ung thư của bạn.
Nếu bạn là đối tượng nguy cơ cao của ung thư buồng trứng, hãy đi khám và thảo luận với bác sĩ chuyên ngành Ung thư, Sản phụ khoa để theo dõi, lựa chọn phương pháp phòng tránh hữu hiệu nhất.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn có rất ít hoặc không có yếu tố nguy cơ, cũng đừng chủ quan. Hãy lưu ý những dấu hiệu nhận biết quan trọng và đi khám càng sớm càng tốt để phát hiện kịp thời bệnh lý ác tính. Chẩn đoán và điều trị sớm giúp tăng khả năng khỏi bệnh và thời gian sống sót.
Bên cạnh đó, duy trì cân nặng hợp lý, tránh xa khói thuốc và nuôi con bằng sữa mẹ cũng là những biện pháp hữu ích để bảo vệ bạn khỏi ung thư buồng trứng. Hãy chủ động bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh quái ác này nhé!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer/risks-causes
- https://www.cancer.org/cancer/ovarian-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html