Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là gì? Có di truyền không?

Bệnh tiểu đường, hay còn gọi đái tháo đường, là một bệnh chuyển hóa, gây ra lượng đường trong máu cao. Vậy bệnh tiểu đường là gì? Gồm những loại nào, triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa ra sao?
Huỳnh Lê Kim Ngân
Tác giả bài viết: Huỳnh Lê Kim Ngân. Bác sĩ tham vấn: BS.CKII Ngô Thế Phi24/06/2021

Bệnh tiểu đường là một trong những căn bệnh phổ biến trên thế giới. Năm 2015, có khoảng 415 triệu người từ độ tuổi 20 đến 79 đang sống chung với tiểu đường. Dự đoán đến năm 2040, con số này sẽ lên tới khoảng 642 triệu người.

Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới, vào năm 2015 đã có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh và dự đoán đến năm 2040 sẽ tăng lên 6,1 triệu người. Vậy bệnh tiểu đường là gì? Gồm những loại nào, triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa ra sao? Tất cả sẽ được Genetica tổng hợp đầy đủ qua bài viết dưới đây.

1, Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường, hay còn gọi đái tháo đường, là một bệnh chuyển hóa, xảy ra khi lượng glucose (đường) trong máu quá cao. Đường huyết là nguồn năng lượng chính và đến từ thực phẩm chúng ta ăn. Hormone insulin được tạo ra bởi tuyến tụy, có nhiệm vụ chuyển đường từ máu vào tế bào để được lưu trữ hoặc sử dụng làm năng lượng.

Khi bị bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng hiệu quả insulin, nên glucose vẫn ở trong máu và không đến được các tế bào. Theo thời gian, quá nhiều glucose tích tụ trong máu sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận, nhiễm trùng không lành, có thể gây hại cho thần kinh, mắt, thận và các cơ quan khác trong cơ thể.

2, Tiểu đường gồm những loại nào?

Có một số loại bệnh tiểu đường như:

Bệnh tiểu đường loại 1 là một bệnh tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào trong tuyến tụy, nơi tạo ra insulin. Hiện vẫn không rõ nguyên nhân gây ra cuộc tấn công này. Có khoảng 10% người mắc bệnh tiểu đường loại 1. 

Bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra khi cơ thể đề kháng với insulin, nghĩa là không sử dụng insulin đúng cách hoặc insulin không thực hiện đúng chức năng của nó. Khi đó, đường không được đưa vào tế bào đầy đủ, dẫn đến tế bào sẽ bị “đói”, làm cho lượng glucose trong máu tăng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tiểu đường thai kỳ là lượng đường trong máu cao khi mang thai. Hormone ngăn chặn insulin do nhau thai sản xuất gây ra loại bệnh tiểu đường này.

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là gì? Có di truyền không?

3, Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường loại 1:

Tiểu đường type 1 phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố không thay đổi được: tiền sử gia đình, tuổi và gene. Theo nhiều báo cáo được ghi nhận, nếu bạn có những triệu chứng của bệnh tiểu đường ở dưới độ tuổi 30, nhiều khả năng bệnh của bạn là tiểu đường type 1. Nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh, bạn cũng có thể mang một số gen nhất định liên quan đến căn bệnh này.

Bệnh tiểu đường loại 2:

Đối với tiểu đường type 2, ngoài các yếu tố không thay đổi được như tiền sử gia đình, tuổi thì nguy cơ mắc bệnh còn đến từ các yếu tố có thể thay đổi được như thể trạng, chế độ dinh dưỡng và chế độ tập luyện. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng lên nếu bạn:

  • Thừa cân
  • 45 tuổi trở lên
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường
  • Không vận động thể chất
  • Bị tiền tiểu đường
  • Bị tiểu đường thai kỳ
  • Bị huyết áp cao, cholesterol cao

Tiểu đường thai kỳ:

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ tăng lên nếu bạn:

  • Thừa cân
  • Trên 25 tuổi
  • Từng bị tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước
  • Từng sinh ra em bé nặng hơn 4kg
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường loại 2
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là gì? Có di truyền không?


4, Sự khác biệt giữa tiểu đường type 1 và type 2

Biểu hiện phổ biến của tiểu đường type 1 và type 2 đều là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, khát nhiều. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện như mệt mỏi, nhìn mờ hay những vết thương nhỏ lâu liền hơn.

Với tiểu đường type 1, các triệu chứng này diễn ra một cách nhanh chóng và rầm rộ, nhưng với tiểu đường type 2, thường các triệu chứng sẽ diễn ra chậm và âm ỉ. Có những trường hợp tiểu đường type 2 không có triệu chứng nên rất khó để phát hiện.

Một sự khác biệt khác có thể nhắc đến là người tiểu đường type 2 đa phần sẽ có thể trạng thừa cân, béo phì; trong khi người tiểu đường type 1 thường bị sút cân và gầy nhiều.

5, Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường

Do phụ thuộc nhiều vào các yếu tố không thể thay đổi nên tiểu đường type 1 gần như không có cách để phòng tránh. Đối với tiểu đường type 2, hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh hơn, bao gồm quản lý cân nặng, thay đổi chế độ ăn và có chế độ tập luyện phù hợp.

  • Tăng cường việc tập thể dục mỗi ngày
  • Cắt giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa khỏi chế độ ăn uống
  • Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt
  • Giảm đồ uống có đường như soda, nước ngọt; tăng cường uống nước lọc
  • Giảm cân nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì
  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế ăn tinh bột.

6, Một số lưu ý giúp kiểm soát bệnh tiểu đường

Ăn uống lành mạnh: đảm bảo bữa ăn đa dạng và cân đối để giữ sự ổn định của đường huyết, tăng cường sức khỏe của hệ thống miễn dịch.

Vận động thường xuyên: giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc các biến chứng như bệnh tim và tổn thương thần kinh. Một số hoạt động như: yoga, aerobic, tập tạ nhỏ, đạp xe, chạy trên máy, đi bộ... nên tập ít nhất 30 - 60 phút mỗi ngày.

Theo dõi đường huyết: phòng tránh các biến chứng do tăng hoặc hạ đường huyết quá mức. Nên kiểm tra mức đường huyết một hoặc nhiều lần trong ngày và ghi chép lại số liệu.

Tuân thủ dùng thuốc

Chăm sóc bàn chân: ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường, xác định các dấu hiệu cảnh báo sớm về tổn thương thần kinh hoặc chấn thương nhẹ, có thể dẫn đến viêm loét.

8 cách chăm sóc bàn chân đơn giản:

  • Kiểm tra bàn chân hàng ngày để xem có bị vết đứt, phồng rộp da, đốm đỏ và sưng phù hay không.
  • Rửa chân mỗi ngày bằng nước ấm
  • Giữ ẩm cho bàn chân và gót chân bằng các loại kem chống nẻ
  • Cắt giũa móng chân
  • Không bao giờ đi chân đất ở trong nhà hay khi ra ngoài
  • Nên đi tất và thay tất hàng ngày
  • Không tự cắt các vết chai chân mà dùng miếng bọt biển chà xát sau khi tắm để chai chân mòn dần
  • Gác chân lên cao, ngọ nguậy các ngón chân vài phút vài lần trong ngày giúp tăng cường lưu thông máu

Tiểu đường là một căn bệnh phổ biến nhưng có diễn tiến âm thầm nên không dễ phát hiện. Do đó, bạn cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ (6 tháng một lần) để kịp thời phát hiện và điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, hoại tử bàn chân dẫn đến phải cắt bỏ chi hoặc nguy cơ suy tim, đột quỵ, đe doạ đến tính mạng. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quan về bệnh tiểu đường.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.healthline.com/health/difference-between-type-1-and-type-2-diabetes#prevalence
  2. https://www.diabetes.org.uk/diabetes-the-basics/differences-between-type-1-and-type-2-diabetes
  3. https://www.cdc.gov/diabetes/pdfs/data/statistics/national-diabetes-statistics-report.pdf
  4. https://www.cdc.gov/diabetes/managing/care-schedule.html
  5. https://www.cdc.gov/diabetes/ndep/pdfs/4steps/4steps-vietnamese.pdf
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3