Tiểu đường thai kỳ là gì? Có nguy hiểm không?

Tiểu đường thai kỳ đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Căn bệnh này không chỉ gây hại trong 9 tháng mang thai mà còn có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trong tương lai. Đó chính là lý do ngày càng có nhiều người kiêng dè tiểu đường thai kỳ như vậy.
Đỗ Hạnh Trang
Tác giả bài viết: Đỗ Hạnh Trang. Bác sĩ tham vấn: BS.CKII Lê Thị Phương Trang, BS.CKII Ngô Thế Phi14/07/2021

Trước đây, quan điểm phụ nữ có thai phải ăn cho cả mẹ và con rất phổ biến. Mọi người thường cố gắng tẩm bổ, thậm chí nhồi nhét thật nhiều chất dinh dưỡng cho bà bầu, dẫn đến tăng cân quá mức. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh quan điểm này không chính xác. Chế độ ăn không hợp lý và tăng cân quá mức trong 9 tháng 10 ngày mang thai có thể dẫn đến tiểu đường thai kỳ - một bệnh lý nguy hiểm tới sức khỏe của cả mẹ và con.

1, Định nghĩa tiểu đường thai kỳ là gì?

Trước tiên, bạn cần phân biệt rõ ràng 2 khái niệm: tiểu đường thai kỳ (gestational diabetes) và tiểu đường mang thai (preexisting/ pregestational diabetes). Tiểu đường mang thai tức là bạn đã được chẩn đoán mắc tiểu đường trước khi có bầu.

Trong khi đó, tiểu đường thai kỳ chỉ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối mang thai. Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, tiểu đường thai kỳ là nguyên nhân của 84% các trường hợp tăng đường huyết khi mang thai.

Tiểu đường thai kỳ là gì? Có nguy hiểm không?

2, Nguyên nhân của tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường là hiện tượng tăng đường máu kéo dài và bất thường của cơ thể. Thông thường, khi lượng đường máu trong cơ thể tăng cao, các tế bào beta đảo tụy sẽ tiết ra hormone có tên là insulin. Hormone này sẽ đẩy đường vào tế bào và giúp giảm bớt lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, ở phụ nữ có thai, lượng đường trong máu của mẹ là nguồn năng lượng cho thai nhi. Vì vậy, cơ thể mẹ hạn chế tiêu thụ đường mà ưu tiên giữ nồng độ đường trong máu cao để nuôi dưỡng bào thai.

Để thực hiện được điều này, nhau thai tiết ra hormone tăng trưởng lactogen cùng với progesterone, estrogen và cortisol của mẹ kìm hãm insulin vận chuyển đường vào tế bào. Điều đó có nghĩa là cơ thể mẹ trở nên trơ lì trước tác dụng của insulin. Nhưng nếu các tế bào của phụ nữ có thai thiếu đường và đói ăn thì sao? Khi đó, tuyến tụy của mẹ sẽ tăng cường sản xuất insulin nhiều hơn.

Thông thường, nồng độ insulin tăng gấp 2 – 3 lần có thể thắng được tính trơ của tế bào. Tuy nhiên, nếu có trục trặc xảy ra trong quá trình này, nồng độ đường trong máu sẽ tăng cao kéo dài, dẫn đến tiểu đường thai kỳ.

►► Xem Ngay: Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường phổ biến hiện nay là gì?

Tiểu đường thai kỳ là gì? Có nguy hiểm không?

3, Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?

Tiểu đường thai kỳ đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Căn bệnh này không chỉ gây hại trong 9 tháng mang thai mà còn có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trong tương lai. Đó chính là lý do ngày càng có nhiều người kiêng dè tiểu đường thai kỳ như vậy. Những số liệu dưới đây sẽ chứng minh cho bạn thấy hậu quả nặng nề của tiểu đường thai kỳ.

Ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ

Khoảng 10 – 30% phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ phải đối mặt với bệnh lý tiền sản giật. Tiền sản giật là tình trạng tăng huyết áp và protein niệu ở phụ nữ có thai. Vấn đề sức khỏe nghiêm trọng này gây ra 76.000 ca tử vong ở mẹ và 500.000 cái chết của trẻ sơ sinh mỗi năm trên toàn thế giới.

Tiểu đường thai kỳ là gì? Có nguy hiểm không?

Không chỉ gây tác động xấu trong thời gian mang thai, tiểu đường thai kỳ còn là mối nguy cho sức khỏe của phụ nữ sau này. Mẹ bầu tăng đường huyết kéo dài trong thai kỳ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạchrối loạn chuyển hóa trong tương lai. Các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu tại Mỹ, trong đó theo dõi hơn 80.000 phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ.

Kết quả phát hiện được 1161 trường hợp đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim trong vòng 25 năm sau khi được chẩn đoán. Bên cạnh đó, khoảng 50% phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ sẽ tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 thực thụ.

Ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ

Đa ối là hiện tượng phổ biến ở phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ. Đa ối làm tăng nguy cơ sinh non và chết lưu từ 7 – 11 lần. Mặt khác, tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát cũng trực tiếp làm tăng tỉ lệ thai lưu trong buồng tử cung. Một nghiên cứu gần đây trên gần 500 thai nhi chết lưu tại Mỹ phát hiện được 52% thai nhi có mẹ mắc tiểu đường thai kỳ.

Trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc tiểu đường thai kỳ thường có cân nặng lúc sinh lớn, từ 4500g trở lên. Một số trẻ lại phát triển bất tương xứng các bộ phận trong cơ thể. Ví dụ đầu có kích thích bình thường nhưng vai và đường kính ngực bụng rất lớn.

Điều này dẫn đến nguy cơ cao trẻ phải sinh mổ hoặc sử dụng các dụng cụ lấy thai nếu đẻ đường âm đạo. Các biến chứng tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, gãy xương, trật khớp ở trẻ sơ sinh cũng vì thế mà tăng lên đáng kể.

Tiểu đường thai kỳ là gì? Có nguy hiểm không?

Sau khi ra đời, những đứa trẻ của các bà mẹ tiểu đường thai kỳ tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Đó là hạ đường huyết, tăng bilirubin máu, hạ canxi huyết, hạ natri máu, đa hồng cầu, suy hô hấp và bệnh lý cơ tim.

Những bệnh lý này có thể thoáng qua hoặc kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng và ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của trẻ.

►► Xem Ngay: Bị bệnh tiểu đường nên ăn gì thì cân bằng và tốt cho sức khỏe?

Không phải cứ ăn thật no, tăng cân thật nhiều trong thai kỳ mới là tốt. Chế độ ăn uống khoa học và kiểm soát tốt cân nặng trong thai kỳ mới thực sự là mục tiêu đúng đắn của các mẹ bầu.

4, Các yếu tố nguy cơ của tiểu đường thai kỳ

Bạn có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ nếu có một trong số những yếu tố dưới đây.

Tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc rối loạn dung nạp glucose: Nếu bạn đã từng được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước đây thì nguy cơ tái phát bệnh trong lần mang thai tiếp theo là 40%. Nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cũng tăng lên khi bạn có tiền sử rối loạn dung nạp glucose trước khi có bầu.

Từng sinh con nặng hơn 4kg: Tiền sử sinh con có cân nặng lớn là một yếu tố dự báo quan trọng về nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ của bạn.

Mẹ trên 35 tuổi: Phụ nữ càng lớn tuổi, nguy cơ mắc tiểu đường khi mang thai càng cao. Bên cạnh đó, các biến chứng khác như dị tật bẩm sinh, sinh non, đẻ khó, tiền sản giật, sảy thai… cũng tăng song hành cùng độ tuổi của mẹ.

Mắc hội chứng buồng trứng đa nang: Hội chứng buồng trứng đa nang không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nữ giới mà còn tăng tỷ lệ mắc tiểu đường thai kỳ. Mặt khác, nếu bạn vừa mắc hội chứng buồng trứng đa nang vừa bị tiểu đường thai kỳ thì những biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp, tiền sản giật cũng nghiêm trọng hơn nhiều lần. 

Béo phì hoặc tăng cân quá mức trong thai kỳ: Chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30 là một yếu tố nguy cơ quan trọng của tiểu đường thai kỳ. BMI được tính theo công thức: cân nặng chia cho bình phương chiều cao, trong đó cân nặng tính theo kilogram, chiều cao tính theo mét.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi bạn thừa cân, béo phì, các tế bào trong cơ thể bạn trở nên đề kháng với insulin. Hậu quả là con đường dẫn tới bệnh lý tiểu đường bị rút ngắn lại rất nhiều. 

Bên cạnh đó, khi so sánh những phụ nữ mang thai tăng 0,41 kg/ tuần với những người chỉ tăng 0, 27 kg/ tuần, các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ tăng lên 1,74 lần. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất để lật đổ quan điểm xưa cũ “càng tăng cân nhiều càng tốt”.

Tiền sử gia đình và chủng tộc: Bố mẹ, anh chị em ruột mắc tiểu đường cũng là một yếu tố dự báo về nguy cơ tăng đường huyết trong thai kỳ của bạn. Ngoài ra, tỷ lệ tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng ở nhóm phụ nữ châu Mỹ gốc Phi hoặc Tây Ban Nha, Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương.

Nếu bạn có một hoặc một vài yếu tố nguy cơ cao kể trên, hãy thông báo với bác sĩ ngay trong lần khám thai đầu tiên. Khi đó, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp cũng như lên kế hoạch theo dõi, xét nghiệm phù hợp cho bạn.

5, Dấu hiệu, biểu hiện của tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ thường không có dấu hiệu rõ rệt, nhất là trong giai đoạn đầu. Chỉ khi nồng độ đường máu tăng cao và kéo dài, triệu chứng mới rõ ràng hơn. Lúc này, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, khô miệng, khát nước. Dấu hiệu ăn nhiều, tiểu nhiều của đái tháo đường thai kỳ cũng rất mơ hồ và khó phân biệt với biểu hiện bình thường khi mang thai.

6, Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tính mạng và sức khỏe của cả mẹ và con. Tuy nhiên, căn bệnh này có biểu hiện mơ hồ, rất khó nhận biết. Đó chính là lý do Trung tâm Kiểm soát và Dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai cần xét nghiệm để sàng lọc bệnh lý này.

Quy trình xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ

Trong lần khám thai lần đầu tiên ở 3 tháng đầu thai kỳ, bạn sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra đường huyết. Nếu kết quả bất thường, bạn sẽ được chẩn đoán là tiểu đường mang thai (khác với với tiểu đường thai kỳ) và được điều trị bởi các chuyên gia nội tiết.

Nếu kết quả bình thường, bạn sẽ được sàng lọc lần hai vào tuần thai 24 – 28. Lý do là bởi, sự đề kháng insulin của tế bào trong cơ thể mẹ mạnh mẽ nhất vào 3 tháng cuối thai kỳ.

Đây chính là thời điểm nồng độ glucose trong máu mẹ tăng cao nhất nên việc phát hiện bệnh dễ dàng và chính xác hơn. Tuy nhiên, nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao, bạn có thể được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm này sớm hơn.

Trước khi làm xét nghiệm 3 ngày, bạn vẫn ăn uống bình thường, không cần kiêng khem. Nhưng trước thời điểm làm xét nghiệm 8 tiếng, bạn sẽ không được ăn uống bất kỳ thứ gì, kể cả sữa và nước hoa quả. Bước chuẩn bị này giúp kết quả xét nghiệm của bạn chính xác nhất.

►► Xem Ngay: Đái tháo đường type 2 là gì? Triệu chứng, biến chứng và nguyên nhân

Có hai phương pháp xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ: kiểm tra 1 bước hoặc 2 bước. Các quốc gia khác nhau sẽ lựa chọn và áp dụng một trong hai phương pháp này. Hiện tại, Việt Nam đang sử dụng phương pháp xét nghiệm 1 bước theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới. 

Lúc bắt đầu, bạn sẽ được lấy máu để xét nghiệm đường huyết lúc đói. Sau đó, bạn sẽ uống 200ml nước chứa 75g glucose. Lưu ý, bạn cần uống chậm trong 3 – 5 phút và không ăn uống trong thời gian chờ đợi xét nghiệm. Tiếp theo, bạn sẽ được lấy máu thêm 2 lần nữa: 1 tiếng và 2 tiếng sau khi uống cốc nước.

Tiểu đường thai kỳ là gì? Có nguy hiểm không?

Đọc hiểu kết quả xét nghiệm sàng lọc

Kết quả xét nghiệm của bạn bất thường là khi có 1 trong 3 dấu hiệu sau:

  • Đường huyết lúc đói: 5,1 – 6,9 mmol/L (92 – 125 mg/dL)
  • Đường huyết sau 1 giờ uống nước đường: ≥ 10 mmol/L (180 mg/dL)
  • Đường huyết sau 2 giờ uống nước đường: 8,5 – 11 mmol/L (153 – 199 mg/dL)

Nếu kết quả bình thường, bạn nên tiếp tục duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và tuân thủ lịch khám thai định kỳ. Còn nếu bạn được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn chế độ điều trị và quản lý thai nghén phù hợp.

Tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, cho dù bạn mang thai ở tuổi đôi mươi hay tứ tuần, cho dù trước đây bạn gầy hay béo. Vì thế, cách tốt nhất để bạn phát hiện kịp thời và hạn chế tác hại của căn bệnh này là xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3