Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường là gì?
Cứ mỗi giờ trôi qua là có thêm 1000 bệnh nhân tiểu đường và mỗi 8 giây thì có 1 người qua đời do căn bệnh này (theo thống kê từ Liên đoàn Đái tháo đường thế giới – IDF). Tỷ lệ mắc bệnh đang tăng chóng mặt, và Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân tiểu đường cao nhất thế giới (tăng 5,5% mỗi năm).
Để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, trước hết chúng ta cần biết nguyên nhân mắc bệnh tiểu đường để chủ động phòng tránh trong khả năng cho phép. Cùng Genetica tìm hiểu về nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường type 1, đái tháo đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ qua bài viết này nhé!!!
1, Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường, hay còn gọi đái tháo đường, là một căn bệnh xảy ra khi lượng glucose (đường) trong máu quá cao. Đường huyết là nguồn năng lượng chính và đến từ thực phẩm chúng ta ăn. Insulin, một loại hormone được tạo ra bởi tuyến tụy, giúp glucose từ thức ăn đi vào tế bào và sử dụng làm năng lượng.
Nhưng đôi khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không dùng hiệu quả insulin. Vì vậy, glucose vẫn ở trong máu và không đến được các tế bào. Theo thời gian, quá nhiều glucose tích tụ trong máu sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận, nhiễm trùng không lành... Lúc này, bạn đã mắc bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường gồm 3 loại phổ biến là loại 1, loại 2 và tiểu đường thai kỳ.
2, Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường loại 1
Bệnh tiểu đường loại 1 xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin của tuyến tụy. Các nhà khoa học cho rằng loại bệnh này là do gen hoặc virus gây ra. Hiện người ta đang tiến hành nhiều nghiên cứu để xác định nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường loại 1 và cách có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn tiến của bệnh.
3, Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường type 2
Tiểu đường tuýp 2 là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất, do một số yếu tố gây ra, bao gồm lối sống và gen.
Thừa cân, béo phì và lười vận động: Bạn có nhiều khả năng mắc bệnh nếu không hoạt động thể chất, thừa cân hoặc béo phì. Cân nặng tăng thêm đôi khi gây ra tình trạng kháng insulin – thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Vị trí của mỡ trong cơ thể cũng tạo ra sự khác biệt. Nếu bạn tích tụ nhiều mỡ ở vùng bụng thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch… Cụ thể, nam giới có vòng bụng trên 101,6cm và nữ giới trên 88,9cm là đang ở mức báo động.
Kháng insulin: Bệnh tiểu đường loại 2 thường bắt đầu với tình trạng kháng insulin, khi các tế bào cơ, gan và mỡ không sử dụng hiệu quả insulin. Kết quả, cơ thể bạn cần nhiều insulin hơn để giúp glucose đi vào tế bào. Lúc đầu, tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn để đáp ứng nhu cầu bổ sung. Theo thời gian, tuyến tụy không thể tạo đủ insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng, gây ra bệnh tiểu đường.
Gen và tiền sử gia đình: Giống như bệnh tiểu đường loại 1, một số gen nhất định có thể khiến bạn tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2. Bệnh cũng có xu hướng lây lan trong gia đình.
4, Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ
Các nhà khoa học tin rằng bệnh tiểu đường thai kỳ, một loại bệnh tiểu đường phát triển trong khi mang thai, là do sự thay đổi nội tiết tố của thai kỳ cùng với các yếu tố di truyền và lối sống.
Kháng insulin: Nhau thai tiết ra hormone làm gia tăng tình trạng kháng insulin, xảy ra ở mọi phụ nữ trong giai đoạn cuối thai kỳ. Hầu hết phụ nữ mang thai có thể sản xuất đủ insulin để vượt qua tình trạng kháng insulin, nhưng một số lại không thể. Khi tuyến tụy không tạo đủ insulin thiếu hụt sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ.
Ngoài ra, đối với bệnh tiểu đường loại 2, cân nặng có liên quan đến bệnh tiểu đường thai kỳ. Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có thể đã bị kháng insulin khi họ mang thai. Do đó, tăng cân quá nhiều trong thai kỳ cũng có thể là một yếu tố.
Gen và tiền sử gia đình: Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường cũng khiến phụ nữ tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Điều này cho thấy các gen cũng đóng một vai trò nào đó.
5, Còn nguyên nhân nào khác có thể gây ra bệnh tiểu đường không?
Đột biến gen, tổn thương tuyến tụy, bệnh nội tiết tố và một số loại thuốc cũng có thể gây ra bệnh tiểu đường.
Đột biến gen: Bệnh tiểu đường đơn gen (Monogenic diabetes) là do những thay đổi trong gen (đột biến gen) gây ra. Những thay đổi này thường được truyền qua các thế hệ gia đình, nhưng đôi khi đột biến gen tự xuất hiện. Hầu hết các đột biến gen gây ra tiểu đường bằng cách làm cho tuyến tụy ít có khả năng tạo ra insulin.
Các loại bệnh tiểu đường đơn gen phổ nhất là bệnh tiểu đường ở trẻ sơ sinh và bệnh tiểu đường khởi phát ở tuổi trưởng thành (MODY). Bệnh tiểu đường ở trẻ sơ sinh xảy ra trong 6 tháng đầu đời. Còn với MODY, căn bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc dưới 35 tuổi.
Bệnh nội tiết tố: Một số bệnh nội tiết tố khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone nhất định, đôi khi gây ra kháng insulin, làm mắc bệnh tiểu đường. Ví dụ các bệnh như:
- Hội chứng Cushing xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol – thường được gọi là “hormone căng thẳng”.
- Bệnh to đầu chi (Acromegaly) xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng (GH).
- Bệnh cường giáp (Hyperthyroidism) xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp.
Tổn thương hoặc cắt bỏ tuyến tụy: Viêm tụy, ung thư tuyến tụy hoặc chấn thương đều có thể gây hại cho các tế bào beta, làm giảm khả năng sản xuất insulin, dẫn đến bệnh tiểu đường.
Các loại thuốc: Đôi khi một số loại thuốc có thể gây hại cho tế bào beta hoặc phá vỡ cách hoạt động của insulin. Ví dụ như niacin (một loại vitamin B3), một số loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống động kinh, thuốc tâm thần, pentamidine (loại thuốc dùng để điều trị một loại viêm phổi), glucocorticoid (loại thuốc kháng viêm)… Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này và lo ngại về tác dụng phụ của chúng, hãy nói chuyện với bác sĩ.
Trên đây là các nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường phổ biến. Bạn hãy tập trung vào những nguyên nhân mà mình có thể kiểm soát được để phòng ngừa bệnh tiểu đường, đặc biệt là loại 2, liên quan đến yếu tố lối sống. Chỉ cần đảm bảo lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động thể chất, ăn uống cân bằng, giữ cân nặng bình thường là bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh.