Đái tháo đường (tiểu đường) tuýp 2 là bệnh gì?
Theo WHO, đa số người mắc bệnh tiểu đường đều thuộc tiểu đường tuýp 2. Thời gian trước đây, loại bệnh này chỉ gặp ở người lớn nhưng hiện nay, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tỷ lệ mắc bệnh béo phì gia tăng. Bài viết dưới đây Genetica sẽ tổng hợp mọi thông tin bạn nên biết về loại bệnh tiểu đường này.
1, Tiểu đường tuýp 2 là bệnh gì?
Bệnh tiểu đường nói chung là một tình trạng bệnh mạn tính, trong đó lượng đường hoặc glucose tích tụ nhiều hơn mức bình thường trong máu. Hormone insulin đóng vai trò giúp di chuyển glucose từ máu vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng.
Nhưng khi bạn bị tiểu đường tuýp 2, các tế bào của bạn không có phản ứng bình thường với insulin, điều này được gọi là “kháng insulin”. Ở giai đoạn sau của bệnh, cơ thể cũng không thể sản xuất đủ insulin cần thiết. Nếu không được kiểm soát tốt, tiểu đường tuýp 2 có thể làm lượng đường huyết tăng cao, gây ra một số triệu chứng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
2, Các triệu chứng của tiểu đường tuýp 2
Khi bị loại bệnh đái tháo đường tuýp 2, cơ thể bạn không thể sử dụng hiệu quả insulin để đưa glucose vào tế bào. Điều này khiến cơ thể phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng thay thế trong các mô, cơ và cơ quan. Đây là một phản ứng dây chuyền có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như:
- Thường xuyên thấy đói và khát nước
- Thiếu năng lượng
- Đi tiểu thường xuyên
- Thấy mệt mỏi, sụt cân bất thường
- Khô miệng
- Giảm thị lực
- Ngứa da
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể phát triển chậm trong thời gian dài với những triệu chứng nhẹ, khó chú ý. Khi bệnh đã tiến triển, các triệu chứng ngày càng nặng như:
- Nhiễm trùng nấm men
- Vết cắt hoặc vết loét lâu lành
- Cảm giác tê hoặc ngứa ở bàn tay và bàn chân
- Vùng da bị sạm đen, thường ở nách và cổ
- Đau chân
Bởi vì các triệu chứng ban đầu của loại bệnh tiểu đường này khó phát hiện nên điều quan trọng là bạn cần biết những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi bạn có bất kỳ yếu tố nào trong đó thì cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra lượng đường trong máu.
3, Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2
- Cân nặng. Thừa cân hoặc béo phì là một trong những nguy cơ chính.
- Sự phân bổ chất béo. Nếu bạn tích trữ chất béo chủ yếu ở vùng bụng, thay vì hông và đùi thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ tăng lên. Cụ thể, nam giới có vòng bụng trên 40inch (101,6cm) và nữ giới trên 35inch (88,9cm) thì nên thực hiện các phương pháp giảm lượng chất béo vùng bụng.
- Không hoạt động thể chất. Bạn càng ít vận động thì rủi ro càng lớn. Hoạt động thể chất giúp kiểm soát lượng đường trong máu, sử dụng hết glucose làm năng lượng và khiến tế bào nhạy cảm hơn với insulin.
- Tiền sử gia đình. Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 tăng lên nếu bố mẹ hoặc anh chị em từng mắc bệnh này.
- Tuổi tác. Bạn càng lớn tuổi, đặc biệt sau 45 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng.
- Tiền tiểu đường. Đây là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng không đủ cao để được xếp vào bệnh tiểu đường. Nếu không được điều trị, tiền tiểu đường thường tiến triển thành tuýp 2.
- Nguy cơ liên quan đến thai kỳ. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khi đang mang thai thì bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 nhiều hơn.
- Hội chứng buồng trứng đa nang. Đây là loại bệnh thường gặp ở phụ nữ với dấu hiệu là kinh nguyệt không đều, lông mọc nhiều và béo phì. Nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
4, Các biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 ảnh hưởng đến nhiều cơ quan chính, bao gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận của bạn. Cụ thể:
- Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, cao huyết áp và xơ vữa động mạch
- Tổn thương dây thần kinh ở các chi. Đó là lý do bạn thấy ngứa ran, tê, rát, đau, cuối cùng là mất cảm giác khi bị tiểu đường loại 2, thường bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc ngón tay rồi dần dần lan lên trên
- Tổn thương đến các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, gây ra những vấn đề như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn…
- Gây ra bệnh thận
- Tổn thương ở mắt
- Dễ mắc các vấn đề về da
- Các vết thương, vết loét lâu lành. Nếu không được điều trị, chúng có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng, hậu quả xấu nhất là phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân
5, Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2?
Bệnh tiểu đường loại 2 chủ yếu là kết quả của hai vấn đề có liên quan với nhau:
- Các tế bào trong cơ, mỡ, gan trở nên đề kháng với insulin, nên không thể hấp thụ lượng đường trong máu.
- Tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để quản lý lượng đường trong máu.
Tại sao điều này lại xảy ra thì hiện nay vẫn chưa biết được, nhưng thừa cân và không vận động chính là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ.
6, Cách phòng tránh bệnh đái tháo đường tuýp 2
Theo CDC, tỷ lệ mắc bệnh béo phì ở trẻ em đang tăng lên, và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở thanh niên cũng vậy. Vì thế, mỗi chúng ta không nên chủ quan mà cần thực hiện một lối sống lành mạnh ngay từ bây giờ để giảm thiểu các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể:
- Ăn các thực phẩm lành mạnh. Bạn hãy chọn thực phẩm ít chất béo và calo, ưu tiên nhiều chất xơ. Tập trung vào trái cây, rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt.
- Thường xuyên vận động. Bạn cố gắng dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để vận động từ trung bình đến mạnh như đi bộ, chạy, đạp xe, bơi lội…
- Giảm cân. Bạn hãy giữ cân nặng phù hợp với chiều cao và độ tuổi. Để nhận định cơ thể đang gầy, cân đối hay béo, người ta thường dùng đến chỉ số BMI. Nếu BMI của bạn dưới 18.5 là gầy, từ 18.5 đến 22.9 là bình thường, từ 23.0 đến 24.9 là thừa cân và trên 25 là béo phì. Bạn tính chỉ số BMI tại đây.
- Tránh không hoạt động trong thời gian dài. Dân văn phòng có thói quen ngồi lì một chỗ trong thời gian dài, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Vì vậy, bạn cố gắng đứng dậy sau mỗi 30 phút và di chuyển trong khoảng 5 phút.
Genetica luôn đồng hành để cung cấp những thông tin bổ ích về sức khỏe, dinh dưỡng, khoa học, đời sống đến mọi độc giả. Bên cạnh yếu tố di truyền, một lối sống lành mạnh bao gồm việc ăn uống đủ chất, thể thao thường xuyên, thư giãn hợp lý sẽ giúp bạn phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh về tiểu đường tuýp 2.