Sự nguy hiểm của béo phì với trẻ em

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến thừa cân, béo phì ở trẻ em là chế độ dinh dưỡng không hợp lý và thói quen ít vận động. Trẻ em thường thích đồ ngọt, quà vặt, thức uống có ga, thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, đồng thời ít ăn rau quả, trái cây.
Đỗ Hạnh Trang
Tác giả bài viết: Đỗ Hạnh Trang.10/06/2021

Nếu như trước đây suy dinh dưỡng là vấn đề sức khỏe phổ biến thì ngày nay tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam ngày càng gia tăng. Vì sao bụ bẫm và mập mạp chưa hẳn đã tốt? Vì sao bạn cần chấm dứt thói quen bồi bổ quá độ cho trẻ và nói không với cuộc chạy đua cân nặng? Hãy cùng Genetica tìm hiểu ngay trong bài viết hôm nay nhé!

Bài viết được biên tập bởi Đỗ Hạnh Trang, đánh giá và duyệt nội dung bởi Thạc Sĩ Công Nghệ Sinh Học Nguyễn Thị Thắm, Genetic Report Consultant tại Genetica®, chịu trách nhiệm tư vấn các báo cáo cho trẻ em về những tiềm năng và tính cách.. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tình hình béo phì ở trẻ em Việt Nam và trên thế giới

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2019 có 38,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì. Với nhóm tuổi từ 5 – 19, số trẻ em và thanh thiếu niên dư thừa cân nặng lên tới hơn 340 triệu ca. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ thống kê tỷ lệ béo phì ở trẻ em từ 2 – 19 tuổi tại quốc gia này là 19,3%.

Ở Việt Nam, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2018 – 2020, lứa tuổi 5 – 19 có tỷ lệ thừa cân, béo phì là 19%, trong khi đó tỷ lệ suy dinh dưỡng chỉ là 14,8%. Số lượng trẻ em dư thừa cân nặng tại Việt Nam đã tăng gấp 2 lần trong 10 năm.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì thay đổi theo điều kiện kinh tế gia đình. Cụ thể, 26,8% trẻ em sống tại thành thị bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ này ở trẻ em nông thôn và miền núi lần lượt là 18,3% và 6,9%. Những số liệu này là minh chứng rõ ràng nhất để cảnh báo tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em ngày càng phổ biến và nghiêm trọng.

Sự nguy hiểm của béo phì với trẻ em

Chẩn đoán béo phì ở trẻ em

Thừa cân, béo phì được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc dư thừa, làm suy giảm sức khỏe của trẻ. Phương pháp chẩn đoán béo phì ở trẻ em tùy thuộc từng lứa tuổi. 

Với trẻ 0 – 5 tuổi, để chẩn đoán béo phì cần sử dụng hai chỉ số cân nặng và chiều cao hoặc chiều dài.

- Thừa cân: là cân nặng theo chiều cao hoặc chiều dài lớn hơn 2 độ lệch chuẩn so với mức trung bình theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.

- Béo phì: là cân nặng so với chiều cao hoặc chiều dài lớn hơn 3 độ lệch chuẩn so với mức trung bình theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. 

- Bảng tham chiếu giá trị cân nặng theo chiều cao hoặc chiều dài của Tổ chức Y tế Thế giới.

Sự nguy hiểm của béo phì với trẻ em

Sự nguy hiểm của béo phì với trẻ emSự nguy hiểm của béo phì với trẻ emSự nguy hiểm của béo phì với trẻ em

Với trẻ 5 – 19 tuổi, chẩn đoán béo phì dựa vào chỉ số BMI theo tuổi.

- Thừa cân: trẻ có BMI theo tuổi lớn hơn 1 độ lệch chuẩn so với mức trung bình theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. 

- Béo phì: là BMI theo tuổi của trẻ lớn hơn 2 độ lệch chuẩn so với mức trung bình theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. 

- Bảng tham chiếu chỉ số BMI theo tuổi của Tổ chức Y tế Thế giới.

Sự nguy hiểm của béo phì với trẻ em

Sự nguy hiểm của béo phì với trẻ em

>> Xem Thêm: Gen thúc đẩy béo phì trong một thế giới béo phì

Hậu quả của béo phì với sức khỏe và cuộc sống của trẻ

Béo phì tàn phá sức khỏe thể chất của trẻ

Sự khỏe mạnh của trẻ không đơn thuần tỷ lệ thuận với cân nặng. Thừa cân, béo phì khiến trẻ phải đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm ở hiện tại và trong tương lai. Các vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến cân nặng dư thừa bao gồm:

  • Bệnh lý tim mạch và rối loạn chuyển hóa: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, tăng cholesterol máu, đái tháo đường... Nguy cơ suy tim sẽ tăng thêm 5% ở nam giới và 7% ở nữ giới khi chỉ số BMI tăng lên 1 đơn vị.
  • Các vấn đề về hô hấp: hen phế quản, ngưng thở khi ngủ... Béo phì khởi phát bệnh lý hen phế quản sớm hơn ở trẻ nhỏ đồng thời góp phần tăng 5 lần số đợt khó thở kịch phát khiến trẻ phải nhập viện.
  • Các bệnh về cơ xương khớp: thoái hóa khớp, loãng xương... Cân nặng quá lớn ảnh hưởng tới chất lượng và khả năng chống đỡ của hệ xương khớp.
  • Vấn đề về hệ tiêu hóa: trẻ béo phì thường phải đối mặt với bệnh lý gan nhiễm mỡ, sỏi mật, trào ngược dạ dày thực quản…
  • Gia tăng tỷ lệ mắc ung thư nội mạc tử cung, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, gan, đường mật, thận, đại trực tràng…

Sự nguy hiểm của béo phì với trẻ em

Cân nặng của trẻ càng cao, gánh nặng bệnh tật trong tương lai của trẻ càng lớn. Tuổi thọ trung bình cũng theo đó mà ngắn lại. Rõ ràng, thừa cân, béo phì để lại hậu quả sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ xuyên suốt thời thơ ấu, tuổi trưởng thành và tới tận lúc về già.

>> Xem Ngay: Sự tương tác giữa béo phì với môi trường, hành vi và di truyền

Béo phì hủy hoại chất lượng cuộc sống của trẻ

Bên cạnh vấn đề về thể chất, cuộc sống của trẻ thừa cân, béo phì cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trẻ thừa cân, béo phì thường bị trêu chọc, bắt nạt và kỳ thị ở trường lớp. Thậm chí, thầy cô, anh chị em trong gia đình và họ hàng cũng có thể khiến trẻ bị tổn thương tâm lý khi vô tình trêu đùa hoặc thắc mắc về cân nặng của trẻ.

Trẻ béo phì thường cảm thấy bản thân không nhanh nhẹn như các bạn đồng trang lứa. Kèm theo những lời chọc ghẹo từ bạn bè khiến trẻ trở nên tự ti và thu mình. Trẻ không hòa đồng, ít giao tiếp với mọi người xung quanh và hạn chế tham gia các hoạt động tập thể. Kết quả học tập của trẻ thừa cân, béo phì cũng kém hơn bạn bè.

Sự nguy hiểm của béo phì với trẻ em

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh dư thừa cân nặng khiến trẻ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm lý nặng nề như lo âu, trầm cảm. 36,4% trẻ em béo phì bị trầm cảm. Con số này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên nói chung (5 – 8%) và trẻ em trước tuổi dậy thì (2%).

Tất cả những tác động tiêu cực này sẽ dần dần hủy hoại sức khỏe và cuộc sống của trẻ. Mập mạp chưa hẳn đã tốt, bồi bổ thật nhiều món ngon cho trẻ chưa chắc đã có lợi. Cân nặng và chiều cao hợp lý mới là mục tiêu phát triển thể chất mà bạn cần hướng tới cho con trẻ.

Nguyên nhân thừa cân, béo phì ở trẻ em

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến thừa cân, béo phì ở trẻ em là chế độ dinh dưỡng không hợp lý và thói quen ít vận động. Trẻ em thường thích đồ ngọt, quà vặt, thức uống có ga, thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, đồng thời ít ăn rau quả, trái cây. 

Những thực phẩm này không chỉ ảnh hưởng tới cân nặng mà còn tác động xấu tới hệ tiêu hóa và răng miệng của trẻ. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, con trẻ ngày càng dành ít thời gian vui đùa ngoài trời.

Những trò chơi đuổi bắt, trốn tìm đã được thay thế bằng phim hoạt hình trên tivi, điện thoại. Sự giới hạn không gian vui chơi đẩy trẻ lại gần trò chơi điện tử hơn là nhảy dây, đá cầu. 

Tuy nhiên, khoảng 20% trẻ thừa cân, béo phì do nguyên nhân bệnh lý. Ví dụ u não, tổn thương não bộ sau phẫu thuật, chấn thương sọ não, các bệnh lý nội tiết (suy giáp, cường vỏ thượng thận, thiếu hormone tăng trưởng…) hoặc do sử dụng thuốc kéo dài (corticoid, depakin). 

Khi bố mẹ thấy trẻ thừa cân, béo phì kèm theo các triệu chứng bất thường như đau đầu, nhìn mờ, vàng da ở trẻ, chậm phát triển vận động – trí tuệ, rậm lông, kinh nguyệt bất thường… thì nên cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.

Sự nguy hiểm của béo phì với trẻ em

Cách phòng tránh và khắc phục béo phì ở trẻ em

Biện pháp tốt nhất để phòng tránh và khắc phục tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ là xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể lực. Đối với trẻ nhỏ, nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm thiểu nguy cơ thừa cân, béo phì. Khi con bắt đầu ăn dặm, bố mẹ nên tập cho trẻ thói quen ăn rau và hạn chế tối đa bánh kẹo, bim bim. Giảm thiểu các món chiên, nướng, xào, đồ ngọt, thức uống có ga.

Sử dụng hoa quả, sữa chua, sữa không đường làm các bữa phụ. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh. Không để trẻ quá đói, không nên ăn sát giờ đi ngủ. Không cắt giảm quá nhiều khẩu phần ăn và bắt trẻ giảm cân nghiêm ngặt. Trẻ em cần năng lượng và chất dinh dưỡng để phát triển. Vì thế chế độ dinh dưỡng vẫn cần đầy đủ 5 nhóm chất: tinh bột, đạm, dầu, chất xơ, vitamin và khoáng chất.

>> Xem Ngay: TOP 5 chế độ ăn giảm cân tại nhà bạn nên biết

Các bậc phụ huynh nên tạo niềm vui thích cho trẻ với các hoạt động vui chơi ngoài trời. Khuyến khích và hướng dẫn trẻ làm việc nhà là một biện pháp hữu ích. Trẻ vừa có cơ hội vận động vừa biết cách giúp đỡ bố mẹ. Nên hạn chế thời gian xem tivi, điện thoại và chơi điện tử của trẻ. Bên cạnh đó, bố mẹ cần thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao của con để điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập cho phù hợp.

Bố mẹ hãy hiểu rằng không phải cứ bụ bẫm, cứ to lớn là tốt. Đừng tham gia vào cuộc chạy đua cân nặng. Hãy là những vị phụ huynh sáng suốt để con trẻ được khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/obesity-and-overweight
  2. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ: https://www.cdc.gov/obesity/childhood/causes.html
  3. Bộ Y tế Việt Nam: https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-cong-bo-ket-qua-tong-ieu-tra-dinh-duong-nam-2019-2020
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3