Ung thư vú là bệnh gì? Dấu hiệu, triệu chứng và biểu hiện nhận biết
Theo Globocan 2020, tại Việt Nam có thêm hơn 21.500 người được chẩn đoán ung thư vú. Đây là căn bệnh ác tính phổ biến thứ ba tại nước ta chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi. Ung thư vú thường gặp ở phụ nữ và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nữ giới. Vậy ung thư vú là gì mà nguy hiểm như vậy? Có dấu hiệu nào để nhận biết căn bệnh này không? Cùng Genetica tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1, Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là tình trạng các tế bào trong vú phát triển bất thường, mất kiểm soát dẫn đến hình thành khối u ác tính. Vú được tạo thành từ ba phần chính: tiểu thùy, ống dẫn và mô liên kết. Các tiểu thùy là các tuyến sản xuất sữa. Các ống dẫn sữa đến núm vú. Mô liên kết bao quanh và giữ mọi thứ lại với nhau.
Hầu hết các tế bào ung thư thường bắt nguồn từ các ống dẫn sữa hoặc các tiểu thùy. Ung thư vú nếu phát hiện và điều trị muộn có thể đã di căn vào xương và các bộ phận khác gây đau đớn cho bệnh nhân. Cả nam giới và phụ nữ đều có thể mắc ung thư vú, mặc dù bệnh này không phổ biến ở nam giới. Cứ 100 người được chẩn đoán mắc ung thư vú thì trong đó có một người là nam giới.
2, Triệu chứng, biểu hiện của ung thư vú
Triệu chứng của ung thư vú thường mơ hồ, không rõ ràng đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Thậm chí một số người được chẩn đoán mắc ung thư vú khi thăm khám sức khỏe định kỳ mặc dù không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Tuy nhiên, bạn có thể chú ý theo dõi sức khỏe bản thân và phát hiện những dấu hiệu bất thường dưới đây. Chẩn đoán và điều trị sớm giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công và thời gian sống sót.
- Nổi cục mới ở vú hoặc dưới cánh tay (nách).
- Dày hoặc sưng một phần vú.
- Kích ứng hoặc lõm da vú.
- Da đỏ hoặc bong tróc ở vùng núm vú hoặc vú.
- Tụt núm vú hoặc đau ở vùng núm vú.
- Chảy dịch núm vú không phải sữa mẹ, bao gồm cả máu.
- Thay đổi nào về kích thước hoặc hình dạng của vú.
- Đau ở bất kỳ vùng nào của vú.
Những triệu chứng này cũng có thể xảy ra với các tình trạng khác không phải ung thư vú. Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khiến bạn lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Phát hiện sớm là chìa khóa quan trọng trong điều trị bất kỳ bệnh lý nào, đặc biệt là ung thư. Ung thư vú có tiên lượng khá tốt đối với bệnh nhân phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Tỷ lệ sống trên 5 năm ở nhóm đối tượng này đạt hơn 90%.
►► Xem Ngay: Bệnh ung thư có tính di truyền không?
Nguồn: Unsplash
3, Có nên khám sàng lọc ung thư vú không?
Ung thư vú được phát hiện sớm, khi khối u còn nhỏ và chưa di căn, sẽ có hiệu quả điều trị thành công tốt hơn. Vậy câu hỏi đặt ra là bạn có nên khám tầm soát ung thư vú không? Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC khuyến cáo phụ nữ từ 50 đến 74 tuổi và có nguy cơ ung thư vú trung bình nên chụp X quang tuyến vú hai năm một lần. Phụ nữ từ 40 đến 49 tuổi có thể trao đổi với bác sĩ để lựa chọn thời điểm bắt đầu và tần suất chụp X quang tuyến vú.
Sở dĩ có khuyến cáo như vậy vì phương pháp này có nhiều rủi ro. Thứ nhất, kết quả sàng lọc có thể dương tính giả, tức là phim chụp gợi ý bạn mắc ung thư nhưng sự thật không phải như vậy. Sự nhầm lẫn này dẫn đến hậu quả bạn phải thực hiện nhiều xét nghiệm chuyên sâu đắt tiền và phức tạp hơn, thậm chí là phẫu thuật. Tâm lý của bạn và cả gia đình cũng sẽ bị ảnh hưởng.
►► Xem Ngay: Dấu hiệu, biểu hiện và nguyên nhân gây ung thư buồng trứng
Thứ hai, tiếp xúc thường xuyên với các tia bức xạ khi chụp X quang tuyến vú không có lợi cho sức khỏe của bạn. Những bức xạ nguy hiểm này có thể dẫn đến ung thư và một số bệnh lý khác trong tương lai. Vì vậy, cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư vú là tự theo dõi sức khỏe của mình. Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về hình dáng, kích thước của bộ ngực cũng như những dấu hiệu bất thường đã nêu trên, bạn hãy nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời nhé!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cancer.org/cancer/breast-cancer.html
- https://www.cdc.gov/cancer/breast/basic_info/what-is-breast-cancer.htm