Ung thư buồng trứng: Dấu hiệu, triệu chứng là gì? Có nguy hiểm không?
Theo GLOBOCAN, trong năm 2020, trên toàn thế giới có hơn 300.000 phụ nữ được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Cùng năm đó, số người tử vong vì bệnh lý này là hơn 200.000 ca, tương đương với 67%. Ung thư buồng trứng là gì mà nguy hiểm như vậy? Có dấu hiệu nào để nhận biết căn bệnh này không? Bài viết này Genetica® sẽ giải đáp cho những thắc mắc đó của bạn.
1, Ung thư buồng trứng là bệnh gì?
Ung thư buồng trứng là nguyên nhân tử vong thứ 5 trong số các bệnh lý ác tính của cơ quan sinh dục nữ giới. Các tế bào ung thư bắt nguồn từ buồng trứng hoặc khu vực liên quan tới ống dẫn trứng và các mô bao bọc xung quanh buồng trứng.
Hầu hết ung thư buồng trứng phát triển ở phụ nữ mãn kinh, tức là sau tuổi 45 – 50. Tuy nhiên, ung thư buồng trứng vẫn có thể xảy ra ở trẻ em và nữ giới dưới 30 tuổi.
2, Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết ung thư buồng trứng
Triệu chứng của ung thư buồng trứng thường mơ hồ, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Càng ở giai đoạn sau, triệu chứng càng rõ ràng hơn. Bạn có thể phát hiện ra các dấu hiệu bất thường như:
- Chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo bất thường
- Cảm giác ăn nhanh no, ăn không ngon miệng
- Đau bụng dưới hoặc đau thắt lưng âm ỉ, kéo dài
- Bụng to, chướng mà không phải do tích tụ mỡ thừa
- Đi tiểu thường xuyên hơn, khó nhịn tiểu
- Thường xuyên táo bón
- Mệt mỏi kéo dài, gầy sụt cân
Viện Sức khỏe Quốc gia Anh khuyến cáo: nếu bạn có các triệu chứng bất thường giống như trên quá 12 lần trong 1 tháng, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Trong khi đó, trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ lại đặt mốc thời gian là 2 tuần kể từ lúc bạn xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân lại có biểu hiện cấp tính, nghiêm trọng và đột ngột. Đó là buồn nôn, nôn dữ dội do tắc ruột, khó thở do tràn dịch màng phổi, bụng chướng, đau bụng nhiều, liên tục và huyết khối tĩnh mạch. Trong trường hợp này, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
3, Phương hướng điều trị ung thư buồng trứng
Có 4 phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân ung thư buồng trứng, bao gồm: phẫu thuật, hóa trị liệu, xạ trị và liệu pháp đích. Trong đó, phẫu thuật và hóa trị liệu thường được sử dụng nhiều nhất. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng một hoặc nhiều phương pháp khác nhau.
Phác đồ điều trị ung thư buồng trứng là khác biệt với từng bệnh nhân. Lựa chọn phương hướng nào phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bạn. Các chuyên gia ung thư học sẽ bàn bạc, thảo luận để giúp bạn quyết định phác đồ điều trị hiệu quả và ít rủi ro nhất.
4, Ung thư buồng trứng có chữa khỏi được không?
“Ung thư buồng trứng có chữa khỏi được không?” là băn khoăn của rất nhiều bệnh nhân và người nhà. Khả năng sống sót khi mắc ung thư buồng trứng phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người.
Dưới đây là 3 yếu tố chính giúp tiên lượng khả năng chữa khỏi, tỷ lệ sống sót và thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư buồng trứng.
Giai đoạn ung thư: Ung thư phát hiện càng sớm thì điều trị càng hiệu quả và tiên lượng càng tốt. Theo thống kê tại Anh từ năm 2013 – 2017, khoảng 95% phụ nữ mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 1 có thời gian sống thêm trên 5 năm.
Tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn 2 cũng rất khả quan, gần 70%. Trong khi đó, ung thư buồng trứng giai đoạn 3 và 4 có tiên lượng xấu hơn hẳn, với thời gian sống thêm 5 năm lần lượt là 25% và 15%.
Phân loại khối u: Mặc dù đều là ung thư buồng trứng nhưng bệnh lý này được chia thành 3 loại ung thư khác nhau, dựa vào bản chất của tế bào ung thư.
- Ung thư biểu mô buồng trứng: là loại ung thư phổ biến nhất, chiếm 90 - 95% các trường hợp ung thư buồng trứng.
- Ung thư tế bào mầm: đây là loại ung thư hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ gái và phụ nữ dưới 30 tuổi.
- Khối u mô đệm dây sinh dục
Tình trạng sức khỏe: Sức khỏe thể chất và tinh thần là nền tảng để chiến đấu với các bệnh lý ung thư. Càng lớn tuổi, cơ thể càng suy nhược, gầy yếu thì khả năng sống sót và phục hồi càng thấp.
Các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, tăng huyết áp… cũng là yếu tố cản trở hiệu quả điều trị và gia tăng nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngược lại, tinh thần lạc quan, vững vàng cùng với thể lực dẻo dai sẽ giúp bạn chiến thắng căn bệnh ác tính này.
Nếu bạn đang khỏe mạnh, hãy lưu ý những dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng và khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh lý ác tính này. Ung thư không chừa bất kỳ ai trong chúng ta.
Nếu chính bạn hoặc người thân đang phải chiến đấu với ung thư buồng trứng, hãy vững tin vào phương pháp điều trị khoa học kèm theo bồi đắp sức khỏe để chiến đấu và chiến thắng căn bệnh quái ác này.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/ovarian-cancer
- https://www.cdc.gov/cancer/ovarian/basic_info/index.htm