Tăng huyết áp là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Nếu bạn là người lớn và huyết áp của bạn là 140/90 mmHg hoặc cao hơn, bạn đã bị coi là tăng huyết áp và cần điều trị.
Ngô Thị Minh Tâm
Tác giả bài viết: Ngô Thị Minh Tâm. Bác sĩ tham vấn: ThS.BS Nguyễn Ngô Thanh Phương26/11/2021

Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) ước tính có khoảng 26% dân số thế giới tương đương với 972 triệu người mắc tăng huyết áp và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 29% vào năm 2025. Rất có thể là bạn đang mắc tăng huyết áp mà không hề nhận ra.

Lý do là bởi triệu chứng của căn bệnh này thường âm thầm, không đặc trưng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm những dấu hiệu nghi ngờ, từ đó đi khám kịp thời. Cùng Genetica tìm hiểu nhé!

1, Huyết áp là gì?

Huyết áp được hiểu nôm na là áp lực của dòng máu đi nuôi cơ thể. Huyết áp được tạo bởi là do sức co bóp hút - đẩy máu của tim và sự co giãn của thành mạch. Huyết áp còn bị chi phối nhiều bởi nhịp tim, các yếu tố gây co mạch, thể tích tuần hoàn… 

2, Tăng huyết áp là gì?

Khi bạn đo huyết áp, có hai trị số huyết áp là huyết áp tối đa (hay còn gọi là huyết áp tâm thu) và huyết áp tối thiểu (hay huyết áp tâm trương).

Bình thường, huyết áp của người lớn là dưới 120/80 mmHg. Khi huyết áp từ 120- 139/80-89 được coi là “huyết áp bình thường - cao”. Nếu bạn là người lớn và huyết áp của bạn là 140/90 mmHg hoặc cao hơn, bạn đã bị coi là tăng huyết áp và cần điều trị. Bác sĩ có thể cần phải đo huyết áp vài lần nữa trước khi khẳng định bạn bị tăng huyết áp.

3, Tăng huyết áp có nguy hiểm không?

Tăng huyết áp rất nguy hiểm và được coi là “kẻ giết người thầm lặng” do không có triệu chứng gì. Trên thực tế, rất nhiều người bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không biết cho đến đi khám bệnh hoặc đã xảy ra các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim,... Do vậy tăng huyết áp không những nguy hiểm, đe dọa tính mạng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bạn.

Tăng huyết áp là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

4, Cách phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp

Phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Đây là 2 biện pháp hữu ích dành cho bạn.

Khám sức khỏe định kỳ: Trong hầu hết các trường hợp, việc chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh có vai trò rất quan trọng. Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị kịp thời bệnh tăng huyết áp, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Đi khám ngay khi có các dấu hiệu sau: Nếu bạn đang có biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, khó thở, đau tức ngực, đỏ mặt, buồn nôn thì hãy nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

5, Biện pháp phòng tránh tăng huyết áp hiệu quả

Như bạn đã thấy, THA là một căn bệnh rất nguy hiểm và không thể lường trước. Nếu không chủ động ngăn ngừa từ bây giờ, bạn có thể mắc căn bệnh này lúc nào không hay.

Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp làm giảm huyết áp và kiểm soát cân nặng. Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no, đồ chiên rán, chế biến sẵn,... Đặc biệt, muối ăn được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tăng huyết áp.

Giảm lượng tiêu thụ muối mỗi ngày còn khoảng 4g giúp hạ huyết áp với những người huyết áp cao và duy trì huyết áp ở mức lý tưởng với những người không bị tăng huyết áp, từ đó giảm thiểu nguy cơ đột quỵ và các bệnh khác.

Chế độ tập luyện: Tập thể dục đều đặn 30-60 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải giúp giảm huyết áp và duy trì cân nặng phù hợp. 

Tăng huyết áp là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Tránh xa thuốc lá và khói thuốc: Hút thuốc lá, thuốc lào hay tiếp xúc với khói thuốc sẽ làm gia tăng nguy cơ tim mạch gấp nhiều lần cùng các bệnh lý ác tính như ung thư gan, ung thư phổi,... Vì vậy, bạn nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt và tránh những khu vực có nhiều khói thuốc.

Giảm cân nặng: Thường khi giảm cân, huyết áp của bạn cũng giảm theo một cách đáng kể. Bên cạnh đó, thừa cân còn là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Tuy nhiên, bạn không nên giảm cân bằng những cách cực đoan như nhịn ăn, kiêng khem quá mức. Thay vào đó, hãy thực hiện chế độ ăn giảm cân hợp lý kết hợp với tập luyện thường xuyên.

Hạn chế uống rượu quá mức: Nếu bạn buộc phải uống rượu vì lý do công việc, hãy hạn chế tối đa bởi rượu có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp và tai biến mạch máu não. Đừng vì cả nể trên bàn nhậu mà chuốc lấy những tai họa bất ngờ.

Kiểm soát tốt những căng thẳng thần kinh: Căng thẳng kích thích các phản ứng cường thần kinh giao cảm của cơ thể, tăng tiết adrenalin và làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch ở bệnh nhân tăng huyết áp và làm tăng tần số các cơn tăng huyết áp. Hãy tham gia tập luyện, thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý.

Tăng huyết áp là bệnh lý ngày càng phổ biến và nguy hiểm tại Việt Nam. Tuy nhiên, tin tốt là chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Hãy xây dựng thói quen sống lành mạnh và đi thăm khám định kỳ hàng năm hoặc đến bệnh viện ngay khi thấy có biểu hiện nghi ngờ. 

Nguồn tham khảo: 

  1. https://www.cdc.gov/bloodpressure/about.htm
  2. Tài liệu chuyên môn của Hội Tim mạch Việt Nam
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3