Bệnh Ung thư gan là gì? có di truyền không?
Bạn đã bao giờ nhìn thấy khuôn mặt mệt mỏi và tuyệt vọng của những người mắc ung thư gan chưa? Bạn đã từng chứng kiến giọt nước mắt đau lòng của người nhà hay cái lắc đầu xót xa của bác sĩ khi thông báo bệnh tình với gia đình của bệnh nhân ung thư gan chưa? Nếu rồi, chắc bạn có thể cảm nhận được một phần u ám và đáng sợ của căn bệnh này. Nếu chưa, mời bạn đọc bài viết của Genetica để hiểu hơn về “sát thủ” đáng gờm này nhé!
1, Ung thư gan là gì?
Gan là cơ quan cực kỳ quan trọng với sức khỏe của con người. Gan đảm nhiệm nhiều chức năng sống còn như hấp thu, chuyển hóa, dự trữ chất dinh dưỡng đồng thời biến đổi các chất có hại với cơ thể để đào thải ra ngoài. Gan còn tham gia sản xuất các yếu tố đông máu, giúp bảo vệ bạn khỏi xuất huyết. Bạn sẽ không thể tồn tại nếu thiếu đi lá gan của mình.
Ung thư gan là tình trạng tế bào ác tính xuất hiện tại gan. Những tế bào này sẽ nhân đôi không kiểm soát, tạo thành khối u phá hủy gan, xâm lấn các cơ quan lân cận, thậm chí di chuyển theo máu và hệ bạch huyết tới những bộ phận xa hơn.
Các nhà khoa học gọi đây là ung thư gan nguyên phát, tức là khối u có nguồn gốc từ gan để phân biệt với ung thư di căn gan. Ung thư di căn gan là khối u xuất phát từ các cơ quan khác trong cơ thể như tuyến tụy, ung thư đại trực tràng, vú, phổi… sau đó di chuyển và cư trú tại gan. Trong bài viết hôm nay, Genetica chỉ tập trung vào ung thư gan nguyên phát.
👉 Xem Ngay: Dấu hiệu, triệu chứng và cách tầm soát bệnh Ung thư gan
Ung thư gan nguyên phát được chia thành 3 loại chính: ung thư biểu mô tế bào gan (HCC – Hepatocellular carcinoma), ung thư đường mật và u máu tại gan.
- Ung thư biểu mô tế bào gan là dạng phổ biến nhất. Khoảng 75% khối u nguyên phát tại gan được xếp vào loại này.
- Ung thư đường mật chiếm 10 – 20% các khối u nguyên phát tại gan.
- U máu là những khối u ác tính xuất phát từ hệ mạch máu dồi dào trong gan. Bệnh lý này phát triển rất nhanh nhưng tương đối hiếm gặp ở người lớn.
2, Sự nguy hiểm của ung thư gan
Theo thống kê của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, ung thư gan là bệnh lý ác tính phổ biến thứ 6 trên thế giới với hơn 905.000 ca mắc mới hàng năm. Căn bệnh này rất phổ biến ở quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Số người mắc ung thư gan ở Đông Nam Á chiếm 11% tổng số ca bệnh trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu về số ca mắc mới với 26.418 trường hợp được chẩn đoán trong năm 2020.
Sở dĩ ung thư gan nguy hiểm vì tiên lượng của bệnh lý này rất xấu. Ung thư gan là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các bệnh nhân ung thư. Số ca tử vong do ung thư gan tại Việt Nam trong năm 2020 là 25.272, gần bằng số ca mắc mới.
Thời gian sống thêm của những người có khối u gan cũng rất ngắn. Chỉ có 20% số bệnh nhân ung thư gan sống thêm được 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán. Ngay cả khi phát hiện bệnh sớm, cơ hội sống thêm 5 năm cũng chỉ là 34%, thấp hơn rất nhiều so với ung thư vú (90%), cổ tử cung (92%) và tuyến giáp (98%).
Còn nếu khối u đã di căn, khả năng sống thêm của bệnh nhân rất mong manh, chỉ khoảng 3%. Ngoài ra, ung thư gan có tỉ lệ tái phát cao. Hơn 50% bệnh nhân đã được cắt bỏ khối u sẽ bị tái phát trong vòng 5 năm.
Nguồn ảnh: medicine.com
3, Dấu hiệu nhận biết ung thư gan
Cũng trong nghiên cứu trên, chỉ có 7,6% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Còn lại 92,4% trường hợp có dấu hiệu lâm sàng rõ rệt mới đi khám. Đây chính là lý do đa phần bệnh nhân tới viện khi khối u đã ở giai đoạn muộn.
Mà với bệnh lý ung thư, phát hiện và điều trị càng sớm, tiên lượng bệnh càng tốt. Do đó, bạn nên chú ý tới những dấu hiệu bất thường trên cơ thể, đặc biệt với những người có nguy cơ cao mắc ung thư gan như: nhiễm virus viêm gan B mạn tính, nhiễm virus viêm gan C, uống rượu bia nhiều năm, bị xơ gan…
Các triệu chứng bao gồm:
- Giảm hoặc mất cảm giác ngon miệng.
- Ăn nhanh no, dù mới chỉ ăn rất ít.
- Buồn nôn, nôn, mệt mỏi nhiều.
- Sụt cân nhanh, nhiều.
- Bụng căng to, tăng dần, nhìn rõ các tĩnh mạch màu xanh trên da bụng.
- Bàn chân sưng to, ấn ngón tay vào thấy lõm.
- Tức nặng vùng hạ sườn bên phải. Sờ tay vào vùng này có thể thấy khối to, chắc.
- Trên da xuất hiện những vết bầm tím tự nhiên, không do va đập. Vết thương chảy máu thường khó cầm.
- Ngứa nhiều mặc dù không bị côn trùng đốt hay dị ứng.
- Vàng da, vàng củng mạc mắt (vùng lòng trắng của mắt).
- Nước tiểu sẫm màu như màu nước chè đặc.
Tuy nhiên, có một hoặc một vài triệu chứng kể trên không có nghĩa là bạn chắc chắn bị ung thư gan. Đây chỉ là những dấu hiệu gợi ý và có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường này, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4, Chẩn đoán ung thư gan
Khi đi khám, bạn sẽ được bác sĩ hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng và tiến hành một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác và chẩn đoán giai đoạn bệnh. Các xét nghiệm bao gồm: xét nghiệm máu, siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ ổ bụng, sinh thiết, chụp xạ hình xương…
Ung thư gan được chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn càng cao, hiệu quả điều trị càng kém, tiên lượng bệnh càng nặng nề.
- Ung thư gan giai đoạn 1: Khối u có kích thước nhỏ, chưa phát triển thành mạch máu, chỉ khu trú trong gan.
- Ung thư gan giai đoạn 2: Khối u có kích thước khoảng 2 – 5 cm, đơn lẻ 1 khối hoặc nhiều khối. Bên trong khối u đã bắt đầu hình thành mạch máu.
- Ung thư gan giai đoạn 3: Khối u có kích thước > 5cm, có thể lan tới vùng mạch máu chính của gan.
- Ung thư gan giai đoạn 4: Ung thư di căn tới các hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan xa như xương, phổi…
5, Điều trị ung thư gan
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan khác nhau. Đó là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nút mạch gan, liệu pháp miễn dịch... Mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị theo những phác đồ khác nhau, dựa vào giai đoạn bệnh, phần gan bị tổn thương và còn chức năng, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, mong muốn của người bệnh và gia đình.
👉 Xem Ngay: Tầm soát ung thư là gì? Lợi ích và nguy cơ khi tầm soát ung thư
6, Dùng bài thuốc dân gian có chữa khỏi ung thư gan không?
Rất nhiều bài thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc được quảng cáo và truyền miệng là có thể chữa khỏi hoàn toàn ung thư gan, đồng thời rất ít tác dụng phụ. Đã có nhiều bệnh nhân và người nhà tin tưởng vào lời đồn này, dẫn tới trì hoãn tới bệnh viện hoặc tự ý bỏ ngang phác đồ điều trị của bác sĩ.
👉 Xem Ngay: 18 Bệnh ung thư có tính di truyền mà bạn không biết
Tuy nhiên, tới nay, vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh lá đu đủ hay những phương thuốc dân gian, gia truyền có khả năng đẩy lùi ung thư. Ung thư là những tế bào có khả năng nhân đôi không kiểm soát.
Vì vậy, bạn cần một loại thuốc thật mạnh để kìm hãm những tế bào quái ác, ngông cuồng này bên trong cơ thể. Những bài thuốc dân gian được đồn thổi là thải độc, mát gan chỉ hỗ trợ bồi bổ cơ thể chứ không thể tiêu diệt khối u ác tính.
Mặt khác, chức năng thải độc của gan ở những bệnh ung thư vốn đã suy giảm rất nhiều. Những bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc có thể đẩy người bệnh vào nguy cơ ngộ độc và tổn thương gan nặng nề.
Do đó, nếu bạn hoặc người thân được chẩn đoán mắc căn bệnh quái ác này, hãy tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Đừng nhẹ dạ cả tin và nghe theo những nguồn tin không chính thống, phản khoa học, dẫn đến “tiền mất tật mang”, bạn nhé!
7, Ung thư gan có di truyền không?
Có một số nhà khoa học phát hiện hội chứng Lynch và ung thư gan có mối quan hệ với nhau. Hội chứng Lynch là rối loạn di truyền liên quan tới rất nhiều các bệnh lý ung thư như ung thư đại trực tràng, buồng trứng, nội mạc tử cung, ưng thư dạ dày, tuyến tụy, não… Tuy nhiên, rối loạn di truyền này chỉ làm tăng khoảng 1% nguy cơ mắc ung thư đường mật – dạng bệnh phổ biến thứ 2 của ung thư nguyên phát tại gan.
👉 Xem Ngay: Bệnh ung thư não: Nguyên nhân, triệu chứng, dấu hiệu và chẩn đoán
Ngoài ra, bệnh lý gan nhiễm sắt cũng liên quan tới ung thư gan. Căn nguyên của bệnh lý này là do đột biến gen lặn, khiến cơ thể hấp thu quá nhiều sắt. Sắt dư thừa sẽ lắng đọng tại gan và làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan lên gấp 20 lần. Mặc dù vậy, gan nhiễm sắt là rối loạn di truyền hiếm gặp, với tỉ lệ mắc là 1 trong 300 người.
Như vậy, cho đến nay, chưa có bất kỳ hội chứng di truyền nào làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư gan. Điều đó có nghĩa là dù gia đình bạn có người mắc ung thư gan, nguy cơ hình thành khối u ác tính của bạn cũng không thay đổi.
8, Ung thư gan có lây không?
Tất cả các bệnh lý ung thư đều do đột biến gen nên không thể lây lan từ người này sang người khác. Tuy nhiên, virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của ung thư gan. Khi mắc một trong hai virus này, bạn sẽ bị viêm gan mạn tính và có thể phải đối mặt với ung thư trong tương lai.
👉 Xem Ngay: Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh Ung thư phổi
HBV và HCV có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua đường máu, dịch cơ thể hoặc quan hệ tình dục. Mặc dù vậy, nhiễm virus viêm gan không có nghĩa chắc chắn bạn sẽ mắc ung thư gan sau này. Đây chỉ là một yếu tố gia tăng khả năng mắc bệnh mà thôi.
Ung thư gan là “sát thủ” đáng gờm vì căn bệnh này sẽ âm thầm ẩn trốn, phát triển và dần dần hủy hoại sức khỏe của chúng ta. Căn bệnh này được ví như “bản án tử hình” mà khó có phương thuốc nào cứu chữa dứt điểm được. Vì vậy, bạn hãy đề phòng cảnh giác và đừng chủ quan với ung thư gan nhé!