Tầm soát ung thư là gì? Lợi ích và nguy cơ khi tầm soát ung thư

Ung thư là bệnh lý xuất hiện và tiến triển thầm lặng. Hầu hết bệnh nhân ung thư được chẩn đoán khi khối u đã ở giai đoạn muộn. Vậy có biện pháp nào để phát hiện sớm ung thư không? Có, tầm soát ung thư làm được điều đó.
Đỗ Hạnh Trang
Tác giả bài viết: Đỗ Hạnh Trang. Bác sĩ tham vấn: ThS.BS. Trần Thị Kim Thu19/08/2021

Ung thư là bệnh lý xuất hiện và tiến triển thầm lặng. Hầu hết bệnh nhân ung thư được chẩn đoán khi khối u đã ở giai đoạn muộn. Vậy có biện pháp nào để phát hiện sớm ung thư không? Có, tầm soát ung thư làm được điều đó. Tuy nhiên, tầm soát ung thư cũng có nhiều hạn chế và thiếu sót. Và không phải bệnh lý ung thư nào cũng có thể tầm soát hiệu quả.

1, Tầm soát ung thư là gì?

Tầm soát ung thư là thực hiện thăm khám, xét nghiệm trên những đối tượng khỏe mạnh, chưa có triệu chứng của bệnh. Mục đích của tầm soát ung thư là phát hiện tổn thương tiền ung thư hoặc khối u ở giai đoạn sớm, khi bệnh vẫn có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn. 

Có nhiều phương pháp để tầm soát ung thư, bao gồm:

  • Hỏi bệnh và thăm khám: Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các dấu hiệu bất thường cũng như tiền sử bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để phát hiện các triệu chứng lâm sàng bất thường như nổi hạch, vết loét ở niêm mạc, chấm, nốt có màu sắc khác lạ…
  • Xét nghiệm: Bạn sẽ được kiểm tra máu, nước tiểu, mô hoặc chất dịch trong cơ thể để phát hiện tế bào bất thường.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bao gồm siêu âm, chụp Xquang, cắt lớp vi tính để khảo sát cấu trúc của các cơ quan trong cơ thể. Từ đó phát hiện những hình ảnh sớm nhất của khối u.
  • Xét nghiệm gene: giúp đánh giá nguy cơ mắc ung thư của bạn cao hay thấp. Xét nghiệm gene là phương pháp tầm soát ung thư hiện đại, được áp dụng với những người có tiền sử gia đình liên quan nhiều đến ung thư.

Tầm soát ung thư là gì? Lợi ích và nguy cơ khi tầm soát ung thư

Mỗi bệnh lý ác tính và mỗi đối tượng khác nhau sẽ được tầm soát ung thư bằng các phương pháp khác nhau. Mỗi phương pháp tầm soát cũng có lợi ích và tiềm ẩn nguy cơ gây hại riêng biệt. Do đó, bạn cần trao đổi với bác sĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi tiến hành thực hiện bất kỳ phương pháp tầm soát nào.

►► Tìm Hiểu Ngay: Bệnh ung thư có tính di truyền không?

2, Lợi ích và nguy cơ khi tầm soát ung thư

Tầm soát giúp phát hiện sớm ung thư, ngay từ khi khối u chưa biểu hiện triệu chứng và mới ở giai đoạn đầu. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả điều trị và thời gian sống sót của bệnh nhân. Thậm chí, bạn có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Tại Hoa Kỳ, tầm soát ung thư cứu đã cứu sống 45.000 người khỏi ung thư vúđại trực tràng mỗi năm. Số lượng bệnh nhân ung thư cổ tử cung cũng giảm hơn 50% sau 30 năm biện pháp tầm soát định kỳ được áp dụng tại quốc gia này.

Tuy nhiên, tầm soát ung thư cũng có những nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe và cuộc sống. Tầm soát ung thư có thể dương tính giả. Tức là sàng lọc cho kết quả bất thường nhưng thực chất bạn không mắc ung thư. Chính sai sót này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không đáng có cho bạn và cả gia đình.

Tầm soát ung thư là gì? Lợi ích và nguy cơ khi tầm soát ung thư

Bạn phải thực hiện thêm xét nghiệm tốn kém, lãng phí thời gian và thậm chí là điều trị không cần thiết. Cảm giác lo lắng quá mức cũng là gánh nặng tinh thần nặng nề cho bạn và người thân. 

Mặt khác, tầm soát ung thư cũng có thể cho kết quả âm tính giả. Tức là bạn có khối u nhưng kết quả sàng lọc lại bình thường. Ngoài ra, một số thủ thuật tầm soát có thể gây chảy máu, làm tổn thương niêm mạc, tiếp xúc với tia xạ…

►► Xem Ngay: 5 bệnh lý ung thư phổ biến tại Việt Nam

3, Các bệnh lý ung thư nên tầm soát hàng năm

Không phải tất cả các bệnh lý ung thư đều có thể tầm soát. Tầm soát ung thư hiệu quả nhất ở những bệnh lý ác tính có tốc độ phát triển chậm và có tổn thương tiền ung thư. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nên tầm soát định kỳ ung thư vú, đại trực tràng và ung thư cổ tử cung.

Tầm soát ung thư phổi chỉ được thực hiện ở những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh. Với những bệnh lý ác tính khác, các chuyên gia chưa tìm thấy bằng chứng chứng minh hiệu quả của tầm soát hàng năm.

Tầm soát ung thư vú: Ung thư vú được tiến hành tầm soát ở phụ nữ trên 40 tuổi. Bạn nên đi khám vú và chụp Xquang tuyến vú mỗi năm 1 lần.

Tầm soát ung thư là gì? Lợi ích và nguy cơ khi tầm soát ung thư

Tầm soát ung thư đại trực tràng: Tất cả nam giới và nữ giới sau tuổi 45 nên tầm soát bệnh lý này hàng năm. Bạn sẽ được lấy phân để xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Kèm theo đó là nội soi đại trực tràng để phát hiện polyp, tổn thương loét trợt và khối u.

Tầm soát ung thư cổ tử cung: Tất cả phụ nữ từ 21 tuổi trở lên đều cần tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ mỗi năm. Phiến đồ âm đạo (Pap test) và xét nghiệm HPV (virus u nhú ở người) rất cần thiết.

Tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm khối u và nâng cao hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, phương pháp này không áp dụng với tất cả các bệnh lý ung thư. Bạn chỉ nên tầm soát định kỳ hàng năm với 3 loại ung thư: vú, đại trực tràng và cổ tử cung. 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.cdc.gov/cancer/dcpc/prevention/screening.htm
  2. https://www.cancer.gov/about-cancer/screening/patient-screening-overview-pdq
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3