Ung thư dạ dày: 7 dấu hiệu, triệu chứng biểu hiện và nguyên nhân

Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào trong dạ dày phát triển bất thường, mất kiểm soát dẫn đến hình thành các khối u. Tình trạng này có thể bắt đầu ở bất cứ vị trí nào bên trong hoặc thành dạ dày, gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí là tử vong.
Ngô Thị Minh Tâm
Tác giả bài viết: Ngô Thị Minh Tâm. Bác sĩ tham vấn: BS.CKII Ngô Thế Phi29/09/2021

Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao ở cả hai giới. Theo năm 2020, tại Việt Nam có 14.600 ca tử vong vì căn bệnh này. Đây là căn bệnh ác tính thường gặp thứ 4 tại nước ta sau ung thư gan, ung thư phổiung thư vú.

Điều đáng tiếc là ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, tuy nhiên trên thực tế đa số trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hoặc đã di căn. Vậy dấu hiệu, triệu chứng biểu hiện và nguyên nhân nào để nhận biết sớm căn bệnh nguy hiểm này? Hôm nay hãy cùng Genetica tìm hiểu kỹ hơn về ung thư dạ dày nhé!

1, Ung thư dạ dày là gì?

Như bạn đã biết, dạ dày là một phần quan trọng của hệ tiêu hóa, nằm ở phía bên trái bụng, ngay dưới xương sườn. Khi bạn ăn uống, thức ăn đi từ thực quản vào dạ dày. Tại đây, dạ dày làm nhiệm vụ lưu trữ và tiêu hóa thức ăn để cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng. 

Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào trong dạ dày phát triển bất thường, mất kiểm soát dẫn đến hình thành các khối u. Tình trạng này có thể bắt đầu ở bất cứ vị trí nào bên trong hoặc thành dạ dày. Khi tiến triển nặng, khối u ác tính có thể lan rộng ra xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác, gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí là tử vong.

Nhìn chung, ung thư dạ dày thường có xu hướng phát triển âm thầm trong nhiều năm. Người bị ung thư dạ dày rất khó phát hiện khi đang ở giai đoạn đầu bởi các triệu chứng bệnh không rõ ràng. 

Ung thư dạ dày: 7 dấu hiệu, triệu chứng biểu hiện và nguyên nhân

2, Dấu hiệu, triệu chứng ung thư dạ dày

Triệu chứng của ung thư dạ dày thường mơ hồ, không đặc trưng, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Càng ở giai đoạn sau, triệu chứng càng rõ ràng hơn. Bạn có thể phát hiện ra 6 dấu hiệu bất thường như sau:

  1. Buồn nôn, ói mửa
  2. Chướng bụng, khó tiêu, ợ hơi
  3. Cảm giác ăn nhanh no, không ngon miệng 
  4. Đi ngoài phân sẫm màu (gần như đen) hoặc lẫn máu trong phân
  5. Mệt mỏi kéo dài, gầy sụt cân nhiều
  6. Đau dạ dày không thuyên giảm, có thể đau tăng sau bữa ăn

Những dấu hiệu bất thường trên thường bị bỏ qua vì nó tương tự với triệu chứng của các bệnh lý dạ dày thường gặp. Ngay cả khi bạn đang có những biểu hiện này cũng chưa chắc chắn bạn mắc ung thư dạ dày.

Tuy nhiên, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt nếu bị sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc có các triệu chứng bất thường đặc biệt khi chúng không thuyên giảm dù đã dùng thuốc.

Ung thư dạ dày: 7 dấu hiệu, triệu chứng biểu hiện và nguyên nhân

3, Nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày

Nguyên nhân của ung thư dạ dày nói riêng và các bệnh lý ác tính nói chung là do đột biến gen. Khi bạn khỏe mạnh, cơ thể nắm quyền kiểm soát quá trình tăng sinh và phát triển của tất cả tế bào. Cơ thể sẽ quyết định khi nào tế bào được nhân lên, phải ngừng lại và khi nào chết đi. 

Tuy nhiên, trong bệnh lý ung thư, gen bị biến đổi, cơ chế kiểm soát này bị trục trặc. Các tế bào ác tính phát triển quá mức, tạo thành khối u. Đột biến gen có thể do di truyền hoặc cũng có thể hình thành qua thời gian, do tác động của các yếu tố nguy cơ.

Yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày được chia thành 2 nhóm, đó là yếu tố nguy cơ không thay đổi được và yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. 

Yếu tố nguy cơ không thay đổi được

Các yếu tố nguy cơ này bao gồm tuổi tác, giới tính và tiền sử gia đình. Nếu bạn là nam, trên 50 tuổi và có người thân trong gia đình (bố mẹ, anh chị em) bị ung thư dạ dày thì bạn có thể có khả năng mắc bệnh cao hơn những người khác.Tuy nhiên, đây chỉ là nguy cơ, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa căn bệnh quái ác này bằng cách thay đổi lối sống.

Ung thư dạ dày: 7 dấu hiệu, triệu chứng biểu hiện và nguyên nhân

Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

  • Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Vi khuẩn HP được xem là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng, chỉ có khoảng 5% số người nhiễm HP tiến triển thành ung thư.
  • Chế độ ăn: Chế độ ăn nhiều muối, thường xuyên ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, tẩm ướp nhiều gia vị chua, cay, thịt nướng, nghiện rượu sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi (đặc biệt là cam, quýt, chanh, bưởi,...), như vậy có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh một cách đáng kể.
  • Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý ác tính, trong đó có ung thư dạ dày. Người có chỉ số khối trên 30 có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn những người khác. BMI = (cân nặng)/ (chiều cao x2) (trong đó cân nặng tính theo kg, chiều cao tính theo mét).
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá dù trực tiếp hay thụ động thì vẫn gia tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, đặc biệt là đối với ung thư phần trên của dạ dày gần thực quản. Tỷ lệ ung thư dạ dày tăng khoảng gấp đôi ở những người hút thuốc.
  • Polyp dạ dày: Polyp dạ dày là khối u hình thành bên trong dạ dày, thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng khó chịu nào. Hầu hết polyp dạ dày không trở thành ung thư, chỉ một số loại có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày trong tương lai.

4, Phương hướng điều trị ung thư dạ dày

Có 5 phương hướng điều trị chính cho bệnh nhân ung thư dạ dày, bao gồm: phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị liệu, xạ trị, liệu pháp đích và liệu pháp miễn dịch, trong đó phẫu thuật, hóa trị và xạ trị thường được sử dụng nhiều nhất. Một người có thể sử dụng một hoặc nhiều phương hướng điều trị.

Lựa chọn phương hướng điều trị nào phụ thuộc vị trí ung thư, giai đoạn bệnh cũng như thể trạng của bạn. Các bác sĩ có thể giúp bạn đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả và ít rủi ro nhất.

Ung thư dạ dày: 7 dấu hiệu, triệu chứng biểu hiện và nguyên nhân

5, Ung thư dạ dày có thể chữa khỏi được hay không?

“Ung thư dạ dày có thể chữa khỏi được hay không?” là băn khoăn của rất nhiều bệnh nhân và người nhà. Khả năng sống sót khi mắc ung thư dạ dày phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Không ai có thể cho bạn biết chính xác bạn sẽ sống được bao lâu. Dưới đây là 2 yếu tố chính giúp tiên lượng khả năng chữa bệnh, tỷ lệ sống sót và thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư dạ dày.

Giai đoạn ung thư: Tiên lượng phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh. Ung thư phát hiện càng sớm thì điều trị càng hiệu quả và tiên lượng càng tốt. Nếu khối u chỉ giới hạn ở niêm mạc hoặc dưới niêm mạc dạ dày, tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể lên đến 80%. Trong khi đó, khi bệnh đã di căn lan rộng (giai đoạn cuối) tiên lượng rất xấu, hầu hết bệnh nhân không sống được lâu sau khi phát hiện ra bệnh.

Tình trạng sức khỏe: Sức khỏe thể chất và tinh thần là nền tảng để chiến đấu với mọi bệnh lý nói chung. Càng lớn tuổi, cơ thể càng suy nhược, gầy yếu thì khả năng sống sót và phục hồi càng thấp.

Chế độ sinh hoạt, ăn uống thiếu lành mạnh cùng các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, tăng huyết áp,… cũng là yếu tố cản trở hiệu quả điều trị và gia tăng nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngược lại, tinh thần lạc quan, vững vàng cùng với thể trạng tốt sẽ giúp bạn đánh bại căn bệnh ác tính này.

Ung thư dạ dày: 7 dấu hiệu, triệu chứng biểu hiện và nguyên nhân

6, Biện pháp phòng tránh ung thư dạ dày

Duy trì cân nặng hợp lý: Tốt nhất bạn nên giữ chỉ số khối cơ thể trong khoảng từ 18,5 - 24,9 để đảm bảo mức cân nặng hợp lý. Để làm được điều này, bạn nên kết hợp chế độ ăn uống với vận động thể chất thường xuyên. Khoa học đã chứng minh tập thể dục 30 phút mỗi ngày có thể giúp bạn có cơ thể dẻo dai và sức khỏe tốt.

Chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người nên tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều loại trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời hạn chế các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt bê, thịt lợn,...), đồ uống có nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, đồ hộp...Ngoài ra, hãy cố gắng hạn chế tối đa rượu bia, đừng vì cả nể trên bàn nhậu mà rước họa vào thân. Rượu là tác nhân gây ra không chỉ ung thư dạ dày mà rất nhiều căn bệnh mãn tính nguy hiểm khác.

Bỏ thuốc lá: Nguy cơ ung thư dạ dày tăng lên đáng kể ở những người hút thuốc. Vì vậy, bỏ thuốc lá là biện pháp cần thiết giúp giảm thiểu nguy cơ hình thành khối u ác tính và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Không chỉ vì bản thân, mà còn vì gia đình, mọi người xung quanh, bỏ thuốc lá chưa bao giờ là muộn bất kể bạn đang ở độ tuổi nào. Vì vậy, hãy bắt đầu hành trình cai thuốc ngay từ hôm nay.

Ung thư dạ dày: 7 dấu hiệu, triệu chứng biểu hiện và nguyên nhân

Khám sức khỏe định kỳ: Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm, tiến triển âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Vì vậy, thăm khám sức khỏe định kỳ là giải pháp hiệu quả giúp nhận biết sớm, phát hiện kịp thời, từ đó có thể điều trị hiệu quả căn bệnh quái ác này.

Tóm lại, ung thư dạ dày là bệnh lý nguy hiểm hàng đầu mà chúng ta cần phòng ngừa ngay từ hôm nay. Nếu bạn đang khỏe mạnh, hãy lưu ý những dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày và thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời căn bệnh ác tính này.

Còn nếu không may bạn hay người thân đang phải chiến đấu với ung thư dạ dày, hãy vững tin vào phương pháp điều trị khoa học kèm theo bồi bổ sức khỏe để chiến thắng căn bệnh quái ác này nhé!

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.cancer.org/cancer/stomach-cancer.html
  2. https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/stomach-cancer
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/symptoms-causes/syc-20352438
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3