Ung thư da có chữa được không? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị

132.000 ca ung thư da hắc tố xảy ra trên toàn cầu mỗi năm, 2 đến 3 triệu ca ung thư da không phải u hắc tố, cứ ba bệnh ung thư được chẩn đoán thì có một bệnh ung thư da.
Quỳnh Phương Phạm
Tác giả bài viết: Quỳnh Phương Phạm. Bác sĩ tham vấn: BS Hà Thị Mỹ Hạnh22/07/2022

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc cả ung thư da không hắc tố và ung thư da hắc tố ngày càng tăng trong những thập kỷ qua. Hiện nay, có từ 2 đến 3 triệu ca ung thư da không phải u hắc tố và 132.000 ca ung thư da hắc tố xảy ra trên toàn cầu mỗi năm. Cứ ba bệnh ung thư được chẩn đoán thì có một bệnh ung thư da. Nguyên nhân phần lớn do tiếp xúc với tia cực tím của ánh nắng mặt trời, yếu tố di truyền, chủng tộc và các yếu tố môi trường khác.

1, Các loại bệnh ung thư da

Ung thư da được phân thành nhiều loại bao gồm:

Ung thư biểu mô tế bào đáy

Ung thư biểu mô tế bào đáy bắt đầu từ các tế bào đáy và thường xuất hiện trên bề mặt da. Đây là các tế bào da thay thế các tế bào cũ ở cấp độ dưới của biểu bì. Thông thường, ung thư biểu mô tế bào đáy không di căn vì vậy hiếm khi dẫn đến tử vong. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), khoảng 80% bệnh ung thư da là dạng ung thư tế bào đáy.

Ung thư tế bào vảy

Theo Tổ chức Ung thư Da Hoa Kỳ, ung thư tế bào vảy là loại ung thư da phổ biến thứ hai trong số các loại ung thư da. Ước tính có khoảng 5,4 triệu ca ung thư tế bào vảy mỗi năm và chúng thường phát triển ở trên những vùng da tiếp xúc trực tiếp với nắng mặt trời.

Ung thư tế bào vảy ảnh hưởng đến các tế bào ở phần ngoài cùng của biểu bì, hoặc phổi, màng nhầy. Ung thư tế bào vảy hình thành trên da sẽ được gọi là ung thư tế bào vảy ở da.

U ác tính

Ung thư da ác tính không phổ biến, chỉ chiếm 1% trong tổng số bệnh ung thư da. Loại ung thư này phát triển từ các tế bào hắc tố, đây là các tế bào có nhiệm vụ tạo ra màu da. Nốt ruồi được hình thành bởi các tế bào hắc tố, theo thời gian nó có thể trở thành ung thư. U hắc tố có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng phổ biến hơn ở ngực và lưng của nam giới và trên chân của phụ nữ. Chúng có thể di căn ra khác bộ phận khác của cơ thể gây tử vong nếu không được điều trị sớm.

Ung thư da tế bào Merkel

Ước tính có khoảng 1.500 trường hợp ung thư tế bào Merkel được báo cáo hàng năm ở Hoa Kỳ và có xu hướng xảy ra ở nam giới nhiều hơn phụ nữ và nhiều hơn ở người da trắng. Loại ung thư da hiếm gặp này rất nguy hiểm vì có tốc độ di căn nhanh. Nó xuất hiện do sự phát triển quá mức của các tế bào Merkel.

Ung thư hạch da

Cơ thể có các tế bào bạch cầu hoạt động như một phần của hệ thống miễn dịch để bảo vệ chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Những tế bào này còn được gọi là tế bào bạch huyết.Khi các tế bào bắt đầu phát triển bất thường trên da, nó được gọi là ung thư hạch da. 

Kaposi sarcoma

Kaposi sarcoma (KS) xuất hiện dưới dạng các mảng hoặc khối u màu đỏ, nâu hoặc tím trên da. Các tổn thương KS thường xuất hiện trên chân, bàn chân hoặc mặt nhưng cũng có thể xuất hiện ở vùng sinh dục, miệng hoặc các hạch bạch huyết. Loại ung thư này hầu như không bộc lộ triệu chứng khi chúng mới hiện diện trên bề mặt da.

Giai đoạn di căn, khối u ác tính thường lây lan đến cổ họng hoặc dạ dày gây chảy máu và đe dọa tính mạng.

Dày sừng actin

Đây là tiền ung thư biểu mô tế bào vảy, mặc dù chưa gây ung thư nhưng nếu không được quản lý sớm dày sừng actin sẽ tiến triển thành ung thư. Dày sừng actin thường là những mảng da nhỏ có màu đỏ, hồng hoặc nâu. 

2, Các giai đoạn ung thư da

Ung thư da được chia thành hai nhóm chính cho các mục đích phân giai đoạn, bao gồm những bệnh ung thư da không tế bào hắc tố và ung thư tế bào hắc tố.

Ung thư da không phải tế bào hắc tố bao gồm ung thư tế bào đáy và tế bào vảy. 

  • Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư chưa lan ra ngoài lớp ngoài cùng của da, biểu bì.
  • Giai đoạn 1: Ung thư có thể đã lan đến lớp da tiếp theo, lớp hạ bì, nhưng khối ung thư không dài quá 2cm.
  • Giai đoạn 2: Khối u lớn hơn 2cm nhưng nó chưa lan đến các vị trí lân cận hoặc các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 3: Ung thư lan rộng từ khối u nguyên phát sang mô hoặc xương lân cận và lớn hơn 3cm. Nó cũng thường không lây lan đến các vị trí xa trong cơ thể.
  • Giai đoạn 4: Ung thư đã lan ra ngoài vị trí khối u nguyên phát đến các hạch bạch huyết và xương hoặc mô. Khối u cũng lớn hơn 3cm và có thể đã di căn đến các vị trí xa.

Ung thư hắc tố thường được phân loại bằng cách sử dụng hệ thống TNM của Ủy ban hỗn hợp Hoa Kỳ về ung thư. Hệ thống này sử dụng độ dày và độ sâu của khối u (T), sự lan rộng của hạch.

Các khối ung thư da giai đoạn đầu bắt đầu từ 0, hoặc khối u ác tính tại chỗ. Sau đó, chúng tiến triển từ giai đoạn 1-4 và chia nhỏ hơn nữa bằng cách sử dụng các chữ cái viết hoa.

Các giai đoạn ung thư hắc tố tổng thể bao gồm:

  • Giai đoạn 0: Loại ung thư da không xâm lấn này chưa xâm nhập vào bên dưới lớp biểu bì.
  • Giai đoạn 1: Ung thư có thể đã lan đến lớp da thứ hai, lớp hạ bì, nhưng nó vẫn còn nhỏ.
  • Giai đoạn 2: Ung thư chưa lan ra ngoài vị trí khối u ban đầu, nhưng nó lớn hơn, dày hơn và có thể có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác như đóng vảy, chảy máu hoặc bong tróc.
  • Giai đoạn 3: Ung thư đã lan rộng hoặc di căn đến các hạch bạch huyết hoặc đến da hoặc mô lân cận.
  • Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn tiến triển nhất của ung thư hắc tố, vì tế bào ác tính đã lan ra ngoài khối u nguyên phát và đang xuất hiện trong các hạch bạch huyết, các cơ quan hoặc mô ở xa vị trí ban đầu.

3, Các dấu hiệu ung thư da

Ung thư da đôi khi không bộc lộ triệu chứng. Các triệu chứng có xảy ra hay không hoặc khác nhau như thế nào phụ thuộc vào loại ung thư da và giai đoạn ung thư da. Nhưng thông thường, các triệu chứng ung thư da sau đây có thể giúp người bệnh nhận biết.

Các biểu hiện ung thư da bao gồm:

Tổn thương da

Da xuất hiện nhiều nốt ruồi mới, phát triển bất thường; có tình trạng vết sưng loét, mảng vảy hoặc đốm đen phát triển nhưng không biến mất.

Không đối xứng

Xuất hiện tình trạng cùng một nốt ruồi hoặc một vết thương nhưng hai nửa trông rất khác nhau; hoặc các tổn thương da sần sùi, không đều.

Màu sắc

Da xuất hiện một đốm có màu sắc bất thường, chẳng hạn như trắng, hồng, đen, xanh lam hoặc đỏ hoặc vết thương có nhiều màu.

Đường kính

Vùng da tổn thương có kích thước lớn hơn 0,6cm hoặc bằng kích thước của một cục tẩy bút chì.

Sự thay đổi của nốt ruồi

Nốt ruồi thay đổi chẳng hạn như kích thước, hình dạng, màu sắc hoặc các triệu chứng như ngứa, đau hoặc chảy máu.

Ung thư da có chữa được không? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị

4, Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư da

Nguyên nhân gây ung thư da không thật sự rõ ràng, chỉ biết rằng các cơ chế gây ung thư là do đột biến DNA của một số tế bào da dẫn đến sự phát triển không kiểm soát, tạo thành một khối lượng lớn các tế bào ung thư. 

Các yếu tố nguy cơ của ung thư da được cho là do:

Tiếp xúc với tia cực tím

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết, tiếp xúc với tia UV là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với nhiều loại ung thư da.

Tia UV làm hỏng các tế bào da, gây ra sự phát triển quá mức của các tế bào và ung thư da sẽ phát triển. Các nguồn tiếp xúc với tia UV bao gồm mặt trời, giường tắm nắng, đèn trời.

Nốt ruồi

Mặc dù không phải lúc nào nốt ruồi cũng là dấu hiệu của ung thư da nhưng chúng có nhiều khả năng phát triển thành u ác tính.

Da sáng, tóc sáng và tàn nhang

Những người có làn da sáng hơn có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn, đặc biệt là những người có: tóc đỏ hoặc vàng tự nhiên; mắt xanh lam hoặc xanh lục; da sáng có xu hướng bị bỏng hoặc dễ bị tàn nhang dưới ánh nắng mặt trời.

Tiền sử gia đình bị ung thư da

Nếu cha mẹ, anh chị em hoặc con cái của bạn bị ung thư da hắc tố, thì bạn có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người khác. 

Tiền sử ung thư da

Nếu bạn đã từng bị ung thư da trước đó, thì bệnh có khả năng tái phát lại. Hoặc thậm chí bạn có thể bị ung thư da nhưng là một loại ung thư da khác lần trước.

Hệ thống miễn dịch suy yếu

Khi các bệnh hoặc phương pháp điều trị sức khỏe khác gây tổn hại đến hệ thống miễn dịch, khả năng cao là bạn sẽ bị ung thư da.

Các yếu tố gây suy yếu miễn dịch như hoá trị để điều trị một bệnh ung thư nào đó; dùng một số loại thuốc; mắc bệnh tự miễn dịch gây suy giảm hệ thống miễn dịch; tuổi già

Độ tuổi 30

Mặc dù ung thư da gặp ở trẻ em và thanh niên, nhưng bệnh thường gặp nhất ở những người trên 30 tuổi.


5, Các phương pháp điều trị ung thư da

Việc lựa chọn phương pháp điều trị bệnh ung thư da có thể khác nhau, điều này phụ thuộc vào các yếu tố như kích thước; vị trí; loại hình, sự di căn… của ung thư.

Phẫu thuật

  • Phẫu thuật lạnh: Bằng cách sử dụng nitơ lỏng để phá hủy mô ung thư khi nitơ tan băng.
  • Phẫu thuật cắt bỏ da: Bác sĩ sẽ cắt bỏ sự phát triển và một số vùng da khỏe mạnh xung quanh khối u ác tính.
  • Mohs phẫu thuật: Quy trình này được thực hiện bằng cách loai bỏ từng lớp da. Mỗi lớp da sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi cho đến khi không nhìn thấy các tế bào bất thường.
  • Nạo và điện cực: Một lưỡi dao dài hình chiếc thìa sẽ loại bỏ các tế bào ung thư , trong khi các tế bào còn sót lại sẽ bị đốt bằng kim điện.

Hóa trị liệu

Phương pháp điều trị này là việc dùng hóa chất để điều trị ung thư. Nó có thể được thực hiện bằng đường uống, bôi tại chỗ hoặc tiêm bằng kim hoặc truyền tĩnh mạch (IV) để tiêu diệt tế bào ung thư. 

Liệu pháp quang động

Là việc dùng ánh sáng laser và thuốc tiêu diệt các tế bào ung thư.

Xạ trị

Là việc sử dụng các chùm tia năng lượng cao để chiếu vào khối u nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.

Liệu pháp sinh học

Phương pháp điều trị sinh học là việc kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh để chống lại các tế bào ung thư.

Liệu pháp miễn dịch

Là việc dùng thuốc để kích thích hệ thống miễn dịch nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.

Bạch huyết (N) và sự di căn, hoặc sự lây lan của ung thư (M) để chỉ định một giai đoạn. Con số càng thấp, thì mức độ nguy hiểm càng ít và ngược lại. Khi các loại TNM đã được xác định, giai đoạn tổng thể cũng có thể được xác định.

Biến chứng của ung thư da

Các biến chứng tiềm ẩn của ung thư da bao gồm:

  • Ung thư da tái phát: Nó có thể tái phát cục bộ hoặc di căn sang các mô xung quanh.
  • Hoại tử da.
  • Khối u ác tính di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể gây ra một loại bệnh mới.

6, Các phương pháp phòng ngừa ung thư da

Các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị, để giảm nguy cơ ung thư da, bạn hãy tránh để da tiếp xúc với ánh nắng và các nguồn bức xạ UV khác trong thời gian dài. 

  • Tránh giường tắm nắng và đèn chiếu sáng mặt trời.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời khi mặt trời mạnh nhất (từ 10 giờ sáng-4 giờ chiều).
  • Thoa kem chống nắng và son dưỡng môi có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên cho bất kỳ vùng da hở nào ít nhất 30 phút trước khi ra ngoài trời và thường xuyên bôi lại.
  • Đội mũ rộng vành và các loại vải dệt khô, sẫm màu, dệt chặt khi bạn ra ngoài vào ban ngày.
  • Đeo kính râm có khả năng bảo vệ 100% tia cực tím B (UVB) và tia cực tím A (UVA).
  • Duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ và đến bệnh viện khi da có những triệu chứng lạ kéo dài không biến mất.
  • Đối với những người từng bị ung thư da hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh này, các chuyên gia khuyên nên: Thực hiện tự kiểm tra da mỗi tháng một lần; Thường xuyên đến gặp bác sĩ da liễu để kiểm tra da; Ưu tiên sử dụng kem chống nắng và các hình thức chống nắng khác; Tránh tắm nắng và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Ung thư da có chữa được không? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị

7, Các câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư da

Ung thư da sống được bao lâu?

Nếu bạn mắc ung thư da không hắc tố thì rất hiếm khi có nguy cơ tử vong nếu được điều trị ngay tại thời điểm phát hiện bệnh. Đối với ung thư tế bào hắc tố giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm nếu được điều trị kịp thời là 90%. Phát hiện muộn khi các tế bào ác tính đã di căn sang các khu vực khác trong cơ thể thì tiên lượng kém hơn.

Ung thư da có chữa được không?

Ung thư da không tế bào hắc tố là bệnh có thể chữa được. Còn ung thư tế bào hắc tố cũng đã có thuốc chữa. Tháng 10 năm 2015, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt virus Herpes biến đổi gen là liệu pháp chữa bệnh ung thư hắc tố giai đoạn cuối.

Ung thư da có nguy hiểm không?

Ung thư da không tế bào hắc tố có mức độ ít nguy hiểm vì hiếm khi gây tử vong nhưng ung thư tế bào hắc tố là một bệnh nguy hiểm, tiên lượng sống kém nếu phát hiện muộn.

Ung thư da có nguy cơ cao hơn ở người da trắng, tuy nhiên Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với cường độ tia cực tím mạnh, nhất là vào mùa hè, vì vậy không thể chủ quan. Chúng ta nên tránh ra ngoài trời lúc tia cực tím hoạt động mạnh, từ 11h-2h chiều, nếu buộc phải ra ra ngoài nắng, bạn nên che chắn kỹ với mũ nón, khẩu trang, áo chống nắng. Kem chống nắng rất quan trọng trong việc bảo vệ làn da khỏi tia UV. Ngoài ra, nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ dấu hiệu của ung thư da, bạn cần đến ngay bệnh viện để thăm khám và được chẩn đoán, điều trị sớm.

Nguồn tham khảo:

  • https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/radiation-ultraviolet-(uv)-radiation-and-skin-cancer
  • https://www.cancer.org/cancer/melanoma-skin-cancer/detection-diagnosis-staging/survival-rates-for-melanoma-skin-cancer-by-stage.html
  • https://www.healthline.com/health/skin-cancer#outlook
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3