10 Dấu hiệu, biểu hiện của trẻ tự kỷ bố mẹ nên biết
Việc phát hiện sớm chứng tự kỷ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Bằng cách nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu, bạn có thể hỗ trợ sớm cho trẻ trong việc học hỏi và phát triển.
1, Hội chứng tự kỷ ám thị là bệnh gì?
Tự kỷ biểu hiện qua một loạt các triệu chứng. Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD) xuất hiện ở giai đoạn sơ sinh và mầm non, làm chậm sự phát triển những kỹ năng cơ bản của trẻ, chẳng hạn như học cách nói, chơi và tương tác với người khác.
Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng tự kỷ rất khác nhau, cũng như ảnh hưởng của nó. Một số trẻ tự kỷ chỉ bị khiếm khuyết nhẹ, trong khi những trẻ khác gặp nhiều trở ngại hơn để vượt qua. Tuy nhiên, mọi trẻ trong phổ tự kỷ đều có vấn đề, ít nhất là ở một mức độ nào đó, trong ba đặc điểm sau:
- Giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
- Tương tác với người khác và thế giới xung quanh họ.
- Khả năng suy nghĩ và ứng xử linh hoạt.
Có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bác sĩ, phụ huynh và các chuyên gia về nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ và cách điều trị tốt nhất. Tuy nhiên, có một sự thật mà tất cả mọi người đều đồng ý: sự can thiệp sớm và chuyên sâu sẽ giúp ích cho con bạn.
Đối với trẻ có nguy cơ và có dấu hiệu ban đầu, nó có thể tạo ra rất nhiều sự khác biệt. Nhưng dù con bạn đang ở độ tuổi nào, đừng đánh mất hy vọng. Điều trị có thể làm giảm ảnh hưởng của ASD và giúp con bạn phát triển trong cuộc sống.
2, Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tự kỷ ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi
Nếu mắc chứng tự kỷ ở giai đoạn sơ sinh, việc điều trị có thể tận dụng hết khả năng linh hoạt vượt trội của não trẻ. Mặc dù khó chẩn đoán bệnh tự kỷ trước 24 tháng, nhưng các triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng. Nếu các dấu hiệu được phát hiện khi trẻ 18 tháng tuổi, điều trị tích cực có thể giúp tái tạo não và đảo ngược các triệu chứng.
Dấu hiệu trẻ tự kỷ ban đầu
Trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi KHÔNG có các biểu hiện sau đây:
- Giao tiếp bằng mắt, chẳng hạn như nhìn bạn khi được cho ăn hoặc mỉm cười lại với bạn.
- Phản ứng lại khi được gọi tên hoặc nghe một giọng nói quen thuộc.
- Dõi theo động tác của bạn khi bạn chỉ vào đồ vật.
- Chỉ tay hoặc vẫy tay chào tạm biệt hoặc sử dụng các cử chỉ khác để giao tiếp.
- Gây tiếng động để thu hút sự chú ý của bạn.
- Bắt đầu hoặc đáp lại hành động âu yếm hoặc đưa tay ra đón.
- Bắt chước các chuyển động và nét mặt của bạn.
- Chơi với những người khác hoặc chia sẻ sự quan tâm và thích thú.
- Để ý hoặc quan tâm đến cảm xúc và biểu hiện của bạn.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tự kỷ ở trẻ lớn hơn: Khi trẻ lớn hơn, có nhiều dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo, nhưng chúng thường xoay quanh việc suy giảm các kỹ năng xã hội, khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ - phi ngôn ngữ, hành vi không linh hoạt.
Dấu hiệu của những khó khăn xã hội: Tương tác xã hội cơ bản có thể khó khăn đối với trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nhiều trẻ trong phổ tự kỷ dường như thích sống trong thế giới của riêng mình, xa cách và tách biệt với những người khác.
- Có vẻ không quan tâm hoặc không để ý đến người khác hoặc những gì đang diễn ra xung quanh họ.
- Không biết cách kết nối với người khác, chơi hoặc kết bạn.
- Không muốn được chạm vào hoặc ôm ấp.
- Không chơi các trò chơi “giả vờ”, các trò chơi nhóm, không biết bắt chước người khác hoặc không sử dụng đồ chơi theo những cách sáng tạo.
- Khó hiểu hoặc khó diễn tả cảm xúc.
- Dường như không nghe thấy khi người khác nói chuyện với trẻ.
- Không chia sẻ sở thích hoặc niềm vui với người khác (chẳng hạn như tranh vẽ hoặc đồ chơi).
Dấu hiệu của những khó khăn trong giao tiếp bằng ngôn ngữ
Trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp bằng ngôn ngữ và thường chậm nói.
- Nói với giọng không điển hình hoặc với nhịp điệu hoặc cao độ kỳ lạ (ví dụ: kết thúc câu nhưng lại giống như đang đặt câu hỏi).
- Lặp đi lặp lại các từ hoặc cụm từ giống nhau, thường không có ý định giao tiếp.
- Trả lời một câu hỏi bằng cách lặp lại câu hỏi thay vì trả lời.
- Sử dụng ngôn ngữ không chính xác (lỗi ngữ pháp, sai từ) hoặc đề cập đến mình ở ngôi thứ ba.
- Gặp khó khăn trong giao tiếp về nhu cầu hoặc mong muốn.
- Không hiểu các chỉ dẫn hoặc câu hỏi đơn giản.
- Chỉ hiểu theo nghĩa đen (bỏ qua các yếu tố hài hước, mỉa mai và châm biếm).
►► Tìm Hiểu Ngay: Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị
Dấu hiệu của những khó khăn trong giao tiếp phi ngôn ngữ
Trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn khi tiếp nhận các tín hiệu phi ngôn ngữ tinh tế và sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Điều này làm cho việc “cho và nhận” trong tương tác xã hội trở nên rất khó khăn.
- Tránh giao tiếp bằng mắt.
- Sử dụng các biểu hiện trên khuôn mặt không khớp với những gì trẻ đang nói.
- Không chú ý đến nét mặt, giọng nói và cử chỉ của người khác.
- Thực hiện rất ít cử chỉ (chẳng hạn như chỉ tay). Có thể lạnh lùng hoặc “giống như rô-bốt”.
- Phản ứng bất thường với khung cảnh, mùi, bố cục và âm thanh. Có thể đặc biệt nhạy cảm với tiếng ồn lớn. Cũng có thể không phản ứng với những người đi ngang qua hoặc cố tạo sự chú ý đối với trẻ.
- Tư thế không điển hình, cách di chuyển vụng về hoặc khác biệt (ví dụ: chỉ đi bằng cách kiễng chân).
Dấu hiệu của sự không linh hoạt
Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ thường bị hạn chế, không linh hoạt, thậm chí ám ảnh trong hành vi, hoạt động và sở thích của mình.
- Tuân theo một thói quen cứng nhắc (ví dụ: khăng khăng đi theo một con đường cụ thể đến trường).
- Gặp khó khăn trong việc thích nghi với bất kỳ thay đổi nào trong lịch trình hoặc môi trường (ví dụ: nổi cáu nếu đồ đạc được sắp xếp lại hoặc giờ đi ngủ vào một thời điểm khác với bình thường).
- Ám ảnh sắp xếp mọi thứ hoặc sắp xếp chúng theo một thứ tự nhất định.
- Hạn chế sở thích, thường chỉ yêu thích đến các con số hoặc ký hiệu (ví dụ: ghi nhớ và kể lại các dữ kiện về bản đồ, lịch trình tàu hoặc số liệu thống kê về thể thao).
- Dành nhiều thời gian để quan sát các vật thể chuyển động như quạt trần hoặc tập trung vào một bộ phận cụ thể của vật thể chẳng hạn như bánh xe ô tô đồ chơi.
- Lặp đi lặp lại các hành động hoặc chuyển động giống nhau, chẳng hạn như vỗ tay, đung đưa hoặc xoay người. Một số nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng tin rằng những hành vi này có thể xoa dịu trẻ tự kỷ hơn là kích thích chúng.
►► Tìm Hiểu Ngay: Chỉ số IQ là gì? có phải do di truyền?
3. Cách phân biệt một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ với những đứa trẻ phát triển bình thường
Dưới đây là một số ví dụ có thể giúp cha mẹ biết sự khác biệt giữa hành vi bình thường, phù hợp với lứa tuổi và các dấu hiệu ban đầu của ASD.
Dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 12 tháng
- Một đứa trẻ phát triển bình thường sẽ quay đầu lại khi nghe tên của mình.
- Một đứa trẻ mắc chứng ASD có thể không quay lại nhìn, kể cả khi gọi tên trẻ nhiều lần, nhưng sẽ phản ứng với các âm thanh khác.
Dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 18 tháng
- Một đứa trẻ có khả năng chậm nói sẽ chỉ tay, sử dụng cử chỉ hoặc nét mặt để diễn tả, thay cho việc trẻ không nói được.
- Một đứa trẻ mắc chứng ASD có thể không có những biểu hiện thay thế cho việc chậm nói; hoặc có thể hạn chế lời nói để lặp lại những gì trẻ vừa nghe được.
Dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 24 tháng
- Một đứa trẻ phát triển bình thường mang một bức tranh đến cho mẹ xem và chia sẻ sự thích thú hoặc niềm vui của con về bức tranh đó với mẹ.
- Một đứa trẻ mắc chứng ASD có thể mang cho mẹ một chai nước để mở, nhưng trẻ không nhìn vào mặt mẹ khi mẹ làm điều đó cho trẻ hoặc không chia sẻ niềm vui khi chơi cùng nhau.
4, Phải làm gì nếu bạn lo lắng trẻ bị tự kỷ
Nếu con bạn bị chậm phát triển, hoặc nếu bạn đã quan sát thấy các dấu hiệu về chứng tự kỷ, hãy lên lịch hẹn với bác sĩ nhi khoa ngay lập tức.
Lên lịch khám sàng lọc chứng tự kỷ. Một số công cụ sàng lọc chuyên biệt đã được phát triển để xác định trẻ em có nguy cơ mắc chứng tự kỷ.
Hầu hết các công cụ sàng lọc này đều nhanh chóng và đơn giản, bao gồm bộ câu hỏi hoặc danh sách kiểm tra các triệu chứng. Bác sĩ nhi khoa cũng cần bạn cung cấp thông tin về các hành vi bạn quan sát được ở con mình.
Gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh. Nếu bác sĩ nhi khoa của bạn phát hiện các dấu hiệu có thể có của chứng tự kỷ trong quá trình kiểm tra, con bạn nên được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chẩn đoán toàn diện.
Không thể sử dụng các công cụ sàng lọc để chẩn đoán, đó là lý do tại sao cần phải đánh giá thêm. Một chuyên gia có thể tiến hành một số xét nghiệm để xác định xem con bạn có mắc chứng tự kỷ hay không?.
Mặc dù nhiều bác sĩ lâm sàng sẽ không chẩn đoán trẻ mắc chứng tự kỷ trước 30 tháng tuổi, nhưng họ có thể sử dụng các kỹ thuật sàng lọc để xác định thời điểm xuất hiện một nhóm các triệu chứng liên quan đến chứng tự kỷ.
Tìm kiếm các dịch vụ can thiệp sớm. Quá trình chẩn đoán bệnh tự kỷ rất phức tạp và đôi khi có thể mất một thời gian. Nhưng bạn có thể điều trị ngay khi nghi ngờ con mình bị chậm phát triển. Hoặc nhờ bác sĩ giới thiệu bạn đến các dịch vụ can thiệp sớm.
Nguồn lược dịch:
- https://www.helpguide.org/articles/autism-learning-disabilities/does-my-child-have-autism.htm
- https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/Autism/Pages/Early-Signs-of-Autism-Spectrum-Disorders.aspx
Tham khảo thêm: