Lý do trẻ không tăng cân? Do bệnh lý và không do bệnh lý
Chậm tăng cân là vấn đề phổ biến của nhiều trẻ và là mối quan tâm của nhiều phụ huynh. Cha mẹ, người chăm sóc hoặc bác sĩ thường nhận thấy trẻ phát triển không tốt khi mức tăng cân của trẻ đi chệch khỏi biểu đồ tăng trưởng dự kiến. Vậy những lý do gì khiến điều đó xảy ra với con bạn? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu rõ về những nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng trước khi tìm cách giải quyết vấn đề trên nhé!
Nguyên nhân gì khiến trẻ không tăng cân?
Để tăng cân, tổng lượng calo nhập vào của con bạn phải lớn hơn lượng calo tiêu thụ của trẻ. Tổng quát, chúng ta có ba lý do tại sao việc tăng cân mong đợi của trẻ không xảy ra:
- Trẻ không được cung cấp đủ calo
- Trẻ không hấp thụ lượng calo mà trẻ đã nạp vào
- Trẻ đang đốt cháy quá nhiều calo của mình
Ba lý do trên có thể chỉ là do nguyên nhân đến từ hành vi, tâm lý, xã hội của gia đình hoặc trẻ (nguyên nhân cơ năng). Mặt khác, trẻ không tăng cân có thể là do bé có bệnh lý tiềm ẩn mà chưa được phát hiện (nguyên nhân thực thể).
Thật may mắn khi 90% trẻ không tăng cân là do trẻ bú / ăn không đủ hoặc không có đủ sữa / thức ăn cho trẻ. Đồng nghĩa việc chúng ta không cung cấp đủ calo cho sự phát triển của trẻ mà trẻ không có bệnh lý nào khác.
Nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân không do bệnh lý - giảm nhập năng lượng
Trẻ nhỏ khỏe mạnh, đủ tháng thường bú sữa mẹ mỗi 2 - 3 giờ một lần. Trẻ bú sữa công thức cần 45 - 60 ml sữa công thức mỗi 3 giờ. Khi dạ dày của trẻ phát triển, thì thời gian giữa các lần bú sẽ tăng lên.
Một số lý do khiến việc cung cấp năng lượng cho trẻ bị thiếu hụt:
- Trẻ buồn ngủ. Buồn ngủ, bú mẹ ngắn, không thường xuyên, khiến trẻ không được cung cấp đủ calo; vì vậy nếu bạn muốn đánh thức trẻ dậy hoặc giữ trẻ tỉnh táo, hãy cù nhẹ vào chân trẻ, cởi bỏ chăn hoặc nới lỏng tã.
- Khả năng phối hợp các hoạt động cùng lúc. Trẻ nhỏ cần học cách phối hợp giữa bú, thở và nuốt. Một số trẻ có thể mất nhiều thời gian hơn những trẻ khác để làm cùng lúc những việc trên.
- Vấn đề ngậm bắt vú đúng cách. Cả mẹ và trẻ đều góp phần vào việc trẻ có ngậm bắt vú mẹ đúng cách không. Về phần mẹ, bầu vú căng sữa có thể khiến trẻ ngậm bắt vú khó khăn. Về phần trẻ, hãy đảm bảo rằng trẻ ngậm vú sâu. Để trẻ bú tốt, phần dưới quầng vú mẹ phải ở trong miệng trẻ càng nhiều càng tốt. Nếu bạn gặp khó khăn về cách trẻ ngậm bắt vú, hãy liên hệ với chuyên gia tư vấn cho con bú để có sự hướng dẫn đúng cách.
- Khởi đầu ăn dặm. Nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng tuổi. Ngay cả sau khi ăn dặm, phần lớn lượng calo của trẻ đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức trong năm đầu tiên. Đôi khi việc tăng cân có thể tạm ngưng khi bắt đầu ăn dặm. Mẹ hãy đảm bảo rằng trẻ vẫn bú sữa thường xuyên ngay cả sau khi đã bắt đầu ăn dặm.
- Thiếu kiến thức nuôi dưỡng trẻ: đôi khi cha mẹ hoặc người chăm sóc pha sữa công thức không đúng cách. Đôi khi cha mẹ bỏ lỡ những dấu hiệu trẻ đang đói.
- Mẹ không có đủ sữa, núm vú mẹ tụt vào trong
- Ngoài ra, các yếu tố môi trường, kinh tế xã hội, chế độ ăn, văn hóa, ảnh hưởng của truyền thông và động lực gia đình cũng tác động đến sự tăng cân của trẻ.
Nói chuyện với một chuyên gia về sữa mẹ có thể giúp cải thiện chất lượng mỗi lần bú cho trẻ. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia về sữa mẹ để xác định lý do nguồn sữa mẹ ít hoặc liệu rằng trẻ có vấn đề gì khiến trẻ gặp khó khăn trong việc bú sữa không.
Các tình trạng bệnh lý khiến trẻ chậm tăng cân
Có rất nhiều bệnh lý ảnh hưởng khiến trẻ không tăng cân như mong muốn. Bậc phụ huynh nên nói chuyện với bác sĩ và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm theo yêu cầu để xác định vấn đề. Khi nguyên nhân đã được xác định, bác sĩ sẽ giúp lập một kế hoạch điều trị để giúp cải thiện chu kỳ ăn của trẻ.
Suy dinh dưỡng liên quan đến bệnh tật có thể bao gồm:
+ Ăn kém do nguyên nhân bệnh lý: rối loạn chức năng vận động miệng (khó nuốt, dính thắng lưỡi, Pierre-Robin), rối loạn hành vi ăn uống, chậm phát triển tinh thần hoặc một tình trạng bệnh như tự kỷ khiến trẻ không thích thức ăn có kết cấu hoặc mùi vị nào đó.
+ Không hấp thụ được những gì trẻ ăn:
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể khiến trẻ thường xuyên nôn ra những thức ăn / sữa ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ đủ calo trong bữa ăn.
- Dị ứng và nhạy cảm với thức ăn. Một tỷ lệ nhỏ trẻ bị dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn. Các sản phẩm từ sữa có thể khó tiêu hóa đối với trẻ nhạy cảm và có thể gây kích ứng ruột, tiêu chảy. Ví dụ, không dung nạp protein từ sữa làm cơ thể không thể hấp thụ các loại thực phẩm như sữa chua và phô mai có thể dẫn đến trẻ không tăng cân được.
- Bệnh Celiac. Tình trạng dị ứng với gluten, kèm theo đau dạ dày, tiêu chảy khiến trẻ khó hấp thu đủ chất dinh dưỡng.
- Vàng da. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh bị vàng da nặng sẽ dễ bị sụt cân hơn trẻ khác.
- Suy tuyến tụy, bệnh xơ nang di truyền, bệnh viêm ruột (inflammatory bowel disease - IBD)
+ Tăng tiêu thụ các chất dinh dưỡng: một số trẻ cần thêm calo vì trẻ chuyển hóa nhanh lượng calo của mình
- Trẻ sinh non. Trẻ sinh trước 37 tuần cần nhiều calo hơn trẻ sinh đủ tháng. Tuy nhiên, vì não của trẻ chưa phát triển đủ nên chúng có thể thiếu một số chức năng thần kinh cần thiết để ăn tốt.
- Khó thở. Trẻ nhỏ bị khó thở cần nhiều calo hơn để bù đắp cho những nỗ lực để thở và thúc đẩy sự phát triển của mô.
- Bệnh tim. Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em mắc bệnh tim sẽ tiêu tốn nhiều hơn 40% năng lượng. Khi kết hợp với tình trạng chán ăn, sẽ rất khó khăn để trẻ tăng cân.
- Nhiễm trùng mãn tính (HIV, ký sinh trùng, lao): cơ thể sử dụng nhiều calo để chống lại nhiễm trùng.
- Cường giáp, bệnh thận mãn, các bệnh tự miễn,…
+ Thay đổi việc sử dụng các chất dinh dưỡng ở trẻ rối loạn chuyển hóa và bệnh lý di truyền (Trisomy 18, 21, 13, Russell-Silver).
Trên đây là tổng hợp một cách dễ hiểu và ngắn gọn nhất về lý do khiến trẻ chậm hoặc không tăng cân.
Nguồn tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/baby/baby-not-gaining-weight#causes
- https://riseandshine.childrensnational.org/failure-to-thrive-my-child-is-not-gaining-weight/