Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ: dấu hiệu và chẩn đoán
Thiếu sắt là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra thiếu máu ở trẻ em. Sắt là thành phần cấu tạo chính của Hemoglobin (Hb), cấu trúc trong hồng cầu, giúp hồng cầu vận chuyển Oxy. Sắt cũng được dự trữ trong cơ thể ở nhiều nơi như hồng cầu, gan, lách, tủy xương. Như vậy sắt là cực kỳ cần thiết cho tạo máu và cho sự phát triển của con bạn, chúng ta hãy cùng điểm qua các dấu hiệu thiếu máu thiếu sắt của trẻ và cách cung cấp dinh dưỡng cho thiếu sắt một cách khoa học nhé!
Bài viết được dịch và biên tập bởi Bác Sĩ Hoàng Anh, đánh giá và duyệt nội dung bởi Bác Sĩ Hà Thị Mỹ Hạnh. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Sắt được dự trữ trong cơ thể như thế nào?
Lúc mới sinh, lượng sắt trong cơ thể khoảng 250 mg, tương đương 70-80 mg/kg và được cung cấp từ mẹ trong 3 tháng cuối thai kỳ. Lượng sắt dự trữ này của mẹ chỉ đủ cung cấp cho trẻ trong 4 tháng đầu vì trẻ sơ sinh phát triển rất nhanh và cần tạo máu nhiều. Do đó, đảm bảo trẻ sơ sinh không thiếu máu thiếu sắt cần mẹ tuân thủ nghiêm ngặt việc ăn uống đầy đủ, bổ sung sắt vào 3 tháng cuối thai kỳ.
Vào khoảng 4 tháng tuổi, dự trữ sắt cơ thể còn khoảng 40-45 mg/kg, lúc này sắt cung cấp từ thức ăn rất hạn chế, trẻ chủ yếu uống sữa. 1 lít sữa mẹ chứa 1mg sắt (hấp thu 50%), 1 lít sữa bò và công nghiệp chứa 0,5 mg- 1,4 mg (hấp thu 10-20%).
Lúc 1 tuổi, dự trữ sắt khoảng 400- 500mg, lượng sắt dự trữ tăng nhanh nhờ cung cấp từ thức ăn, đây cũng là giai đoạn quá trình tạo máu hoạt động mạnh mẽ (bắt đầu từ tháng thứ 6 đến 2 tuổi), đây cũng là thời gian trẻ dễ bị thiếu máu thiếu sắt nếu quá biếng ăn hoặc chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng.
Tại sao con của bạn bị thiếu sắt?
Trẻ bị thiếu sắt có thể là do các nguyên nhân dưới đây:
- Dự trữ sắt giảm vì trẻ sinh non, sinh đôi, nhẹ cân, mẹ sinh dày (sinh liên tục nhiều năm), mẹ không bổ sung sắt, xuất huyết trong thai kỳ,…
- Do mất cân bằng cung- cầu: sinh ra có dự trữ sắt bình thường nhưng trẻ lớn quá nhanh và không được chú ý bù sắt, suy dinh dưỡng.
- Do cung cấp sắt không đầy đủ: chế độ ăn không cân bằng, thiếu đạm động vật, nhiều tinh bột, rối loạn hấp thu sắt ở ruột do tiêu chảy, trẻ quá tuổi ăn dặm nhưng vẫn chỉ uống sữa,…( Đọc thêm “Bí quyết bổ sung sắt bằng thức ăn”).
- Do cơ thể tăng sử dụng sắt: trong trường hợp trẻ hay bị viêm nhiễm kéo dài (tai mũi họng, hô hấp, đường tiểu,…), mất sắt qua xuất huyết tiêu hóa, mất máu kinh nguyệt ở bé gái mới dậy thì.
Xem ngay bài viết: Nhu cầu và cách bổ sung sắt cho bé qua các bữa ăn hằng ngày
Dấu hiệu nhận biết thiếu máu thiếu sắt ở trẻ
Khi sắt trong cơ thể bắt đầu giảm, các bậc phụ huynh hầu như không thể thấy bất cứ dấu hiệu gì vì sắt sẽ được huy động ra từ các cơ quan dự trữ để đảm bảo chức năng (tạo máu, miễn dịch,..), khi các cơ quan dự trữ cũng cạn kiệt, các thay đổi sinh lý trong cơ thể trẻ sẽ bắt đầu và có triệu chứng:
- Xanh xao xảy ra từ từ và kéo dài: đây có thể là triệu chứng thiếu máu duy nhất ở giai đoạn sớm. Xanh xao thấy ở lòng bàn tay bàn chân, vành tai.
- Niêm mạc họng và kết mạc mắt nhạt.
- Nhanh mệt, tim nhanh, cáu gắt, kém hứng thú các trò chơi vận động: dễ bỏ sót
- Khi thiếu máu kéo dài hơn, có thể sẽ xuất hiện đau sưng lưỡi, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, biếng ăn, sụt cân, sốt nhẹ, dễ bị bệnh vặt và nhiễm trùng tái đi tái lại
- Trẻ có thể có chậm phát triển tâm thần vận động, nhiễm ký sinh trùng đường ruột,…
- Đôi khi trẻ có biểu hiện ăn đất, ăn nước đá,… mặc dù khó phát hiện nhưng giúp gợi ý thiếu sắt.
Làm sao để biết chính xác con của bạn có thiếu sắt hay không?
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ con bạn thiếu sắt, hãy đưa trẻ đến các phòng khám và bệnh viện để được làm xét nghiệm máu tìm nguyên nhân. Khi bác sĩ nghĩ trẻ thiếu máu thiếu sắt, họ thường làm xét nghiệm công thức máu, Ferritin, Sắt huyết thanh, độ bão hòa transferrin và transferrin để chẩn đoán phân biệt các bệnh thiếu máu khác và xem xét mức độ thiếu máu để điều trị. Nếu chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt được xác định, điều trị bằng thuốc sắt uống hoặc sắt tiêm bắp (nếu nặng).
Xem thêm để biết “Làm sao để dự phòng và phát hiện sớm thiếu sắt cho con bạn?”
Nguồn:
- Warner MJ, Kamran MT. Iron Deficiency Anemia. [Updated 2020 Aug 10]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2021 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448065/
- Farley PC, Foland J. Iron deficiency anemia. How to diagnose and correct. Postgrad Med. 1990 Feb 1;87(2):89-93, 96, 101. doi: 10.1080/00325481.1990.11704556. PMID: 2405379.
- WHO (2000), Pediatric anemia. The clinical use of blood in Medicine Obstetrics Pediatrics Surgery & Anaesthesia, Trauma and Burns.
Tham Khảo Thêm: