Ung thư thực quản: Dấu hiệu, triệu chứng là gì?

Ung thư thực quản có thể bắt đầu khi các tế bào trong lớp niêm mạc của thực quản phát triển ngoài tầm kiểm soát. Các tế bào này có thể nằm tại bất kỳ vị trí nào dọc theo thực quản, từ lớp trong cùng rồi dần phát triển ra các lớp ngoài của thành thực quản
Ngô Thị Minh Tâm
Tác giả bài viết: Ngô Thị Minh Tâm. Bác sĩ tham vấn: BS Hà Thị Mỹ Hạnh21/03/2022

Ung thư thực quản là bệnh lý ác tính nguy hiểm với những diễn biến âm thầm. Bệnh nhân mắc ung thư thực quản có thể cảnh giác với những triệu chứng nào của bệnh? Bạn sẽ được điều trị như thế nào nếu chẳng may mắc phải căn bệnh nặng nề này? Cùng Genetica tìm hiểu nhé!

1, Ung thư thực quản là gì?

Trước khi tìm hiểu về ung thư thực quản, hãy để Genetica cung cấp cho bạn một số thông tin về thực quản. Thực quản là một ống cơ rỗng nối cổ họng với dạ dày. Nó nằm sau khí quản và trước cột sống, giúp đưa thức ăn từ họng xuống dạ dày.

Ung thư thực quản có thể bắt đầu khi các tế bào trong lớp niêm mạc của thực quản phát triển ngoài tầm kiểm soát. Các tế bào này có thể nằm tại bất kỳ vị trí nào dọc theo thực quản, từ lớp trong cùng rồi dần phát triển ra các lớp ngoài của thành thực quản. Thật không may, do thực quản không có thanh mạc nên khối u nhanh chóng xâm lấn qua cơ quan lân cận.

Ung thư thực quản: Dấu hiệu, triệu chứng là gì?

Các tế bào ung thư có thể lây lan bằng cách phá vỡ từ khối u ban đầu, cũng có thể xâm nhập vào mạch máu hoặc mạch bạch huyết quanh thực quản, nhanh chóng di căn vào hạch ngay khi bệnh còn mới và di căn xa khắp các mô của cơ thể như phổi, gan và xương.

2, Nguyên nhân nào gây ra ung thư thực quản?

Cho đến hiện nay, hầu hết các bệnh lý ung thư đều chưa tìm được nguyên nhân cụ thể. Các nhà khoa học cho rằng bệnh ung thư có liên quan đến những bất thường (đột biến) trong DNA của các tế bào trong thực quản. Những đột biến này khiến tế bào phát triển và phân chia mất kiểm soát. Theo thời gian tích tụ hình thành nên khối u ác tính. 

Có hai loại chính của ung thư thực quản:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Chiếm 95%. Đây là loại ung thư thực quản bắt đầu trong các tế bào vảy lót ở niêm mạc thực quản. Nó thường phát triển ở phần trên và giữa thực quản.
  • Ung thư biểu mô tuyến: Chiếm 2.5-8% ung thư thực quản nguyên phát. Loại này bắt đầu trong các mô tuyến ở phần dưới của thực quản nơi thực quản nối với dạ dày.

3, Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư thực quản

Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn so với nữ giới.

Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản tăng lên theo tuổi tác, đặc biệt là sau tuổi 45.

Thuốc lá và rượu bia:

Sử dụng rượu bia và thuốc lá (bao gồm thuốc lá điếu, xì gà, tẩu…) là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh ung thư thực quản. Người sử dụng rượu bia, thuốc lá càng nhiều và thời gian sử dụng càng lâu thì nguy cơ ung thư càng cao.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD):

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi...) trào ngược lên thực quản.

Những người bị GERD có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn những người khác, tuy nhiên không phải ai bị GERD cũng phát triển thành ung thư. 

Barrett thực quản - một tình trạng đặc trưng bởi lớp niêm mạc thực quản bị tổn thương do GERD.

Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) trong thời gian dài có nhiều khả năng mắc bệnh Barrett thực quản. Những người có bệnh lý này có nguy cơ đối mặt với ung thư thực quản cao hơn những người khác.

Thừa cân

Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý ác tính, trong đó có ung thư thực quản. Để giải thích điều này, các nhà khoa học cho rằng những người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao hơn là do họ thường dễ bị trào ngược dạ dày.

Không ăn đủ trái cây và rau quả

Trái cây và rau quả cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất có thể ngăn ngừa ung thư. Trong khi đó, các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, jambon, thịt xông khói,... được cho là có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản.

Ngoài ra, thói quen thường xuyên uống nước quá nóng với nhiệt độ khoảng 65*C có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản dạng tế bào vảy. Đây có thể là kết quả của việc các tế bào lót thực quản bị tổn thương lâu dài do tiếp xúc với nước quá nóng.

Co thắt tâm vị

Co thắt tâm vị là một rối loạn chức năng mà thực quản không có khả năng đẩy thức ăn xuống dạ dày và cơ vòng dưới thực quản mở ra không hoàn toàn làm ứ đọng thức ăn ở thực quản.

Người mắc co thắt tâm vị không được điều trị có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao gấp nhiều lần bình thường. 

Hội chứng Plummer-Vinson

Là bệnh thường gặp ở nữ giới với các biểu hiện thiếu máu, viêm lưỡi, viêm thực quản kèm nuốt nghẹn. Khoảng 1/10 người mắc hội chứng này phát triển thành ung thư thực quản.

Một số yếu tố nguy cơ khác như tổn thương thực quản do hóa chất, có tiền sử mắc bệnh ung thư trước đây chẳng hạn như ung thư phổi, ung thư miệng cũng có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn so những người khác.

4, Triệu chứng ung thư thực quản là gì?

Hầu hết những người mắc ung thư thực quản phát hiện ra bệnh khi khối u đã di căn nặng nề. Điều này do ung thư thực quản ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng đặc trưng, dễ bị bỏ qua. Khi ung thư đã tiến triển, một số biểu hiện phổ biến nhất là:

  • Khó nuốt, nuốt nghẹn: Cảm giác thức ăn bị mắc nghẹn ở cổ họng. Nuốt nghẹn tăng dần từ thức ăn đặc tới lỏng. Thường khi có triệu chứng này thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
  • Nôn: Triệu chứng nuốt nghẹn có thể khiến người bệnh nôn thức ăn ra. Trong chất nôn có thể có ít máu.
  • Tăng tiết nước bọt: Để giúp đưa thức ăn qua thực quản, cơ thể tạo ra nhiều nước bọt hơn. Do đó, người mắc bệnh ung thư thực quản luôn phải khạc nhổ nước bọt ra ngoài.
  • Sụt cân: Khi gặp vấn đề về nuốt, bệnh nhân không ăn đủ để duy trì cân nặng. Thêm vào đó, ung thư có khiến người bệnh giảm thèm ăn, dẫn đến sụt cân, gầy yếu, thiếu máu.
  • Triệu chứng khác: Khó thở, ho, sặc, khàn tiếng, đau ngực, đau xương… Khi có những biểu hiện này, thường do ung thư đã di căn sang các bộ phận ngoài thực quản.

Ung thư thực quản: Dấu hiệu, triệu chứng là gì?

5, Điều trị ung thư thực quản như thế nào?

Tùy thuộc vào loại tế bào ung thư, giai đoạn bệnh và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân, có các phương pháp điều trị sau:

  • Phẫu thuật: Nếu ung thư nhỏ và chưa lan rộng, bác sĩ có thể phẫu thuật để cắt bỏ khối u.
  • Hóa trị liệu: Sử dụng thuốc để tấn công các tế bào ung thư. Hóa trị thường được sử dụng trước hoặc sau khi phẫu thuật. Phương pháp này cũng có thể kết hợp với xạ trị để thu nhỏ khối u trong thực quản. Tùy vào loại thuốc mà bệnh nhân có thể gặp phải những tác dụng phụ như rụng tóc, buồn nôn, nôn, mệt mỏi…
  • Xạ trị: Sử dụng chùm tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường được sử dụng kết hợp với hóa trị. Bệnh nhân có thể gặp phải những tác dụng phụ do tia xạ như cháy nắng ở da, nuốt đau hoặc khó, mệt mỏi…
  • Điều trị nhắm trúng đích: Đây là liệu pháp nhắm đến các các gen cụ thể, protein hoặc môi trường mô góp phần cho sự phát triển và sống còn của tế bào ung thư. Phương pháp này nhằm ngăn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư trong khi hạn chế thiệt hại cho các tế bào khỏe mạnh.
  • Liệu pháp hỗ trợ: Loại phương pháp này nhằm mục đích ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng chẳng hạn như đau và khó nuốt, nhưng liệu pháp này không chữa khỏi bệnh ung thư. Mục đích chính của loại điều trị này là cải thiện sự thoải mái và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Ung thư thực quản: Dấu hiệu, triệu chứng là gì?

6, Tiên lượng bệnh như thế nào?

Ung thư thực quản thường chỉ được phát hiện khi đã bước vào giai đoạn muộn, khi khối u đã di căn. Do đó tiên lượng bệnh tương đối xấu. Tỷ lệ sống thêm 5 năm ở bệnh nhân ung thư thực quản từ 5 - 30%. Ung thư thực quản giai đoạn càng muộn, tiên lượng càng xấu. 

Như vậy, phát hiện sớm và điều trị đúng cách là biện pháp quan trọng để cứu bạn thoát khỏi ung thư thực quản. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào khiến bạn lo lắng, hãy đi khám càng sớm càng tốt để kịp thời phát hiện những bất thường nếu có.

7, Biện pháp phòng ngừa ung thư thực quản

Mặc dù không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư thực quản, song bạn có thể thực hiện một số bước để giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế uống rượu 
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả 
  • Duy trì mức cân nặng hợp lý bằng cách tăng cường các hoạt động thể chất

Đối với những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc Barrett thực quản cần được điều trị và theo dõi thường xuyên bằng phương pháp nội soi để có thể kịp thời phát hiện bất thường nếu có.

8, Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư thực quản?

Phát hiện sớm ung thư thực quản bằng cách tầm soát. Biện pháp này giúp phát hiện ung thư ngay từ khi khối u chưa biểu hiện triệu chứng và mới ở giai đoạn đầu. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả điều trị và thời gian sống sót của bệnh nhân. 

Ở thời điểm hiện nay chưa có xét nghiệm và chiến lược tầm soát cho bệnh ung thư thực quản. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao mắc bệnh lý này, chẳng hạn như thực quản Barrett, cần theo dõi chặt chẽ để tìm ung thư sớm và tiền ung thư.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.cancer.org/cancer/esophagus-cancer.html
  2. https://www.healthline.com/health/esophageal-cancer
  3. https://www.cancer.gov/types/esophageal/patient/esophageal-treatment-pdq
  4. https://www.cancer.org/cancer/esophagus-cancer.html
  5. https://www.healthline.com/health/esophageal-cancer#risk-factors
Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3