6 Cách xả stress đơn giản mà hiệu quả bạn nên biết
Cuộc sống bận rộn với công việc ở công ty, công việc của gia đình, chăm sóc con cái và những công việc không tên hàng ngày khiến bạn trở nên căng thẳng. Dành thời gian thư giãn có thể giúp bạn khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần, và có thể phục hồi năng lượng sau một ngày dài mệt mỏi. Hãy cùng Genetica tìm hiểu các phương pháp để giải tỏa căng thẳng trong bài viết dưới đây.
1, Ngắt kết nối tạm thời với công việc
Sẽ rất khó để thực hiện các phương pháp thư giãn, nếu bạn vẫn còn suy nghĩ về công việc ngoài giờ làm. Có thể bạn sẽ còn những công việc tồn đọng chưa giải quyết xong, ngay cả khi bạn đã rời văn phòng về nhà. Nhưng bạn đã dồn hết năng lượng cho một ngày dài làm việc tại văn phòng, và bây giờ, bạn xứng đáng được tận hưởng một chút thời gian cho bản thân.
Hãy cố gắng dẹp bỏ công việc sang một bên để dành cho mình khoảng 30 phút để thực sự nghỉ ngơi. Điều này giúp bạn phục hồi năng lượng. Tuy nhiên, trước khi hoàn toàn ngắt kết nối với công việc (tắt wifi, tắt nguồn điện thoại…) hãy đảm bảo:
- Thông báo cho mọi người về sự vắng mặt của bạn trong thời gian đó.
- Hãy để điện thoại ở ngoài tầm nhìn của bạn, để không bị phân tâm vì công việc.
2, Hoà mình vào thiên nhiên
Lần gần đây nhất bạn dành thời gian đi dạo trong công viên là lúc nào?
Khi bạn cảm thấy căng thẳng, chỉ cần vài phút đi bộ, hít thở không khí trong lành cũng có thể giúp bạn thư giãn.
- Khi bạn đi dạo ngoài thiên nhiên, cơ thể bạn tiết ra hormone endorphin, là một hormone giảm đau nội sinh. Hormone này tương tác động lên các thụ thể opioid trong não bộ, giúp giảm cảm giác đau và tăng khoái cảm dẫn đến tăng cảm giác hạnh phúc.
- Ở giữa màu xanh của cây cối, lắng nghe tiếng chim hót, thả hồn vào những đám mây cũng giúp giảm bớt cảm giác lo lắng.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, tăng cường sức khỏe miễn dịch.
- Tăng cường oxy đến não giúp tăng năng lượng, sức sống tổng thể và tăng sự tập trung của bạn.
3, Nghe nhạc để tâm trí thư giãn
Khi chúng ta căng thẳng cao độ, nhịp tim và huyết áp tăng lên, cơ thể cũng sản xuất ra hormone cortisol (hay còn được gọi là hormone căng thẳng). Khi cơ thể tiếp xúc với lượng lớn hormone cortisol trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm… Âm nhạc từ lâu đã được sử dụng để giảm căng thẳng. Đặc biệt, những thể loại nhạc có nhịp điệu chậm có thể làm nhịp tim chậm lại, góp phần xoa dịu tâm trí và thư giãn.
Đối với một số người, tình trạng căng thẳng, hoặc quá tỉnh táo có thể dẫn đến tình trạng khó ngủ. Nghe một bản nhạc mà bạn yêu thích có thể giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn, chất lượng giấc ngủ cũng được cải thiện. Bởi vì, âm nhạc có thể kích hoạt giải phóng các chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu trong não.
Sau một giấc ngủ sâu, bạn sẽ cảm thấy sảng khoái, tràn đầy năng lượng cho ngày làm việc mới. Hãy dành ra 30 phút để chìm đắm trong những bản nhạc mà bạn yêu thích nhé.
4, Viết nhật ký biết ơn
Thực hành lòng biết ơn là một trong những phương pháp giúp bạn thư giãn tâm trí. Hãy ngồi xuống trong không gian yên tĩnh, và bắt đầu với những điều đơn giản như biết ơn vì vẫn còn được hít thở, biết ơn công việc này đã mang lại thu nhập cho bản thân, biết ơn đồng nghiệp vì đã hỗ trợ…
Việc chuyển sự tập trung từ những điều khiến bạn căng thẳng, sang những thứ khiến bạn cảm thấy biết ơn có thể giúp sức khoẻ tinh thần của bạn luôn khỏe mạnh. Nếu bạn đã làm việc cả ngày trên máy tính, hãy chọn viết những điều mà bạn cảm thấy biết ơn trong ngày vào một cuốn sổ. Việc viết trên giấy sẽ giúp bạn bảo vệ mắt vì giảm tiếp xúc với ánh sáng màn hình máy tính.
5, Hít thở giúp không khí lấp đầy phổi
Hít thở sâu giúp không khí lấp đầy phổi. Phần thấp nhất của phổi nhận được đầy đủ khí oxy và khí carbon dioxide cũng được đẩy ra ngoài tối đa. Điều này có thể làm chậm nhịp tim của bạn lại (nếu bạn đang tăng nhịp tim vì căng thẳng) và làm giảm hoặc ổn định huyết áp.
Hãy tìm một nơi yên tĩnh, thoải mái và không có ai làm phiền bạn. Tập trung vào hơi thở, hít thở sâu, chậm và cố gắng dừng những cảm xúc, suy nghĩ khiến bạn sao nhãng. Thực hành đều đặn 15 - 30 phút như một thói quen mỗi ngày, bạn sẽ nhận được những lợi ích tuyệt vời từ phương pháp hít thở.
6, Ngủ một giấc thật sâu
Ngủ một giấc thật ngon là một trong những cách tốt nhất giúp bạn phục hồi năng lượng. Một giấc ngủ sâu giúp não bộ của bạn được nghỉ ngơi. Đồng thời trong khi ngủ sâu, sự chuyển hóa glucose trong não tăng lên, giúp bổ sung năng lượng cho bạn vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, để có một giấc ngủ sâu cũng là một thách thức đối với nhiều người. Dưới đây là một số mẹo bạn có thể áp dụng:
- Hãy đảm bảo phòng ngủ của bạn là không gian chỉ để ngủ, để tránh những tình huống khiến bạn có thể bị sao nhãng.
- Tránh kiểm tra điện thoại hoặc tắt nguồn điện thoại ít nhất 30 phút trước khi ngủ.
- Loại bỏ những tác nhân gây khó ngủ như ánh sáng, tiếng động lớn…
- Tạo thói quen trước khi đi ngủ để khiến bạn thoải mái và dễ dàng chìm vào giấc ngủ như đọc sách, hít thở, nghe 1 bản nhạc nhẹ, tập 1 số động tác yoga thư giãn như nằm gác chân lên tường.
- Tránh những đồ uống chứa caffein vì đây có thể là tác nhân khiến bạn mất ngủ.
Như vậy, việc dành ra 30 phút đến một tiếng mỗi ngày để thư giãn góp phần giúp bạn giải tỏa căng thẳng sau ngày dài làm việc mệt mỏi. Bạn có thể thử những phương pháp đơn giản, hiệu quả trên đây để xem cách nào phù hợp với bạn nhất. Sau đó hãy duy trì phương pháp đó như một thói quen hàng ngày.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/stress/how-to-relax#benefits
- https://www.nhs.uk/mental-health/self-help/guides-tools-and-activities/breathing-exercises-for-stress/
- https://www.healthline.com/health/deep-sleep#risks