Bạn đang dị ứng hay nhạy cảm với caffeine?
Ngày nay rất nhiều người có thói quen uống một tách cà phê vào buổi sáng để tỉnh táo khởi đầu ngày mới. Caffeine là một hoạt chất tự nhiên có trong cà phê, có tác dụng kích thích lên hệ thần kinh trung ương. Việc uống cà phê và các thức uống có chứa caffein khác là văn hóa ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Caffeine được tìm thấy trong nhiều loại thực vật bao gồm hạt cà phê, lá trà và vỏ ca cao.
Nó được tiêu thụ trên khắp thế giới dưới dạng cà phê, trà và sô cô la. Mặc dù caffeine an toàn với hầu hết chúng ta, nhưng một số người lại có cơ địa không dung nạp hoặc dị ứng với hoạt chất này.
Bên cạnh đó, caffeine có thể gây nên phản ứng tiêu cực với những cơ địa không dung nạp thực phẩm này hoặc ít phổ biến hơn là phản ứng dị ứng của hệ thống miễn dịch, giống như bất kỳ loại dị ứng thực phẩm khác. Bài viết này sẽ giúp chúng ta biết được các triệu chứng của dị ứng caffeine, nguyên nhân gây ra, cách điều trị cũng như phòng ngừa hiện tượng dị ứng này.
>> Xem Thêm: Gen quyết định đến khả năng thải độc ở mỗi người
Tác dụng của caffeine lên cơ thể?
Caffeine là một chất kích thích tự nhiên tác động lên não và hệ thần kinh trung ương, khiến con người cảm thấy tỉnh táo và tập trung hơn. Nhiều người uống cà phê trong thời gian làm việc để làm việc hiệu quả hơn.
Hầu hết mọi người có thể uống tới 400mg caffeine một ngày, tương đương với khoảng bốn tách. Tuy nhiên, một số người lại nhạy cảm với caffeine khi chỉ uống một tách (khoảng 95mg caffeine) và xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, bồn chồn, mất ngủ và các triệu chứng khác. Những người gặp các triệu chứng này có thể do cơ địa không dung nạp hoặc dị ứng với caffeine.
Chúng ta nên biết rằng không dung nạp khác với dị ứng caffeine. Dị ứng caffeine rất hiếm và các triệu chứng của dị ứng caffeine nặng hơn so với những triệu chứng của không dung nạp.
Tại sao xuất hiện các triệu chứng dị ứng với caffeine?
Kháng thể IgE thúc đẩy các tế bào của chúng ta giải phóng histamine, để cố gắng loại bỏ các phân tử mà nó đã nhầm là có hại. Những phân tử này được gọi là chất gây dị ứng. Điều này dẫn đến viêm nhiễm, có thể dẫn đến phát ban, ngứa và sưng tấy.
Dị ứng caffeine xảy ra khi hệ thống miễn dịch của chúng ta nhầm lẫn rằng caffeine là một chất có hại và giải phóng ra một kháng thể, được gọi là immunoglobulin E (IgE) vào máu. Ngược lại, không dung nạp caffeine — còn được gọi là quá mẫn cảm với caffeine không qua trung gian IgE, đề cập đến việc một người gặp khó khăn trong việc tiêu hóa caffeine.
Triệu chứng của dị ứng caffeine
Phát ban trên da có lẽ là đặc điểm phân biệt chính giữa không dung nạp caffeine và dị ứng caffeine. Ngoài các triệu chứng da liễu, các triệu chứng khác bao gồm:
- Lo lắng
- Tức ngực
- Đổ mồ hôi lạnh
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Nhức đầu
- Tim đập nhanh
- Đau khớp
- Đau nhức cơ bắp
Không giống như các tình trạng dị ứng khác, triệu chứng hô hấp do dị ứng caffeine thường không phổ biến. Triệu chứng không dung nạp và dị ứng caffeine có thể xuất hiện trong khoảng thời gian từ vài phút đến hai giờ. Một số ít người có thể gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng khi uống caffeine, được gọi là sốc phản vệ. May mắn thay, sốc phản vệ do dị ứng với caffeine rất hiếm khi xảy ra.
>> Xem Thêm: Xét nghiệm gen tìm nguyên nhân bất dung nạp đường sữa lactose
Nguyên nhân gây ra dị ứng với caffeine
Giống như các loại dị ứng khác, nguyên nhân cơ bản của dị ứng caffeine vẫn chưa được biết rõ ràng. Nguyên nhân di truyền được cho là đóng góp một phần vào cơ chế bệnh sinh. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy các phản ứng dị ứng khi uống caffeine có liên quan đến di truyền.
Chẩn đoán dị ứng caffeine như thế nào?
Cũng như các trường hợp dị ứng khác, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra da để chẩn đoán bạn có bị dị ứng caffeine hay không. Dị ứng với caffeine rất khó chẩn đoán nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Ngay cả khi phát ban hoặc nổi mề đay, xét nghiệm kiểm tra dị ứng vẫn cần thiết để xác định xem tác nhân gây bệnh (chất gây dị ứng) là caffein hay một yếu tố nào khác. Nghiên cứu thấy rằng bụi từ hạt trước khi rang, nấm mốc trên cà phê hoặc lá trà đã qua chế biến có thể gây ra phản ứng dị ứng mà không liên quan đến caffeine.
Xét nghiệm da dị ứng và xét nghiệm máu tìm kháng thể IgE là phương tiện nhanh nhất và hiệu quả nhất để chẩn đoán dị ứng caffeine. Ngoài ra, xét nghiệm di truyền có thể được sử dụng để xác định các đột biến trong gen ADORA2A. Các xét nghiệm dương tính sẽ chỉ ra tình trạng dị ứng caffeine, trong khi kết quả âm tính sẽ chỉ ra tình trạng không dung nạp.
Phương pháp điều trị dị ứng caffeine
Nếu tình trạng dị ứng hoặc không dung nạp caffeine là mãn tính và tương đối nhẹ, nên dừng uống cà phê và các sản phẩm có chứa caffeine khác như trà, cola, sô cô la, đồ uống thể thao, một số loại thuốc đau đầu (như Anacin).
Nếu một người trải qua phản ứng dị ứng sau khi uống caffeine thì thuốc kháng histamine có thể giúp giảm ngứa, sưng tấy hoặc phát ban. Dị ứng mãn tính hoặc tái phát có thể có lợi khi tiêm thuốc dị ứng để giải mẫn cảm với chất gây dị ứng. Trong một số trường hợp rất hiếm, dị ứng caffeine có thể gây ra sốc phản vệ. Lúc này, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
>> Xem Thêm: Bệnh xơ cứng củ là gì? Nguyên Nhân và dấu hiệu
Cách phòng ngừa và đối phó với tình trạng dị ứng caffeine
Khi một người bị dị ứng hoặc không dung nạp caffeine, cách tốt nhất để ngăn ngừa là tránh sử dụng bất cứ thứ gì có chứa caffeine. Nếu chúng ta không chắc chắn liệu thực phẩm đó có chứa caffeine hay không thì nên đọc nhãn trên sản phẩm trước. Với những người thường xuyên sử dụng caffeine, việc cắt giảm caffeine một cách đột ngột có thể gây ra các triệu chứng giống như khi cai nghiện. Chúng có thể bao gồm:
- Run rẩy
- Đau đầu
- Cáu gắt
- Mệt mỏi
Các triệu chứng cai caffeine xảy ra trong vòng 12 đến 24 giờ sau khi ngừng caffeine và mất hoàn toàn trong vòng hai đến chín ngày. Ngoài caffeine, chúng ta có thể có những cách khác để giữ tinh thần tỉnh táo, bao gồm:
- Uống đồ nóng không chứa caffein vào buổi sáng
- Ngủ đủ giấc
- Đi bộ hoặc tập thể dục để chống lại sự mệt mỏi
- Chế độ ăn uống lành mạnh
Tài liệu tham khảo:
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/320267
- https://www.verywellhealth.com/caffeine-allergy-83178