Cách điều trị chứng ám ảnh sợ biển
Thalassophobia là nỗi sợ hãi đối với biển, đại dương hoặc các vùng nước lớn, sâu khác. Nỗi ám ảnh này khiến một người không thể đi dạo chơi ngoài bãi biển , bơi ở biển hoặc đi du lịch bằng thuyền. Nhưng may mắn thay, các chuyên gia tâm thần đã điều trị thành công chứng sợ biển cũng như các chứng ám ảnh sợ khác bằng các liệu pháp tâm lý và điều trị thuốc.
Cùng với những thay đổi tích cực trong lối sống, những phương pháp điều trị sau đây sẽ giúp phục hồi sức khỏe và tinh thần của một người mắc chứng sợ biển. Bài viết này sẽ nêu ra những phương pháp để điều trị chứng ám ảnh sợ biển một cách hiệu quả nhất hiện nay!
>>Xem thêm: Thalassophobia là gì? Hội chứng sợ biển trong Underwater
(Nguồn: medicalnewstoday.com)
Bạn có thể vượt qua nỗi sợ hãi về biển với những phương pháp điều trị phù hợp tuy nhiên có thể mất một khoảng thời gian để có thể tìm ra cách thức nào phù hợp nhất.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là cuộc gặp gỡ và trò chuyện với một nhà trị liệu để điều trị các triệu chứng và giúp người bệnh không còn sợ hãi.
Hiện nay có những cách thức điều trị tâm lý hiệu quả sau:
Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy - CBT) là một loại điều trị tập trung vào việc thay đổi những suy nghĩ và hành vi tiêu cực của bạn sang những suy nghĩ và hành vi lành mạnh, tích cực hơn.
Chứng ám ảnh sợ có thể gây ra những thay đổi ở các đường dẫn truyền thần kinh trong não. Các nhà nghiên cứu tìm ra rằng CBT có tác động tích cực đáng kể đến các đường dẫn truyền thần kinh ở những người mắc chứng ám ảnh sợ cụ thể như chứng sợ biển.
Liệu pháp phơi nhiễm - tập hợp con của CBT thực hiện bằng cách để người bệnh tiếp xúc với nỗi sợ hãi của họ trong một môi trường an toàn. Do hầu hết những người mắc chứng ám ảnh sợ đều chủ động tránh đối tượng hoặc tình huống mà mình hoảng sợ, điều này có thể làm cho chứng ám ảnh sợ ngày càng tồi tệ hơn.
Cho người bệnh xem hình ảnh hoặc xem video về biển, đại dương với sự hỗ trợ của chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng là một liệu pháp điều trị. Thậm chí đến một giai đoạn trị liệu, có thể dẫn người bệnh đi tham quan một bãi biển hoặc ngâm mình trong biển với điều kiện là có một chuyên gia bên cạnh. Theo thời gian, mô hình tiếp xúc an toàn này có thể làm giảm nỗi sợ hãi biển của bạn.
Liệu pháp chấp nhận và cam kết (Acceptance and Commitment Therapy - ACT): Một hình thức trị liệu giúp người bệnh chấp nhận sống cùng với ám ảnh sợ biển trong một khoảnh khắc nào đó đồng thời cam kết thực hiện những thay đổi cần thiết để thoát khỏi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực đó.
Liệu pháp hành vi biện chứng (Dialectical Behavioral Therapy - DBT): Một hình thức trị liệu dựa trên các nguyên tắc CBT tập trung vào việc giúp đỡ cá nhân bằng cách cải thiện khả năng chánh niệm, kỹ năng giao tiếp, khả năng chịu đựng căng thẳng lo lắng và điều chỉnh cảm xúc của họ.
Ngoài ra còn có một số quy trình thử nghiệm để điều trị chứng ám ảnh sợ như liệu pháp hóa trị liệu và thực tế ảo. Cả hai liệu pháp đều dựa vào hệ thống thị giác của não. Tuy nhiên, vì chúng tương đối mới, nên cần phải nghiên cứu thêm để xác định mức độ hiệu quả của những hướng đi mới này.
Thời gian mỗi buổi trị liệu kéo dài khoảng 4 giờ và chứng ám ảnh sợ biển có thể cải thiện sau khoảng 12 buổi. Do đó, chỉ cần điều trị vài tháng là có thể khiến cho người mắc chứng sợ biển ít lo lắng và căng thẳng hơn.
(Nguồn: betterhelp.com)
Điều trị bằng thuốc
Thuốc không nhất thiết dùng cho người mắc chứng sợ biển vì các liệu pháp được đề cập ở trên có tỷ lệ thành công khá cao. Tuy nhiên, đối với những người cần sự hỗ trợ ngắn hạn để giảm các triệu chứng lo lắng quá mức, thuốc có thể là một lựa chọn thích hợp.
Ví dụ, chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (Selective serotonin reuptake inhibitors – SSRI) là một loại thuốc chống trầm cảm mà bác sĩ thường sử dụng để kiểm soát lo lắng.
Thay đổi lối sống
Mặc dù những thay đổi trong lối sống có vẻ không quan trọng, nhưng chúng có thể có tác động lớn đến kết quả điều trị chứng sợ biển.
Một số sự thay đổi trong lối sống tốt nhất với chứng sợ biển bao gồm:
- Ăn uống lành mạnh: ăn một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng có thể giúp giảm lo lắng, trong khi thực phẩm có đường và đồ uống chứa caffein có thể làm tăng căng thẳng.
- Tập thể dục: tập thể dục và tăng cường hoạt động thể chất có thể giúp một người giảm lo lắng hơn.
- Dành thời gian cho giấc ngủ: căng thẳng cao sẽ khiến bạn mệt mỏi, nhưng nó cũng có thể khiến bạn khó đạt được giấc ngủ ngon. Người bệnh nên lên kế hoạch nghỉ ngơi đầy đủ vào ban đêm để tạo thói quen ngủ tốt trong một không gian mát mẻ, tối, không bị phân tâm.
- Không giấu việc mắc bệnh trong các mối quan hệ thân thiết: nói dối, bỏ qua hoặc tránh nói về nguồn gốc của căng thẳng là điều dễ dàng nhưng không bao giờ nên khuyến khích. Hãy nói thật với bạn bè và thành viên thân thiết trong gia đình về chứng sợ hãi và điều này giúp người bệnh có nhiều sự giúp đỡ hơn.
Thực hiện theo những thay đổi lối sống này sẽ làm tăng cường thêm hiệu quả của liệu pháp tâm lý và tạo ra hạnh phúc lâu dài hơn cho người bệnh.
Chiến lược đối phó và sống chung với ám ảnh sợ biển
Ngoài ra, có những cách tốt nhất để đối phó và sống chung với chứng sợ biển trong lúc đợi quá trình trị liệu đạt kết quả hoàn toàn. Điều này bao gồm:
- Bám sát kế hoạch điều trị được đưa ra: Liệu pháp phơi nhiễm với chứng sợ biển sẽ có nhiều khoảnh khắc không thoải mái, có thể khiến người bệnh muốn từ bỏ điều trị. Thay vào đó, hãy kiên trì để nhận ra những lợi ích sẽ nhận được sau đó.
- Tránh những cách đối phó tiêu cực: Rượu, ma túy, mua sắm, chơi trò chơi điện tử quá mức và quan hệ tình dục có vẻ là những cách đối phó sự lo lắng tuyệt vời, nhưng chúng chỉ tạo ra những rắc rối lớn hơn về sau.
- Tìm đến những người thân yêu để được hỗ trợ: Không nên đối mặt một mình, hãy nhờ càng nhiều người đáng tin cậy để hỗ trợ càng tốt.
- Tìm đến các kỹ thuật thư giãn: Yoga, thiền và các hình thức thư giãn khác có thể giúp ích cho quá trình phục hồi.
Tổng hợp lại, thalassophobia là một chứng sợ hãi về biển có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bạn. Nếu bạn cảm thấy cần được giúp đỡ để vượt qua nỗi sợ hãi về biển, hãy đến tìm gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Thalassophobia có thể được điều trị thông qua nhiều liệu pháp trị liệu tâm lý khác nhau, trong đó liệu pháp nhận thức hành vi và liệu pháp phơi nhiễm có tỷ lệ thành công cao.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.
Nguồn tham khảo
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/thalassophobia#when-to-seek-help
- https://www.choosingtherapy.com/thalassophobia/
- https://www.healthline.com/health/anxiety/fear-of-the-ocean