Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), căn bệnh thường gặp ở trẻ em

ADHD trước đây được gọi là ADD - rối loạn thiếu tập trung. Trẻ ADHD có những khác biệt về sự phát triển não bộ và hoạt động của não ảnh hưởng đến sự chú ý, khả năng ngồi yên và khả năng tự chủ. ADHD có thể ảnh hưởng đến trẻ ở trường, ở nhà và trong các mối quan hệ với bạn bè.
Mỹ Hạnh
Tác giả bài viết: Mỹ Hạnh. Bác sĩ tham vấn: BS.CKII Thái Thị Thanh Thủy17/03/2021

Trẻ em thỉnh thoảng có biểu hiện quên làm bài tập về nhà, mơ mộng trong giờ học, hành động thiếu suy nghĩ hoặc bồn chồn trước bàn ăn là điều bình thường. Nhưng biểu hiện không chú ý, bốc đồng và tăng động của trẻ cũng có thể những dấu hiệu của bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Thế rối loạn tăng động giảm chú ý là bệnh gì, chúng ta cùng Genetica® tìm hiểu nhé! Bài viết được dịch và biên tập bởi Bác Sĩ Đan Thanh, đánh giá và duyệt nội dung bởi Bác Si Mỹ Hạnh. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?

ADHD là viết tắt của rối loạn tăng động giảm chú ý (attention deficit hyperactivity disorder) - một rối loạn phát triển thần kinh phổ biến, thường xuất hiện ở thời thơ ấu của trẻ (thường trước bảy tuổi). Triệu chứng có thể bao gồm không chú ý, bốc đồng và tăng động và sẽ xuất hiện khác nhau ở mỗi người. ADHD trước đây được gọi là ADD - rối loạn thiếu tập trung. Trẻ ADHD có những khác biệt về sự phát triển não bộ và hoạt động của não ảnh hưởng đến sự chú ý, khả năng ngồi yên và khả năng tự chủ. ADHD có thể ảnh hưởng đến trẻ ở trường, ở nhà và trong các mối quan hệ với bạn bè.

2. ADHD có phổ biến không?

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH - National Institute of Mental Health), ADHD xảy ra ở khoảng 3-5% trẻ em mẫu giáo và tuổi đi học. Vì vậy, trong một lớp học từ 25 đến 30 em, chắc chắn sẽ có ít nhất một học sinh bị ảnh hưởng bởi rối loạn này.

3. ADHD có mấy dạng?

Theo cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ năm (DSM-5), ADHD có 3 dạng:

  • Giảm chú ý, nhưng không tăng động hoặc bốc đồng.
  • Tăng động và bốc đồng, nhưng có thể vẫn chú ý.
  • Giảm chú ý, tăng động và bốc đồng (dạng ADHD phổ biến nhất).

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), căn bệnh thường gặp ở trẻ em

(Ảnh: helpguide)

4. Điều gì gây nên trẻ bị ADHD?

Điều đầu tiên cần biết là tăng động không phải do trẻ thiếu kỷ luật hoặc thiếu thông minh. Việc nuôi dạy trẻ không tốt, sử dụng màn hình nhiều cũng không gây ra điều này.

Hiện nay vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra ADHD, có thể là do di truyền, môi trường hoặc bất thường phát triển hệ thần kinh trung ương tại những thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển.

ADHD có xu hướng xảy ra di truyền trong các gia đình và các nhà nghiên cứu thấy rằng các gen mà trẻ thừa hưởng từ cha mẹ của mình là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển tình trạng ADHD. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cha mẹ và anh chị em của một trẻ bị ADHD có nhiều khả năng bị ADHD hơn. Tuy nhiên, cách mà ADHD di truyền khá phức tạp và không được cho là chỉ do lỗi một gen đơn độc. (Xem thêm về Nguyên nhân di truyền của rối loạn tăng động giảm chú ý tại đây).

Bên cạnh đó, các nghiên cứu về não bộ đã chỉ ra sự khác biệt về cách não bộ phát triển ở những trẻ ADHD so với những trẻ bình thường. Một số bộ phận của não đảm nhiệm chức năng điều hành (bao gồm khả năng tự kiểm soát) ở trẻ ADHD kém phát triển hơn và cần nhiều thời gian hơn để trưởng thành. Điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao trẻ ADHD rất hiếu động.

Sau đây là các yếu tố nguy cơ của ADHD:

  • Những người có quan hệ huyết thống như cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị ADHD hoặc rối loạn sức khỏe tâm thần khác
  • Tiếp xúc với các chất độc từ môi trường như chì, được tìm thấy chủ yếu trong sơn và đường ống trong các tòa nhà cũ
  • Mẹ sử dụng ma túy, rượu hoặc hút thuốc trong khi mang thai
  • Trẻ sinh non

5. Đó là hành vi bình thường của trẻ hay là ADHD?

Đôi khi rất khó phân biệt giữa hành vi ADHD và hành vi bình thường của trẻ. Có những lúc cha mẹ và giáo viên nhận thấy các dấu hiệu của ADHD khi trẻ còn rất nhỏ. Nhưng những đứa trẻ nhỏ thường mất tập trung, bồn chồn, thiếu kiên nhẫn hoặc bốc đồng – mà không phải bị ADHD. Đó là do sự chú ý, hoạt động và tự chủ của trẻ phát triển từng chút một khi trẻ lớn lên. Trẻ em học những kỹ năng này với sự giúp đỡ của cha mẹ và giáo viên.

Do đó, nếu bạn chỉ phát hiện trẻ có một vài dấu hiệu và chỉ xuất hiện trong một số trường hợp, thì có thể đó không phải là ADHD. Mặt khác, nếu trẻ có một số triệu chứng ADHD và xuất hiện trong mọi tình huống — ở nhà, ở trường và khi vui chơi — thì đó là lúc cần xem xét kỹ hơn. (Xem thêm về dấu hiệu, triệu chứng và cách chẩn đoán trẻ ADHD ở đây).

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), căn bệnh thường gặp ở trẻ em

6. Những lầm tưởng hay gặp về ADHD:

Lầm tưởng: Tất cả trẻ ADHD đều rất tăng động.

Sự thật: Theo 3 dạng của ADHD, không phải trẻ nào cũng biểu hiện tăng động. Với trẻ thuộc nhóm ADHD chỉ giảm chú ý, có thể tỏ ra không tập trung và ủ rũ không có động lực làm việc.

Lầm tưởng: Trẻ ADHD không bao giờ tập trung chú ý được.

Sự thật: Trẻ ADHD giảm chú ý thường vẫn có khả năng tập trung vào các hoạt động mà chúng yêu thích. Nhưng dù trẻ cố gắng nhiều thế nào cũng khó duy trì sự tập trung khi việc đó nhàm chán hoặc lặp đi lặp lại.

Lầm tưởng: Nếu trẻ ADHD muốn, trẻ có thể cư xử tốt hơn.

Sự thật: Trẻ ADHD có thể cố gắng hết sức để làm tốt, nhưng vẫn không thể ngồi yên, im lặng hoặc chú ý. Trẻ có thể tỏ ra không vâng lời, nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ đang cố ý hành động như vậy.

Lầm tưởng: Trẻ em cuối cùng sẽ hết bệnh ADHD.

Sự thật: ADHD thường tiếp diễn tiếp khi trẻ trưởng thành, vì vậy đừng chờ đợi khiến bệnh nặng hơn. Điều trị có thể giúp trẻ học cách tự kiểm soát và giảm các triệu chứng.

Lầm tưởng: Thuốc là lựa chọn điều trị tốt nhất cho ADHD.

Sự thật: Thuốc thường được kê toa cho rối loạn giảm tập trung, nhưng nó có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho trẻ. Ngoài thuốc, điều trị hiệu quả cho ADHD bao gồm giáo dục, liệu pháp hành vi, hỗ trợ tại nhà và trường học, tập thể dục và chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Nguồn tham khảo:

  • https://kidshealth.org/en/parents/adhd.html
  • https://www.helpguide.org/articles/add-adhd/attention-deficit-disorder-adhd-in-children.htm
  • https://www.nhs.uk/conditions/attention-deficit-hyperactivity-disorder-adhd/causes

Tham Khảo Thêm:

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3