Dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD
Bạn có nghĩ rằng con mình bị ADHD hay không? Dưới đây là cách nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý — và đưa ra những kiến thức chung cần thiết cho bạn. Bài viết được dịch và biên tập bởi Bác Sĩ Đan Thanh, đánh giá và duyệt nội dung bởi Bác Sĩ Mỹ Hạnh. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Khi nói đến trẻ ADHD, nhiều người lập tức hình dung ra một đứa trẻ mất kiểm soát và vận động liên tục và làm phiền mọi người xung quanh. Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Một số trẻ ADHD biểu hiện tăng động, mặc khác một số trẻ ngồi im lặng và giảm chú ý lơ đễnh mọi thứ xung quanh. Do đó, bậc phụ huynh cần nắm rõ về dấu hiệu và triệu chứng của trẻ ADHD một cách chính xác nhất.
1. Trẻ ADHD có biểu hiện như thế nào?
Dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý phụ thuộc vào đặc điểm nào chiếm ưu thế (tăng động, giảm chú ý hay cả hai). Chúng ta có 2 nhóm triệu chứng của trẻ ADHD:
Giảm chú ý:
- Giảm chú ý vào những chi tiết hoặc có những lỗi do không cẩn thận trong học tập và hoạt động hàng ngày
- Khó khăn để chú ý vào việc học ở trường hoặc trong khi vui chơi
- Dường như không chú ý lắng nghe khi nói chuyện trực tiếp
- Không nghe theo hướng dẫn hoặc không chịu làm bài tập, nhiệm vụ
- Khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động và làm bài tập
- Tránh xa, không thích hoặc không muốn tham gia vào các nhiệm vụ cần duy trì sự tập trung trong một khoảng thời gian dài
- Thường xuyên làm mất hoặc thất lạc bài tập về nhà, sách, đồ chơi hoặc các vật dụng khác
- Dễ bị phân tâm, xao nhãng
- Dễ quên các hoạt động hàng ngày
Tăng động hoặc bốc đồng:
- Thường xuyên bồn chồn, gõ tay chân, bối rối khi ngồi
- Thường không ngồi lâu được
- Thường xuyên chạy hoặc leo trèo quá mức ở những nơi không phù hợp
- Khó khăn khi chơi ở nơi cần yên lặng
- Thường xuyên có nhu cầu cần phải di chuyển, hoạt động
- Thường nói nhiều
- Thường trả lời nhanh khi câu hỏi chưa kết thúc
- Khó khăn trong việc chờ đợi đến lượt
- Thường xuyên làm gián đoạn hoặc xen ngang vào người khác
2. Chẩn đoán ADHD có thật sự dễ dàng?
Để đưa ra chẩn đoán xác định một đứa trẻ có bị ADHD hay không là một quá trình gồm nhiều bước. Không có một bài kiểm tra đơn độc nào có thể chẩn đoán ADHD. Bên cạnh đó, triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đôi khi tương tự với các rối loạn sức khỏe khác như rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm, ... Do đó, để chẩn đoán chính xác ADHD, bạn cần phải đến gặp chuyên gia. Bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi bệnh sử, tiền sử của bé và thậm chí có thể cho chỉ định chụp não không xâm lấn, từ đó giúp chẩn đoán và đưa ra can thiệp điều trị thích hợp.
Rất khó chẩn đoán ADHD ở trẻ em dưới 5 tuổi, bởi vì nhiều trẻ mầm non có một số biểu hiện như trẻ ADHD trong một số tình huống. Ngoài ra, trẻ em sẽ thay đổi rất nhanh trong những năm sau đó khi trẻ lớn lên.
Chẩn đoán trẻ ADHD thường được dùng nhất là dựa theo tiêu chuẩn của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM – 5). Tiêu chuẩn gồm:
- ≥ 6/9 triệu chứng dạng giảm chú ý hoặc ≥ 6/9 triệu chứng dạng tăng động ở trên với trẻ ≤ 16 tuổi ( ≥ 5/9 triệu chứng với người ≥ 17 tuổi). Trẻ vừa giảm chú ý vừa tăng động xếp vào dạng ADHD kết hợp (dạng phổ biến nhất).
- Triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tháng và không phù hợp với mức độ phát triển của trẻ.
- Triệu chứng thiếu chú ý hoặc tăng động - bốc đồng xuất hiện trước 12 tuổi.
- Triệu chứng xuất hiện ở hai hoặc nhiều môi trường khác nhau (ở nhà, trường học hoặc nơi làm việc; với bạn bè hoặc người thân; trong các hoạt động khác).
- Có bằng chứng rõ ràng cho thấy các triệu chứng làm giảm chất lượng cuộc sống của trẻ ở trường học hoặc làm việc.
3. ADHD có bị chẩn đoán lầm không?
Như đã đề cập ở trên, một số tình trạng sức khỏe, rối loạn tâm lý và những căng thẳng trong cuộc sống có thể gây ra các triệu chứng giống như ADHD khiến cho việc chẩn đoán ADHD không dễ.
Do đó, trước khi chẩn đoán xác định ADHD, cần loại trừ các khả năng sau:
- Suy giảm khả năng học tập hoặc các vấn đề về kỹ năng đọc, viết, vận động hoặc ngôn ngữ.
- Xảy ra sự kiện lớn trong cuộc sống hoặc trải nghiệm đau buồn, như chuyển nhà gần đây, cái chết của một người thân, bị bắt nạt hoặc ly hôn.
- Rối loạn tâm lý bao gồm lo lắng, trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực.
- Rối loạn hành vi như rối loạn cư xử, rối loạn gắn bó ở trẻ và rối loạn thách thức chống đối.
- Các bệnh liên quan tuyến giáp, thần kinh, động kinh và rối loạn giấc ngủ.
4. Người lớn có bị ADHD hay không?
Sự tăng động thái quá của ADHD giảm dần theo tuổi. Nhưng các triệu chứng khác vẫn sẽ tiếp tục gây nên các khó khăn trong nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của người ADHD. Người trưởng thành bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể có biểu hiện lộn xộn, giảm chú ý, quan hệ tình dục mạo hiểm, lạm dụng ma túy và rượu, bỏ việc một cách bốc đồng, chi tiêu lãng phí, ăn thực phẩm không lành mạnh, … Họ cũng có xu hướng hay gặp vấn đề trong duy trì các mối quan hệ. Barkley nói: “Tỷ lệ ly hôn của những người này rất cao”.
Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán khi đã trưởng thành có thể mang lại cho người ADHD sự hiểu biết mới về những vấn đề họ đã phải chịu đựng từ khi còn nhỏ. Điều trị có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống, vì vậy hãy kiên trì với nó!
Dịch vụ giải mã gen G-ADHD:
Tìm hiểu nguy cơ rối loạn tăng động giảm chú ý di truyền tại: http://bit.ly/G-ADHD
Liên hệ ngay hotline: 1900 599 927 để được tư vấn chính xác nhất.
Nguồn tham khảo:
- American Psychiatric Association: Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th edition. Arlington, VA., American Psychiatric Association, 2013
- https://www.helpguide.org/articles/add-adhd/attention-deficit-disorder-adhd-in-children.htm
- https://www.webmd.com/add-adhd/childhood-adhd/adhd-symptoms-age
Tham Khảo Thêm: