10 Điều cần biết về tiêm phòng ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính phổ biến thứ 4 ở phụ nữ. Theo GLOBOCAN năm 2020, trên toàn thế giới có 604.127 ca mới mắc ung thư cổ tử cung. Căn bệnh ác tính này cũng là nguyên nhân gây ra gần 350.000 cái chết ở nữ giới mỗi năm. Tuy nhiên, tin tốt là bạn có thể phòng ngừa hiệu quả bệnh lý nguy hiểm này bằng cách tiêm vaccine. Hôm nay, Genetica sẽ giải đáp cho bạn 10 câu hỏi phổ biến về chủ đề tiêm phòng ung thư cổ tử cung nhé!
1, Vì sao có thể phòng ngừa ung thư cổ tử cung bằng vaccine?
Ung thư cổ tử cung liên quan đến virus gây u nhú ở người HPV (Human Papillomavirus). Tiêm phòng ung thư cổ tử cung thực chất là phòng ngừa HPV. 85% dân số thế giới nhiễm HPV thông qua quan hệ tình dục. Trong đó phần lớn không có biểu hiện bệnh và 90% tự sạch virus sau 2 năm. Mặc dù vậy, 10% trường hợp còn lại sẽ nhiễm virus dai dẳng, gây tổn thương và biến đổi tế bào và hình thành ung thư. Do đó, tiêm phòng HPV để hạn chế lây nhiễm virus chính là biện pháp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả.
2, Tác dụng của vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung
HPV không chỉ liên quan đến ung thư cổ tử cung mà còn là căn nguyên của bệnh lý mụn cóc sinh dục và ung thư âm đạo, dương vật, hậu môn, đầu cổ. Điều đó có nghĩa là tiêm phòng HPV không chỉ ngăn ngừa ung thư cổ tử cung mà còn giảm thiểu một số bệnh lý lan truyền qua đường tình dục và các tổn thương ác tính khác. Vaccine HPV vừa có khả năng bảo vệ phụ nữ vừa tốt cho nam giới.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, tiêm phòng HPV giúp giảm 86% nguy cơ bị mụn cóc sinh dục và các bệnh lý ung thư liên quan đến HPV. Ngoài ra, vaccine này cũng góp phần giảm 40% tỷ lệ tổn thương tiền ung thư cổ tử cung ở phụ nữ Hoa Kỳ.
►► Tìm Hiểu Ngay: Bệnh ung thư có tính di truyền không?
3, Độ tuổi nên tiêm vaccine HPV?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm phòng HPV cho trẻ trong giai đoạn 9 – 14 tuổi. Chủng ngừa sớm giúp hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm virus này. Đồng thời, tiêm phòng trước tuổi 25 sẽ cho hiệu quả bảo vệ tối ưu.
4, Con trai có cần tiêm phòng HPV không?
Hiện tại ở Việt Nam và các nước phát triển như Anh, Mỹ trước năm 2018 chú trọng tiêm vaccine HPV cho trẻ gái. Đó là lý do vaccine này thường được gọi là vaccine phòng chống ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, HPV có thể gây ra bệnh lý mụn cóc sinh dục và ung thư dương vật, hậu môn, khoang miệng ở nam giới. Do đó, từ năm 2018, Anh và Mỹ đã mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine này cho cả trẻ trai. Ngoài ra, nam giới đồng tính và chuyển giới từ 45 tuổi trở xuống cũng là đối tượng được Cơ quan Sức khỏe Anh Quốc (NHS) khuyến cáo nên tiêm phòng HPV.
5, Đã quan hệ tình dục có tiêm vaccine được không?
Có hơn 40 loại HPV lây truyền qua đường tình dục. Trong đó, type 16 và 18 là tác nhân hàng đầu dẫn đến ung thư, còn type 6 và 11 thường gây ra mụn cóc sinh dục. Khi đã quan hệ tình dục tức là khả năng cao bạn đã nhiễm HPV nhưng nhiễm loại nào thì không rõ.
Trong trường hợp này, bạn vẫn có thể tiêm vaccine HPV nhưng lợi ích phòng bệnh của vaccine không tốt như khi tiêm trước khi quan hệ tình dục. Vaccine HPV chỉ có thể bảo vệ bạn khỏi những type virus bạn chưa tiếp xúc. Vì vậy, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định có tiêm vaccine hay không nhé!
►► Tìm Hiểu Ngay: Ung thư buồng trứng là gì? Dấu hiệu, biểu hiện và nguyên nhân
6, Trên 26 tuổi có tiêm vaccine được không?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ không khuyến cáo phụ nữ trên 26 tuổi tiêm vaccine HPV. Nguyên nhân là bởi lứa tuổi này thường đã quan hệ tình dục, tức là khả năng bảo vệ của vaccine không còn tốt. Tuy nhiên, nếu bạn trên 26 tuổi mà chưa quan hệ tình dục thì vaccine HPV vẫn có tác dụng phòng bệnh. Mặt khác, nếu bạn trên 26 tuổi và đã quan hệ tình dục nhưng vẫn muốn tiêm vaccine thì nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn cụ thể nhé!
7, Liệu trình tiêm vaccine HPV như thế nào?
Độ tuổi 9 – 14 cần tiêm 2 mũi vaccine HPV vào bắp tay. Mũi sau cách mũi đầu 6 - 12 tháng. Nếu sau 15 tuổi, bạn cần tiêm 3 mũi vaccine HPV. Mũi thứ 2 cách mũi đầu 1 – 2 tháng, mũi thứ 3 cách mũi đầu 6 tháng. Tác dụng phòng chống lây nhiễm của vaccine HPV kéo dài ít nhất 10 năm sau khi tiêm.
8, Vaccine HPV có tác dụng phụ không?
Vaccine HPV đã được nghiên cứu và theo dõi để kiểm định tính an toàn hơn 12 năm nay. Mặc dù vậy, bạn có thể gặp một vài tác dụng phụ sau khi tiêm như sưng, đau vị trí tiêm, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, sốt, đau cơ… Những triệu chứng này tương đối nhẹ nhàng và sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn nên ngồi lại cơ sở y tế để theo dõi sau khi tiêm 30 phút. Bên cạnh đó, nếu bạn có tiền sử dị ứng, đừng quên thông báo với nhân viên y tế trước khi tiêm.
9, Các loại vaccine phòng ung thư cổ tử cung
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt 2 loại vaccine HPV là Gardasil và Cervarix. Đây cũng là 2 loại vaccine có mặt tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) còn cấp phép vaccine Gardasil 9.
Sự khác biệt giữa vaccine Gardasil và Cervarix là ở số lượng các type HPV có thể phòng ngừa. Vaccine Cervarix có nguồn gốc từ Bỉ bảo vệ bạn khỏi 2 type virus 16 và 18. Trong khi đó, vaccine Gardasil được sản xuất tại Mỹ có thể ngăn ngừa 4 type virus 1, 11, 16, 18. Điều đó có nghĩa là vaccine Gardasil ngoài giảm thiểu nguy cơ ung thư cổ tử cung còn có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh lý mụn cóc sinh dục. Chính vì lý do này mà giá thành của vaccine Gardasil đắt hơn, khoảng 1.500.000 – 2.000.000 VNĐ/ mũi so với Cervarix (900.000 – 1.200.000 VNĐ/ mũi).
►► Tìm Hiểu Ngay: Cách phòng ngừa và tầm soát ung thư cổ tử cung
10, Sau khi tiêm phòng có cần tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ không?
Vaccine là biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhưng không phải tuyệt đối. Virus type 16 và 18 gây ra 70% các bệnh lý ung thư liên quan đến HPV ở người. Điều đó có nghĩa là vaccine HPV hiện nay chưa thể ngăn chặn được 30% nguy cơ ung thư còn lại. Vì vậy, dù đã tiêm phòng đủ 2 mũi, bạn vẫn không được chủ quan. Bạn cần bảo vệ bản thân bằng cách quan hệ tình dục an toàn và tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ hàng năm từ độ tuổi 25.
Hầu hết các bệnh lý ác tính chỉ có thể phòng ngừa bằng biện pháp thay đổi và duy trì lối sống lành mạnh. Duy chỉ có ung thư cổ tử cung là có vaccine phòng ngừa hiệu quả. Nếu bạn đang trong độ tuổi 20, đừng chần chừ nữa, hãy tiêm phòng vaccine HPV ngay đi. Còn nếu bạn đã là bố mẹ, hãy cho trẻ chủng ngừa trong giai đoạn trung học để bảo vệ con ngay từ thời thơ ấu.