Trẻ nhẹ cân, hay chậm tăng cân có phải là suy dinh dưỡng?

Trẻ chậm tăng cân là một vấn đề rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là đối với trẻ sinh non. Mặc dù một đứa trẻ sinh đủ tháng ít phải đối mặt với việc dao động trong cân nặng, nhưng vẫn có khả năng sẽ xảy ra điều này.
Nguyễn Thị Thắm
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thắm.26/04/2021

Trẻ không tăng cân là một vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh thường phàn nàn và lo lắng. Nếu con bạn không tăng cân, liệu rằng bé có thật sự bị suy dinh dưỡng? Tuy nhiên, khi tìm kiếm thông tin trên internet, liên quan đến vấn đề trên, chúng ta bắt gặp rất nhiều từ khác nhau. Ví dụ như “kém phát triển”, “nhẹ cân”, “suy dinh dưỡng” hoặc “thiếu dinh dưỡng”. Có nhiều từ như vậy, nhưng đâu là từ chính xác nhất để diễn tả việc con bạn chậm tăng cân. Và định nghĩa nhẹ cân và suy dinh dưỡng là như thế nào? Bài viết này sẽ làm rõ những rắc rối trên của bạn.

Bài viết được dịch và biên tập bởi Bác Sĩ Đan Thanh, đánh giá và duyệt nội dung bởi TH.S Công Nghệ Sinh Học Nguyễn Thị Thắm. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Trẻ nhẹ cân, hay chậm tăng cân có phải là suy dinh dưỡng?

Trẻ chậm tăng cân là một vấn đề rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là đối với trẻ sinh non. Mặc dù một đứa trẻ sinh đủ tháng ít phải đối mặt với việc dao động trong cân nặng, nhưng vẫn có khả năng sẽ xảy ra điều này.

Chúng ta cần biết đôi khi trẻ trải qua giai đoạn ngắn ngủi khi chúng không tăng cân nhiều như mong đợi. Nhưng nếu một đứa trẻ tiếp tục không tăng đủ cân hoặc sụt cân, đó chính là lúc chúng ta cần đưa trẻ đi khám.

Trẻ chậm tăng cân là một dấu hiệu cho thấy một đứa trẻ có thể bị suy dinh dưỡng. Nói chung, trẻ em chậm tăng cân là không nhận đủ calo để phát triển và tăng cân một cách lành mạnh. Khi trẻ không thể tăng cân, chúng cũng thường có thể không phát triển chiều cao như mong muốn.

Trong những năm đầu đời, cân nặng của trẻ như thế nào là hợp lý?

Theo Hội Nuôi con bằng sữa mẹ Úc (ABA - Australian Breastfeeding Association), các tiêu chuẩn giảm cân và tăng cân sau đây ở trẻ nhỏ là bình thường:

  • Trẻ khỏe mạnh, đủ tháng, được bú sữa mẹ mất khoảng 5% – 10% trọng lượng khi sinh trong tuần đầu tiên.
  • Khi được 2 tuần tuổi, hầu hết trẻ nhỏ đều đã tăng cân trở lại. Giai đoạn 3 – 4 tháng tuổi, trọng lượng của trẻ tăng gấp đôi trọng lượng khi sinh.
  • Thông thường vào lúc 12 tháng tuổi, bé trai tăng gần gấp ba lần trọng lượng khi sinh. Trong khi bé gái có thể mất đến 16 tháng để đạt mức tăng gấp ba lần như thế.
  • Thời điểm trẻ 12 tháng tuổi, chiều dài khi sinh của con bạn dự kiến sẽ tăng gấp rưỡi và chu vi vòng đầu sẽ tăng gần 25cm.

Lưu ý: Đây là những hướng dẫn của Liên Hợp Quốc và đôi khi bé có thể không tăng cân như thế. Nếu bé không đạt được những tiêu chuẩn này, hãy liên hệ với bác sĩ để biết liệu con bạn có đang tăng trưởng hợp lý không. 

Trẻ chậm tăng cân, nhẹ cân có phải suy dinh dưỡng?

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở Việt Nam theo thống kê của Viện Dinh Dưỡng năm 2011 là 17.5%. Trong phạm vi của bài đọc này, chúng ta chỉ nói về suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ.

Theo WHO, rối loạn dinh dưỡng ở trẻ em (malnutrition) đề cập đến sự thiếu hụt, dư thừa hoặc mất cân bằng lượng năng lượng nhập vào và / hoặc chất dinh dưỡng của một trẻ. Rối loạn dinh dưỡng gồm 2 nhóm lớn. 

  • Nhóm thứ nhất là suy dinh dưỡng (undernutrition) bao gồm: thấp còi (chiều cao theo tuổi thấp), gầy còm (cân nặng theo chiều cao giảm), nhẹ cân (cân nặng theo tuổi thấp) và thiếu vi chất dinh dưỡng (các vitamin và khoáng chất quan trọng). 
  • Nhóm thứ hai là các tình trạng thừa cân, béo phì, và các bệnh không lây liên quan tới chế độ ăn (bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và ung thư).

Như vậy theo định nghĩa của WHO ở trên, chúng ta có thể thấy rằng tình trạng bé nhẹ cân hay chậm tăng cân khi đến một mức độ nào đó sẽ gọi là suy dinh dưỡng.

Các nghiên cứu thấy rằng 1000 ngày đầu đời (thụ thai đến khoảng 24 tháng tuổi) là khoảng thời gian trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nhất. Do đó, khoảng thời gian 1000 ngày ngắn ngủi đó gọi là cửa sổ cơ hội để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ.

Trẻ nhẹ cân, hay chậm tăng cân có phải là suy dinh dưỡng?

Bạn có cần lo lắng nếu bé không tăng cân?

Bạn nên nhớ rằng con bạn là duy nhất, là riêng biệt; không có đứa trẻ nào sinh ra sẽ phát triển hay tăng cân giống y như nhau. Đôi khi, một đứa trẻ có tốc độ phát triển chậm hơn trẻ khác. Tuy nhiên, hãy nhớ theo dõi cân nặng của vì tốc độ tăng trưởng cực kỳ chậm là một dấu hiệu đáng lo ngại. Thảo luận với bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng và tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh là điều bậc phụ huynh cần làm. 

Bên cạnh đó, bạn cần tránh việc hoảng sợ và cho con bạn ăn quá nhiều. Việc tích lũy dần thói quen ăn uống lành mạnh cho bé ngay từ khi mới sinh có thể giúp bé luôn ăn uống lành mạnh sau này.

Vì vậy, dù bạn thấy con bạn nhẹ cân hơn so với những trẻ cùng tuổi, nhưng miễn là bác sĩ đã thăm khám và con bạn vẫn ăn uống lành mạnh, bạn có thể yên tâm vì sự tăng cân của trẻ vẫn diễn ra phù hợp tốc độ tăng trưởng tự nhiên. 

Nói tóm lại, trẻ nhỏ chậm tăng cân có thể là một điều bình thường nhưng cần được theo dõi thường xuyên.

Cân nặng của trẻ được đánh giá chính xác như thế nào?

Thăm khám sẽ tiến hành sau khi trẻ hoàn thiện về thể chất trong vòng hai tuần đầu tiên sau sinh. Bác sĩ sẽ lấy các chỉ số sinh trắc gồm cân nặng, chiều cao, vòng cánh tay, biểu đồ tăng trưởng và chỉ số BMI tùy độ tuổi của trẻ. 

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử sức khỏe, sự phát triển của trẻ bao gồm cả thói quen ăn uống. Điều này giúp họ biết được liệu việc cho ăn thiếu, căng thẳng trong gia đình hoặc vấn đề bệnh lý nào gây ra tình trạng chậm tăng cân của trẻ không. Một chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác cũng có thể theo dõi lượng calo trong chế độ ăn của trẻ để đảm bảo trẻ ăn đủ lượng cần thiết.

Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân của bệnh (xét nghiệm máu, nước tiểu, ...)

Chẩn đoán suy dinh dưỡng thể nhẹ cân được đưa ra nếu 

  • Cận nặng theo tuổi của trẻ < -2SD trên biểu đồ tăng trưởng. 
  • BMI theo tuổi < -2SD trên biểu đồ tăng trưởng (trẻ ≥ 5 tuổi).

Trẻ nhẹ cân, hay chậm tăng cân có phải là suy dinh dưỡng?

Trên là ví dụ về biểu đồ tăng trưởng cân nặng theo tuổi ở bé trai (<2 tuổi). Giả sử chúng ta có trường hợp bé trai 12 tháng tuổi, thì:

  • Nếu bé trong khoảng 8kg – 12kg (-2SD đến 2SD): bé cân nặng bình thường
  • Nếu bé 7.5 kg (nằm dưới -2SD): bé suy dinh dưỡng thể nhẹ cân.

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.who.int/news-room/q-a-detail/malnutrition#:~:text=Malnutrition%20refers%20to%20deficiencies%2C%20excesses,of%20energy%20and%2For%20nutrients.
  2. ttps://parenting.firstcry.com/articles/baby-not-gaining-weight-causes-signs-remedies/?fbclid=IwAR2_9u8Lw0dEMTq0QMvk3sE8YLmYZNr525zY8fsHC9DrDcYHQJFPCQIU6-U
  3. https://riseandshine.childrensnational.org/failure-to-thrive-my-child-is-not-gaining-weight/

Tham Khảo Thêm:

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3