Dấu hiệu, biểu hiện trẻ bị thiếu Vitamin D

Thiếu hụt vitamin D là một tình trạng thường gặp ở trẻ em Việt Nam. Đa số trẻ em bị thiếu vitamin D thường không biểu hiện triệu chứng, vì thế tình trạng này rất dễ bị bỏ sót.
Bùi Thanh Nhân
Tác giả bài viết: Bùi Thanh Nhân. Bác sĩ tham vấn: BS Hà Thị Mỹ Hạnh18/03/2021

Thiếu hụt vitamin D là một tình trạng thường gặp ở trẻ em Việt Nam. Vậy vai trò của vitamin D là gì? Thiếu vitamin D có nguy hiểm hay không? Làm thế nào để bổ sung vitamin D đúng cách? Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ trả lời được tất cả những câu hỏi trên đấy!

1, Vitamin D và vai trò trong cơ thể

Vitamin D là một vi chất rất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt trong sự phát triển xương của trẻ em.

Vitamin D giúp cơ thể tăng cường hấp thụ canxi và phospho từ thực phẩm, cũng như làm tăng quá trình chuyển hóa và lắng đọng canxi tại xương, giúp cho xương (cũng như răng) chắc và khỏe.

Ngoài ra, vitamin D còn làm tăng sức mạnh của hệ miễn dịch và trợ giúp ngăn ngừa một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại tràng.

2, Nguyên nhân trẻ em thường hay bị thiếu vitamin D?

Có hai nguồn cung cấp vitamin D chính cho cơ thể, đó là vitamin D bổ sung từ thức ăn và vitamin D được sản xuất trong da khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, có rất ít các loại thực phẩm tự nhiên giàu vitamin D (như một số loại cá).

Các loại thực phẩm khác như lòng đỏ trứng gà, bơ thực vật, sữa công thức cho trẻ em... cũng có chứa vitamin D nhưng lượng vitamin D mà cơ thể trẻ em hấp thu được từ những thực phẩm này không nhiều như chúng ta tưởng tượng.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết mọi người chỉ nhận được ít hơn một nửa (thậm chí chỉ khoảng một phần tư) nhu cầu vitamin D của họ từ thực phẩm. Hầu hết vitamin D mà cơ thể cần được sản xuất trong da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Như vậy, có thể rút ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu vitamin D:

  1. Chế độ ăn thiếu vitamin D
  2. Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  3. Suy nghĩ sai lầm về nguồn cung cấp chính vitamin D cho cơ thể, khiến cho nhiều người nghĩ rằng "chỉ cần ăn nhiều các loại thực phẩm chứa vitamin D là sẽ có đủ vitamin D"

Dấu hiệu, biểu hiện trẻ bị thiếu Vitamin D

3, Dấu hiệu, biểu hiện nhận biết trẻ bị thiếu vitamin D?

Đa số trẻ em bị thiếu vitamin D thường không biểu hiện triệu chứng, vì thế tình trạng này rất dễ bị bỏ sót. Các bậc phụ huynh cần chú ý đến một số dấu hiệu sau đây để nhận biết nếu con mình có tình trạng thiếu vitamin D:

  • Sâu răng: đây là một trong những biểu hiện sớm nhất của trẻ thiếu vitamin D. Xương răng yếu và vấn đề miễn dịch khiến cho trẻ dễ bị sâu răng hơn so với bình thường.
  • Đau - yếu cơ: một số trẻ thiếu vitamin D có thể bị đau nhức xương và yếu cơ bắp. Trẻ thường hay khó chịu, quấy khóc mỗi khi được bồng bế và khó khăn trong việc thực hiện các động tác do yếu cơ (ví dụ: không lật người được, ngẩng đầu khó khăn...)
  • Thiếu canxi: thiếu vitamin D có thể gây ra thiếu canxi, dẫn đến chuột rút cơ bắp ở trẻ em. Canxi thấp cũng có thể gây co giật, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
  • Biến dạng xương: Thiếu vitamin D nặng có thể dẫn đến xương mềm, xương có thể bị uốn cong và gây ra các biến dạng như gù vẹo cột sống, chân vòng kiềng hoặc chân chữ X...
  • Còi xương - chậm phát triển: đây là dấu hiệu dễ thấy nhất ở trẻ em thiếu vitamin D, tuy nhiên nếu bạn phát hiện ra dấu hiệu này có nghĩa là tình trạng thiếu vitamin D của con bạn đã tương đối nặng và kéo dài. Trong trường hợp này cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn dinh dưỡng đúng cách và phục hồi càng sớm càng tốt.

4, Bổ sung vitamin D sao cho đúng cách?

Trước tiên, cần đảm bảo cho trẻ một chế độ dinh dưỡng giàu vitamin D. Các loại thực phẩm có nhiều vitamin D như: cá (đặc biệt là một số loại như cá ngừ, cá mòi, cá trích...), bơ thực vật, sữa, lòng đỏ trứng gà...

Ở Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới có nhiều nắng, việc thiếu vitamin D với hầu hết mọi người có thể được ngăn ngừa bằng cách dành thời gian bên ngoài, thông qua việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để da tự sản xuất vitamin D.

Dấu hiệu, biểu hiện trẻ bị thiếu Vitamin D

 (Các thực phẩm giàu vitamin D)

Đối với trẻ lớn, chỉ cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ngẫu nhiên mỗi ngày khi đi học hoặc chơi ngoài trời (trong điều kiện không mặc quần áo quá kín), là đủ để cơ thể tự sản xuất đủ lượng vitamin D cần thiết.

Đối với những trẻ nhỏ hơn, với điều kiện sinh hoạt nhiều ở trong nhà, cần được cha mẹ cho tắm nắng từ ngay sau sinh để da có đủ thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. 

Khi tắm nắng cho trẻ cần đảm bảo các yếu tố như: địa điểm nhiều nắng, thoáng đãng, thời gian mỗi lần tắm nắng khoảng 15 phút, thực hiện 1-2 lần/ngày vào buổi sáng trước 8 giờ hoặc buổi chiều sau 16 giờ. Cố gắng để diện tích da được tiếp xúc ánh nắng của trẻ càng nhiều càng tốt, tuy nhiên cần tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào đầu và mắt.

Cuối cùng, trong trường hợp trẻ thiếu vitamin D nặng, có thể bổ sung bằng các loại viên nén vitamin D liều thấp (dùng hàng ngày) hoặc liều cao (dùng hàng tháng hoặc ít thường xuyên hơn). Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này cần tuân thủ nghiêm ngặt theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Xem chi tiết tại bài Cách bổ sung viatamin D cho trẻ sơ sinh

Nguồn Tham Khảo:

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3