Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách phòng tránh Ung thư phổi

Tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những loại ung thư có số ca mắc cao nhất. Nguyên nhân khiến một người không hút thuốc vẫn mắc bệnh ung thư phổi thường thấy là do ô nhiễm môi trường, hút thuốc lá thụ động, hoặc cũng có thể là do di truyền.
Đỗ Hạnh Trang
Tác giả bài viết: Đỗ Hạnh Trang. Bác sĩ tham vấn: ThS.BS Trần Thị Thu Loan, ThS.BS. Trần Thị Kim Thu17/08/2021

Theo số liệu từ tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2018 có khoảng 2,1 triệu người mắc bệnh ung thư phổi trên toàn thế giới. Trong đó có 1,8 triệu người tử vong, tương đương mỗi phút trôi qua có hơn 3 người chết vì căn bệnh này.

Tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những loại ung thư có số ca mắc cao nhất. Nguyên nhân khiến một người không hút thuốc vẫn mắc bệnh ung thư phổi thường thấy là do ô nhiễm môi trường, hút thuốc lá thụ động, hoặc cũng có thể là do di truyền. 

Mỗi năm có hơn 26.000 người Việt Nam được chẩn đoán ung thư phổi. Đây là bệnh lý ác tính thường gặp thứ 2 tại nước ta với cả hai giới. Nguyên nhân nào khiến căn bệnh này trở nên phổ biến như vậy? Có phải chỉ do hút thuốc lá không? Vậy vì sao có những người không hút thuốc mà vẫn mắc bệnh? Những câu hỏi này sẽ được Genetica giải đáp ngay sau đây.

1, Nguyên nhân gây ung thư phổi

Nguyên nhân của ung thư phổi nói riêng và các bệnh lý ác tính nói chung là do đột biến gen. Suốt 80 năm cuộc đời, cơ thể bạn liên tục phải thay mới tế bào. Quá trình giết chết tế bào già, tăng sinh tế bào non này giúp duy trì hoạt động bình thường của cơ thể.

Cơ thể bạn hình thành những trạm kiểm soát, giống như cảnh sát tuần tra, có nhiệm vụ phát hiện rồi tiêu diệt các tế bào già, đồng thời kích thích tăng sinh tế bào non. Nếu những trạm kiểm soát này bị hỏng, tế bào trong cơ thể sẽ tăng sinh liên tục, không được kìm hãm và cũng không bị tiêu diệt khi đã quá tuổi. Từ đó, khối u hình thành và phát triển không ngừng.

Vậy vì sao những trạm kiểm soát của cơ thể lại bị hỏng? Nguyên nhân là do đột biến gen. Gen quyết định tất cả các đặc tính của cơ thể như màu tóc, làn da, giới tính… Gen cũng quy định các hoạt động diễn ra bên trong cơ thể bạn, trong đó có các trạm kiểm soát quá trình thay mới tế bào.

Khi gen bị biến đổi, các trạm kiểm soát sẽ mất chức năng, từ đó tạo điều kiện cho ung thư hình thành và phát triển. Đột biến gen có thể do di truyền, tức là từ bố mẹ truyền cho con cái hoặc cũng có thể hình thành trong quá trình sống, do tác động của các yếu tố nguy cơ.

►► Tìm Hiểu Ngay: Bệnh ung thư có tính di truyền không?

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách phòng tránh Ung thư phổi

2, Ung thư phổi có lây không?

Rất nhiều người sợ lây bệnh từ bệnh nhân ung thư phổi. Tuy nhiên, quan điểm này không chính xác. Khác với cảm cúm hay lao phổi là do virus, vi khuẩn nên có thể lây lan, ung thư phổi xuất phát từ biến đổi gen.

Những biến đổi này không thể lan truyền qua tiếp xúc gần hay ăn uống chung. Do đó, câu trả lời cho thắc mắc “ung thư phổi có lây không?” chắc chắn là không. 

3, Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư phổi

Khói thuốc lá: Khói thuốc lá chứ không phải hút thuốc mới đúng là yếu tố nguy cơ của ung thư phổi. Hút thuốc chỉ bao gồm những người hút thuốc lá, thuốc lào. Nhưng thực tế, khói thuốc mới là tác nhân gây hại với hơn 70 hóa chất có khả năng gây ung thư.

Khi hiểu được điều này, bạn sẽ biết vì sao có những người không hút thuốc nhưng vẫn mắc ung thư phổi, vì sao ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến thứ hai ở nữ giới mặc dù chỉ có 1% phụ nữ Việt Nam hút thuốc. Tiếp xúc với khói thuốc nguy hiểm chẳng kém trực tiếp hút thuốc. 

Tại Hoa Kỳ, khói thuốc lá có liên quan đến 80 – 90% trường hợp tử vong do ung thư phổi. Tiếp xúc với khói thuốc làm gia tăng nguy cơ hình thành khối u ác tính tại phổi lên 15 – 30 lần. Thậm chí, chỉ hút một điếu mỗi ngày hoặc thỉnh thoảng hút cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách phòng tránh Ung thư phổi

Nguồn: Shutterstock

Ngoài ung thư phổi, khói thuốc lá còn là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý ác tính khác như khoang miệng, thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, bàng quang, cổ tử cung… Nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng có mối quan hệ khăng khít với khói thuốc lá.

Radon, amiăng: Randon là một loại khí phóng xạ tự nhiên, sinh ra từ sự phân hủy uranium trong đất đá. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, randon là yếu tố nguy cơ thứ hai dẫn đến ung thư phổi tại quốc gia này.

Randon nguy hiểm vì không màu, không mùi, không vị và có thể lưu giữ rất lâu trong các tòa nhà, đặc biệt trong tầng hầm. Amiăng cũng là hóa chất góp phần dẫn đến ung thư phổi. Những đối tượng thường xuyên tiếp xúc với amiăng bao gồm công nhân làm việc trong hầm mỏ, nhà máy, công ty dệt may, đơn vị đóng tàu…

Xạ trị vùng ngực: Tia xạ là một tác nhân gây biến đổi gen. Vì vậy, nguy cơ ung thư phổi sẽ tăng lên nếu bạn đã được xạ trị vùng ngực trước đây, ví dụ bệnh nhân mắc ung thư Hodgkin hoặc ung thư vú. 

Tiền sử gia đình: Nếu anh chị em hoặc bố mẹ mắc ung thư phổi, bạn có nguy cơ phải đối diện với bệnh lý này cao hơn những người khác. Nguyên nhân có thể do yếu tố di truyền, cả gia đình cùng tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc cùng sống trong môi trường có radon.

4, Biện pháp phòng tránh ung thư phổi

Bỏ thuốc lá: Nguy cơ ung thư phổi tăng lên theo số năm hút thuốc và số điếu thuốc bạn sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, bỏ thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất giúp bạn giảm thiểu nguy cơ hình thành khối u ác tính.

Cho dù bạn đang ở độ tuổi đôi mươi hay đã bước vào giai đoạn trung niên, bỏ thuốc lá chưa bao giờ là muộn. Ngừng hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi ở mọi lứa tuổi. Vì vậy, hãy bắt đầu hành trình cai thuốc ngay từ hôm nay.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách phòng tránh Ung thư phổi

Hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với khói thuốc: Thật tuyệt nếu bạn không hút thuốc lá nhưng như thế là chưa đủ. Để tránh xa bệnh lý này, bạn cần bảo vệ bản thân khỏi khói thuốc. Hãy đề nghị người thân không hút thuốc xung quanh nhà.

Hãy góp ý với đồng nghiệp và mọi người xung quanh nếu họ hút thuốc tại nơi công cộng. Đừng e dè bsg ngần ngại, tất cả chúng ta xứng đáng được sống môi trường không khói thuốc.

►► Tìm Hiểu Ngay: 7 loại virus gây ung thư ở người

Chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chế độ ăn nhiều hoa quả và rau xanh giúp bảo vệ bạn khỏi ung thư phổi. Ngay cả khi bạn hút thuốc lá, tăng cường rau quả vẫn có thể giảm 5% nguy cơ mắc ung thư phổi.

Tuy nhiên, 5% là quá nhỏ so tác hại khủng khiếp của khói thuốc lá. Nếu ăn nhiều rau xanh và hoa quả nhưng vẫn hút thuốc thì nguy cơ ung thư phổi của bạn vẫn cao chót vót mà thôi.

Vậy cách tốt nhất để bạn tránh xa ung thư phổi là không hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc. Cùng chung tay bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và mọi người xung quanh nhé!

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3