Nguyên nhân và hậu quả khi trẻ lười vận động bố mẹ nên biết

Những trẻ ở độ tuổi 11 lười hoạt động thể lực hơn nhóm trẻ 6 tuổi trung bình 1 giờ mỗi tuần. Những số liệu này là minh chứng rõ ràng nhất cho hiện trạng lười vận động của trẻ em ngày nay.
Đỗ Hạnh Trang
Tác giả bài viết: Đỗ Hạnh Trang. Bác sĩ tham vấn: BS.CKII Thái Thị Thanh Thủy08/07/2021

Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê có hơn 80% thanh thiếu niên trong độ tuổi 11 – 17 không vận động đầy đủ hàng ngày. Trong khi đó, trung bình trẻ em Hoa Kỳ dành 7,5 tiếng mỗi ngày cho các thiết bị điện tử, tức là gấp 7 lần số giờ được khuyến cáo dành cho hoạt động thể chất và tương đương thời gian ngủ của trẻ. Một nghiên cứu khác tại Anh khẳng định trẻ càng lớn càng ít vận động. Những trẻ ở độ tuổi 11 lười hoạt động thể lực hơn nhóm trẻ 6 tuổi trung bình 1 giờ mỗi tuần. Những số liệu này là minh chứng rõ ràng nhất cho hiện trạng lười vận động của trẻ em ngày nay.

Hậu quả của lười vận động với sức khỏe trẻ em

Ít hoạt động thể chất là gánh nặng sức khỏe nặng nề đối với trẻ em.

Tăng tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì

Lười vận động dẫn đến mất cân bằng năng lượng trong cơ thể: tiêu hao ít nhưng hấp thụ nhiều. Từ đó, nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng lên gấp bội. Trung bình cứ mỗi giờ ngồi xem tivi, điện thoại hoặc máy tính, chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ sẽ tăng lên 0,22.

Nguyên nhân và hậu quả khi trẻ lười vận động bố mẹ nên biết

Tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm trong tương lai

Tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường, tăng cholesterol máu, loãng xương đều gia tăng song hành cùng lối sống tĩnh tại. Đây đều là các bệnh lý mạn tính, phải điều trị suốt đời và có nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó, trẻ ít vận động cũng phải đối mặt với ung thư vú, tử cung, phổi, đại trực tràng cao hơn những trẻ thường xuyên hoạt động thể lực.

Rút ngắn tuổi thọ và thời gian sống khỏe mạnh

Bệnh lý tim mạch, rối loạn chuyển hóa và ung thư ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Không chỉ lứa tuổi trung niên, rất nhiều bệnh nhân trong độ tuổi 30 – 35 nhập viện vì các bệnh lý nguy hiểm này. Nguyên nhân hàng đầu là do lối sống tĩnh tại đã âm thầm cắm rễ ngay từ thời thơ ấu. Ít vận động làm tăng nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân và rút ngắn thời gian sống khỏe mạnh trong tương lai của trẻ.

►► Xem Ngay: Yếu tố gene và tình trạng béo phì ở trẻ em

Nguyên nhân và hậu quả khi trẻ lười vận động bố mẹ nên biết

Hủy hoại sức khỏe tinh thần

Lười vận động không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất mà còn là mối nguy hiểm với sức khỏe tinh thần của trẻ. Nguy cơ mất ngủ, rối loạn giấc ngủ sẽ tăng lên 2 lần khi trẻ sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn 4 giờ mỗi ngày. Trẻ cũng phải đối diện với các vấn đề về tâm lý nặng nề như trầm cảm, rối loạn lo âu. Hơn nữa, trẻ lười vận động thường có lòng tự trọng thấp và kém hòa đồng với bạn bè.

Hạn chế phát triển trí tuệ, giảm thành tích học tập

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh trẻ càng “nghiện” thiết bị điện tử thì khả năng tập trung, đọc hiểu, ghi nhớ và trí thông minh càng thấp. Nguyên nhân là bởi những trẻ này thường dành ít thời gian để làm bài tập, nghiên cứu sách vở.

►► Xem Ngay: Trí thông minh là gì? Yếu tố di truyền quyết định bao nhiêu phần trăm?

Nguyên nhân và hậu quả khi trẻ lười vận động bố mẹ nên biết

Các nguyên nhân khiến trẻ lười vận động

Sự phát triển của khoa học công nghệ và xã hội

Bên cạnh nhiều lợi ích với cuộc sống, sự phát triển không ngừng của truyền hình cáp, máy tính, mạng internet là nguyên nhân chủ đạo dẫn tới thói quen lười vận động ở trẻ em. Ngày nay, thay vì nhảy dây, đá cầu, trẻ em thích ngồi trước màn hình tivi cùng những bộ phim bom tấn. Thay vì bịt mắt bắt dê, con trẻ lại lựa chọn chơi game trên điện thoại. Mặt khác, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đã biến khu vui chơi, công viên thành đường xá, cao ốc và trung tâm thương mại. Những không gian vui chơi rộng rãi, an toàn cho trẻ ngày càng bị thu hẹp.

Ảnh hưởng từ gia đình

Sự thật là người lớn chúng ta đang âm thầm hậu thuận cho thói quen ít vận động của trẻ nhỏ. Chúng ta thường dỗ dành trẻ bằng cách cho trẻ xem tivi. Chúng ta muốn con ăn ngon hoặc ngồi yên nên đưa điện thoại cho con nghịch. Hơn nữa, vào ngày cuối tuần, chúng ta thường nằm dài trên chiếc sô-pha thay vì cùng con ra ngoài chạy nhảy. Chúng ta viện cớ quá mệt mỏi và bận rộn với công việc nên không có thời gian. Không phải ai khác mà chính người lớn chúng ta đang kéo con trẻ lại gần lối sống tĩnh tại.

Gánh nặng học tập

Đây là lý do khiến trẻ càng lớn càng ít vận động. Ngày nay, đa phần thanh thiếu niên không chỉ học trên trường mà còn bồi dưỡng thêm kiến thức tại các lớp phụ đạo. Trẻ em phải gánh vác khối lượng bài vở khổng lồ cùng với áp lực thi cử và sự kỳ vọng quá lớn từ bố mẹ. Quỹ thời gian và tâm trí dành cho hoạt động thể lực của trẻ cứ thế mà bị bó hẹp lại dần.

►► Xem Ngay: Áp lực học tập ở trẻ? Bố mẹ tâm lý nên biết điều này

Nguyên nhân và hậu quả khi trẻ lười vận động bố mẹ nên biết

Khả năng bẩm sinh của trẻ

Với sự phát triển của ngành công nghệ sinh học, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh gene có ảnh hưởng tới khả năng vận động của trẻ. Các yếu tố di truyền quyết định cường độ vận động của cơ xương, khả năng thích ứng của hệ tim mạch, hô hấp cũng như chi phối các hormone điều hòa hoạt động thể chất. Đó chính là lý do có những trẻ đam mê thể thao ngay từ nhỏ nhưng lại có trẻ không yêu thích và gặp nhiều khó khăn khi tham gia các hoạt động thể lực.

►► Xem Ngay: Chỉ số IQ và EQ là gì? Có được quyết định bởi gen di truyền?

Trẻ em lười vận động là vấn đề sức khỏe – xã hội ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu. Không bậc phụ huynh nào muốn đứa con mình yêu thương lại phải đối mặt với tương lai xám xịt cùng nhiều bệnh lý nguy hiểm, dai dẳng. Bố mẹ hãy cùng trẻ vận động thường xuyên để con được lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc nhé!

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3