Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em. Chế độ ăn uống không hợp lý kèm theo lối sống ít vận động dẫn đến dư thừa và tích tụ mỡ trên cơ thể là 2 nguyên nhân phổ biến nhất mà chắc chắn bạn đã biết. Tuy nhiên, yếu tố gia đình và di truyền cũng đóng góp vai trò không nhỏ đối với vấn đề sức khỏe này. Bên cạnh đó, nhiều trẻ bị thừa cân, béo phì do nguyên nhân bệnh lý. Cùng Genetica® tìm hiểu thêm thông tin qua 5 nguyên nhân dưới đây nhé!
1. Chế độ dinh dưỡng
Trẻ em thường thích đồ ngọt, các món ăn vặt, thức uống có ga, thực phẩm chiên rán và đồ ăn nhanh. Những thực phẩm này không chỉ ảnh hưởng tới cân nặng mà còn tác động xấu tới hệ tiêu hóa và răng miệng của trẻ.
Mặt khác, trẻ em thường xuyên tiếp xúc với quảng cáo về bim bim, bánh kẹo, kem, nước ngọt và đồ ăn nhanh. Những quảng cáo có màu sắc sặc sỡ, hương vị thơm ngon và bài hát sôi động này càng kích thích sự tò mò, hứng thú của trẻ. Các cửa hàng tiện lợi, quán ăn vặt quanh cổng trường và máy bán hàng tự động cũng tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tiếp cận những món ăn này.
2. Thói quen ít vận động
Với sự phát triển của khoa học công nghệ và internet, trẻ em ngày càng dành ít thời gian chạy nhảy ngoài trời. Thay vì đá bóng, đuổi bắt, trẻ thích xem phim hoạt hình trên tivi và điện thoại. Những sân chơi, công viên bị thay thế bởi các tòa nhà cao tầng và trung tâm thương mại càng đẩy trẻ lại gần trò chơi điện tử.
Nếu không hoạt động thể chất, trẻ không thể tiêu thụ hết nguồn năng lượng nạp vào cơ thể mỗi ngày. Hơn nữa, nhiều trẻ có cảm giác thèm ăn mạnh mẽ khi xem tivi. Thói quen vừa xem vừa ăn khiến trẻ không kiểm soát được lượng đồ ăn đưa vào cơ thể. Trong khi đó, các món ăn vặt cũng không có lợi cho sức khỏe của trẻ.
>> Xem Ngay: Trẻ nhẹ cân, hay chậm tăng cân có phải là suy dinh dưỡng?
3. Ảnh hưởng từ gia đình
Bố mẹ chính là tấm gương để trẻ em quan sát, bắt chước và học hỏi. Bố mẹ ít hoạt động thể chất thì con cái cũng không yêu thích vận động. Một vài gia đình khác lại quá bận rộn với công việc nên không có đủ thời gian chơi thể thao hoặc đi dạo cùng con cái.
Bên cạnh đó, thói quen ăn uống của gia đình cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới cân nặng của trẻ. Khoảng 15 năm đầu đời, chế độ ăn uống của trẻ hầu hết do bố mẹ quyết định. Nếu bố mẹ đồng ý cho trẻ ăn bánh kẹo, trẻ sẽ rất vui và thoải mái tận hưởng hương vị ngọt ngào đó. Nếu bố mẹ ăn ít rau và trái cây, trẻ cũng không hứng thú với những loại thực phẩm bổ dưỡng này.
Những sai lầm trong nuôi dưỡng của bố mẹ cũng góp phần xây dựng hành vi ăn uống không kiểm soát ở trẻ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần học cách nhận biết khi nào trẻ no và đói. Tuy nhiên, chính hành động ép ăn của bố mẹ khiến trẻ phải ngó lơ tín hiệu no bụng và cố ăn hết suất. Dần dần theo thời gian, trẻ không còn khả năng nhận biết tín hiệu no để kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ và ngừng ăn đúng lúc.
4. Yếu tố di truyền
Một số trẻ có nguy cơ thừa cân, béo phì cao hơn bạn bè đồng trang lứa do yếu tố gen di truyền. Những trẻ này thừa hưởng gen béo phì từ bố mẹ, dẫn đến cơ thể rất dễ tăng cân. Khi trẻ có bố hoặc mẹ béo phì thì nguy cơ trẻ bị béo phì là 50%. Nếu cả hai bố mẹ đều dư thừa cân nặng thì con cái của họ có 80% nguy cơ béo phì. Khi so sánh những cặp song sinh cùng trứng, tỷ lệ tương đồng về khối lượng mỡ trên cơ thể là 80%, cho dù hai đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường khác biệt hoặc cách xa nhau. Với những cặp song sinh khác trứng, tỷ lệ này giảm còn 40%.
>> Tìm Hiểu Thêm: Sự tương tác giữa béo phì với môi trường, hành vi và di truyền
Với sự phát triển của ngành di truyền học, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều gen trong cơ thể người liên quan tới tình trạng béo phì như FTO, MC4R… Những gene này ảnh hưởng tới cảm giác thèm ăn và chuyển hóa lượng mỡ dư thừa của cơ thể.
Hội chứng Prader Willi là bệnh lý di truyền hiếm gặp ở trẻ em, liên quan tới béo phì và đã có cơ chế bệnh sinh tương đối rõ ràng. Nguyên nhân của hội chứng này là do biến đổi nhiễm sắc thể số 15. Chính sự biến đổi di truyền này đã ảnh hưởng tới vùng dưới đồi trong não bộ của trẻ, dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn và nguy cơ béo phì. Như vậy, rõ ràng yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng tới cân nặng của trẻ.
5. Nguyên nhân bệnh lý
Khoảng 20% trẻ em thừa cân, béo phì do nguyên nhân bệnh lý. Ví dụ như u não, tổn thương não sau phẫu thuật, chấn thương sọ não, các bệnh lý nội tiết (suy giáp, cường vỏ thượng thận, thiếu hormone tăng trưởng…) hoặc do sử dụng thuốc kéo dài (corticoid, depakine). Các vấn đề sức khỏe thực thể này kích thích cảm giác thèm ăn hoặc làm rối loạn trung tâm điều hòa ăn uống khiến cân nặng của trẻ tăng cao khó kiểm soát.
Đau đầu, nhìn mờ, vàng da, chậm phát triển vận động – trí tuệ, rậm lông, kinh nguyệt bất thường… là những dấu hiệu gợi ý nguyên nhân bệnh lý. Bạn cần cảnh giác với những triệu chứng bất thường này ở trẻ thừa cân, béo phì để kịp thời phát hiện và đưa trẻ đi khám.
Thừa cân, béo phì ở trẻ em là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng toàn cầu và sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai. Hiểu rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng cân không kiểm soát ở trẻ em sẽ giúp bạn lên kế hoạch phòng ngừa tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000383.htm
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4673034/
Xem Thêm: