Yếu tố gene và tình trạng béo phì ở trẻ em
Béo phì là tình trạng cơ thể trẻ tích tụ mỡ dư thừa bất thường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này, trong đó gene là yếu tố ngày càng được các nhà khoa học và nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Liệu yếu tố di truyền có dự báo được nguy cơ béo phì ở trẻ em không? Liệu gene ảnh hưởng ít hay nhiều tới tình trạng tăng cân khó kiểm soát của trẻ? Các chuyên gia của Genetica sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề này.
Có gene quy định tình trạng béo phì không?
Trước đây, chế độ dinh dưỡng và vận động là 2 yếu tố quan trọng hàng đầu khi nhắc tới nguyên nhân béo phì. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ béo phì tăng cao đột biến ở những trẻ có bố mẹ béo phì cũng như sự giống nhau về tình trạng dư thừa cân nặng ở các cặp song sinh cùng trứng. Chính điều này đã dẫn tới câu hỏi “Liệu có gene nào quy định nguy cơ béo phì trên cơ thể người hay không?”.
Câu trả lời đã được làm sáng rõ sau khi các chuyên gia di truyền tiến hành nghiên cứu toàn bộ hệ gen của người. Khoảng 97 gene đã được tìm thấy liên quan đến tình trạng béo phì như FTO, MC4R, LEP, INSIG2, PCSK1.... Các gene này ảnh hưởng tới cảm giác thèm ăn của trẻ, khiến trẻ luôn cảm thấy đói, từ đó không kiểm soát được lượng đồ ăn đưa vào cơ thể. Một số gene lại kích thích cơ thể trẻ hấp thu chất béo trong thực phẩm và phát triển mô mỡ. Vì vậy, nếu trẻ có những gene này, nguy cơ thừa cân, béo phì trong tương lai sẽ tăng lên.
►► Xem Ngay: Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em bố mẹ nên biết
Yếu tố gene ảnh hưởng như thế nào tới tình trạng béo phì ở trẻ em?
Theo các chuyên gia Y học, béo phì là bệnh lý đa yếu tố, tức là chịu ảnh hưởng của cả nguyên nhân di truyền bẩm sinh và các tác động của môi trường. Theo Tiến sĩ Ruth Loos của trường Đại học Y khoa Mount Icahn tại New York, yếu tố di truyền đóng góp 50% vào khuynh hướng khó kiểm soát cân nặng của trẻ. 50% còn lại phụ thuộc vào chế độ ăn và tần suất hoạt động thể chất. Điều đó có nghĩa là không phải cứ có gene quy định béo phì thì chắc chắn trong tương lai trẻ sẽ mắc phải bệnh lý này.
Hơn nữa, tính di truyền đối với tình trạng béo phì do rất nhiều gene quy định. Để xác định chính xác nguy cơ béo phì của trẻ, cần tổng hòa tất cả các gene này để tính toán điểm số đa gen (GPS – Genome-wide Polygenic Scores).
Một nghiên cứu trong năm 2019 trên gần 120.000 người cho kết quả: những người có điểm số đa gen GPS cao có nguy cơ béo phì nặng gấp 25 lần người có GPS bình thường. Tuy nhiên, khi so sánh BMI của những người có GPS cao, chỉ có 83% bị thừa cân, béo phì. 17% còn lại là những người có cân nặng trong giới hạn bình thường, thậm chí 0,2% trong số đó bị nhẹ cân. Nghiên cứu này đã chứng minh yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng đối với nguy cơ béo phì. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đồng thời khẳng định gene không phải nguyên nhân duy nhất quyết định trẻ có mắc béo phì hay không.
►► Có Thể Bạn Quan Tâm: Thừa cân, béo phì ở trẻ em có nguy hiểm không?
Có nên xét nghiệm gene để xác định nguy cơ béo phì ở trẻ em không?
Xét nghiệm gene để xác định nguy cơ béo phì ở trẻ em ngày càng được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới như Phần Lan, Anh, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp…
Lợi ích khi xét nghiệm gene béo phì cho trẻ
Xét nghiệm gene cho trẻ giúp bố mẹ xác định được nguy cơ sức khỏe sau này của trẻ. Sở dĩ như vậy vì béo phì dẫn đến rất nhiều bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, hen phế quản, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ… Thậm chí, nguy cơ mắc các bệnh lý ung thư cũng tăng rất cao ở những người thừa cân, béo phì.
Sau khi xác định được nguy cơ sức khỏe trong tương lai của trẻ, bố mẹ có thể thay đổi và xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp để phòng tránh tối đa bệnh tật. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt, các món chiên rán, thức uống có ga cũng như huấn luyện trẻ cách kiểm soát hành vi ăn uống. Bố mẹ cũng nên khuyến khích và cùng trẻ tham gia các hoạt động thể chất để tăng cường tiêu hao năng lượng dư thừa.
►► Xem Thêm: Gen di truyền (ADN) là gì? Những lợi ích của xét nghiệm đột biến gen
Thời điểm nên xét nghiệm gene béo phì cho trẻ
Khi theo dõi 7.861 trẻ em từ lúc sơ sinh tới 18 tuổi, các nhà khoa học tại Anh đã phát triển điểm số đa gen GPS ảnh hưởng rõ ràng nhất tới cân nặng của trẻ từ sau năm 8 tuổi. Tức là trẻ có gene béo phì hoàn toàn phát triển thể chất bình thường trước giai đoạn tiểu học. Tuy nhiên, sau đó, nguy cơ thừa cân, béo phì sẽ tăng cao rõ rệt. Một nghiên cứu khác tại Phần Lan khẳng định khả năng dự đoán nguy cơ sức khỏe trong tương lai của gene béo phì chính xác nhất ở trẻ dưới 6 tuổi.
Từ đó, bạn có thể hiểu rằng nên xét nghiệm gene béo phì cho trẻ càng sớm càng tốt. Trước giai đoạn tiểu học là thời điểm xét nghiệm gene phù hợp vì độ chính xác cao. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thời gian chuẩn bị và cùng trẻ xây dựng thói quen ăn uống, vận động hợp lý để kìm hãm nguy cơ béo phì tối đa.
Gene là một trong những yếu tố quan trọng quyết định nguy cơ béo phì của trẻ. Xét nghiệm gene cho trẻ để dự đoán các vấn đề sức khỏe trong tương lai sẽ giúp bố mẹ xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động thể chất khoa học, từ đó bảo vệ trẻ tối đa khỏi các bệnh lý nguy hiểm.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cdc.gov/genomics/resources/diseases/obesity/obesedit.htm
- https://www.cell.com/cell/fulltext/S0092-8674(19)30290-9
- https://www.scientificamerican.com/article/a-genetic-risk-score-tries-to-predict-whether-a-child-will-become-obese/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28620069/