So sánh tiểu đường type 1 và type 2
Theo thống kê của Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF), hiện nay trên thế giới có khoảng 425 triệu người bị tiểu đường, nghĩa là cứ 11 người thì 1 người bị bệnh. Tại Việt Nam, cứ 7,5 người thì có 1 người bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.
Việc chẩn đoán và quản lý tiểu đường là hết sức cần thiết, giúp làm tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh, trong đó một trong những việc quan trọng cần làm là hiểu rõ về 2 loại tiểu đường phổ biến: tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2.
1, Yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, khoảng 90 – 95% người mắc tiểu đường là tiểu đường type 2. Sự chênh lệch này một phần có thể do các yếu tố nguy cơ khác nhau của 2 loại tiểu đường này.
Tiểu đường type 1 phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố không thay đổi được: tiền sử gia đình, tuổi và gene. Theo nhiều báo cáo được ghi nhận, nếu bạn có những triệu chứng của bệnh tiểu đường ở dưới độ tuổi 30, nhiều khả năng bệnh của bạn là tiểu đường type 1.
Bên cạnh đó, nếu gia đình có người mắc tiểu đường type 1, nguy cơ tự phát triển bệnh này cũng cao hơn. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã phát hiện một số gene làm tăng nguy cơ của tiểu đường type 1.
Đối với tiểu đường type 2, ngoài các yếu tố không thay đổi được như tiền sử gia đình, tuổi thì nguy cơ mắc bệnh còn đến từ các yếu tố có thể thay đổi được như thể trạng, chế độ dinh dưỡng và chế độ tập luyện. Những người có người thân trong gia đình mắc tiểu đường type 2 cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Tương tự, tiểu đường type 2 cũng thường gặp ở những người trên 45 tuổi. Các yếu tố như thừa cân, béo phì, chế độ ăn nhiều tinh bột, ít chất xơ, chế độ sống tĩnh tại ít vận động đều là yếu tố nguy cơ của tiểu đường type 2.
2, Biểu hiện, triệu chứng phổ biến của tiểu đường
Biểu hiện phổ biến của tiểu đường type 1 và type 2 đều là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, khát nhiều. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện như mệt mỏi, nhìn mờ hay những vết thương nhỏ lâu liền hơn.
Sự khác biệt ở đây là vởi tiểu đường type 1, các triệu chứng này diễn ra một cách nhanh chóng và rầm rộ, nhưng với tiểu đường type 2, thường các triệu chứng sẽ diễn ra chậm và âm ỉ. Có những trường hợp tiểu đường type 2 không có triệu chứng nên rất khó để phát hiện.
Một sự khác biệt khác có thể nhắc đến là người tiểu đường type 2 đa phần sẽ có thể trạng thừa cân, béo phì; trong khi người tiểu đường type 1 thường bị sút cân và gầy nhiều.
3, Các cách phòng tránh bệnh tiểu đường
Do phụ thuộc nhiều vào các yếu tố không thể thay đổi, nên tiểu đường type 1 gần như không có cách để phòng tránh. Đối với tiểu đường type 2, hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh hơn, bao gồm quản lý cân nặng, thay đổi chế độ ăn và có chế độ tập luyện phù hợp.
Nguy cơ mắc tiểu đường type 2 là cao hơn ở những người có thể trạng thừa cân, béo phì. Vì vậy, duy trì cân nặng ở mức lý tưởng là điều bạn nên làm. Hãy theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) của mình thường xuyên.
BMI được tính bằng cách lấy cân nặng (tính bằng kilogram) chia cho bình phương của chiều cao (tính bằng mét). BMI của nam được khuyến cáo nên giữ ở mức 22, và BMI nên là 21 đối với nữa. Tuy nhiên, nếu BMI của bạn trong ngưỡng từ 18,5 đến 23 nghĩa là bạn đang có thể trạng phù hợp.
Bệnh tiểu đường type 2 thường xuất phát do ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ dầu mỡ và thiếu chất xơ. Vì vậy, hãy giảm bớt các loại đồ ngọt, đồ dầu mỡ trong khẩu phần ăn như đường, các loại bánh kẹo ngọt, đồ uống có ga, các đồ chiên rán nhiều. Hãy luôn đảm bảo có rau xanh và hoa quả trong các bữa ăn của mình, kể cả bữa sáng.
Lối sống tĩnh tại, ít vận động thể dục là nguyên nhân của không chỉ tiểu đường type 2 mà còn của nhiều bệnh lý về tim mạch, ung thư khác. Vì vậy hãy đảm bảo duy trì tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút mỗi ngày và 5 ngày trong tuần.
4, Phương pháp điều trị tiểu đường
Đối với tiểu đường type 2, bên cạnh việc sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết, việc đảm bảo một chế độ ăn hợp lý và hoạt động thể lực đầy đủ là vô cùng quan trọng. Nhiều báo cáo còn chỉ ra rằng, tiểu đường type 2 hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp mà không cần phụ thuộc vào thuốc.
Tuy nhiên, bạn vẫn cần theo dõi đường huyết thường xuyên và đi khám định kỳ để kiểm tra, tránh đường máu tăng quá mức gây các biến chứng.
Tiểu đường type 1 là bệnh lý phụ thuộc vào insulin, nên phương pháp điều trị duy nhất là sử dụng insulin theo khuyến nghị của bác sỹ. Tuy nhiên một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp vẫn sẽ giúp người bệnh có cuộc sống lành mạnh hơn.
Mặc dù tiểu đường type 1 và type 2 có nhiều điểm khác biệt, nhưng việc có một lối sống phù hợp vẫn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa cũng như kiểm soát căn bệnh này. Quản lý cân nặng, chế độ ăn giàu chất xơ, ít đồ ngọt và tập thể dục thường xuyên chính là chiếc chìa khóa vàng giúp bảo vệ cho sức khỏe của bạn!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/difference-between-type-1-and-type-2-diabetes#prevalence
- https://www.diabetes.org.uk/diabetes-the-basics/differences-between-type-1-and-type-2-diabetes
- https://www.cdc.gov/diabetes/pdfs/data/statistics/national-diabetes-statistics-report.pdf