Các giai đoạn của Ung thư vú và phương pháp điều trị
Ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm và phổ biến hàng đầu đối với chị em phụ nữ trên toàn thế giới. Bệnh ung thư vú bao gồm những giai đoạn nào, phương hướng điều trị ra sao và có thể sống thêm bao lâu là điều mà tất cả bệnh nhân và người nhà đặc biệt quan tâm. Cùng Genetica tìm hiểu nhé!
1, Các giai đoạn của Ung thư vú
Xác định giai đoạn của bệnh là một yếu tố tiền đề rất quan trọng. Bởi lẽ giai đoạn càng sớm, tiên lượng càng tốt, khả năng chữa khỏi càng cao và thời gian sống thêm càng dài. Hiện nay, ung thư vú được chia làm 5 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 0: Tiền ung thư. Đây là giai đoạn sớm nhất của bệnh ung thư vú, các tế bào bất thường bắt đầu xuất hiện trong các ống dẫn sữa, chưa có tính xâm lấn nên chưa lan (di căn) sang các mô xung quanh.
- Giai đoạn I: Xâm lấn. Là giai đoạn đầu tiên của quá trình xâm lấn, lúc này các tế bào ung thư đã lan rộng ra các mô vú xung quanh. Khối u ác tính cũng bắt đầu hình thành ở giai đoạn này, với kích thước nhỏ hơn 2cm và chưa lan ra phạm vi ngoài vú.
- Giai đoạn II: Phát triển. Ung thư vú giai đoạn 2 có sự phát triển khối u tương đối nhanh, kích thước lớn từ 2-5cm và bắt đầu di căn đến hạch bạch huyết.
- Giai đoạn III: Lan rộng. Từ giai đoạn này, ung thư vú đã phát triển mạnh, lan rộng đến các mô xung quanh vú, chẳng hạn như da, cơ bắp hay xương đòn, xương ức.
- Giai đoạn IV: Di căn. Đây là giai đoạn phát triển cuối cùng của ung thư vú, đặc trưng bởi sự di căn mạnh mẽ đến các cơ quan trong cơ thể như: não, gan, xương, phổi,... Ở giai đoạn này, bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong trong 5 năm tính từ lúc phát hiện bệnh.
►► Xem Ngay: Nguyên nhân, biểu hiện và biện pháp phòng tránh Ung thư vú
2, Phương pháp điều trị ung thư vú
Tùy vào giai đoạn bệnh cũng như thể trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ xác định các phương pháp điều trị phù hợp với từng trường hợp. Một người có thể được điều trị bằng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.
Các phương pháp điều trị ung thư vú hiện nay bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, liệu pháp hormone, điều trị đích và liệu pháp miễn dịch.
Cụ thể các phương pháp điều trị có vai trò như sau:
- Phẫu thuật: loại bỏ khối u, hạch bạch huyết hoặc toàn bộ vú. Trường hợp xấu nhất cần loại bỏ cả 2 vú khi có nguy cơ rất cao mắc ung thư ở bên vú còn lại.
- Xạ trị: sử dụng các chùm năng lượng cao để ngăn chặn khối u ác tính phát triển và di căn. Xạ trị thường được chỉ định khi đã cắt bỏ khối u. Sau xạ trị, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, đỏ da, sạm da,...
- Hóa trị: các hóa chất dạng uống và tiêm truyền sẽ tiêu diệt tế bào ung thư ở khắp cơ thể. Nếu khối u của bạn đã di căn, điều trị hóa chất là biện pháp cần thiết để kiểm soát ung thư và giảm triệu chứng mà ung thư gây ra. Tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc vào từng loại thuốc, thường gặp nhất là rụng tóc, buồn nôn, nôn, mệt mỏi,...
- Liệu pháp hormone: hay còn gọi là liệu pháp ngăn chặn hormone, được điều trị với loại ung thư vú nhạy cảm với hormone. Liệu pháp hormone thường được kết hợp với phương pháp điều trị khác nhằm kiểm soát các tế bào ung thư hoặc giảm nguy cơ tái phát.
- Điều trị đích: đây là phương pháp điều trị mới, có hiệu quả tốt với cơ chế là tìm kiếm chính xác và tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời giữ lại các tế bào khỏe mạnh. Sử dụng phương pháp này có thể giảm đau đớn cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, chỉ có một số bệnh nhân có gen đặc hiệu mới được chỉ định phương pháp này.
- Liệu pháp miễn dịch: thêm một phương pháp điều trị tiên tiến cho bệnh nhân ung thư vú. Liệu pháp này thúc đẩy các tế bào miễn dịch trong cơ thể nhận diện tế bào ung thư, sau đó tiêu diệt chúng. Liệu pháp miễn dịch có thể là một lựa chọn nếu bạn bị ung thư vú bộ ba âm tính.
►► Xem Ngay: Đột biến Gen BRCA1 & BRCA2 gây nguy cơ ung thư vú
3, Tiên lượng của ung thư vú
Nhìn chung, tiên lượng của ung thư vú là khá tốt nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị ở những giai đoạn sớm, khi khối u ác tính chưa di căn.
Bệnh nhân mắc ung thư vú nếu được điều trị ở giai đoạn tiền ung thư có tỷ lệ sống sót rất cao, thậm chí có thể chữa khỏi hẳn. Tiên lượng của bệnh ở các giai đoạn sau giảm dần xuống. Ở giai đoạn 1, tỷ lệ sống thêm 5 năm ở bệnh nhân ung thư vú là 92%, 85% ở giai đoạn 2, 67% ở giai đoạn 3. Và nếu phát hiện ra bệnh ở giai đoạn 4 thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng hơn 20%.
►► Xem Ngay: Bệnh ung thư có tính di truyền không?
Như vậy, phát hiện sớm và điều trị kịp thời là biện pháp quan trọng và cần thiết giúp bạn thoát khỏi ung thư vú. Bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa, hãy đi khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nào khiến bạn nghi ngờ. Nếu không may bạn hay người thân đang phải chiến đấu với ung thư vú, hãy vững tin vào các phương pháp điều trị khoa học và tập trung bồi bổ sức khỏe để chiến thắng căn bệnh quái ác này nhé!
Tài liệu tham khảo: