Dấu hiệu nhận biết và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, cho dù bạn mang thai ở tuổi đôi mươi hay tứ tuần, cho dù trước đây bạn gầy hay béo.
Đỗ Hạnh Trang
Tác giả bài viết: Đỗ Hạnh Trang. Bác sĩ tham vấn: BS.CKII Ngô Thế Phi22/07/2021

Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế ước tính cứ 6 trẻ ra đời thì có 1 trẻ được sinh ra từ bà mẹ mắc tiểu đường thai kỳ. Theo thống kê tại Việt Nam, trong năm 2017 có khoảng 20,9% bà bầu phải đối mặt với vấn đề sức khỏe nguy hiểm này. Vậy làm cách nào để bạn xác định được mình có bị tăng đường huyết trong 9 tháng mang thai hay không? Genetica sẽ giải đáp cho bạn trong bài viết hôm nay.


1, Yếu tố nguy cơ của tiểu đường thai kỳ

Bạn có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ nếu có một trong số những yếu tố dưới đây.

  • Tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc rối loạn dung nạp glucose: Nếu bạn đã từng được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước đây thì nguy cơ tái phát bệnh trong lần mang thai tiếp theo là 40%. Nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cũng tăng lên khi bạn có tiền sử rối loạn dung nạp glucose trước khi có bầu.
  • Từng sinh con nặng hơn 4kg: Tiền sử sinh con có cân nặng lớn là một yếu tố dự báo quan trọng về nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ của bạn.
  • Mẹ trên 35 tuổi: Phụ nữ càng lớn tuổi, nguy cơ mắc tiểu đường khi mang thai càng cao. Bên cạnh đó, các biến chứng khác như dị tật bẩm sinh, sinh non, đẻ khó, tiền sản giật, sảy thai… cũng tăng song hành cùng độ tuổi của mẹ.
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang: Hội chứng buồng trứng đa nang không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nữ giới mà còn tăng tỷ lệ mắc tiểu đường thai kỳ. Mặt khác, nếu bạn vừa mắc hội chứng buồng trứng đa nang vừa bị tiểu đường thai kỳ thì những biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp, tiền sản giật cũng nghiêm trọng hơn nhiều lần. 
  • Béo phì hoặc tăng cân quá mức trong thai kỳ: Chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30 là một yếu tố nguy cơ quan trọng của tiểu đường thai kỳ. BMI được tính theo công thức: cân nặng chia cho bình phương chiều cao, trong đó cân nặng tính theo kilogram, chiều cao tính theo mét. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi bạn thừa cân, béo phì, các tế bào trong cơ thể bạn trở nên đề kháng với insulin. Hậu quả là con đường dẫn tới bệnh lý tiểu đường bị rút ngắn lại rất nhiều. 

Bên cạnh đó, khi so sánh những phụ nữ mang thai tăng 0,41 kg/ tuần với những người chỉ tăng 0, 27 kg/ tuần, các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ tăng lên 1,74 lần. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất để lật đổ quan điểm xưa cũ “càng tăng cân nhiều càng tốt”.

Dấu hiệu nhận biết và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Nguồn: Shutterstock

Tiền sử gia đình và chủng tộc: Bố mẹ, anh chị em ruột mắc tiểu đường cũng là một yếu tố dự báo về nguy cơ tăng đường huyết trong thai kỳ của bạn. Ngoài ra, tỷ lệ tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng ở nhóm phụ nữ châu Mỹ gốc Phi hoặc Tây Ban Nha, Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương.

Nếu bạn có một hoặc một vài yếu tố nguy cơ cao kể trên, hãy thông báo với bác sĩ ngay trong lần khám thai đầu tiên. Khi đó, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp cũng như lên kế hoạch theo dõi, xét nghiệm phù hợp cho bạn.

►► Xem Ngay: Các biến chứng của bệnh tiểu đường: Những hiểm họa khôn lường

2, Dấu hiểu, biểu hiện khi mắc tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ thường không có dấu hiệu rõ rệt, nhất là trong giai đoạn đầu. Chỉ khi nồng độ đường máu tăng cao và kéo dài, triệu chứng mới rõ ràng hơn. Lúc này, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, khô miệng, khát nước. Dấu hiệu ăn nhiều, tiểu nhiều của đái tháo đường thai kỳ cũng rất mơ hồ và khó phân biệt với biểu hiện bình thường khi mang thai.

Dấu hiệu nhận biết và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Nguồn: https://www.parkwayeast.com.sg/healthplus/article/gestational-diabetes

3, Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tính mạng và sức khỏe của cả mẹ và con. Tuy nhiên, căn bệnh này có biểu hiện mơ hồ, rất khó nhận biết. Đó chính là lý do Trung tâm Kiểm soát và Dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai cần xét nghiệm để sàng lọc bệnh lý này.

Quy trình xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ

Trong lần khám thai lần đầu tiên ở 3 tháng đầu thai kỳ, bạn sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra đường huyết. Nếu kết quả bất thường, bạn sẽ được chẩn đoán là tiểu đường mang thai (khác với với tiểu đường thai kỳ) và được điều trị bởi các chuyên gia nội tiết.

Nếu kết quả bình thường, bạn sẽ được sàng lọc lần hai vào tuần thai 24 – 28. Lý do là bởi, sự đề kháng insulin của tế bào trong cơ thể mẹ mạnh mẽ nhất vào 3 tháng cuối thai kỳ.

Đây chính là thời điểm nồng độ glucose trong máu mẹ tăng cao nhất nên việc phát hiện bệnh dễ dàng và chính xác hơn. Tuy nhiên, nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao, bạn có thể được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm này sớm hơn.

Trước khi làm xét nghiệm 3 ngày, bạn vẫn ăn uống bình thường, không cần kiêng khem. Nhưng trước thời điểm làm xét nghiệm 8 tiếng, bạn sẽ không được ăn uống bất kỳ thứ gì, kể cả sữa và nước hoa quả. Bước chuẩn bị này giúp kết quả xét nghiệm của bạn chính xác nhất.

►► Xem Ngay: Đái tháo đường type 2 là gì? Triệu chứng, biến chứng và nguyên nhân

Có hai phương pháp xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ: kiểm tra 1 bước hoặc 2 bước. Các quốc gia khác nhau sẽ lựa chọn và áp dụng một trong hai phương pháp này. Hiện tại, Việt Nam đang sử dụng phương pháp xét nghiệm 1 bước theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới. 

Lúc bắt đầu, bạn sẽ được lấy máu để xét nghiệm đường huyết lúc đói. Sau đó, bạn sẽ uống 200ml nước chứa 75g glucose. Lưu ý, bạn cần uống chậm trong 3 – 5 phút và không ăn uống trong thời gian chờ đợi xét nghiệm. Tiếp theo, bạn sẽ được lấy máu thêm 2 lần nữa: 1 tiếng và 2 tiếng sau khi uống cốc nước.

Dấu hiệu nhận biết và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Đọc hiểu kết quả xét nghiệm sàng lọc

Kết quả xét nghiệm của bạn bất thường là khi có 1 trong 3 dấu hiệu sau:

  • Đường huyết lúc đói: 5,1 – 6,9 mmol/L (92 – 125 mg/dL)
  • Đường huyết sau 1 giờ uống nước đường: ≥ 10 mmol/L (180 mg/dL)
  • Đường huyết sau 2 giờ uống nước đường: 8,5 – 11 mmol/L (153 – 199 mg/dL)

Nếu kết quả bình thường, bạn nên tiếp tục duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và tuân thủ lịch khám thai định kỳ. Còn nếu bạn được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn chế độ điều trị và quản lý thai nghén phù hợp.

Tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, cho dù bạn mang thai ở tuổi đôi mươi hay tứ tuần, cho dù trước đây bạn gầy hay béo. Vì thế, cách tốt nhất để bạn phát hiện kịp thời và hạn chế tác hại của căn bệnh này là xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chia sẻ bài viết
Chia sẻ lên Facebook

Chăm sóc khách hàng

Để lại thông tin, Genetica® sẽ liên hệ trong vòng 24h.
Số điện thoại

Tổng đài hỗ trợ: 1900 599 927

Ứng dụng Genetica
Hơn 1000 báo cáo chuyên sâu về bạn
ngay trong lòng bàn tay
Tải ứng dụng ngay
1/3